Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Bức ảnh tư liệu quý về CMT8 (KQ)


Nhớ hôm cùng cánh làm phim CMT8 đến lấy tư liệu, chú Nguyễn Đồng Thoại bảo: "Không phải con thầy tao dẫn đến thì đừng hòng quay nhé. Vì chú già rồi, đâu có cần lên sóng làm gì". Hôm sau đến xin chụp lại tấm ảnh này, chú bảo: "Cứ cầm về". Tôi bảo: "Cháu chỉ chụp lại, còn bản gốc chú giữ".
... Hè 1945, mới 13 tuổi, chú thi đỗ thủ khoa vào Trường Bưởi. Đúng ngày 17/8/1945,  vì hiếu kì tò mò mà đi bộ lên tận Nhà hát Lớn xem cuộc mít-tinh của công nhân viên chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh và UBKNHN đã biến cuộc mít-tinh này thành cuộc tuần hành, biểu dương lực lượng của dân chúng HN ủng hộ Việt Minh.
Việt Minh đã cướp diễn đàn chiều ngày 17/8/1945. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng
(cánh Dân chủ Đảng) đang đọc hiệu triệu ủng hộ Việt Minh.
Chú kể: "Hôm ấy từ Hòa Mã lên Nhà hát Lớn, tao mặc bộ áo dài đen (áo bố mẹ mua cho để chuẩn bị vào trường, thế là lịch sự lắm!). Tao cố len vào sát bên trong nhưng bị cản lại. Vừa thấy cờ 3 sọc vàng bị kéo xuống, thay bằng cở đỏ sao vàng (sau mới biết là ông Trần Lâm của Dân chủ Đảng thả lá cờ này từ ban-công phòng gương trên gác 2) thì nghe giọng nữ HN, yêu cầu mọi người ổn định trật tự và ủng hộ Việt Minh.
Sau đó là nghe giọng phụ nữ Huế rất nhẹ nhàng: "Từ nay dân ta không còn sống kiếp nô lệ, chị em phụ nữ được bình đẳng...". Ấn tượng suốt đời vì giọng nói và câu nói này. Giữa lính Bảo an, mật thám với súng ống đầy mình mà chị ấy không hề sợ hãi. Sau mới biết là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, của nhóm Việt Minh của Dân chủ Đảng...".
Chú chỉ tay lên tấm ảnh: "Bà Hồng là người phụ nữ mặc áo dài đây. Người ta đánh dấu "X" trên ảnh và chú thích "Nguyễn Đồng Thoại 17-8-1945" nhưng không phải vì chú nhớ phía trước mặt mình là mấy tay Scout (Hướng đạo sinh) đội mũ ka-ki 4 góc, mặc quần soóc".
Ngay sau đó, chú bị cuốn vào đoàn người đi tuần hành từ quảng trường, ra Bờ Hồ, lên chợ Đồng Xuân rồi Phủ Toàn quyền về Cửa Nam. Lính bảo an, mật thám không dám làm gì, thậm chi còn mang súng đi bảo vệ đoàn tuần hành.
Gặp trời mưa lớn nhưng vẫn đội mưa đi. Khi đến gầm cầu, thấy mưa có mấy người chạy vào trú đã bị bà con lôi ra, định tẩn cho 1 trận: "Có mưa tí thế này đã sợ thì theo Việt Minh thế nào được?".
Khi từ Bờ Hồ trở về nhà, chú nhớ mãi hình ảnh, có cụ già khoảng 70 tuổi, đầu đội khăn xếp, râu tóc ướt luốt thướt, đi dọc theo phố Huế, cứ được 1 đoạn lại quay lại vung tay lên rồi hô: "Ủng hộ Việt Minh! Ủng hộ Việt Minh!". Đúng là 1 ngày hội của quần chúng.
Cũng vì gặp mưa mà khi về nhà chú bị đau mắt đỏ. Vì thế ngày 19/8 không lên Nhà hát Lớn được. Cứ tiếc mãi.
... Thật là 1 tư liệu quý!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Năm 1978 tạp chí Sông Hương(thuộc hội nhà văn Bình Trị Thiên) của Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tịch thu và bị "kỷ luật" vì đăng hồi ký của nhạc sỹ Văn Cao ,trong đó, đoạn nói về sự kiện 17/8/1945 tại nhà hát lớn HN có kể rằng người đu dây từ tầng một nhà hát xuống tiền sảnh,cướp micro ,tuyen bố chuyển diễn đàn cho Việt Minh rồi hát vang bài Tiến Quân Ca,chính là ca sỹ-nhạc sỹ Phạm Duy,bạn thân của Văn Cao,cũng là người đầu tiên xướng âm bản Quốc Ca tương lai khi nó vừa ra đời trên căn gác trọ của Văn Cao