Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

ỄNH ƯƠNG TO MỒM (Duy Đảo)

Tính tôi vốn hiền lành, quý bạn bè và thích được gặp gỡ chia sẻ. Càng lớn và nhất là khi đã “về già”, cuộc sống tạm gọi là ổn định thì nhu cầu đó càng trở nên khao khát hơn. Bạn bè có nhiều. Có người tôi rất quý, có người mình rất trọng… nhưng sướng nhất là những người  “bạn thân” là anh, là thầy, là em … mà khi bên họ mình được giãi bày, được tâm sự, được nghe, được học … mà chẳng phải e dè giữ kẽ, được sống thật với chính con người mình.

*
Tôi ngại những chỗ “lùm xùm”, gặp những chỗ ấy tôi thường hay né. Tôi không thích những gì làm mình phải đau đầu, tôi không thích những gì làm cho bạn bè mình phải buồn. Không thích thì thôi, tôi né tôi không chơi, chỉ đơn giản vậy thôi.
Đã từ lâu, sau những chuyện cư xử với nhau không mấy đẹp trên blog  (thực ra chỉ một vài bloger). Chả hiểu vì lý do gì? Chả nuôi nhau được ngày nào, chả cầu cạnh nhờ vả gì nhau, thuần là một hội đầu trọc, mắt  toét, chân đất phó thường dân như nhau cả; vậy mà cứ làm cho nhau phải buồn thì nghĩ cũng lạ thật.
Bạn bè làm nên ông nọ bà kia, mừng cho bạn; thế mà cũng hậm hực thằng này, tay nọ… Tại sao vậy nhỉ? Văn hoá đâu rồi, kiến thức đâu rồi, tình người đâu rồi…??? Hắn không bằng mình ư! Nhưng sao mình chỉ thế này thôi! Bất công quá giời ơi!
Hãy thử làm đi! bất cứ công việc gì cũng vậy thì sẽ biết. Tôi chưa bao giờ dám làm một cái gì nhưng tôi nghĩ không phải ai muốn cũng đều làm được. Phải có tài, có tâm, có năng khiếu… và phải có cả “xìn” nữa, thậm chí phải mất nhiều “xìn” là đằng khác. Vợ con nhiều khi chưa hiểu, còn buồn bực dằn “vặt” đến không còn cọng lông nào trên người.
Hôm qua, có điện thoại của anh Kiến Quốc từ HN. Rồi anh chuyển máy cho một người khác: “Nghe nhé! Xem có nhớ ai không?”.
Chịu! Cũng đoán là bác Ngân nhưng bác ở tận trời Âu cơ mà? Thì ra là bác Ngân thật, bác mới về nước. Bác có hỏi sao dạo này “ im ắng” thế chả thấy “tâm sự” gì?
*
Nhà tôi mang tiếng bây giờ là ở trung tâm thành phố mà lụt lội quanh năm. Bên cạnh nhà  có ông hàng xóm -Tư Đực. Ông là cựu chiến binh dân gốc ở đất Bình Qưới này. Hồi 1968, đánh đài phát thanh bị thương, chạy về được bà con dòng họ cất giấu. Sau đưa về Củ Chi rồi tổ chức đưa ra bắc điều trị và an dưỡng.
Ông ấy tâm sự với tôi: “Tao còn hai đứa con ngoài Bắc, một Thanh Hoá, một Ninh Bình - nơi hai trại an dưỡng tao ở lâu nhất. Tính giấu vợ, xén hai miếng đất cho hai đứa ngoài ấy mà nghĩ nát nước chưa ra cách. (Ông Tư được thừa kế, đất cũng khá). Ông nhờ tôi bày mưu, mà nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ở thành phố mà ông còn nuôi được cả bò.

Mấy hôm rồi trời mưa to, ễnh ương kêu váng trong vườn. Vợ tôi bảo: “Lại bò nhà ông Tư Đực sổng chuồng đi ăn đêm, làm hàng xóm mất cả ngủ”. Tôi ôm bụng cười rồi giải thích: “Giống ễnh ương to mồm, tưởng tiếng bò vậy thôi chứ người nó bé tí, chỉ như con nhái bén”. Nhái thì vợ tôi biết, nên nàng im. Thế rồi hai vợ chồng già ôm nhau ngủ tới sáng.   

Không có nhận xét nào: