T. là một cô gái trẻ chừng 20 tuổi. Hiền lành, lễ phép, đẹp thùy mị và trong trẻo. Em nhập viện vì một chứng cảm cúm thông thường. Chuyện tưởng chừng như không thể đơn giản hơn: hạ sốt, giảm đau, chút vitamin… nâng đỡ chờ ngày hết sốt và ra viện.
|
Người bác sĩ chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. |
Chiều hôm ấy, T. kêu nhức đầu. Điều dưỡng vừa cho uống một viên giảm đau thì T. đổ vật ra giường, ngưng thở và hoàn toàn mê man, đồng tử giãn rộng, mất phản xạ ánh sáng một bên. Thời đó chưa có CT, nhưng chẩn đoán thì không gì dễ hơn: chứng xuất huyết do vỡ mạch máu não, gây ngập máu chèn ép các mô não, làm tê liệt các trung tâm hô hấp, vận mạch ở thân não.
Cách duy nhất để duy trì sự sống thực vật cho T. là cho thở máy, duy trì những chức năng hô hấp- tuần hoàn tối thiểu để chờ người nhà đến nhìn mặt lần cuối.
Xuất huyết não không chừa ai cả. Đã có ít nhất hai người thầy đã dạy dỗ tôi, một người đổ gục xuống bàn siêu âm khi đang khám bệnh, một người quị xuống khi đang phát biểu trong một hội thảo tiêu hóa. Họ đột quị giữa rất nhiều đồng nghiệp y khoa, chắc chắn không thiếu sự cứu chữa khẩn trương. Và họ cũng không thắng nổi cái giới hạn của y khoa trong chứng xuất huyết não ngặt nghèo này.
Năm ấy tôi 30 tuổi, mà đến giờ này vẫn không quên được cái cảm giác bàng hoàng khi cắt máy thở, chấm dứt các biện pháp hồi sức cho một thiếu nữ đang xuân, tóc đen, môi hồng như đang ngủ. Nên tôi hiểu lắm các cảm giác sốc nặng, kinh khủng của người nhà trước sự ra đi đột ngột của một thành viên rất trẻ như thế.
Trường hợp thiếu nữ vừa qua đời ở bệnh viện Đà nẵng mà báo chí đưa tin trong những ngày qua cũng không nằm ngoài kịch bản quen thuộc và bi thảm của xuất huyết não. Khi máu đã chảy thành “hồ” trong nhu mô não, khi não thất đã “lụt” vì máu, khi những trung tâm hô hấp – tim mạch đã bị chèn ép và tê liệt, thì khả năng sống sót dù được cứu chữa tích cực bằng những biện pháp y khoa tối tân nhất gần như không có. Nói theo từ của dân trong nghề là “tiên lượng rất xấu” hay “không qua khỏi”.
Mà làm gì thì làm, trước mọi ca bệnh nặng, dân trong nghề cũng phải “giữ vững sinh hiệu”, bảo tồn những chức năng tối quan trọng để duy trì sự sống như mạch, huyết áp, hô hấp… rồi mới tính đến những biện pháp đặc hiệu khác. Theo tường trình của đồng nghiệp tôi từ bệnh viện Đà nẵng, như một thầy thuốc đã làm nghề hồi sức trong nhiều năm, tôi có thể hình dung ngay được tính khẩn trương khi cấp cứu ca bệnh này. Chỉ trong vòng một giờ, người bệnh được chuyển ngay từ khoa cấp cứu lên khoa hồi sức để thở máy, nâng đỡ hô hấp. Trong khoảng thời gian đó, các đồng nghiệp tôi đã cho chụp CT để xác định chẩn đoán xuất huyết não. Không bỏ lỡ một nỗ lực nào, họ còn cho chụp thêm một phim CT mạch máu khác để tìm thêm khả năng cứu sống bệnh nhân dù rất nhỏ nhoi là vỡ dị dạng mạch máu não, một bệnh lý có thể phẫu thuật được, dù khả năng thành công rất thấp (các phim CT này được chụp với dấu ghi nợ, trước khi người nhà đóng tiền, với ngày giờ còn ghi rành rành trên bệnh án và trên bản in phim).
Nhưng các thầy thuốc phẫu thuật thần kinh đã lắc đầu bó tay…
Rõ ràng, không một tòa án y khoa nghiêm túc nào có thể buộc tội hay lên án một qui trình cấp cứu chuẩn mực, nhanh chóng và đúng bài bản như thế. Có trách thì trách trời già cay nghiệt, bắt đi một sinh mạng còn rất trẻ như thế.
Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch.
Nhưng cũng rõ ràng không kém, là cái cảm giác ngao ngán khi đọc những thông tin ác ý từ báo chí, những bình luận đầy hỗn xược, đầy mạ lị dành cho những đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng. Những “bình luận gia” này không phải là dân y khoa, hẳn rồi, nên mới phê phán gay gắt, mau mắn như đúng rồi như thế. Nhưng từ đâu ra, xã hội chúng ta mang sẵn những định kiến đầy thù nghịch giữa công chúng và y giới như thế?
Câu trả lời chẳng đâu xa, nếu biết rằng trước năm 1975, Sài gòn có 3 triệu dân. Sau 40 năm “xây dựng và phát triển”, dân số Sài gòn đã vượt quá 10 triệu mà không hề có thêm một bệnh viện công lập nào khả dĩ to đẹp, đàng hoàng như bệnh viện Chợ Rẫy. Lại phải gánh thêm bệnh nhân các tỉnh đổ về.
Nên quá tải là phải! Nên phận người khi vào bệnh viện công phải chen chúc nằm đôi, nằm ba, nằm ngoài hành lanh, dưới gầm giường… Thật không bút mực nào tả xiết những thảm cảnh của người dân trong các bệnh viện thời nay, thật chẳng khác chi những trại tị nạn. Cả đôi bên, người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế, không ai không cảm thấy ngột ngạt, bức bối.
Đó là chưa kể những nhũng nhiễu, hạch sách của không ít thầy thuốc, làm cho bức tranh đã đen tối lại càng thê thảm hơn nữa.
Trong khung cảnh bức bối đó, và trên nền tảng của một xã hội đang mục nát về đạo đức, người ta không còn tin nhau nữa. Lòng trắc ẩn, tình đồng loại, sự chia sẻ, biết ơn… dễ dàng biến mất, nhường chỗ cho bạo lực, nghi hoặc, hung hãn. Nên mới có việc mẹ bệnh nhi tát vào mặt bác sĩ của con mình, nên mới có việc nhân viên y tế bị đâm chết, hay bị đổ xăng thiêu sống…
Chuyện kinh khủng như vậy, quả tình “xưa nay hiếm” dưới gầm trời nước Nam này!
Ở một thái cực khác, các quảng cáo theo kiểu “bệnh viện là khách sạn” cũng dẫn đến rất nhiều ngộ nhận: người ta đòi hỏi nhân viên y tế phải hầu hạ thay vì chăm sóc, phục dịch thay vì phục vụ, và tự cho mình cái quyền “muốn gì được nấy” ở bệnh viện. Người ta quên y khoa là một khoa học đòi hỏi sự chuyên nghiệp, và nhân viên y tế là những người chuyên nghiệp. Họ làm việc vì sự sống và sức khoẻ làm đầu, chứ không phải vì sự thoả mãn hay hài lòng của một vài cá nhân quá quắt. Dưới nhãn quan của công chúng, việc cột tay chân bệnh nhân vào giường là vô nhân đạo, phản cảm. Nhưng có ai hiểu cho nếu không làm vậy, con người sảng rượu kia sẽ bứt ngay dây oxy, dịch truyền, quậy phá tưng bừng…
Một ví dụ nhỏ vậy thôi, để thấy rằng đã đến lúc phải xây dựng lại nền tảng cốt lõi của y khoa là sự thấu cảm và tôn trọng nhau từ cả hai phía: bệnh nhân và thầy thuốc. Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch.
Xin thôi cho thói dậu đổ bìm leo, mắng nhiếc nhân viên y tế như một trào lưu.
Xin đừng hằn học với thầy thuốc vì những qui định hành chính về y tế. Họ không đẻ ra nó, mà là một hệ thống thừa ngàn tỷ để xây tượng đài nhưng không đủ tiền để chụp một tấm phim CT miễn phí hay ký nợ cho công dân của mình đang lâm trọng bệnh. Hệ thống đó thừa thì giờ, công sức để đẻ ra đủ thứ qui định răn dạy nhân viên của mình, nhưng chưa bao giờ đề cập đến một hỗ trợ tài chính, luật pháp để bảo vệ người thầy thuốc trước những tai nạn nghề nghiệp như đã xảy ra với đồng nghiệp tôi ở Đà nẵng.
Và xin cho chúng tôi, những người thầy thuốc, được hành nghề trong niềm vui và vinh dự của nghề nghiệp. Không vì hai điều ấy, y khoa là nghề nghiệp bạc bẽo và nhọc nhằn biết chừng nào!
BS. Lê Đình Phương
7 nhận xét:
Ở VN hiện nay, thứ xa xỉ nhất, hiếm hoi nhất chính là NIỀM TIN. Không có niềm tin, mọi việc đều được suy đóan theo hướng tồi tệ nhất. Cơ quan điều tra, Tòa án chỉ suy đoán theo hướng phạm tội, không suy đoán vô tội, và nếu nghi phạm không nhận tội thì đó là do ngoan cố và phải dùng các biện pháp kể cả vô nhân đạo nhất bắt phải nhận tội. Một trận bóng luôn được suy đoàn theo hướng đi đêm, đóng kịch, bán độ và người ta dễ dàng bôi tro trét trấu bất cần đúng sai. Nhưng nói cho cùng với tình trạng đạo đức xã hội nước ta hiện nay thì SUY ĐOÁN CÓ TỘI có xác suất đúng cao hơn SUY ĐOÁN VÔ TỘI. Người ta chứng kiến không ít người hôm trước vừa đăng đàn kêu gọi mọi người phấn đấu hy sinh, hôm sau vừa rời khỏi ghế thì đã nhơn nhơn biện minh TÔI CŨNG LÀ CON NGƯỜI, TÔI CŨNG PHẢI SỐNG, chỉ có điều đó lại là cuộc sống xa hoa trong một đất nước đói nghèo. Thật bất công cho những lương y tận tâm với người bệnh lại phải gánh chịu hậu quả của những kẻ vô trách nhiệm chỉ biết có tiền. Thật bất công cho những cán bộ tận tụy vì dân vì nước phải gánh chịu sự dè bỉu của người dân khi mà có quá nhiều đồng liêu tham nhũng. Không thể có vườn rau tươi tốt nếu không diệt trừ cỏ dại. Không thể có một xã hội tốt đẹp nếu vẫn còn đầy rẫy quan tham lại nhũng.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Ngành Y hãy lấy câu đó mà soi rọi mình. Tôi cho rằng, ngành Y và ngành Giáo dục đang mang trong mình một căn bệnh. Không biết các nhà xã hội học nói gì, kêu gọi gì và có hành động gì giúp cho Nhà nước để lãnh đạo Quốc gia. Tại sao các nhà xã hội học không đưa ra chỉ số hài lòng của người dân với ngành Y và ngành Giáo dục. Có con số cụ thể sẽ nói lên tất cả. Tôi cho rằng, hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào cũng đều có những "con chiên ghẻ". Tôi đã từng nghe những cái chết oan ức trong bệnh viện. Người ta nói rằng họ đã chết, song "không chịu chết".
Trước năm 1975, có bài viết "Sự ngộ nhận của xã hội và sự đóng góp của Y giới cho xã hội hôm nay". Tác giả bài viết đã không né tránh, mổ xẻ đến tận cùng những vấn đề gai góc ở đây. Lãnh đạo ngành Y và Nhà nước phải có hành động kịp thời, không để bùng nổ những phản ứng tự phát, quá khích làm bất ổn xã hội.
Con người ai cũng có lương tâm .Tuy nhiên lương tâm đó không được tôn thờ trong suốt 12 năm giáo dục phổ thông ,hay 5-7 năm đại học ( đó là lương tâm nghề nghiệp) !Hệ thống giáo dục mà đại biểu là thầy cô giáo chỉ muốn kiếm tiền học sinh thì lấy đâu ra đạo đức cuộc sống .Mỗi kỳ thi ,mỗi đợt bảo vệ tốt nghiệp sinh viên học viên phải "lo lót" thì liệu đó sẽ là một thầy thuốc chân chính ? Hệ thống quản lý y tế "chạy chọt" khủng khiếp thì họ cũng tìm cách bù lại chứ! Thế nên ,nghe đau lòng nhưng nó đúng thì phải nghe !nghe để sửa ! .Tôi cũng là một thầy thuốc ,cũng rất buồn khi thấy dư luận nêu những chuyện tắc trách trong ngành y .Nhưng đó là sự thật thì ta phải sửa.Khi mọi chuyện tốt lên thì dư luận ắt sẽ ủng hộ ngành y.
Thanh Trần
Bài viết hay quá ạ. Riêng bản thân cháu, vài lần phải gặp bác sĩ nhưng lần nào cũng gặp bác sĩ tốt, kể cả khi đó là người thân bị bệnh. Hiểu về bệnh và hiểu về khó khăn vất vả của mỗi nghề, sẽ thấy luôn trân quý nghề thầy thuốc.
(Cháu xin copy bài này, chú KQ nhé?)
OK, Viên Thạch!
Bài viết rất hay!
"Người ta có thể ban hành những qui chế máy móc và nực cười để dạy thầy thuốc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi bệnh nhân. Thì cũng nên ấn định những thái độ ứng xử đúng mực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Vì sẽ không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch".
Đọc đoạn này, người ta tự hỏi: Phải chăng, cha mẹ chưa từng dạy dỗ những người đang hành nghề Y, nên bây giờ lãnh đạo ngành Y tế mới thay mặt gia đình họ làm điều đó? Phải chăng, thái độ phục vụ của ngành Y đang có vấn đề nghiêm trọng? Chúng ta chỉ biết được chính xác qua một cuộc thăm dò chính xác của một tổ chức chuyên nghiệp và độc lập. Mọi người đều biết rằng, ngành Y có lời thề của Hippocrates và được cụ thể hóa bằng Qui ước đạo đức ngành y của Hiệp hội Y khoa Thế giới. Riêng ở VN, Bộ Y tế đã ban hành "12 điều Y đức". Như thế là quá đủ rồi. Nếu ngành Y thực hiện tốt thì tạo sao có thực trạng đáng buồn mà tác giả đã dẫn ra ở bài viết này. Câu nói "...không bao giờ có một nền y khoa nhân bản nào được hình thành từ thái độ du côn hay thù nghịch". Không một bác sĩ nào có tượng thần Hippocrates lại phát ngôn như vậy. Câu nói này cũng đủ làm cho nhân dân nổi giận rồi. Tôi nhớ trong tác phẩm "Đèn không hắt bóng" rất nổi tiếng của một bác sĩ Nhật Bản có viết rằng: "Muốn trở thành người thầy thuốc chân chính, học ngành Y chưa đủ mà còn phải biết Triết học, xã hội học, tâm lí học, đạo đức học, phải thuộc lòng những nguyên lý thực tiễn của Y khoa và khi cần, phải biết cách giúp bệnh nhân chết". Câu nói này có lẽ cũng bắt nguồn từ câu nói của các bậc tiền bối của ngành Y: "Thầy thuốc ơi! Chữa người bệnh chứ không phải chữa bệnh!", "Nơi nào không có ánh sáng mặt trời thì người thầy thuốc phải đi tới đó". Chỉ có "những thiên thần áo trắng" mới có những tư tưởng và hành động như vậy.
Đăng nhận xét