Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Du học, không đơn giản chỉ là xách vali lên và đi


Đã bao giờ bạn tính đến, hay chí ít là nghĩ đến những khó khăn mình sẽ gặp phải trước khi lên đường đi du học?

Inline image 1
Cách đây không lâu, tôi tình cờ đọc được một bài chia sẻ của một em du học sinh. Em kể về những khó khó khăn mà em – một cô gái 19 tuổi mới rời khỏi gia đình đã phải gánh trên vai.


Đó là những nỗi lo về cơm áo gạo tiền xứ người và cả những suy nghĩ rằng em phải chuyển chương trình để ban ngày đi làm và tối về học. Tôi chắc chắn rằng chúng ta cũng không còn xa lạ gì với những chia sẻ về nỗi nhớ nhà và sự vất vả của khá nhiều du học sinh, không những trong quá trình học tập mà còn trong quá trình hội nhập.
Tuy nhiên có vẻ như những hào nhoáng, những hình ảnh tưởng tượng về một viễn cảnh “thiên đường” vẫn quá lớn khiến nhiều bạn liều lĩnh trong tính toán để đạt được ước mơ ấy.
Đa số học sinh – sinh viên khi được hỏi rằng bạn có thích đi du học không thì các bạn đều rất muốn và rất thích, nhưng để đi du học liệu bạn có biết bạn cần phải chuẩn bị những gì chưa?
Trước hết, khả năng ngoại ngữ của bạn tới đâu? Các trường Đại học và Cao đẳng, kể cả Trường Đào tạo Nghề đều đòi hỏi các bạn đạt đến một trình độ tiếng Anh nhất định, ví dụ IELTS 6.5 cho bậc Thạc sỹ hay IELTS 5.0 cho Đại học.
Thông thường, các trường cũng cho phép các bạn nhập học khi bạn chưa đủ điều kiện này nhưng bạn phải theo học tại Trung tâm Anh ngữ của họ với chi phí khá đắt. Tôi không biết liệu môi trường mới – toàn tiếng Anh có giúp bạn cải thiện tiếng Anh lên hay không.
Nhưng nếu làm một bài tính nhẩm cho sự xa xỉ này thì tại sao chúng ta không cố gắng học ở Việt Nam để đáp ứng đủ điều kiện này.
Thứ hai, bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân khả năng tự làm chủ cuộc sống ở môi trường mới của bạn như thế nào? Phần lớn các bạn đi du học đều xuất thân gia đình khá giả, nên thường các bạn đều được “chăm bẵm” từ nhỏ.
Ví dụ như được gia đình đưa đi học, rước về, được ba mẹ chăm lo từ giấc ăn giấc ngủ và vào mùa thi thì các bạn chỉ có duy nhất một việc là học (thậm chí tôi biết có bạn, ba mẹ phải mang cơm vào tận phòng).
Cuộc sống như thế và cuộc sống mà chính bản thân các bạn phải làm chủ mình – tự lo từ cái tăm xỉa răng, đến chuyện đi học bằng phương tiện công cộng hay tự chăm sóc bản thân để không bị đau ốm là hai cuộc sống mà tôi dám chắc nhiều bạn nghĩ đến là thấy "muốn khóc".
Thứ ba, bạn có nghĩ rằng bạn có khả năng hòa nhập môi trường mới? Nếu xác định đi du học nghĩa là bạn xác định sống xa môi trường quen thuộc của mình, nơi có ba mẹ bạn bè bên cạnh, nơi mà những đồ ăn ngon luôn có sẵn và chỉ cần bước chân ra đường thì đó vẫn là “nhà”.
Còn đi đến một đất nước lạ lẫm, ngôn ngữ khác, con người xung quanh cũng khác, nền văn hóa khác – bạn có nghĩ mình có thể dễ dàng thích nghi không? Một trong những điểm mà tôi thấy các bạn cần cải thiện là sự mạnh dạn trong giao tiếp và hòa nhập.
Rất nhiều bạn khi đi du học vì lo sợ rào cản ngôn ngữ và văn hóa nên cuối cùng chỉ giao lưu và chơi với các nhóm bạn người Việt. Vậy thì cuối cùng, chúng ta chi ra một khoản tiền rất lớn chỉ để “gói gọn” tư duy theo cách đó và rốt cuộc thì học xong đi về.
Ngoài tấm bằng, chúng ta đã hiểu thêm được bao nhiêu về văn hóa hay con người ở nơi đó?
Ngoài những khả năng như trên, có một vấn đề mà chắc chắn rất nhiều bạn lo lắng, đó là tài chính. Ở bậc Đại học, các bạn sẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ cha mẹ. Trong điều kiện mà chính các bạn ấy có đủ khả năng học tập cũng như khả năng tự lập cao, và gia đình đã có định hướng cho con cái của họ đi du học, thì thường họ đã có sự chuẩn bị nhất định.
Tuy nhiên, cũng không phải bạn trẻ nào cũng “dám” xa gia đình hay cha mẹ “dám” rời tay các bạn. Ở bậc Thạc sỹ, tôi nghĩ, các bạn nên ra trường đi làm một vài năm để có kinh nghiệm thực tế cũng như tích lũy được tài chính để lo cho mình.
Trong bài toán “Ở xứ người”, điều quan trọng nhất là các bạn hãy đảm bảo mình có đủ tiền học phí, còn về tiền ăn ở thì các bạn nếu có được đầy đủ thì quá tốt. Còn không, hãy nỗ lực hết sức trong cả việc học và tìm một công việc bán thời gian có thể giúp bạn trong thời gian đó.
Ngoài ra, đối với các bạn có khả năng ngoại ngữ, có kết quả học tập khá trở lên, và có ý chí cầu tiến thì có thể tự tìm cho mình những suất học bổng mà hiện nay có rất nhiều quốc gia tài trợ cho sinh viên Việt Nam.
Nhiều bạn sẽ cho rằng tôi đang làm quá cái khó khăn khi ở xứ người, hoặc có bạn sẽ nản chí khi nghĩ đến cuộc sống du học. Sự trải nghiệm và điều kiện mỗi bạn là khác nhau, tuy nhiên cái khó khăn mà tôi nói bên trên thì luôn tồn tại.
Một khi các bạn hiểu rằng “không có con đường trải hoa hồng” nào ở bất cứ đâu – dù là Úc hay Mỹ, thì bạn sẽ có thể chuẩn bị cho mình một tâm thế để có thể “hưởng thụ trọn vẹn” một nền giáo dục tốt và một môi trường sống tân tiến, văn minh.

Không có nhận xét nào: