Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Đừng để con chúng ta mất trí nhớ tập thể


"Tôi đau xót thấy môn sử đang bị đẩy vào ngõ cụt và có nguy cơ không còn tồn tại trong chương trình giáo dục phổ thông (vì chắc chắn không còn học sinh chọn học môn này..."; "Mong các nhà chiến lược giáo dục quan tâm trả lại vị trí vốn có của ngành sử trong hệ thống giáo dục phổ thông...", GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trả lời phỏng vấn báo VNN - Tuần Việt Nam như vậy. 
    Thật may, trên chuyến hành trình từ Hà Nội vào tới Đà Lạt, nhà báo Đoàn Công Lê Huy lại hội ngộ Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc. Cùng một suy nghĩ, cùng một trăn trở, họ đã trò chuyện với nhau thật nhiều về việc làm sao để các con yêu và hiểu về lịch sử dân tộc.


    "Mất môn lịch sử là mất ký ức. Là mất trí nhớ tập thể, mất căn cước dân tộc. Vậy sắp tới bọn trẻ con sẽ mắc bệnh tâm thần hết ư? Chúng sẽ như người mất trí, đi lang thang bên lề đường của thế giới loài người văn minh à?
    Chuyện to lớn như vậy và đã được người cao nhất - nếu không tính thầy Lê nay đã già yếu - của một hội có đầy đủ thẩm quyền khoa học, trí tuệ lịch sử và tổ chức nghề nghiệp, có uy tín chuyên ngành cao nhất, nói ra.
    Thế là thế nào? Tôi có hiểu sai không? Không sai. Tôi đọc thông tin này trên máy bay. Và ngay khi xuống sân bay Liên Khương cách đây mấy phút, tôi hỏi GS Ngọc, bay cùng chuyến, rằng có đúng ý anh như thế như thế không. GS Ngọc trả lời: Không sai! Tôi hỏi, vậy theo GS, ai phải chịu trách nhiệm trong việc này? Anh trả lời: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    "Theo tôi, đây là một sự thật kinh hoàng", đó là những câu từ như rút từ trong tâm can của một người cầm bút, và trên hết, là làm cha của nhà báo Đoàn Công Lê Huy.
    Cũng có con nhỏ, tôi cũng đã từng rất băn khoăn cách giáo dục con trai thế nào cho đúng. Xã hội hiện đại có quá nhiều thông tin khiến phụ huynh hoang mang trong cách định hướng tư duy, kiến thức và nhân cách cho con. Vẫn nhớ "Tiên học lễ, hậu học văn", trước hết là học để làm Người, trước khi thành "ông nọ, bà kia", vậy nên, tôi đề cao việc giáo dục nhân cách cho con cao hơn việc chạy theo điểm số.
    Khi con hiếu động, tôi chọn cho con học Piano để tính cách mềm mại và kiên nhẫn, khi nghe nói không nên cho con xem quá nhiều TV, tôi đã lựa chọn truyện tranh để "câu kéo" con, mà phần nhiều là truyện có kiến thức lịch sử, chỉ đơn giản vì ở đó có nhiều con số, như năm nào có chuyện gì xảy ra, con sẽ bị kích thích lưu nhớ nhiều hơn. Tôi thường tỏ ra không hiểu hết câu chuyện, thỉnh thoảng hỏi con về các dấu mốc lịch sử để bé không quên.
    Năm nay con học lớp 3, cứ đến cuối tuần là chúng tôi cùng ngồi xem các phim lịch sử dành cho trẻ con của các hãng phim đăng trên Youtube, nhắc lại những thông tin mà con đã đọc trong truyện. Và buổi tối, vẫn giữ thói quen trước khi đi ngủ sẽ cùng nhau nghe một file audio nào đó liên quan đến lịch sử, hoặc khủng long (loài mà cậu nhóc nhớ từng chút một) để tạo cho con sự hưng phấn, tránh những nhàm chán lặp lại. 
    Xã hội càng văn minh, những kiến thức về cội nguồn càng không được bỏ quên. Khi nhìn vào lịch sử hào hùng của dân tộc, nhân cách của mầm non tương lại sẽ được xanh tươi ngay từ lúc mới chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
    Cần lắm, bằng cách nào đó, để các con hiểu và yêu lịch sử.

    Không có nhận xét nào: