Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

THỊ TRƯỜNG BẰNG CẤP ĐÃ BÃO HÒA


GS Nguyễn Lân Dũng
Trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật TP.HCM
Vừa qua tại Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục hướng dẫn sinh viên Đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức, có ý kiến đưa ra rằng thị trường bằng cấp ở Việt Nam đã bão hòa, bằng đại học đã gần mất hết giá trị, vì vậy các trường cần phải đổi mới đào tạo theo hướng ứng dụng, gắn chặt với thực tế, có sự gắn kết với doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. Xin có vài câu hỏi mong được Giáo sư trả lời:



1/Thưa GS, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trong quý III-2014, có khoảng 174.000 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “đói” lao động. Theo GS, vì sao số người có bằng ĐH lại thất nghiệp nhiều đến thế? GS có thể phân tích vì sao có nghịch lý này?

Đó là một sự thật đáng buồn. Chúng ta muốn trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại mà không có trình độ khoa học và công nghệ thì chỉ là một mơ ước xuông. Thất nghiệp khi đã có bằng Đại học (thậm chí cả bằng Thạc sĩ) có hai nguyên nhân chính. Một là, học lý thuyết xuông mà không thạo bất kỳ một nghề nghiệp gì cả. Nhiều thầy không đủ khả năng hành một nghề cụ thể nào cả thì sinh viên làm sao thạo được nghề. Các trường Đại học và Cao đẳng thường đào tạo theo cái mình có chứ không phải đào tạo cái mà xã hội đang cần. Hai là, sinh viên quan niệm phải vào biên chế nhà nước (dù phải bôi trơn tới hàng trăm triệu đồng) mới yên tâm một cách lâu dài. Đó là suy nghĩ rất lệch lạc trong nền kinh tế thị trường và chả có nước nào có tình trạng như vậy. Sinh viên các nước rất muốn làm việc cụ thể tại các Công ty tư nhân , vừa phát huy được hết năng lực, vừa được hưởng mức lương tương xứng với khả năng của mình.
2/ Có ý kiến cho rằng lạm phát bằng cấp, trường ĐH mở ồ ạt, hệ tại chức, đào tạo liên kết xuất hiện rất nhiều, trong khi đó chất lượng đầu ra lại buông lỏng… khiến bằng ĐH bây giờ gần mất hết giá trị. GS có bình luận gì về ý kiến này?
Không phải trường nào cũng như vậy. Tôi giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội từ Khóa I (1957) cho đến tận ngày về hưu. Tôi thấy chất lượng đầu ra rất tốt, nhiều sinh viên của tôi về sau đã là các giáo sư , tiến sĩ có uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số trở thành các nhà doanh nghiệp giàu có hay các giáo viên phổ thông giỏi giang. Cũng có trường Đại học mà chất lượng không sao hiểu nổi. Ví dụ trường Đại học HHT, khi chuẩn bị đăng ký thành lập đã mời gần 100 GS, PGS viết lý lịch, tham gia biên soạn chương trình, chuẩn bị danh sách dụng cụ thí nghiệm... Hứa hẹn đưa đón từng thày bằng ô tô... Vậy mà thật bất ngờ. Khi khai giảng không mời bất kỳ GS, PGS nào, không có cả ngay một lời xin lỗi tối thiểu. Tôi không hiểu vì sao Bộ GD và ĐT lại có thể chấp nhận một trường Đại học lấy của đất nước tới 100 ha ven đường quốc lộ mà có thể làm ăn như vậy ? Tôi và các GS,PGS khác chờ đợi một câu trả lời từ nhiều năm nay !
3/ GS có nghĩ rằng dạy chay, học chay, sinh viên thiếu kỹ năng thực tế là một rào cản khiến sinh viên ra trường khó xin việc không?Đúng như vậy nhưng thay đổi đâu có dễ. Hội đồng Tư vấn Khoa học-Giáo dục của UBTW Mặt trận Tổ quốc VN có tổ chức khảo sát tại trường Kinh tế và Công nghiệp do bác Trần Phương làm Hiệu trưởng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi được biết một trường đông sinh viên như vậy mà nghe nói chưa có một sinh viên nào thất nghiệp (!). Bác Phương cho biết bí quyết là ngoài các môn học đúng theo quy định của Bộ, nhà trường đã quyết định tăng giờ cho hai môn học là Ngoại ngữ và Tin học. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại mọi đơn vị , kể cả ở các doanh nghiệp tư nhân. Tôi thấy tư duy này thật hợp lý. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay mọi bằng phát minh sau thời gian bảo hộ đều được công bố trên Internet. Sinh viên ra trường có thể tập hợp thành từng nhóm, tìm kiếm các thông tin về các sản phẩm mới và có thể lập Công ty để sản xuất.Ví dụ nhóm làm ra Keo dính chuột là đã làm theo cách này. Thực ra thì đa số thanh niên mong muốn được học Đại học là điều đáng quý. Theo tôi, nếu không đủ khả năng dạy nổi một nghề nào đó hẳn hoi (kể cả nghề nghiên cứu khoa học cơ bản) thì nên mời chuyên gia nước ngoài đến dạy ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn...) đều rất tốt. Giỏi một ngoại ngữ trong thời đại Số hóa này đều có thể dễ dàng kiếm sống bằng các phương thức khác nhau.
4/ Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh công nghệ HN từng nói hiện nay đa phần các trường ở VN là trường công lập, trong khi đó ở Nhật Bản thì ngược lại, chủ yếu là trường ngoài công lập. Chính sự bao cấp kinh phí khiến các trường ỷ lại, không tự nâng cao và đổi mới chất lượng theo hướng ứng dụng. GS có bình luận gì về nhận định trên?
Tôi đã đi thăm được khá nhiều nước và tôi thấy ở các nước phát triển hầu hết các Đại học danh tiếng là Đại học tư thục . Nhưng khác với nước ta các Đại học này không nhằm trước hết vào chuyện lợi nhuận. Họ nhằm đào tạo chuyên viên cho các Công ty của họ, hoặc vì trách nhiệm muốn chia sẻ bớt lợi nhuận cho xã hội. Tại nhiều nước tôi thấy các Trường Đại học tư thục có các "Phòng thí nghiệm mở". Đó là các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ nghiên cứu nhằm cho các Công ty đến thuê để giải quyết cùng với họ một chuyên đề nào đó theo yêu cầu của sản xuất. Ở Tokyo tôi có dịp đến thăm Đại học nữ Nhật Bản (Japan Women's University) và thấy có rất đông nữ sinh viên. Họ đến học để tương lai đủ kiến thức và năng lực trở thành một người vợ hiền, một người mẹ biết chăm sóc, dạy dỗ con cái. Tốt nghiệp Đại học này dễ kiếm được người chồng xứng đáng. Tội gì mà không theo học ?
5/ Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình đào tạo của các trường hiện nay lỗi thời, không phù hợp với yêu cầu đào tạo trong thời kỳ mới. GS có nhận xét gì về chương trình của các trường hiện nay?
Đúng như vậy. Ví dụ đào tạo sinh viên chuyên về Môi trường mà không đủ khả năng tổ chức việc xử lý rác, xử lý nước, xử lý không khí cho các xí nghiệp , các trang trại thì chỉ có thể làm "Quan môi trường" tại các Sở Tài nguyên và Môi trường mà thôi. Các Sở này hình như đã đủ biên chế hết rồi (!). Đấy chỉ là một ví dụ , ngành nào cũng vậy, không đủ sức dạy sinh viên biết hành nghề thì thà dạy Ngoại ngữ và Tin học còn tốt hơn nhiều. Nên kết hợp giữa các trường Đại học với các Viện nghiên cứu để sinh viên có năng lực tham gia nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Cần gì mở thêm các trường Đại học tại các Viện nghiên cứu trong khi giảng viên nhiều trường Đại học đã hoàn toàn đủ sức đảm nhiệm việc đào tạo kiến thức và khả năng nghiên cứu cho sinh viên.
6/ Theo GS làm để nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam, đào tạo theo hướng thực hành ứng dụng có phải là giải pháp và là hướng đi mới để nâng cao chất lượng giáo dục không?
Cần phân hóa các trường Đại học. Có trường đào tạo cán bộ nghiên cứu là chủ yếu, có trường đào tạo cán bộ thực hành là chủ yếu. Cần mở các Phòng nghiên cứu chuyên đề và các xưởng sản xuất Pilot tại các trường Đại học. Điều quan trọng là cần gây dựng ý chí và khả năng tự bồi dưỡng cho sinh viên. Thế hệ chúng tôi (tốt nghiệp Đại học năm 1956) nào có được học bao nhiêu đâu mà rất nhiều người đã trở thành các chuyên gia vào loại đầu ngành trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau ( Bộ tứ Lâm- Lê- Tấn- Vượng, Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn văn Đạo, Phan Đình Diệu, Văn Như Cương, Đàm Trung Đồn, Cao Liêm, Tống Duy Thanh, Đặng Ngọc Thanh, Phan Nguyên Hồng, Lương Ngọc Toản...)
7/ Để thực hiện được những giải pháp trên theo GS các trường cần làm gì, bộ cần làm gì?
Cần quy hoạch lại hệ thống các trường Đại học và Cao đẳng. Việc vừa thành lập Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng với việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao 7 nhiệm vụ vừa qua là câu trả lời thích hợp nhất cho câu hỏi này.

Cụ thể đó là:
Thứ nhất, đối với nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lương cao, phải thống nhất yếu tố quan trọng có tính quyết định với mọi quốc gia nhất là trong bối cảnh hiện nay. Phó Thủ tướng xác định: “Chúng ta chỉ có thể phát triển được bằng cách phải có đột phá thật sự về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực, so với thế giới là không cao”. Trong các nghiên cứu đánh giá có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm, nhưng trong đó vấn đề quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực. Nhiều tổ chức đã tiến hành khảo sát nguồn nhân lực và phân làm 3 tầng: Một là những người làm quản lý và gián tiếp; hai là kỹ thuật cao và chuyên môn; ba là lao động bình thường. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 80% cán bộ quản lý chưa đủ trình độ; hơn 60% số kỹ sư làm chuyên môn ở trình độ cao cũng không đủ kiến thức; lao động làm việc giản đơn tốt hơn nhưng cũng không đủ kỹ năng. “Tất cả trách nhiệm không phải của ngành giáo dục hết, nhưng trước hết trong đó có một phần trách nhiệm của mình và trên nguyên tắc chúng ta cứ làm thật tốt công việc của mình, còn trách nhiệm của các bộ phận khác thì các bộ phận khác phải làm”.
Thứ hai, sự phân công lao động phải theo thế giới, vì vậy từ câu chuyện có phân biệt đại học với cao đẳng hay không, có phân biệt công lập với dân lập hay không cũng phải theo thế giới. Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Muốn gì thì gì chúng ta phải khuyến khích các trường tham gia vào việc xếp hạng khu vực và thế giới, gắn sao khu vực và thế giới. Chúng ta không tuyệt đối hóa cái này, nhưng chúng ta phải tham gia vào để biết mình ở đâu và như thế nào. Những tiêu chí phân hạng thì căn bản cũng phải theo thế giới”.

Thứ ba, vấn đề xã hội đang đặt ra là có quá nhiều trường, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Phải chăng chất lượng kém rồi, nhưng số lượng nhiều quá không? Phó Thủ tướng phân tích: “Nếu so sánh số người trong độ tuổi đi học đại học của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn thấp, và thấp so với ngay chính với kế hoạch của chúng ta. Vậy thì số lượng chúng ta cũng không nên cho rằng đã thừa. Chúng ta đào tạo ra nhiều nếu chất lượng tốt thì đấy là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mở rộng sản xuất. Chúng ta hãy đào tạo ra nhiều nguồn nhân lực có thể và chất lượng cao nhất có thể”.
Thứ tư, để tiến tới hội nhập không có con đường nào khác là phải tự chủ, bởi vậy ngoài 4 trường được Chính phủ chỉ định thí điểm cơ chế tự chủ, các trường khác nếu đủ kiều kiện có thể làm đề án trình Chính phủ. Phó Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề cần phát động thi đua trong Hiệp hội, không thể cứ lấy hết lý do này, lý do khác để duy trì bao cấp mãi được. “Hai mươi mấy năm trước chúng ta đổi mới doanh nghiệp cũng tranh luận rất nhiều, ngày hôm nay chúng ta có trên 400 nghìn các thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ còn dưới 1000 so với khi mới đổi mới có 11 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, số trường trường học từ khi đổi mới tới giờ, trường công chiếm số lượng quá lớn. Vấn đề là ngân sách nhà nước đã đến lúc không thể cứ lo mãi như vậy được. Nếu cứ lo như vậy thì chất lượng không thể cao được, bởi vì ngân sách nhà nước đầu tư ra chỉ có vậy”.Phó Thủ tướng đồng thời chỉ rõ, trong vấn đề tự chủ, nếu sinh viên con em là đối tượng chính sách thì nhà nước sẽ có trách nhiệm; nếu ngành nào nhà nước cần đào tạo thì đặt hàng cho các trường, còn lại các trường phải tự chủ về tài chính và tiến tới tự chủ như các trường tư.
Thứ năm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: các trường Đại học phải tập trung tìm mọi cách để làm nghiên cứu khoa học, dù đây là việc rất khó, vì đó là uy tín của các trường, gắn liền với việc thu hút các nhà khoa học.
“Điều này rất khó nhưng chúng ta không thể không bắt nhịp. Trường không lớn cũng phải làm, nhưng trước hết chúng ta phải làm từ trường lớn. Trong các chỉ số đánh giá có chỉ số nghiên cứu khoa học, mà chúng ta không hợp tác với các nhà khoa học thì làm sao đánh giá được. Tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Bộ khoa học rằng chúng ta có ý thức về vấn đề này rồi nhưng cần những bước đi rất cụ thể”.
Thứ sáu, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế: “Bộ Giáo dục phải rà lại tất cả các quy định, hãy mở rộng hợp tác quốc tế. Bây giờ liên kết với một trường rất nổi tiếng ai cũng biết mà xin thủ tục còn khó khăn thì không được, nhưng ngược lại nếu hợp tác với một trường thậm chí không được nước sở tại không công nhận thì cũng không được”.

Thứ bảy, Phó Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Giáo dục cử Thứ trưởng tham gia vào Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đồng thời bày tỏ: “Hiệp hội không chỉ phản biện chính sách, chúng tôi mong muốn muốn xa hơn là Hiệp hội nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách, để tạo điều kiện cho đại học, cho cộng đồng phát triển”.


Cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn.

Không có nhận xét nào: