Ngày thứ 8 của hành
trình- 6/3/2018: Từ Mường Phìn đi Atsaphangthong
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây
Hôm nay là đoạn đường khó khăn nhất ở đất Lào, nhưng
may mắn đã vượt qua không quá vất vả. Từ Mường Phìn đi Atsaphangthong dài 94km,
nếu trời nắng nóng như hôm qua thì khó đi nổi, nhưng nghỉ lại giữa đường rất mạo
hiểm, vì Thoong Ban ( quản lý hotel ViengXay ở Sepon) bảo từ Mường Phìn đến
Atsaphangthong không có nhà nghỉ đâu, xem trên Google cũng thấy thế. Đã tính
chuyện thuê xe đến Atsaphangthong, rồi nghĩ “để mai tính”.
Sáng dậy thấy trời âm u, mừng quá, lên đường
ngay. Có hai điều may:
-Đoạn từ Mường Phìn trở đi đồi dốc không cao.
-Trời nhiều mây đến tận chiều, lên mạng xem,
thấy cả tuần này Hà Nội trời dịu, giảm 5-7 độ so với hôm qua, nên Nam Lào cũng
mát mẻ, sướng quá.
Gần
trưa đến thị trấn Muang Phalan- trung tâm huyện Phalanxay, trông còn rộng hơn
thị trấn Sepon, nhưng vì không có di tích gì, ít ai dừng chân nên không có nhà
nghỉ. Tìm mãi được một nhà trọ xập xệ để nghỉ trưa, đến 14h lại lên đường. Nhờ
đoạn đường tương đối phẳng nên đi cũng nhanh, chiều tối đến được thị trấn
Donghen (huyện Atsaphangthong) mà không thấy mỏi chân.
***
Đường đẹp và mát
nên đạp xe thoải mái, trong đầu cứ văng vẳng bài “ Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây”, nhạc của Hoàng Hiệp, thơ Phạm
Tiến Duật.
Như
tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối tây Trường Sơn
Ðông Trường Sơn nối tây Trường Sơn
Các bạn chắc thỉnh thoảng
vẫn có bài hát nào đó “nhảy vào tai”, rất khó tắt, các nhà nghiên cứu phương
Tây gọi là “sâu tai- Earworm”, một trong các lý do “ sâu tai repeat liên tục” là bạn chợt nhớ hay
đang bị ám ảnh một điều gì đó. Sáng nay tôi nghĩ là mình đã có một chuyến đi
qua nhiều điểm quan trọng của đường Trường Sơn Tây ngày xưa ( còn Trường Sơn
tây bây giờ là đường “thiên lý biên giới”,
ở phía đông dải Trường Sơn, một phần trùng với tuyến Trường Sơn Đông thời đánh
Mỹ)
Thời
1965-1967, tôi sống gần phà Long Đại, một “túi bom” ở tuyến Trường Sơn Đông,
nên cũng thấm thía “răng là ác liệt”.Bây giờ qua Trường Sơn Tây, không nhìn thấy
dấu vết xưa vì cỏ cây sau 50 năm đã phủ kín, nhưng vẫn bồi hồi. Nhớ chuyện nhà
thơ Phạm Tiến Duật kể:
“...Câu thơ "Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ" của bài thơ ấy được băng hình
đánh chữ là "Cái gạt nước xua tan nỗi
nhớ". “Xua tan” như thế thì còn gì là tình yêu...
Hồi ấy (1967), anh ta (một họa sĩ) yêu một cô
y tá ở phía Đông Trường Sơn. Ngồi chung một ca-bin xe đi sang phía Tây, suốt
đường anh ta nhắc đến người yêu. Nỗi nhớ của anh ra lây lan sang cả tôi, sang cả
người lái xe. Mãi đến khi trời mưa, cái gạt nước phía trước mặt đã giúp tôi
viết hai dòng đầu tiên: Anh lên xe trời
đổ con mưa/Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.
Nếu chưa vượt rừng thì
khó bề thông cảm hết với thơ ấy, bài ấy. Chẳng hạn như câu này: "Nước khe
cạn, bướm bay lèn đá" không phải là một câu thơ tả đẹp mà là một quan sát
đáng run sợ của lính trinh sát. Nếu thấy cảnh ấy vào lúc chập chiều thì cầm
chắc là đói vì không thể có nước nấu cơm. Mười cây số vuông xung quanh không có
nguồn nước. Hay là câu này: Muỗi bay rừng
già cho dài tay áo, một bạn Việt kiều và một nhà thơ Pháp đã dịch là "Muỗi bay, mọi người mặc áo măng tô vào"
thì thật buồn cười. Họ không đi lính thì trách sao được...”
***
***
Đoạn đường này khá đẹp, hai bên đường phần lớn
là rừng (đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên Phou Xang He, rộng đến 1.180km2, tức là
mỗi chiều 35km ). Nhiều đoạn rừng rất đẹp, vì vùng này khí hậu khô nóng, không ẩm
ướt như bên đông Trường Sơn, nên cây cao, thẳng, dưới tán rừng ít cây bụi nhỏ (
xem ảnh dưới)
Rừng
Lào về cơ bản được giữ khá hơn ta, do mật độ dân thưa nên phá rừng chậm hơn.
Nhưng ven đường 9 bắt đầu phá rừng để làm nhà, trồng cao su, cafe... không khéo
rồi cũng như Tây Nguyên của ta thôi. Vào những năm 1950, rừng chiếm 70% diện tích đất ở Lào. Đến năm 1992,
theo ước tính của chính phủ, diện tích rừng đã giảm gần 1/3, chỉ còn 47% tổng
diện tích đất. Cứ xem Việt Nam đóng cửa rừng mà năm 2017 xuất khẩu 7,9 tỷ USD,
gỗ nhập khẩu chiếm 80%, trong đó có lẽ 40-50% nhập từ Lào, với “quota Chính phủ”.
Một nhóm nhà báo Pháp (quan tâm đến thuộc địa cũ) âm thầm điều tra nạn phá rừng
ở Lào và phát hiện chính các DN Việt “ mua chuộc” quan chức quân đội Lào để lập
các công ty xuất gỗ sang VN. Ai đi qua các cửa khẩu Việt-Lào cũng biết.
Đồng ruộng mùa này khô nẻ, do địa hình cao
nguyên, nên việc làm thủy lợi không dễ, nên mùa khô không có nước, rất khó phát
triển nông nghiệp. Sang đây mới thấy dân Việt làm thủy lợi giỏi, các tỉnh miền
Trung –Tây Nguyên đều có nhiều công trình thủy lợi lớn, đưa nước từ phía Trường
Sơn về tưới các vùng cao nguyên và đồi trung du.
***
Thị trấn Donghen là huyện lỵ của Atsaphangthong
chỉ còn cách thành phố Kaysone Phomvihan có 60km, (coi là Tây Ninh so với Sài
Gòn), nên trù phú hơn 3 huyện đã đi qua, xe cộ đầy đường. Nhà cửa cũng bắt đầu
xây mới nhiều, chứng tỏ kinh tế Lào đang đi lên, sức tiêu dùng của dân đang
tăng, rõ nhất là tiêu thụ bia Lào (Beer Lao) khắp mọi làng bản. Sẽ có bài viết
về Beer Lào, vì nó nổi tiếng ở nhiều nước (nhờ hãng Carlsberg có 50% cổ phần
công ty Beer Lao)
Rất may là tìm được hai chai bia đen ở
Donghen, ra quán cóc làm 2 con cá trê nướng, gỏi gà xé, thêm rau dưa, lá lốt...
thế là có bữa tối tuyệt vời.(xem ảnh dưới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét