Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

THỜI CỦA THÁNH THẦN


(Nhân đọc hồi kí Một chặng đường cách mạng của Thiếu tướng Trần Thế Môn)
 Phạm Đình Trọng
Cách đây mấy hôm, em Trần Thế Nam, Khóa 4, mang đến tặng tôi cuốn sách “Một chặng đường cách mạng” của Thiếu tướng Trần Thế Môn. Vậy là trên giá sách của tôi có thêm một cuốn hồi kí quí giá về những ngày máu lửa. Do nghề cầm bút, lớn tuổi,  có ít vốn chiến tranh, lại giao du rộng, tôi hay được các anh lớn tuổi – những người trải qua cả 3-4 cuộc chiến tranh – đưa hồi kí của mình cho đọc từ lúc còn là bản thảo.  Cũng nhờ thế mà tôi đã đọc hầu hết sách hồi kí của các vị tướng (và một số hồi kí của mấy vị Đại tá trận mạc lừng danh nữa). Đăc biệt là sách của các tướng lĩnh trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cũng là người chủ trì quân đội trong cuộc chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giải quyết chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Sách của các cụ có chung một đặc điểm là: Văn phong ưa giản dị, lời lẽ chân thành, khiêm tốn mà toát lên sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường, niềm tin sắt đá, tầm nhìn chiến lược, tính quyết đoán và tình nghĩa dạt dào.



Tôi tìm mãi xem có từ nào nói về các vị đúng nhất? Tìm mãi, không từ nào chuẩn hơn hai chữ “Thánh Thần”, đành mượn tên cuốn sách của nhà văn Dương Hướng làm “Tít” cho bài viết nhỏ này gửi các em học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi nhân dịp tết đến- Xuân về.
1.     Môt chặng đường đầy ắp sự kiện bi hùng
Chặng đường Thiếu tướng Trần Thế Môn đi qua cũng là đoạn đường rất đặc biệt của lịch sử dân tộc VN. Với 386 trang sách, ông Trần Thế Môn kể về cuộc đời mình từ một miền quê nghèo chiêm trũng Hà Nam, năm 1934 ra Hải Phòng làm thợ rồi trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp; làm anh bộ đội Cụ Hồ, gánh nhiều trọng trách, mãi năm 1981 mới dừng chân. Nhưng cũng như bao tướng lĩnh khác, Thiếu tướng Trần Thế Môn mượn mình để nói về cách mạng, về cuộc chiến hai thời kì với những hi sinh oanh liệt của đồng bào, đồng chí, đồng đội. Hoạt đông cách mạng, ông bị Pháp bắt bỏ tù 2 lần; trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở  Thị xã Tuyên Quang; trong chống Mỹ, ông được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau trên những địa bàn khác nhau. Từ năm 1868 đến năm 1970 là những ngày gian khổ nhất của Măt trận B3-Tây Nguyên. Cùng với Tư lệnh Hoàng Minh Thảo và các đồng chí khác, Chính ủy Trần Thế Môn góp phần đề ra những quyết sách phù hợp, vượt qua khó khăn trở ngại, xoay chuyển tình hình. Tôi đã đọc hồi kí của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và hồi kí của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp viết về Tây Nguyên trong chiến tranh. Những trang viết về B3 của Thiếu tướng Trần Thế Môn góp phần khắc họa rõ hơn cuộc chiến trên cao nguyên Trung phần thời đánh Mỹ. Với cách diễn đạt giầu chất thông tấn, những ngày tháng và những đơn vị cụ thể của cuộc chiến khiến cho sự kiện tăng phần chân thực. Cũng trong cuốn sách, có đoạn nói rõ về chủ trương Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Trung ương đã tính toán chu đáo, dự báo kĩ càng, khoa học về 3 khả năng có thể xẩy ra. Đây là những cứ liệu quan trọng của lịch sử để các nhà nghiên cứu công bằng, khách quan khi phân tích, đánh giá về một khúc quanh quan trọng của dân tộc.
Một điều lí thú nữa của cuốn sách là tác giả, với cương vị của mình, đã đề cập đến những điều nhậy cảm. Trước đây, nhất là trong chiến tranh, giấy trắng mực đen, bao giờ cũng phải “ta thắng-địch thua”. Đúng thôi. Và phải thế! Bây giờ, điều kiện đã khác trước. Ta đã có thể nói tới những mất mát hi sinh to lớn. Thậm chí có trận cụ thể bị…thua (mà ngày xưa thường gọi là “chưa thắng”). Nhớ có lần trong một cuộc hội thảo về trận Xuân Lộc đầu tháng 4-1975, một vị tướng chiến trận đã vừa khóc vùa nói: “Trận Xuân Lộc này, tôi là một chỉ huy kém. Để anh em đồng đội hi sinh nhiều quá!”. Sách của Thiếu tướng Trần Thế Môn có những chi tiết hé ra sự thật mà trước kia cấm kị. Chẳng hạn nói về “Hậu Mậu Thân-1968, B3 đói vàng mắt, lại bị địch phản kích quyết liệt, phải trả Sư đoàn 1 về Miền, trả đơn vị tăng cường về Quân khu 5, một phần lực lượng và thương bệnh binh phải ra Bắc; hay chuyện tranh luận trong Bô Tư lệnh B3 về thay đổi mục tiêu chiến dịch: Cứ đánh Đắc Siêng hay chuyển sang đánh đường 18; chuyện B3 tổ chức chống địch “tràn ngập lãnh thổ” sau Hiệp định Paris bị Quân khu 5 phê bình “không nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngừng bắn”…Tuy tác giả chưa nói nhiều, nói kĩ những khuất khúc của cuộc chiến nhưng đã cân nhắc và viết ra một số chuyện có thật mà trước kia né tránh, nên đã tăng được tính khách quan và có sức thuyết phục.

2.     Đôi điều tiếc nuối
Điều tiếc đầu tiên là chi tiết sống động của đời sống thực trong chiến tranh đã có nhưng chưa nhiều, nhất là những góc khuất, mảng tối. “Bách chiến bách thắng” là nói về nguyện vọng, về lý tưởng còn trong thực tế, làm gì có chuyện “đánh trận nào cũng thắng”? Có một thời, do yêu cầu nhiệm vụ mà ta hơi quá, nói Mỹ kém, Mỹ xoàng về mọi phương diện, cứ chạm VC là chạy. Sau này, phải điều chỉnh cho đúng mức, rằng hạ thấp Mỹ là tự coi thường mình. Nó mạnh mà ta thắng mới đúng, mới hay. Rồi khi Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Tây Nguyên, chiến sự diễn ra rất ác liệt. Nếu tác giả viết kĩ hơn, sâu hơn thì sẽ giúp nười đọc có cái nhìn toàn cảnh một địa bàn chiến lược; để rồi nhận ra vì sao Xuân 1975, địch vỡ trận và tháo chạy nhanh thế. Năm 1992, tôi đã về Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đến Đắc Tô –Tân Cảnh và đi cùng đội tìm hài cốt liệt sĩ nhiều ngày. Xương anh em rải khắp núi rừng!

Thứ hai: Cũng giống như nhiều cuốn hồi kí của Tướng lĩnh tôi đã đọc qua, chủ đề “tình yêu và gia đình” rất ít được tác giả nói tới. Dĩ nhiên chuyện tình của các vị xưa không như lớp trẻ sau này, khác ngay với các Tướng trưởng thành thời chống Mỹ chứ chưa nói thanh niên thời @, thời 4.0! Tuy nhiên, đã nói yêu đương nam nữ là bay bổng, là lãng mạn, đầy ắp chất thơ. Vậy mà, không hiểu sao, cứ khai thác chuyện riêng tư là các cụ lảng tránh, hình như các vị lão thành cho đó là chuyện riêng cá nhân, khoe làm gì. Có lần Đại tướng Mai Chí Thọ kể cho tôi nghe chuyện viết hồi kí. Khi lấy tài liệu viết hồi kí cho cho ông, người chấp bút xoáy vào hỏi chuyện gia đình và mối quan hệ 3 anh em ruột (vì đây là chuyện lạ, hấp dẫn mà ai cũng tò mò, muốn biết). Ông gạt phắt. (Sau đó Đại tướng tự viết lấy sách cho mình). Trung tướng Lê Nam Phong cũng vậy. Khi xốc lại cuốn “Cuộc đời và chiến trận” cho ông, tôi biết chuyện tình giữa ông và bà Mai là do lúc nhậu, vô tình ông kể ra. Tôi đọc xong “Một chặng đường cách mạng”, bụng vẫn thấy tiếc tiếc vì mảng “Hôn nhân và gia đình” trong cuốn sách quá mỏng. Đến cuối sách, đọc bài của anh Du Mục, mới thốt lên: “Chuyện quá hay. Sao Việt-Nam-Dân không dựng hẳn thành chuyện cho bố?!”.
***
Cuốn sách kết thúc bằng mấy nhận xét rất độc đáo. Đó là: “9 cái 2 lần”: Hai lần gặp Bác, hai lần bị mật thám bắt ở Hải Phòng, hai lần đến nhà số 25 Lí Nam Đế-HN, hai lần đến Sơn La, hai lần đi phương Nam, hai lần đi học chính trị và quân sự ở Bắc Kinh-TQ, hai lần ở một trung đoàn, hai lần ở Binh chủng Công binh và hai lần thoát chết vì bom đạn địch.
Xin cảm ơn Thiếu tướng Trần Thế Môn đã để lại cho hậu duệ và cho đời một đứa con tinh thần quí giá. Mong các em học sinh trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi tìm, đọc hết sách của các bậc phụ huynh trường ta và suy ngẫm./.

                                        Tp HCM, giáp tết năm Kỉ Hợi
                                                  P.Đ.T

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Dan TranThe:

Cám ơn thày Phạm Đình Trọng nhiều, cuốn hồi ký "Một chặng đường cách mạng" được in lần đầu vào năm 2004. Năm nay là tròn 10 năm Thiếu tướng Trần Thế Môn về với tổ tiên, gia đình nhất trí tái bản và bổ sung thêm tư liệu. Thày đã nói rất trúng những vấn để còn thiêu thiếu trong cuốn sách. Em xin nói thêm là, trong bản thảo gốc của ông viết khá nhiều nội dung và tư liệu quý, đặc biệt là những ngày đi thanh tra Nam bộ hay hoạt động ở QKTB, hay giai đoạn ở B3 Tây Nguyên còn gian khổ và khốc liệt hơn nhiều, về kinh tế thì đói ăn, thiếu muối, không gạo, không săn khoai, hàng tháng trời phải cho bộ đội tự lo ăn lo mặc, nhưng khi TW đưa được gạo vào thì ưu tiên số 1 là nhường lại cho dân... lại còn góp phần bảo đảm cho bạn K nữa...
Ngoài ra còn một số tư liệu các cụ nhận định về CM CPC, về Pôn Pốt, Iêng xari khi tiếp xúc ở B3.. về tranh luận những vấn đề liên quan đế chính sách, chủ trương của Đảng ủy MTB3... hay vụ cãi lệnh mồm của PTTMT khi điều động trang bị, vật tư của CB... Tuy vậy, khi biên soạn lại, NXBQD có đề nghị không nên đưa những vấn đề quá nhạy cảm đó vào sách. Họ có hỏi ý kiến Ông và cụ cũng đồng ý. Quyển sách hoàn thành trong niềm vui của Ba và gia đình, ông đã toại nguyện. Năm 2018, nhân 10 năm ngày mất của ông, bà đồng ý cho tái bản lần 2 vừa để bổ sung tư liệu vừa là tưởng nhớ về ông.
Rất cảm ơn thày đã có bài hay và sâu sắc, thày mãi vẫn là thày dạy văn của chúng em.
Về phần gia đình, ông viết lại cũng ít tư liệu, nên quyển này gia đình có bổ sung thêm hai bài viết về ông (bài của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Yên) và bài viết của Báo về tình yêu của ông bà cho thêm phần phong phú.
Xin thay mặt Mẹ và gia đình cảm ơn thày Trọng.

TranKienQuoc nói...

Tran Kienquoc:
Đất nước ta chiến tranh kéo dài hàng chục năm nên cũng phải hàng chục năm sau chúng tôi mới có điều kiện gặp lại đồng đội cũ của cha mẹ. Chú Trần Thế Môn là 1 trong những đồng hương Bình Lục, Hà Nam và đồng đội thân tình của cha tôi thời kì Tổng Thanh tra QĐ 1948. Chú có bài viết về cha tôi trong cuốn sách "Trần Tử Bình - từ Phú Riềng Đỏ đến Mùa Thu HN" xuất bản sau ngày cùng Hội Lịch sử VN tổ chức Lễ tưởng niệm cho ông vào tháng 8/2004.
Ngày chú đi B có đến chào cha tôi. Ngày cha tôi mất, chú biết tin buồn qua radio khi đang ở mặt trận Tây Nguyên. Rất kính trọng tình bạn, tình đồng đội của các cụ!

Tran Kienquoc:
Năm 1949, ông Trần Thế Môn và Trần Mạnh Quỳ nhận nhiệm vụ vào thanh tra Nam bộ. Đi phải mấy tháng trời mới tới. Chuyến đi này, ông Nguyễn Bình sau khi làm việc đã tặng ông Môn bức ảnh đang cưỡi ngựa với lưu bút: Tặng đ/c Trần Thế Môn, đoàn Thanh tra, ngày..., kí tên. Sau đó, ông Nguyễn Bình ra Bắc và đã bị phục kích.
Khi 2 ông trở ra Bắc thì Tổng và Phó tổng Thanh tra QĐ Lê Thiết Hùng và Trần Tử Bình lại nhận nhiệm vụ đưa Trường Lục quân sang TQ. Các ông đùa: Như vậy Tổng Thanh tra QĐ bị "xóa sổ" 1 thời gian(!). Sau 1954, mấy ông thanh tra QĐ hay gặp nhau chia sẻ công việc.

Martin nói...

If possible, I would like to read the extracts about the Cambodians coming to meet with the B3 Front. I have been reading Cambodian documents that give references to meetings with PAVN officials in B3, but they were not specific about names and the dates were a bit vague. It would be helpful to cross-reference. I am a historian of Lao and Cambodian history.