Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Bạn bè k5 gặp nhau ở Quảng Bình và những việc làm được

Bạn bè k5 gặp nhau tại Quảng Bình và những việc làm được


Cơ bản là có cơ hội được gặp nhau của những cậu bé, cô bé từng học với nhau 54 năm trước, nay đã ngót nghét 7 xị; được du hí biết thêm phong cảnh đẹp và di tích lịch sử của đất nước và còn làm được những việc nghĩa.
Xin điểm qua chuyến đi này.

Chuyến đi được Cty tour du lịch chuyên nghiệp Phongnha Discovery Tours thực hiện. Họ là 30 thanh niên trẻ, có sức khỏe, có tiếng Anh, giàu tình yêu quê hương, có trình độ hướng dẫn chuyên nghiệp tổ chức.

Sáng 16/4:
1. Trên đường đến Đèo Ngang đoàn đã dừng chân ở di tích lịch sử Bến phà sông Gianh, nơi hàng ngàn quân dân ta đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ con phà nối tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, nơi đây cũng là nơi Huỳnh Kim Trung - bạn của k5 chúng ta - hy sinh ngày 20/8/1972 sau khi lao vào cứu 1 kho đạn.
Cuối năm 1973, bạn được Chủ tịch Tôn Đức Thắng kí quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Cũng lần này, Huỳnh Kim Thành, em trai Trung, được đến tận nơi anh mình đã hy sinh. Nghẹn ngào như thấy anh mình đang cầm cờ chỉ huy cho từng xe xuống phá hay đang vác trên vai thùng đạn rời khỏi kho đang cháy...


2. Thăm Đền Bà chúa Liễu Hạnh ngay trước cửa hầm Đèo Ngang sang Hà Tĩnh. Đi để mọi người hiểu được tâm linh và tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt.
Đến nơi đúng dịp 1 lễ hầu đồng đang tiến hành. Anh chị em thăm vãn cảnh đền. Ai đó thắp hương thầm cầu xin bà Chúa cho mình về sức khỏe, về hạnh phúc.

3. Viếng mộ Đại tướng - đây là 1 trong những tiêu chí quan trọng chuyến đi. Bạn bè ta có người từng đến nhưng cũng có người chưa từng đến; riêng Quang Bắc và tôi (cùng 1 số bạn Trỗi) từng được gia đình bác Văn mời đi đón và đưa linh cữu của bác từ sân bay Đồng Hới về an táng tại Vũng Chùa.
Ban tổ chức chuẩn bị 1 vòng hoa ghi dòng chữ "Thầy trò k5+6 Trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi kính viếng Võ Đại tướng". (Cháu Thảo bảo, giữ 3 chữ "Võ Đại tướng" cho thân tình. Tiếc là từ khi mộ Đại tướng chuyển giao cho gia đình thì có quy định không nhận vòng hoa vì nhiều hoa quá sẽ tăng chi phí dọn dẹp, gây ô nhiễm môi trường và các nhà kinh doanh hoa tranh thủ chém chặt, gây phiền hà cho du khách.
Vì đoàn ta đông (70 khách) và phạm vi thắp hương cho khách rất hẹp nên chỉ chụp cho từng nhóm nhỏ.
Từ đây hướng ra biển Đông thấy sừng sững đảo Yến, ngăn hết các đợt gió biển thổi vào nên sóng vỗ vào bờ chỉ nhè nhẹ. Ngày đón bác Văn quá đông người tới dự mà tôi phải giạt xuống tận sát mép nước.

4. Sau bữa cơm trưa, đoàn hành hương về quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Tới Tx Ngã Ba Đồng, Tuấn "tây" k9 lái xe chở Thế Bắc ra đòn đoàn.
Các bạn nghỉ ngơi rồi vào thắp hương tại đền thờ họ của bác. Tại nhà nội của 2 bạn ta được công nhận là di tích lịch sử. Cả dòng họ theo cách mạng và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bữa chiều, đoàn được gia đình chiêu đãi bữa cơm với toàn đặc sản của Trung Thôn. Khi ra về, xe chạy theo con đường mang tên 559 - nối từ Trung Thôn về phía nam ra tận quốc lộ 1 qua Tx Ba Đồn.

Sáng 17/4:
1. Thăm địa chỉ lịch sử "Hang 8 cô".
Hang 8 cô nằm ngay trên con đường 20 anh hùng, không xa ngã 4 của đường HCM và đường 20. Năm 1966, 8 cô gái TNXP trực chiến tại đây và từ đấy có tên "Hang 8 cô". Năm 1971, 4 cô rút đi và tăng cường về 4 chàng trai.
Trong trận oanh tạc của B52, 1 tảng đá cực lớn trúng bom đã lấp kín cửa hang. Cuộc chiến giải cứu các chiến sĩ bị mắc kẹt trong đó đầy cam nguy, có nhiều phương án (từ nổ mìn, dùng xe tăng kéo, đào cửa hang phụ...) nhưng với điều kiện khi đó thì bất lực.
Có nhiều câu chuyện cảm động trong việc giải cứu. Nghe thấy tiếng kêu cứu: Chị ơi, mạ ơi, cứu con... Rồi người bên ngoài cố gắng dùng những ống xông qua các lỗ nhỏ hẹp để đưa nước, đưa sữa vào... Và rồi tiếng kếu cứu nhỏ dần, nhỏ dần rồi im vĩnh viễn. Họ lặng lẽ ra đi.
Thế mới biết cuộc chiến tranh ngày ấy ác liệt nhường nào, hàng vạn hàng vạn quân dân Quảng Bình đã hy sinh. Từng mét đất đều thấm đẫm máu của dân ta. Nói về con đường này, anh tài xế của xe chúng tôi kể: "Chỉ riêng con đường xương cá 20 anh hùng này, có độ dài 125km, có hơn 80km trên đất VN và 45km trên đất bạn Lào. Nếu cứ giang 2 sải tay ra trên con đường này thì mỗi sải tay là 1 mạng người ngã xuống...".

2. Thăm động Thiên Đường
Cho dù Quảng Bình phải hy sinh quá nhiều trong cuộc chiến tranh nhưng may sao thiên nhiên đã phù hộ. Ngoài đất, trời, biển, đảo thì Quảng Bình còn hệ thống núi đá vôi trùng điệp cùng những hang động độc nhất vô nhị: hang Thiên đường, hang Phong Nha, Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng...Dịp này chúng tôi chỉ có thể thăm hang Thiên Đường. Nhiều bạn sẽ post nhiều ảnh đẹp trong hang lên đây, riêng tôi chỉ xin phép nói thế này: Thiên nhiên đã cho dân Quảng Bình nói riêng và dân VN ta nói chung 1 hệ thống hang động kì vĩ.
Năm 2005, các nhà thám hiểm của Hội Thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã tìm ra hang này và năm 2010 đưa vào khai thác. Hiện nay mới đưa hơn 1 cây số hang Thiên đường vào đón khách du lịch. Có nhiều măng nhũ với nhiều hình dáng tuyệt đẹp, có những bức tranh lớn như cả bầu trời do thiên nhiên tạo ra... Hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.
Con người, hãy thưởng thức và hãy bảo vệ những gì thiên nhiên ban tặng cho mình! Đừng ngu ngốc tàn phá nó!

3. Bữa cơm trưa ăn bốc ở nhà hàng Suối Moọc
Sau chuyến bách bộ ngược lên dốc theo đường vào rồi thả bộ "hạ sơn" ai cũng thấm mệt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo thì xe đưa chúng tôi vào nhà hàng Suối Moọc (Mooc Spring) ngay bên bờ suối. Nhà hàng thiết kế theo hình cái nón lá úp xuống với kéo cột bằng tre trúc, lợp lá... rất mát và thân thiện với thiên nhiên.
Các món ăn dân dã ngon miệng: thịt gà nướng mọi chấm muối tiêu chanh, sôi gấc chấm muối lạc, thịt bò quấn lá lốt nướng, thịt lợn nướng than cùng các loại ra rừng. Quá xá đã!
Sau đó, mọi người nghỉ ngơi; riêng các bạn thích chụp ảnh và lang thang ngắm cảnh suối, rừng. Có bạn mê nước còn tranh thủ tắm suối để nhớ lại những ngày bé con ở Đại Từ.

4. Viếng mộ bạn Huy Đăng
Đêm 15/4, khi vừa đến Đồng Hới, Thế Thịnh cùng các bạn Mẫn, Hoa, Dũng (Huế) cùng chị Song Yên, anh Bế Ngọc k3 đã tìm đến thăm gia đình Huy Đăng.
Ngay sau đó, Thế Thịnh đặt vấn đề, đây là dịp may hiếm có để nhiều bạn có thể đến thắp hương được cho Đăng. Vậy là bạn tổ chức nhanh chóng đưa ra quyết định: 1 xe sẽ chở 1 số bạn qua nghĩa trang nơi Huy Đăng an nghỉ, trên đường từ Phong Nha về Đồng Hới. Theo hẹn Lý, vợ Đăng, đã chờ và dẫn chúng tôi đi.
Mộ Đăng không nằm trong khuôn viên mộ phần gia đình mà nằm ở khu riêng. Nhìn nấm mồ nho nhỏ, hình cái nón úp mà quặn lòng. Chúng tôi thắp hương rồi dàn hàng ngang trước nấm mồ bạn, Thế Thịnh được chỉ định thay mặt đoàn tâm sự với Huy Đăng mà nghẹn lòng không nói nên lời.
Sau đó còn sang thắp hương cho vợ chồng bác Tư Thoan. Bác trai mất 1979 khi 69 tuổi, còn bác gái mất 2009. Ngay cạnh mộ bác trai thấy ngôi mộ có di ảnh giống Huy Đăng quá, đang thắc mắc thì Lý giải thích đó là mộ anh tria Đăng, cũng lính hải quân.
Vì còn chương trình buổi chiều nên chúng tôi xin phép ra về. Trên xe bàn luận, ai cũng nghĩ Đăng ra đi sớm quá, chắc trước khi đi cũng đầy trắc ẩn? Nhưng thôi, con cháu giờ đã trưởng thành là mừng lắm rồi.

5. Đêm giao lưu "Hành hương về Đất lửa Quảng Bình"
Đây là đêm giao lưu chính thức cũng là liên hoan chia tay.
Ngoài khách mời là thầy Phan Trung Trinh và các bạn k9 cùng phu nhân k5 còn có chị Song Yên C11, anh Bế Minh Ngọc k3, anh Phan Hoài Thuận k4, DSDM Đoàn Văn Luyện và Nguyễn Phương Tuấn k8. Đặc biệt có Lý và con trai Huy Đăng.
Con trai Đăng năm nay 23 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Tin học. Thế Thịnh thay mặt BLL đã cài huy hiệu TSQ Nguyễn Văn Trỗi lên ngực cháu và từ giờ phút này coi cháu là thành viên của nhà trường.
Các đại diện C11, k3, k4 đều có những món quà quý cho "Gặp mặt k5 TSQ Nguyễn Văn Trỗi - Quảng Bình 2019". Thầy Trinh, thay mặt gần 200 thầy cô, phát biểu đánh giá những cố gắng của ban tổ chức k5 và đề nghị tiếp tục phát huy.
(Đề nghị các bạn post lên hình ảnh của đêm giao lưu).

Sáng 18/4:
Từ đêm trước, sau khi khai mạc, 1 nhóm đã đi tầu ra HN (vợ chồng Quang Bắc cùng Thế Bắc) và vợ chồng Phùng Duy Hưng bay vào TPHCM.
Sáng sau, nhóm Thế Thịnh, Kiến Quốc, Lâm Phong, Trần Hiền, bố con Chí Hùng ra sân bay về TPHCM. Rồi từng nhóm, từng nhóm... Những cái siết chặt tay, những vòng tay rộng mở, lưu luyến chia tay bạn cũ, hẹn ngày tái ngộ.


Nhớ mãi những ngày khó quên ở đất lửa Quảng Bình!

Không có nhận xét nào: