Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Sau khi xuất bản cuốn sách Trần Tử Bình – Từ Phú Riềng Đỏ đến mùa Thu Hà Nội, chúng tôi đã dành một số lượng không nhỏ biếu các gia đình là bạn chiến đấu của cha mẹ. Khi gặp các cô, các chú, các bác, chúng tôi biết thêm nhiều chuyện mới.

Trường Lục quân và vụ “Phản tỉnh” ngày ở Vân Nam
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên học viên khóa V Trường Lục quân Việt Nam, gọi điện cho tôi: “Cảm ơn các cháu đã nhớ tới chú và tặng sách của bố! Chú là học viên khóa V, khi tốt nghiệp đúng thời kì “Phản tỉnh” nên được giữ lại làm công tác “sửa sai”. Chú  được cử xuống các đơn vị nên biết nhiều chuyện...".
Ngày đó ở trường có một tiểu đoàn mà tất cả học viên đều bị quy là gián điệp cho Pháp. Hầu hết học viên lúc bấy giờ đều xuất thân từ học sinh, sinh viên. Trước thực tế đó nhiều cán bộ quản lí vì không đủ kinh nghiệm đã dao động.
Nhưng cha cháu bản lĩnh khác thường. Có lẽ vì có kinh nghiệm khi xử lí vụ “Hát-xăng-vanh-đơ”  hồi 1947 nên ông thận trọng xem xét. Nhất là sau khi có chỉ đạo của Quân ủy từ trong nước sang, cha cháu thường xuyên xuống các tiểu đoàn để nghe anh em trình bày cụ thể. Rồi ông kết luận vụ việc này không hề có thật. Ông đã bí mật cho đốt hết danh sách “cán bộ phản tỉnh” đã được liệt kê.
Có một lần Chính uỷ phóng xe Jeep xuống thăm đơn vị. Học viên ai cũng hồ hởi vì thấy ông rất gần gũi, giản dị. Chiều đã muộn, ông chào anh em ra về. Vậy mà cả đại đội hè nhau kéo chiếc xe lại, không cho thủ trưởng về. Xe nổ máy nhưng không tài nào đi được. Anh em tha thiết đề nghị: “Đề nghị cụ ở lại nói chuyện thêm với anh em tí nữa!”. Chính uỷ không cáu giận mà tươi cười nói: “Thôi các đồng chí để tôi về vì ở nhà còn nhiều việc. Lúc khác sẽ xuống thăm anh em”. Nghe nói như vậy anh em mới cho cụ đi. Nếu không phải Thiếu tướng Trần Tử Bình thì lính tráng không dám làm những việc như thế.

Đến thăm chú Hoàng Tùng và Trần Quyết
Người giúp việc ra mở cửa rồi báo ông có khách. Thấy một cụ già nhỏ thó nằm trên ghế bật dậy. “Chào chú Hoàng Tùng!”, tôi chào và xin vào thắp hương cho cô. (Ngày cô mất, ở xa chúng tôi không kịp đến viếng). Thắp nén nhang trên bàn thờ, quay lại đã thấy ông đứng cạnh tự lúc nào.
Ra ngồi ở phòng khách, tôi giở sách cho ông xem tấm ảnh ông chụp với cha tôi ở Việt Bắc năm 1951. Ông khen: “Sách trình bày công phu, rất đẹp! Các cháu đã làm một việc đầy ý nghĩa, tri ân cho cha mẹ...” rồi ông nhớ lại: “Tấm ảnh này chụp thời gian Đại hội Đảng II, chú là trưởng ban Nhân sự đại hội. Cha cháu và chú là đồng hương nên rất thân thiết. Có gì đều tâm sự với nhau. Chú vẫn nhớ cái giọng oang oang của cha cháu. Ông tuyên truyền giỏi lắm. Có lẽ cách diễn thuyết ấy được học từ ngày là học sinh Trường dòng!”.
Ngay chiếu ấy tôi đến thăm chú Trần Quyết. Đúng bữa cơm chiều, vậy mà ông cứ cho gọi vào. Cầm cuốn sách trên tay, ông nhớ lại: “Sau Cách mạng tháng Tám, chú từ  Sơn La về gặp cha cháu. Cha cháu nói, Hồ Sĩ Trừ phản bội, đã chỉ điểm cha cháu. Khi đó chú nói ngay: “Anh để đấy cho em, em cho nó một phảng hết đời!”. Cha cháu cười “Thôi, giờ ta thắng rồi, cần gì làm việc đó!”.
Khi chia tay, chú trầm tư: “Giá cha cháu mà còn thì chuyện "cao su"...Tôi hiểu ông muốn nói gì.

Uống sữa cô Kỳ
Năm 1946, trường Võ bị Trần Quốc  Tuấn  về đóng quân ở sân bay Tông, Sơn Tây. Đây thuộc địa bàn của Chiến khu II mà chú Văn Tiến Dũng là Tư lệnh.
“Cô nhớ cha cháu ngày đó gầy và yếu lắm, có lẽ do mấy năm tù đày hết Hà Nam, Ninh Bình đến Hỏa Lò. Cũng năm đó cô đẻ chị Tâm nên có nhiều sữa. Vậy là mẹ cháu xin sữa của cô cho cha cháu uống. Cô nói với mẹ cháu: “Chị phải đến đúng giờ mới có sữa tươi!”.  Đúng hẹn, mẹ cháu mang ca sang lấy sữa.
Sữa người vốn nhạt, để uống đỡ gắt phải pha thêm đường. Chỉ mấy tháng sau nhờ có sữa tươi mà da dẻ cha cháu trở nên hồng hào. Cha cháu sau này gặp cô cứ khen: “Sữa người tốt thật!”.

            Kỷ niệm của Thượng tướng Vũ Lăng  về “cuộc vượt ngục ở Hà Nam”
            Ngày 6/1/2007, Ban Liên lạc Trung đoàn Thủ đô TPHCM kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Gia đình cán bộ cũ của Trung đoàn: cô Hằng - vợ Trung tướng Trần Độ, cô Hoa – vợ Thượng tướng Vũ Lăng, anh Lê Đông Hải - con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn… được mời tới dự. Đó là một ngày vui. Gặp cô Hoa, chúng tôi biết chuyện về cuộc vượt ngục đầu tiên của cha. Cô kể: “Chú Lăng gặp cha cháu lần đầu năm 1944 ở Hà Nam. Chuyện thế này…       
Những năm 1940-1945, chú Vũ Lăng làm bàn giấy văn phòng cho Bệnh viện Phủ Lý Hà Nam. Thấy nghề y là một nghề hay, nên chú học thêm nghề y tá hộ sinh. Ngoài công việc, chú ham mê thể thao, chơi bóng đá và quần vợt. Cứ hết giờ lại xách vợt ra sân.
Chú Lăng có ông cậu tên là Mai Lập Đôn, đảng viên từ năm 1934, từng bị đày ra Côn Đảo. Thấy cháu mới lớn, ham học nhưng cũng rất ham chơi nên ông thường cho gọi  về khuyên nhủ.
Anh Trần Tử Bình sau khi từ Côn Đảo trở về đã xin được việc ở trạm phát thuốc thị trấn Bình Lục. Nhưng anh vẫn bí mật đi các địa phương Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định gây dựng phong trào. Cuối tháng 12/1943 do có kẻ phản bội chỉ điểm mà anh bị bắt ở Thái Bình. Khi bị đưa về giam ở Hà Nam, thấy sức khỏe anh quá yếu nên mật thám Pháp đưa anh về chữa chạy ở Bệnh viện Phủ Lý. Vậy là Vũ Lăng biết anh…
Hôm đó, người bạn đến phiên trực nhưng có việc riêng, đã nhờ Lăng trực thay. Vì ham tennis nên Lăng bỏ trực, xách vợt ra sân. Thấy vắng bóng người, có cơ hội, anh Bình bẻ chấn song cửa sổ rồi trèo tường ra ngoài. Đang loanh quanh trong vườn rau sau  viện thì chủ vườn trông thấy, nghĩ anh ăn trộm rau, đã tri hô. Bọn mật thám canh giữ thấy động, chạy vào phòng bệnh không còn thấy tù nhân đã bủa vây ,bắt được anh.
Vũ Lăng biết tin rất sợ bị liên luỵ, sau đó kể lại chuyện cho ông cậu. Nghe xong ông Đôn bảo Lăng: “Anh còn sợ bị bỏ tù thì khó mà làm được cách mạng…”. Đây là những nhận biết ban đầu về những cán bộ cách mạng. Dần dần Lăng được anh Hoàng Quý giác ngộ, kết nạp vào Dân chủ Đảng. Lăng nhận nhiệm vụ tuyên truyền phát triển trong lớp công chức trẻ tuổi, rồi tham gia Tổng khởi nghĩa ở địa phương.
Sau 19/8/1945, Vũ Lăng được cử đi học khóa V trường Quân chính kháng Nhật và về trung đội 4 (toàn học sinh, sinh  viên) cùng đồng chí Nguyễn Văn Bồng. Tại trường, Vũ Lăng gặp lại anh Trần Tử Bình, Chính trị uỷ viên. Ngày 15/11/1945 sau khi tốt nghiệp, Vũ Lăng có mặt trong đội quân Nam tiến...
"Cha cháu rất quý chú Vũ Lăng. Không chỉ chú Vũ Lăng mà  nhiều tuớng lĩnh đã truởng thành từ mái truờng của cha cháu là Chính uỷ", cô kết luận.

Cụ Phan Phác gặp chị Hưng dọc đường
Nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác có nhiều kỷ niệm với Thiếu tướng Trần Tử Bình vì từ năm 1946 đã cùng nhau xây dựng trường đào tạo cán bộ đầu tiên cho nước Việt Nam mới.
Hoà bình lập lại Cục trưởng Phan Phác chuyển ra Bộ Nông nghiệp. Một lần đi công tác xuống Hải Phòng, khi xe xuống phà Bính thì ông gặp chị Hưng, vợ Thiếu tướng. Ông hỏi:
-        Chị Hưng, chị đi đâu mà lại đi một mình thế này?
-    Ôi, anh Phác! Nhà tôi đi công tác xuống Quân khu Ba nên cho đi nhờ xe kết hợp. Sáng nay anh làm việc với Bộ tư lệnh. Còn tôi có công việc bên Quảng Yên nên ra đây bắt xe khách đi tiếp.
-    Thế anh không cho lái xe đưa chị đi à?
-    Không, anh nói xe quân sự chỉ phục vụ công việc nhà binh. Anh Bình nguyên tắc lắm. Anh bảo tôi: “Là tướng phải gương mẫu nên vợ con tướng cũng phải làm gương”. Tôi tự đi được rồi.
-    Vậy chị lên xe đi cùng tôi. Trưa nay tôi cũng có việc ở Quảng Yên. 
Rồi ông Phan Phác mở cửa mời bà Hưng lên xe. Dọc đường hai người bạn nhắc lại chuyện những ngày trường Võ bị ở Tông, Sơn Tây. Ông Phác còn nhớ cuối năm 1946, bà Hưng đã sinh cháu trai đầu lòng ở trường và đặt tên là Kháng Chiến…

Không có nhận xét nào: