Hôm cùng chị Quyên đến nói chuyện với các cháu truờng Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp biết thêm nhiều chuyện về anh.
… Ngày nhỏ vì nghèo học chưa hết tiểu học, 15 tuổi anh Trỗi phải ra Đà Nẵng học nghề may. Học xong, có thể làm việc độc lập mà chủ chỉ trả luơng học việc. Khổ quá, 1 lần về quê, anh Ba nhờ mang 15 đồng bạc về cho ba, anh Trỗi đã cầm luôn số tiền đó trốn vào SG. Vào 1 tiệm điện học nghề, rồi làm việc kiếm sống.
Anh chị quen biết nhau trước khi cưới khoảng 6 tháng. Chị kể “Anh rất giản dị, quen nhau, yêu nhau chưa bao giờ nó câu “Anh yêu em” mà chỉ gọi nhau là Quyên và Tư. (Nghe đến đây các cháu học sinh ồ lên cười). Hơn nhau 4 tuổi, nhưng anh quan tâm, nhắc nhở chị từng li từng tí.
Cưới nhau rồi, chị cũng không hề biết anh là biệt động Thành. Có khi nghe tin Việt Cộng đánh mìn tầu chiến Mỹ trên sông, SG, chị thắc mắc thì anh cũng chỉ khéo léo phân tích “họ làm vì yêu nuớc”.
Cho đến khi anh bị bắt rồi đến luợt chị cũng bị tống giam. Khi đó chị giận lắm, chắc anh làm việc bậy bạ gì, phạm tội hình sự, nay phiền đến cả gia đình. Chị ấm ức khóc hoài. Anh, chị cùng bị giam ở Tổng nha (nay trên đường Nguyễn Trãi).
Vào tù, gặp chị Châu, chị Truơng Mỹ Hoa… được các chị giải thích mới hay anh hoạt động bí mật. Từ đó, chị thêm tin yêu anh. Sau 2 tháng, chúng thả chị.
Rồi anh bị chuyển vào nhà lao Chí Hòa. Chị hàng tuần vào thăm nuôi. Khoảng tháng 9/1964, Toà án xét xử, anh bị án tử hình. Vậy mà lần nào vào thăm, anh không tỏ ra buồn phiền mà vẫn vui vẻ động viên. Anh thăm hỏi, dặn dò chị phải sống ra sao với ba má, với họ hàng.
Ngày 15/10/1964, đúng ngày thăm nuôi. Chị vào nhưng giám thị đuổi về. Khi ra, có 1 cảnh sát nói chúng sẽ hành hình anh. Nghe vậy, chị chạy lại đập cửa nhà lao đã đóng kín nhưng vô vọng… Và, chuyện như chúng ta đã biết.
Hôm đó, thầy trò truờng PTCS Nguyễn Văn Trỗi vinh dự lắm. Thành lập đã 27 năm mà nay mới mời được phu nhân của AHLS nhà truờng được mang tên đến giao lưu. Các cháu thì gặp được cô Quyên bằng xương bằng thịt. lại nói chuyện hay. Thú vị quá!
Trên đuờng về, chị nói “Mỗi lần nhớ lại lần ra thăm bác Văn nhân 20/11/2005, bác dặn “Quyên, nhớ phát huy tinh thần Nguyễn Văn Trỗi, chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ!" làm chị càng cố gắng sống có ích”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét