Học tiếng Đức
Hè 1986, 1 lô Trỗi đuợc gọi về tập trung ở Đoàn 871. Chả biết có được đi nuớc ngoài hay không, nhưng đấy là cơ hội được sống “ở Đồn Mang Cá” cùng nhau, sau hơn chục năm xa truờng.
Cánh k3 có Võ Tấn (BTL TT), Nguyễn Thắng (BTTM), k4 có Quang “xèng” (Cục Quân lực), Việt Thắng (Cục Tác chiến điện tử), k5 có Kiến Quốc (Học viện KTQS). Anh Tuờng (Cục Bảo vệ, anh trai Chí Hoà k8) cũng về cùng anh Hồ Sĩ Hậu (Cục Kinh tế). Giang “mù” đuợc gọi về ôn thi nghiên cứu sinh cùng anh Chu Kì Minh k2… Vui như tết.
Ban chỉ huy đoàn đóng ngay cầu Chui, Gia Lâm; còn Đội 9 - nơi tiếp đón cán bộ, sĩ quan về tập trung – thì ở đoạn cua từ Đông Anh xuống “cây đa Bác Hồ” (đâu như Vân Nội?). Doanh trại là nhà tranh vách đất, liền kề với xóm dân. Cửa sổ liếp lật. Gió từ ngoài cánh đồng thổi vào lồng lộng. (Lần đó có nhiều chuyện vui đã từng kể trên blog).
Cánh chúng tôi (Thắng, Tấn, Quang, Quốc, Tường…) học tiếng Đức. (Năm đó, Tuỳ viên quân sự VN ở Đức báo về “bạn có khả năng nhận 2 lớp: Quản lí kinh tế và Tự động hoá chỉ huy). “Cày” quyết liệt vì đi không chỉ để học chuyên môn mà còn “làm kinh tế”. Thuở ấy chưa thoát khỏi thời kì “bao cấp”, mới đuợc tự do (nói năng và ăn nhậu) hơn, nên đuợc đi Tây là có cơ “lo cơm áo, gạo tiền cho vợ con”. Ai cũng mừng.
Tiếng Đức thì quả là khó, nào danh từ luôn viết hoa và đi với quán từ (mà quán từ lại đứng truớc) để phân biệt giống de, die, das. Không như tiếng Nga nhìn cần nhìn vào nguyên âm ở đuôi là biết giống đực, cái, trung. Tuy không có 6 cách nhưng cũng có “những” 4 cách và đuôi danh từ cũng biến đổi theo cách. Kì quặc hơn, động từ tuy đã chia nhưng nếu ở thì quá khứ và câu phức hợp thì động từ chính nhét tận cuối câu.
Chả thế có chuyện tiếu lâm, trong hội nghị quốc tế, khi quan khách các nuớc nghe xong, vỗ tay đôm đốp, còn khách Đức vẫn nghệt mặt ra vì phiên dịch chưa nói ra động từ chốt. Riêng phát âm thì viết gì đọc nấy.
Học rồi thi nhưng cũng chỉ biết dăm đại từ nhân xưng: Ich, du, wir, Sie…; dăm động từ: essen, machen, drinken… Nhưng có nói được khối!
Rồi năm đó phía bạn chỉ nhận lớp Tự động hoá chỉ huy. Võ Tấn, Nguyễn Thắng, Quốc, anh Tuờng cùng tôi và thằng Hòe (Viện KT) được đi học. Cánh Quang “xèng” trở về đơn vị. (Nhưng hắn máu lắm, lúc chia tay đã nói như chém đá “Không đi đợt này thì tao sẽ đi đợt khác. Đi để đổi đời, chúng mày ạ!”).
Học trong thực tế
Chúng tôi bay sang Đức. Từ Berlin về ngay Namburg (1 thị trấn nhỏ nằm trên đuờng từ Leipzig đi Erfurt) học tiếng 1 năm. Chủ nhật đầu rủ nhau đi mua sắm ỏ cửa hàng bách hoá phục vụ bộ đội Liên Xô đóng quân trên đất Đức.
Trời đã vào đông. Se lạnh nhưng chưa có tuyết. Thở ra hơi nuớc. Vừa ra đến đầu dốc gặp ngay mấy cô cậu (chắc 7-8 tuổi, học lớp 1), 2 má đứa nào cũng đỏ như những trái táo. (Chỉ muốn cắn 1 miếng).
Cũng “Hello” chào nhau. Rồi cậy mình đã từng học tiếng Đức, tôi sủa liền:
- Bist du kalt? (Ý là: mày có lạnh không? Sau này mới biết là sai, giống tiếng Anh: Are you cool?).
Lập tức mấy đứa nhỏ nhìn nhau rồi cười. Nghĩ bụng, chắc chưa nghe được hả? Bố mày hỏi lại đây này: “Bist du kalt?”. Thế là chúng nó cười: “Was Sie sagen, koennen wir nicht verstehen”. Vậy ra chúng chả hiểu ta nói gì?
Rồi 1 chú bé nhã nhặn giải thích: “Sie muessen sagen, Es ist dir kalt”. (Chú phải nói thế này…). Ồ, vậy là phải dùng phản thân và ở ngôi thứ 3. Một bài học lớn được dạy ngoài hè phố.
Sau này, khi Quang “xèng” sang. Trên chuyến tầu xuống Đoàn Khánh (ở Karl Marx Stadt) chơi, tôi đã bày cho Quang bài học này. Hắn suớng quá, cười tít mắt. "Này, còn có thể nói gọn là “Ist dir kalt?”. Biết "chiêu độc" này, Quang cuời lớn hơn.
Cho đến giờ, tuy đã sống hơn 20 năm ở Đức, Quang vẫn coi đó là “1 phát minh vĩ đại”.
2 nhận xét:
Chuyện của Qx ở Đoàn 871:
- Suýt mất mũi do bông-nhê vì thấy chị em đi gặt về đang tắm mương.
- Những bữa bia ở cư xá Chợ Xanh của anh Ngân.
Chính nhờ KQ mà cho đến bây giờ, sau 23 năm sống ở Đức, câu tiếng đức chuẩn nhất của tôi là câu mà KQ đã chỉ.
Còn chuyện ở doàn 871, thì...thằng nào thấy gái chẳng thích???
Qx.
Đăng nhận xét