Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Bài học của thầy Hiện

Chuyện của hôm qua
Cuối năm 1972, C343 (gồm cả k4 và k3) Khoa Vô tuyến, ĐHKTQS sơ tán về Đại Tự, Yên Lạc, ven đê sông Hồng. Nhìn qua bên kia là Mía, Gạch, gần thị xã Sơn Tây. Lớp học trong nhà dân.
Năm thứ 3 lên khoa chuyên ngành nhiều môn học mới. Sáng đó, C trưởng Bảy dẫn 1 giáo viên mới đến. Thầy tự giới thiệu:
-       Chào các đ/c, tôi là Hiện, Phạm Ngọc Hiện, tốt nghiệp Toán Tổng hợp năm 1966, dạy môn toán Xác suất… - thầy cầm viên phấn dài trên tay, cổ tay lắc lắc, viết lên bảng 2 chữ rất đẹp rồi chậm rãi – “Xác suất” là từ ghép có 2 chữ đầu đọc hơi giống nhau, nhưng là X và S. Nhớ đấy, viết chính xác phải là Xác suất; chứ không như nhiều anh học xong môn của tôi rồi cứ viết “xác xuất” hay “sác suất”… Nhớ nhé, Xác suất!
Thật ấn tượng. Sau này mới hay, thầy là cháu của cụ Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm TCCT. Có lẽ vì thế mà cụ xin cho thầy về dạy ở ĐHKTQS. (Trong đời đi học có 2 môn cảm giác khó nhất là môn này và môn “Nguyên lý truyền tin” của thầy Trần Thông Quế (sau này Nguyễn Bình k3 kế tục).
Thầy vào bài luôn: “Xác suất là môn học đánh giá khả năng xảy ra của các sự kiện trong cuộc sống. Ví dụ, khả năng mưa bão trong mùa đông là bao nhiêu phần trăm (mà mùa đông thì làm gì có bão?). Hay trong kĩ thuật thì khả năng hỏng hóc, sự cố của máy móc, thiết bị, vũ khí là bao nhiêu. Nếu tiên lượng được khả năng sự việc sẽ xảy ra trong tương lai càng chính xác bao nhiêu thì có lợi vô cùng, biết để phòng ngừa, biết sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ví dụ, yêu cô nào, đánh giá được “khả năng cô ta sẽ bỏ mình đi yêu người khác” cao thì cưới làm gì(!)…”. Thầy cười và cả lớp cười theo. Thầy hay thế!
… Năm kia, khi còn ở HN, nghe tin anh Trần Kiều (cựu gíao viên Máy điện của Học viện, sau là vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế Bộ KHCN) mất, chúng tôi đến tiễn anh. Tang lễ ở 125 Phùng Hưng.
Gặp thầy Hiện. Chào thầy: “Phải mấy chục năm không gặp thầy. Thầy còn nhớ chúng em không? Học viên đi sơ tán với thầy ở Đại Tự đấy”. Thầy cười:
-       Các anh ở ĐHQS chứ gì? (Thầy vẫn dùng cái tên cũ). Nhớ các  anh chứ, Tạ Vinh này, Nguyễn Bình, Tuấn Linh, Đỗ Trung Việt, Chí Nhân này; khóa 4 có Đoàn Mạnh Hưng, Quốc Anh, Tôn Gia Quý, Hà Chí Quang... khóa 5 có Chí Hòa, Kiến Quốc…
-       Em nhớ mãi thầy giảng: Xác suất bằng 0, không có nghĩa là sự kiện không bao giờ xảy ra.
-       Thế ở đời có đúng vậy?
-       Dạ, đúng.
-       Sau khi rời trường, anh về Nha khí tượng. (Thầy lại xưng hô thân mật như thế). Nay về hưu. Hôm nay đưa thằng Kiều đi, gặp lại bao nhiêu đồng nghiệp và học trò cũ. Thương Trần Kiều quá, đi mà vòng hoa vẫn trắng.
Chuyện của hôm nay
Đúng là học thuộc bài mà không áp dụng được vào cuộc sống thì kiến thức ấy cũng chỉ là…
Nhà vừa sửa lại tháng 8 vừa rồi. Về ở, sướng. Nhưng khó chịu là nước ra ở cái vòi lavabo của 1 phòng tắm yếu quá. Mà vợ toàn sử dụng phòng này. Khó chịu quá, vòi mới thay, của ngoại, cực đắt và cực tốt; vậy mà nước yếu. Nghĩ bụng, xác suất hư vòi, tắc do vòi mới chắc chắn bằng 0(!). “Ngâm cứu” khả năng khác. Tính hoài, thử hoài không xong. Bực quá.  Không những thế, vợ lại cằn nhằn: “Có chuyện đó mà cũng… không xong???”.
Trong khi đó cùng tấng, ở phòng tắm bên, vòi hoa sen, vòi rửa đều khỏe. Vậy là tắc đường dẫn? Chủ nhật, gọi chú em thợ cơ điện, thạo cả cấp thoát nước đến. Hai anh em lắp lại máy bơm áp lực chỉ cho phòng tắm có vòi yếu. Thử lại. Vẫn yếu. (Chưa kể bồn nước, máy bơm… tận trên tầng áp mái, trèo lên trèo xuống phải bằng thang. Mệt đừ). Chú em cả quyết:
-       Theo kinh nghiệm của em khi sửa chữa nước ở nhà máy, 90% trục trặc kiểu này do van đầu vào phòng tắm. Vì phần trục bằng đồng và tấm chặn nước liên kết với nhau bằng vít vô tận. Nay phần trục bằng đồng đã  mòn nên dù vặn ra, vặn vào được nhưng không còn điều khiển được tấm chặn đóng, mở như ban đầu.
Nghe có lí: “Vây phải đục tường ra à?”. “Vâng, đục ra mới kiểm tra được! Mà phải đục ít nhất 2 tấm gạch men tường”. Mẹ ơi, đục đẽo suốt cả tháng trời, nay vào ở rồi lại đục đẽo nữa thì ngại lắm. Rồi chú em nói:
-       Để em làm phép thử cuối cùng.
Chú dùng kìm chết mở lưới lọc của đầu vòi ra. Vặn cần khóa mở nước thì nước tuôn ra như suối. "Trong lưới lọc toàn rác, anh ạ!". "Ừ, có lẽ rác bẩn do khi lắp đặt lại đây mà".
Lúc bấy giờ nhớ ngay tới bài giảng của thầy Hiện: Trong hệ thống, sự cố đã xảy ra đúng vị trí linh kiện mới nhất, tốt nhất, đắt nhất. Nơi mà xác suất xảy ra bằng 0 nhưng sự kiện vẫn xảy ra!

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xác suất bằng 1 không có nghĩa là điều đó nhất dịnh xảy ra.
NH.Tinhvi

TranKienQuoc nói...

Nhẽo nói đúng như những gì thầy Hiện đã dạy. Nhớ thầy ghê. Già rồi mà dáng người thầy vẫn nho nhỏ, tính vẫn hóm như thế, Nh. ạ!!!