Đầu tháng 3/1979 , khi chiến sự ở biên giới phía Bắc đang ác liệt và căng thẳng , bao nhiêu câu chuyện “mục thị sở tại” về những người lính của chúng ta ở các đơn vị phía trước về được đến Hà nội , Thanh hóa hoặc lùi sâu hơn nữa đang lan truyền ; khi lệnh tổng động viên được ban ra ; khi hàng vạn sinh viên các trường Đại học ùn ùn kéo lên xây dựng “phòng tuyến Sông Cầu” , mà tôi biết chắc rằng trong những sinh viên ấy khá nhiều người vừa buông tay súng sau 1975 để trở lại trường học theo chính sách ; khi mà trong nồi cơm của mỗi gia đình lúc đó không còn mùi gạo thơm nồng mà thay vào đó là nồi “khoai tây bi” hoặc nồi “bo bo” với những “thực đơn” lạ hoắc ; đó là lúc tôi nhận được “Lệnh điều động” về Quân đoàn 6 . Cũng như bao nhiêu lần nhận nhiệm vụ khác trong đời lính của tôi , không kịp về nhà báo tin và tạm biệt người thân ; không liên hoan bạn bè , tôi nhận lệnh buổi sáng và được thông báo buổi chiều lên đường !
13 giờ chiều , một chiếc xe com măng ca Bắc kinh “đít tròn” đón tôi , anh Khải ( biệt danh là anh “Khải dóe” ) ở Tiểu đoàn Kỹ thuật và hai giáo viên , cán bộ ở K3 . Xe đỗ ở sân cơ quan cán bộ bên Bảo sơn , bốn chúng tôi gặp nhau , sau những câu chào hỏi ban đầu , chúng tôi lên ngồi trên xe , không ai nói với ai câu nào , mặc dù tôi với anh Khải rất thân quen từ nhiều năm trước ( học lái xe ở D255 cùng nhau , cùng ở Bộ môn Xe QS ) không khí im lặng ; đi đâu ? không cần biết ; bao giờ đến ? không cần biết . Đời lính là thế thôi – giản đơn như chính nó – Khi ba lô đã lên vai thì sau lưng chả còn gì nữa . Một đồng chí ở Ban Cán bộ Học viện ra phổ biến cho lái xe điểm đến của chuyến đi , gật đầu chào chúng tôi rồi đi vào nhà . Xe đưa chúng tôi lên Thậm thình . Thậm thình khi ấy như một doanh trại bỏ hoang , cổng không lính gác ! Xe chở chúng tôi lượn một vòng quanh khu doanh trại rồi đỗ lại thả chúng tôi giữa bãi cỏ , chào chúng tôi xong lái xe cùng chiếc xe mất hút sau rặng phi lao . Trung du mùa xuân ( lúc đó vẫn đang là tháng giêng âm lịch ) thật là lãng mạn , dù đang có chiến tranh , dù cuộc sống thật là khó khăn ; nhưng khí Xuân , khí của Đất Trời vẫn làm cho tôi cảm nhận được và quên đi tất cả , thật là thú vị khi tôi ngả người vào chiếc ba lô trên bãi cỏ xuân ngắm bầu trời với vô vàn những đám mây lãng du . Sau một thời gian ngắn hình thành đầy đủ bộ khung chỉ huy Quân đoàn , toàn bộ Bộ chỉ huy Quân đoàn hành quân lên tiền phương . Tôi và anh Khải được phân về Phòng Xăng – Xe của Quân đoàn , tưởng lạ ? hóa ra toàn người quen ! Trưởng phòng là anh Bùi Ngưng ( chúng tôi thường gọi vui là anh “Bùi Ngang” ) , anh Ngưng là thày giáo của tôi khi tôi học ở Chuyển tiếp 2 ( năm 1968) , anh lại là Tổ trưởng Bộ môn Xe Quân sự khi tôi làm giáo viên bộ môn từ năm 1971 - 1976 , vài hôm sau tôi còn gặp thủ trưởng Nguyễn công Trang về làm Chính ủy Quân đoàn 6 , sau này khi làm việc ở Quân đoàn tôi còn gặp nhiều sỹ quan là học viên các khóa của Học viện lên mặt trận biên giới . Tổ chức xong Bộ chỉ huy QĐ ở Thậm thình trong một thời gian ngắn , chúng tôi được lệnh : Lên mặt trận – Lên tiền phương ! Vị trí đóng quân đã được phổ biến , các cơ quan của Bộ chỉ huy QĐ hành quân riêng lẻ . Trên một chiếc xe com măng ca Bắc kinh “đít vuông” vào một buổi sáng mùa xuân , tôi cùng anh Bùi Ngưng và một số anh em trong Phòng Xăng – xe hành quân lên tiền phương . Xuất phát từ Thậm thình chúng tôi theo quốc lộ 2 đi lên phía Bắc , địa hình vùng trung du đơn điệu , quen thuộc , không có gì hấp dẫn , chỉ sau khi chúng tôi tạm biệt quốc lộ 2 rẽ vào đường 70 ở ngã ba Đoan hùng thì cảnh sắc thiên nhiên khác hẳn , hai bên đường là rừng núi mùa xuân với những “ rừng cọ , đồi chè ..” xanh mượt non tơ. Qua Ngã ba Làng Đát , chúng tôi hiểu thế nào là đường núi vùng Tây Bắc , chúng tôi mới chạm vào sườn phía Đông của dãy Hoàng liên sơn nhưng địa hình đã thật là cheo leo với những khúc “cua tay áo” liên tục , dốc cao ,vực sâu , mặt đường hẹp và đấy những “ổ gà , ổ trâu” . Đã qua đi hơn 30 năm , nhưng hai ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến hành quân lên tiền phương biên giới vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi :
- Rừng già xanh ngút ngàn hai bên đường, đây đó những nếp nhà sàn rải rác , hoa ban , hoa mận , hoa mơ nở trắng những vạt rừng gần xa . Xuân thiên nhiên thật đẹp .
Bên cạnh cảnh sắc ấy là ấn tượng thứ hai của tôi :
- Trên con đường 70 , ghồ ghề và bụi đất là hình ảnh những người dân đang lũ lượt kéo nhau “di tản” từ Lào cai về xuôi . Các cụ ngày xưa nói không bỏ đi đâu câu nào : “Xảy nhà ra thất nghiệp”. Khi người dân ở trong ngôi nhà đơn sơ của họ chúng ta không thể biết họ nghèo khó đến mức thế nào , nhưng khi họ phải rời nơi trú thân ấy để dấn bước vào “dặm trường” thì mới thấy hết được tình cảnh của dân thật khó khăn . Đa phần là gồng gánh , một số ít thì có xe cải tiến , một số ít nữa thì đi xe đạp , những khuôn mặt hốc hác , phờ phạc vì mệt mỏi và mất ngủ , trẻ con thì lếch thếch đi theo bố mẹ , ông bà trong sự hoảng hốt . Đồng bào thì đi về suôi , nhưng điểm đến , bến đỗ thì vô định . Chúng tôi đi ngược dòng người dân mà thấy ngậm ngùi .
Chỉ trong vòng gần 5 năm tôi được mục kích hai cuộc “di tản xã hội” của đồng bào tôi . Năm 1975 khi chúng tôi ngồi trên chiến xa tiến theo quốc lộ 1 trong Chiến dich Hồ chí Minh vào giải phóng Huế , Đà nẵng , thì xung quanh chiến xa của bộ đội giải phóng là hàng đoàn xe Honda , xe ôtô các loại của dân nườm nượp cùng hướng “Nam tiến” . Thật là nghịch cảnh !
Là người lính nơi biên giới chỉ sau 1975 có 4 năm nhưng chúng tôi cảm nhận được sự cảm thông , thương mến của người dân với anh “bộ đội” khác xưa nhiều lắm . Mỗi lần chúng tôi từ biên giới về xuôi , chỉ cần qua Ngã ba Làng Đát thôi thì ánh mắt người dân với chúng tôi đã lạ lẫm và lạnh lẽo lắm , họ nhìn những người lính quần áo lấm đầy bụi đường , ba lô con cóc khoác vai , mệt mỏi , ngơ ngác như những người ở “ngoài trái đất” tới nơi họ đang bận bịu và đua nhau làm giầu , nếu có người quan tâm thì chắc họ sẽ hỏi chúng tôi có “chăn con công” , có vải , có phích không ? Lấy đâu ra nghĩa tình “ các anh đi ngày ấy đã lâu rồi , xóm làng tôi còn nhớ mãi …” . Nhiều người còn ngạc nghiên khi thấy chúng tôi vẫn hút thuốc là Tam đảo , Điện biên theo tiêu chuẩn , trong khi trên môi họ phì phèo những điếu thuốc ngoại đắt tiền : Duhin , Salem ….thời ấy . Cuộc chiến tự thân nó nguội dần , đầu năm 1982 , cũng đang là mùa xuân , tôi trong vai một bộ đội chuyển nghành về xuôi . Tôi giật mình , hoảng hồn khi ngồi trên xe ôtô từ Lao cai đi về Hà nội : Những khu rừng rậm ngút ngàn tôi còn được ngắm nhìn vẻ đẹp của chúng khi hành quân “lên tiền phương” nay đâu còn !! Thay vào đó là những sườn núi trơ trụi , khô khốc ? Tại sao nhỉ ? Lòng tôi cứ thắc mắc mãi , một sự tàn phá thiên nhiên khủng khiếp quá ! Về đến Hà nội tôi nhiều đêm mất ngủ , phần thì nhớ đồng đội còn ở lại nơi biên cương , nhớ những bà “mế” bản rất thương tôi khi tôi bị ốm và nỗi day dứt về những cánh rừng . Sau một hồi định thần tôi cũng tìm được lời giải cho mình . Tôi tự tính như thế này : Cho rằng quân số của một quân đoàn là 50.000 người ( năm vạn ) , quân số một đại đội đủ là 150 người , mỗi đại đội có một bếp nuôi quân , tôi được biết hồi đó các đơn vị đều có “lệnh kiếm củi” , mỗi người phải nộp cho nhà bếp 50Kg/tháng , như vậy một đại đội một tháng phải có 7500Kg củi . Năm vạn người , tính ước lệ là tương đương với hơn 330 đại đội – cho là 330 đại đội – vậy toàn quân đoàn một tháng phải có 7500x330 = 2.475.000Kg củi tức là 2.475Tấn củi ! Lấy đâu ra ? Đó là “ Hoàng liên cao vút ….” !! Từ khi tôi lên biên giới tới khi tôi về xuôi năm 1982 , tôi chưa thấy các đơn vị trong quân đoàn đun nấu bằng nhiên liệu gì khác ngoài “củi” . Hơn thế nữa khi tôi về chuyển nghành thì cũng là lúc phong trào “lát hóa” bắt đầu nở rộ . Thôi thì các loại : lát chun , lát hoa , lát “mặt quỷ” , bạnh lát , gốc lát …..ở tất cả các cấp , các đơn vị , đến cấp đại đội cũng có “xưởng mộc” ?!! Rất may tôi chưa hề mang về nhà dù chỉ một mẩu gỗ lát nào . Với cách tính toàn trên thì những cánh rừng biến mất là lẽ đương nhiên .
Tháng 8/2010 tôi lại tự lái xe lượn vòng qua những khúc “cua tay áo” trên đường 70 để đến thăm “chiến trường xưa” , đến cầu Cốc lếu – Laocai “ nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt …”; lên Bắc hà với rượu “Bản Phố ủ” nổi tiếng ; lên Ximacai với rừng thông nhọn Samu ẩn hiện mơ màng trong sương . Tôi quan sát hai bên đường đi : Thật sự những vết thương loang lổ của dãy Hoàng liên sơn vẫn còn , nỗi đau vẫn còn nguyên đó !
Nguyễn-Viết-Tiến
( “Tiến gù” )
Nguyên chiến sỹ Quân đoàn 29
4 nhận xét:
Anh Tiến đi khỏi ĐHKTQS (nay là HV)trong hoàn cảnh hơi bị đặc biệt. Trước đó một thời gian ngắn, anh đã cùng với anh Nghiêm Sỹ Chúng viết một tài liệu nói về thực trạng công tác đào tạo và NCKH của nhà trường và gửi cho Cục Cán bộ, Cục Nhà trường. Rất nhiều cán bộ cao cấp lúc đó đã được đọc tài liệu này. Trong đó, anh Chúng viết về mảng Đào tạo, còn anh Tiến viết về mảng NCKH. Trong tài liệu các anh đã rất thẳng thắn đưa ra những nhận xét, đánh giá chân thực, xác đáng. Ở thời điểm đó tài liệu của hai anh đã gây một tiếng vang lớn,nhiều người ủng hộ cách tư duy của hai anh, nhưng cũng làm cho không ít người không hài lòng.Cũng vào dịp đó, anh Nghiêm Sỹ Chúng được chuyển công tác lên Cục Kỹ thuật QKI. Chẳng biết sự thuyên chuyển công tác của hai anh có liên quan gì đến tài tác phẩm của hai anh không. Riêng tôi, tôi thấy những điều hai anh viết thực sự xuất phát từ sự tâm huyết với nghề, với sự nghiệp trồng người. Và những điều các anh nêu lên cho tới giờ vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Nó cứ như là viết về thực trạng hiện nay của nền GD ĐT và KHCN nước nhà.
Đỗ Quang Việt
Các anh có hay với dân, nước, nhưng chủ yếu lại ko hay với mấy ông lãnh dạo đ, vậy thì...Ra chiến trường với cả niềm riêng là cái chắc. về việc phá rừng của anh Tiến, tôi cho là anh hơi nói quá, vì phá rừng là do hàng ngàn đầu nậu buôn bán gỗ, toàn gỗ tốt. Mấy bó củi nuôi quân thì thấm vào đâu.
Tk5.
Mỗi lần từ biên giới về, phóng xe qua Vĩnh Yên, anh Tiến hay dừng ở dốc Láp, vào quán em Ba Loe,cô Tòng và ới chúng tôi ra vui. Ngày đó bắt đầu biết nhậu, bia rượu và chân giò, gà luộc (sang hơn đầu những năm 1970).
Trên đó, anh cón gặp bác Giao, Vĩ Việt Hưng k6... đi thực tế chiến trường. Anh em gặp nhau nơi mũi tên hòn đạn, thật hay!!!
A , "Tiến gù" nói đúng , thời đó "lâm tặc" còn ít lắm , chủ yếu là lính ta tàn phá . Không biết "nỗi đau vẫn còn nguyên đó" của "Tiến gù" có cộng thêm cả nỗi đau "rừng bị đem cho thuê" với giá "bèo" không ?
Đăng nhận xét