Tháng 9/1970, cánh khóa 5 TSQ Nguyễn Văn Trỗi - sau kì thi tuyển ở trường VHQĐ Lạng Sơn – tập trung lên ĐHQS ở Vĩnh Yên. Văn Tiến Huấn, Lê Chí Hòa, Nguyễn Khánh Hòa, Hoàng Văn Chương, Hà Văn Công, Hà Huy Dũng, Phạm Kháng Trường… đến hơn chục mạng Trỗi được phân vào lớp Thông tin khóa 5.
Đơn vị của chúng tôi là C153 (thuộc Khoa Cơ bản). Doanh trại sát cạnh C143 (năm thứ 2 khóa 4), nằm ở góc đồi sau sân vận động Bảo Sơn. Qua mấy thửa ruộng chừng “vài cái quăng dao” là 1 xóm nhỏ, cây cối xanh um. Chiều nào nhìn sang cũng thấy thấp thoáng vệt khói lam bay lên từ những nóc nhà…
Ngay năm đâù tiên, lính chúng tôi học trong cuộc sống được bao điều thú vị mà trước đó chưa hề biết. Người thầy là những lính chiến ở đơn vị về: các anh Nguyễn Phôi, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Tam, Đoàn Mạnh Hùng (min), Đỗ Ngọc Khôi (điếc), Trần Hay, Võ Minh, Tuân "gái", Lộc "chim én", Điền…
Bắt lươn
Nhiều lính chiến xuất thân từ nông thôn nên biết nhiều trò kiếm sống. Anh Trần Hay, dân Nam Định, rủ rê cánh trẻ: “Tớ chỉ trông mấy thửa ruộng dưới kia biết thể nào cũng có lươn”. “Nhưng bắt thế nào, ông anh. Câu à?”, chúng tôi thắc mắc. “Lươn không như cá, không câu được. Để tớ bày cho cách làm hom bắt lươn”.
Chiều ấy, anh vào làng xin các cụ mấy cây nứa và ít đoạn tre già. Chỉ với con dao quắm, anh cắt cây nứa thành những cái ống mà 1 đầu để trống còn 1 đầu bịt sẵn bằng phần mắt nứa già. Dọc ống nứa, anh mở những khe hẹp 2-3mm. “Mở thế này thì nước vẫn chảy qua, còn lươn có đã vào ống cũng không thể ra được”, anh vừa làm vừa dạy, “Còn đầu hở của ống nứa được gài những cái hom bằng tre”. Anh khéo léo bện những vòng bằng lạt nhỏ hơn miệng ống rồi vót những “chông tre” gài cho phần nhọn hướng vào trong. Các mũi chông ken dày vào nhau, chỉ còn hở đúng lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay út: “Lươn chui vào thì dễ nhưng không cách nào ngược ra được vì vướng hom”. Đúng là phải xuất thân từ làng quê mới biết cách làm hom lươn như anh.
- Chỉ như vậy đặt xuống ruộng là bắt được lươn à? – Anh em tôi lượn lờ quanh, thắc mắc.
- Còn lâu. Phải có mồi, nhất là mùi tanh của nhái, của cá sẽ hấp dẫn lươn ghê lắm. Bắt nhái, đập chết, nhét vào bên trong ống rồi gài hom lại. Ngửi thấy mùi tanh, lươn ta sẽ mò tới, tìm cách chui vào ống, chén nhái. Vậy là toi. Mà đặt hom cũng phải có chỗ, có cách.
Sau giờ cơm chiều, chúng tôi theo anh đi đặt hom. Chọn chỗ nước chảy từ ruộng này sang thửa kề bên, anh đặt những hom lươn xuống, nhấn thêm ít đất chèn cho chắc. Rải rác chục ống đặt khắp mấy thửa ruộng.
Sáng hôm sau, anh dậy trước kẻng báo thức rồi rủ chúng tôi đi thu ống lươn. Hầu như dỡ hom nào cũng thấy có ít nhất 1 chú lươn, không thì 2. Mà lạ là ai không đặt hom có thấy cũng không lấy trộm. (Ngày ấy hay thế!).
Chiều ấy có món lươn tươi xào ăn thêm. Lính già đúng là lắm trò!
Chiều ấy có món lươn tươi xào ăn thêm. Lính già đúng là lắm trò!
Ăn thịt chuột
Giờ về miền Tay tha hồ ăn thịt chuột đồng chứ cách đây 40 năm khi mới vào lính thì làm gì biết ăn. Ở thành thị chỉ quan niệm: chuột là bẩn thỉu, nhất là chuột cống – nguồn sinh bệnh. Vậy mà nghe anh Phôi (lính Quảng Trị tập kết) nói: “Thịt chuột đồng ăn ngon lắm” mà chả đứa nào tin.
Chiều ấy, tăng gia ở vườn sát chân đồi, anh phát hiện có chú chuột đồng chạy vào hang. Vậy là kiếm rơm về hun. Mắt mũi dàn dụa, anh quạt lấy quạt để rồi theo dõi thầy cứ lỗ nào có khói ra là phân người canh: “Chuột chạy ra là đập chết nhé!”. Khói dày quá, không chịu nổi, các chú chuột cứ theo hang mà chạy ra. Bắt cả chục con. Chú nào cũng béo nẫy.
Ông anh quạt rơm thui ngay chuột. Những chú chuột đồng béo ngậy sau khi thui rồi cạo sạch thì có màu nâu vàng như con chó thui. Rồi mổ banh, vứt lòng ruột đi. Sau khi rửa sạch, ông anh bóp muối, ớt bột và đem nướng. Thịt chuột nướng thơm lừng. Nói vậy tôi cũng chả dám ăn, chỉ dám “ăn bằng mắt”. Cái nhà anh Khánh Hòa thì vừa xé thịt chuột ăn vừa cười vô tư: “Thịt chuột ngon ra phết!”.
Sau này, những năm đầu 1980, cuộc sống thiếu thốn đủ điều. Thịt cá cũng thiếu. Nghe nói, mấy hàng phở vì không có xương lợn đã thuê người đi bắt chuột về nấu nước dùng. Ở nông thôn còn có chuột đồng, chứ ở thành thị thì toàn chuột cống.
Chính mắt tôi thấy đêm đã khuya, có những tay quần xắn móng lợn, đạp xe lang thang các phố, trên vai vắt cây gậy mà 1 đầu gắn vợt lưới. Ngay góc Phan Bội Châu – Trần Hưng Đạo có đường cống dẫn ra hố ga mà 1 đầu sát tường đã bật gạch lát. Hai tay xuống xe, 1 thằng lùa lùa cửa cống, tay kia dùng vợt chặn ở cuối. Thấy động, chuột đã lao vọt ra đầu kia và chui tọt vào lưới, giãy giụa, miệng kêu chí chóe. Chắc cánh này bán chuột cống cho hàng phở? Để khỏi “lộ hàng”, nhà hàng cho thịt chuột vào bít tất rồi buộc lại, thả dưới đáy nồi nước dùng. Ít mì chính mà nước ngọt ra phết!
Chả hiểu bà con có bị lây bệnh dịch hạch từ những bữa phở này?
(Còn tiếp)
Chả hiểu bà con có bị lây bệnh dịch hạch từ những bữa phở này?
(Còn tiếp)
9 nhận xét:
Những chuyện vui từng trải qua của bantroi trên Lạnh Sơn từ đầu những năm 70 làm cho đời lính đẹp hơn,lạc quan hơn.Riêng Văn Tiến Huấn khi ở cùng tôi cứ nhớ mãi vị phở chua ngọt Lạng Sơn,thương chú em tôi mua sườn về,dùng dấm tỏi,đường nước mắm,ớt đánh liều làm thử món sườn chua ngọt.Huấn ta sơi hết nửa đĩa mới phát biểu là giống cái vỵ chua ngọt từng được nếm ở xứ Lạng.KhángChiến
Cá mương. Một ngày lạnh như Hà Nội bây giờ. Cả hội ngồi chống tay nhìn mưa. Một bác Vĩnh Bảo (HP) đi đọc báo (WC) về thông báo tin sốt dẻo, mương sau khu WC có cá rất to, anh thấy quẫy mạnh, đi ngay không thằng khác xơi mất. Sau 2 tiếng chống chọi với giá lạnh, nước và bùn đất. Kết quả 2 con rô cờ. Bổ sung vào đặc sản lính HV.
Phở chua ở Lạng Sơn duy nhất có một hàng, do ông già người Hoa kiều, có lông mi bạc trắng, phải vậy kg anh Kháng Chiến.
Tôi là dân Lạng Sơn ,nhưng bây giờ về LS chẳng biết tìm phở chua ở đâu nữa.Ông già người Hoa chắc đã hồi hương mà không có truyền nhân ,nên bây giờ món đặc sản đó thất truyền-Thật tiếc.Hoang Chương .
Hồi ấy hay sang bên Đông Kinh (khu thị tứ, còn bên này sông Kỳ Cùng là khu hành chính, còn gọi là "bên Tỉnh") ra ăn phở chua Toàn Thắng.
Phở ăn dơn dớt, chua chua.
Trong nam, dưới WC (nhất là ngài trời) thì chắc chắn là ao cá. Tha hồ mà nhiều cá tra. MỖi lần thả cái tõm là bọn cá ào ào tới đớp mồi. Nhiều ông ngồi trên chỉ sợ nó nhảy cao, đớp mất cái ấy thì bỏ mẹ.
Trong số các ông anh lính, đã có người về với thiên cổ:
- Anh Hùng "min" sau bị tâm thần phân liệt, toàn đi lang thang, thậm chí "cầm nhầm" đồ của nhà khác. Anh ốm, chết đã hơn chục năm.
- Anh Tam ở Vietsovpetro, về hưu 2005. Khi nào xuống Vũng Tàu anh em cũng gặp nhau, còn anh luôn lên tham gia họp mặt HV trên SG. Vậy mà 2009 anh đi vì ung thư máu.
Các anh Phôi, Điền, Lộc... mất liên lạc đã lâu. Bác Trần Hay vền ghỉ được các em k10 HV mờ dđlaiàm. Nay ốm, nằm nhà.
Các bác đã ăn Phở đắng bao giờ chưa ?
Hôm rồi (17.3) lên Hoà Lạc, lang thang dọc đường, thấy quán phở bò thì vào ăn xem sao. ăn xong thấy đắng ngắt vì: giá 20.000 đ là đúng rồi, nhưng vì nước phở chả ra gì, mấy mẩu thịt bò nâu đen, bé vụn chả ra làm sao cả. Lâu nay ăn phở HN cực ngon, vậy mà cách đúng 30 km đã sang một địa ngục khác rồi.
quả là không ngoa tại thời điểm hiện nay người ta bắt quả tang một quán dùng"công nghệ"thịt chuột cho vào làm nước dùng.phải công nhận nước ngon và ngọt.ấy thế mà chẳng bị tẩy chay trái khách lúc nào cũng nườm nượp.đúng là thời đại công nghệ.
phúc chiến
Đăng nhận xét