Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Trao đổi: Dân ta phải biết sử ta (Tiến "gù")

NHÌN LẠI LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ
Bác Hồ đã dặn : “ Dân ta phải biết sử ta …”.  Nhưng do dân ta tối mắt tối mũi làm ăn, có mấy ai đọc sử đâu ! Ngay như anh em mình cũng vậy , ít người thử đọc xem sử mình thế nào một cách cẩn thận . Tôi xin phép đọc hầu anh em mình xem sử Việt nam có gì hay trích dẫn để anh em cùng tham khảo .
Trước hết xin giới thiệu qua về quyển sử mà tôi đọc ,
Quyển sử này là : “ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ” Dựa theo bản in ván khắc xưa nhất năm Chính Hòa thứ 18 tức năm 1697 còn được lưu giữ tại “Thư viện của Hội Á Châu ở Paris , do giáo sư Phan huy Lê phát hiện ra khi công tác tại Pháp vào những năm 70 của thế kỷ trước . Các nhà sử học , hán nôm , khoa nhọc xã hội đã dầy công biên dịch và Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – Hà nội in năm 1998 .


Dẫn chứng nhiều thì dài dòng và mất tập trung , ở đây tôi chỉ xin nêu với anh em mình một số sự việc của đời nhà Trần – thời kỳ dân Việt chống ngoại xâm oanh liệt nhất , và đời nhà Lê – thời kỳ nước Việt khá hưng thịnh và có Bộ Luật Hồng đức – gần như là một bộ luật có hệ thống , toàn diện và tương đối đầy đủ đầu tiên của nước Việt .

1-/      Vào đời Trần Thánh Tông hoàng đế , Thiệu Long năm thứ 7 ( 1264 )
       .   Trần Thủ Độ khi đó làm Thái sư , đã có một câu chuyện như sau :
Linh Từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm , bị quân hiệu ngăn lại , về dinh khóc bảo Thủ Độ : “ Mụ này làm vợ ông , mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế” . Thủ Độ tức giận , sai đi bắt . Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết . Khi đến nơi , Thủ Độ vặn hỏi trước mặt , người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời . Thủ Độ nói : “ Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp , ta còn trách gì nữa” . Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về . ( Trích nguyên văn trang 48 , Đại Việt sử ký toàn thư , tập 2 , NXB văn hóa – thông tin , Hà nội 2000 ) .Xin lưu ý anh em rằng Trần Thủ Độ là người có công chủ yếu trong việc lập nên vương triều Trần .

2-/     Vào đời Trần Nhân Tông hoàng đế , Hưng Long năm thứ 4 ( 1296 )
          Mùa xuân , tháng 3 , Thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc , [ vua sai ] đánh chết . ( Trích nguyên văn trang 110 , sách đã dẫn ) . Không phải bây giờ các quan chức mới biết đánh bạc , nhưng ngày xưa người ta quan niệm rằng quan chức phải là những người mẫu mực , do đó dù là Thượng phẩm mà phạm tội đánh bạc vẫn bị đánh đến chết . Còn bây giờ ?

3-/   Vào đời Lê Thái Tổ cao hoàng đế , Minh Tuyên Đức năm thứ 2 ( 1427 ) .
Giết Tư Mã Lê Lai , tịch thu gia sản , vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn .
( Trích nguyên văn trang 412 , sách đã dẫn ) .
Chúng ta đều được học câu chuyện lịch sử “Lê Lai liều mình cứu Chúa” , thế mới biết luật vua nghiêm trị như thế nào ( mặc dù lúc này Lê Lợi vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn ) .

4-/   Vào đời Lê Thái Tông văn hoàng đế , Thiệu Bình năm thứ 1 ( 1434 ) .
     Ngày 28 , ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan rằng : Từ nay về sau không ai được lui tới chỗ ở của Quận vương . Quận vương nếu không có người đến gọi thì không được vào chầu . Kẻ nào lén lút dẫn vào , hoặc người coi cửa cho vào , cùng các quan nào lén lút đến nhà Quận vương đều bị trị tội nặng . ( Trích nguyên văn trang 484 , sách đã dẫn )  . Quận vương ở đây chính là Tư Tề , con trưởng của Lê Lợi . Mặc dù là anh em ruột với vua , nhưng luật rất nghiêm .

5-/  Cũng ở đời Vua Lê Thái Tông văn hoàng đế , Thiệu Bình năm thứ 1
           ( 1434 ) .
Tên đầu bếp ở Thái miếu Nguyễn Chú vì tội ức hiếp mua rẻ hàng hóa , bị đánh 80 trượng , thích chữ vào gáy , đồ làm lính nuôi voi . ( Trích nguyên văn trang 496 ,sách đã dẫn ) . Là đầu bếp nấu ăn cho vua , ỷ thế cậy quyền nhũng nhiễu dân mà vua vẫn trị tội nghiêm , chắc rằng những kẻ hậu sinh khó theo !

6-/      Cũng vào đời Vua Lê Thái Tông văn hoàng đế , Thiệu Bình năm thứ 2
               (1435 ) .
 Vua dã ra lệnh chỉ cho các quan văn võ trong ngoài , có những đoạn như sau : “ Nay các khanh không kính giữ phép công , người giữ tiền bạc sổ sách cả nước thì để chậm trễ hoặc gây khó dễ , thuế đáng thu hay đáng miễn thì không chịu phê tâu dứt khoát để làm khổ dân …….Còn kẻ coi dân thì chỉ vụ lợi riêng , không lo nuôi dưỡng dân , hoặc tha cho người giàu , bắt tội người nghèo , mua gỗ làm nhà cửa , xử kiện không công bằng , chỉ gây bè phái , lo hối lộ , làm việc không siêng năng , chỉ thích ăn uống nhậu nhẹt ……..Các khanh cùng hưởng lộc trời , trị dân trời mà làm việc như thế , không trái với lòng trời ư ? …..Nếu các khanh biết dốc hết tâm sức đổi lỗi xưa , theo con đường phải , hết lòng trung thành , yêu mến quân dân , hòa mục với đồng liêu , công bằng xử án , khuyến khích nông tang , dẹp yên trộm cướp , cố giữ liêm khiết thì thân mình vẻ vang , nhà mình vinh hiển , phúc đến con cháu sau này . Nếu ai không theo sẽ tự chuốc lấy trừng phạt” ( Trích nguyên văn trang 516 , sách đã dẫn ) . những đoạn lệnh chỉ trên của vua cách đây đã 575 năm , nhưng có lẽ dùng đoạn lệnh chỉ này áp dụng cho bây giờ vẫn đúng .

7-/     Cũng vào đời Vua Lê Thái Tông văn hoàng đế , Thiệu Bình năm thứ 2
              (1435 ) , tháng 11
. Vua đã cho chém Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường là Nguyễn Liêm . Liêm nhận của người hai tấm lụa . Lê Sát căn cứ vào lệnh chỉ thời Thái Tổ ghi là nhận một quan tiền hối lộ thì tâu lên xử trảm , [nên chém Liêm] . Con Liêm xin chịu chết thay cho cha , cũng không được . ( Trích nguyên văn trang 521 ,sách đã dẫn ) . Xem chừng ngày xưa Vua dã xử lý rất nghiêm khắc tội hối lộ mà các quan vẫn không sợ chết , vẫn lăn xả vào để ăn tiền , huống hồ bây giờ quan tham như vi khuẩn nhờn thuốc kháng sinh , và lại câu kết với nhau thành những “khối bê tông” thì công việc này xem ra khó nhiều rồi !

8-/  Cũng vào đời Vua Lê Thái Tông văn hoàng đế , Thiệu Bình năm thứ 4
            ( 1437 ) .
Vua xuống chiếu rằng : “ Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước , ghen ghét bậc hiền tài , ….Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước , nhưng vì là viên cố mệnh đại thần , có công với xã tắc , nên đặc cách khoan tha , nhưng phải bãi chức tước” . Lê Sát không những là đại thần có công từ thời Lê Lợi , mà còn là họ hàng thân thích với Vua Lê Thái Tông , nhưng khi đã phạm phép nước vẫn bị xử bãi chức – Lúc bị bãi chức Lê Sát là Đại Tư đồ . ( Trích nguyên văn trang 534 ,sách đã dẫn ) .

9-/   Vào đời Vua Lê Thánh Tông Thuần hoàng đế , Quang Thuận năm thứ 8
           ( 1467 )
. Vua cho bắt Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm vì Lương Thế Vinh hặc tội ông này dung túng kẻ đưa hối lộ là Hán Tông Nghiệp . ( Trich nguyên văn trang 648 ,sách đã dẫn )


10-/   Cũng vào đời Lê Thánh Tông thuần hoàng đế , Hồng Đức năm thứ 2
                ( 1471 ) .
 Ngày 26 tháng 9 , hiệu định Hoàng triều quan chế . Vua dụ các quan viên văn võ và trăm họ rằng : “ …….Đã không có người nào ăn hại , mà trách nhiệm lại có nơi quy kết , khiến cho quan to , quan nhỏ đều ràng buộc với nhau ; chức trọng chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau . Uy quyền không bị lợi dụng , thế nước vậy là khó lay . Hình thành thói quen giữ đạo lý , theo pháp luật mà dứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa , phạm ngục hình . ( Trích nguyên văn trang 707 ,sách đã dẫn ) .

11-/   Cũng trong năm này Vua còn ra sắc chỉ rằng :
“ Các chức quan văn , võ trong kinh , ……Sau ba năm mà xứng chức và không phạm lỗi gì thì được thăng cấp cho thực thụ . Người nào không xứng chức thì đuổi về làm các hạng quân sắc cũ ……..Từ nay về sau , khi có sắc chỉ hay các thể lệ lớn nhỏ thì bộ , sứ ty và các nha môn phủ , huyện , châu đều phải viết ra bảng treo dán lên để dân chúng theo đó mà thi hành .” ( Trích nguyên văn trang 711 , sách đã dẫn )
Có thể thấy từ đời các Vua cách đây gần 600 năm người ta đã biết định ra Quan chế , Vua yêu cầu các loại quan chức đều phải một lòng vì dân , quan chức nào không xứng đáng thì đuổi về để không ăn hại lộc Vua , tiền dân , hơn thế nữa từ thời xa xưa đó việc công khai thông tin đã được Vua yêu cầu làm nghiêm rồi . Thế mới biết chúng ta học lịch sử còn kém lắm !


12-/ Cũng vào đời Vua Lê Thành Tông thuần hoàng đế,Hồng Đức năm thứ 4
            ( 1473 )
Vua dụ bọn Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng : “ Một thước núi , một tấc sông của ta , lẽ nào lại nên vứt bỏ ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện , chớ cho họ lấn dần . Nếu họ không nghe , còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian . Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc , thì tội phải chu di”( Trang 719 , sách đã dẫn) mặc dù là Bắc thuộc , mặc dù là phải triều công nhà Minh , nhưng ý chí bảo vệ đất đai của tổ tiên rất quật cường và xác định rõ tội làm mất một tấc đất của tổ quốc nặng như thế nào !
Còn hiện nay ?

13-/  Cũng vào đời Vua này , Hồng Đức năm thứ 5 ( 1474 ) .
Sắc dụ quan lại phủ , châu , huyện các sứ thừa tuyên trong cả nước rằng
: “ Đặt luật để trừ kẻ gian , sao dung được bọn coi thường pháp luật ; đặt quan để dẹp mối kiện , lại gây ra cái tệ bán quan mua tước .Nếu không cấm triệt cho nghiêm thì sao chấm dứt được nạn tranh đoạt rắc rối” .
       ( Sách đã dẫn , trang 722 ) .
Thế mới biết , nếu không “ngộ” để bớt đi “Tam độc : Tham , Sân , Si” ( tôi chỉ dùng chữ “bớt đi” vì nghe chừng chữ “diệt” khó lắm ) thì con người hiện đại ngày nay với những con người cách đây 500-600 năm “vẫn y nguyên” .
Tiến “gù” sẽ cùng các bạn đọc sử dài dài trong các kỳ trao đổi sau , có nhiều chuyện lạ .


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ!
... Đã không biết còn không tra cơ mới chết!