Nhớ cách ít năm thấy bà con ở thị xã Quảng Bình kêu trời về chuyện trồng nhiều hoa sữa, đến mùa nồng nặc mùi hoa sữa, không chịu nổi. Nhiều người đòi đào đi. Thật là tội cho cây hoa sữa. Thế mới biết trồng cây ở đô thị có “luật” của nó.
Nhớ ngày xưa, xe cộ còn ít, bọn trẻ con khu gia binh 38 Trần Phú thuờng rủ nhau ra ngồi bệt ngay vỉa ba toa hè phố, dưới bóng mát của những cây sấu, ngắm xe cộ qua lại. Nào Châu “lé”, Đồng Tiến, Trung Việt, Toàn Thắng, nào Thắng Lợi, Linh "ngổ", Bá "de"…
Phố Trần Phú được quy hoạch trồng sấu suốt từ chắn tầu đầu Phùng Hưng tới tận vườn hoa Tập Kèn. Hè đến, Cty Cây xanh cho người đi thu hoạch sấu. Thấy những bác thợ mặc quần áo bảo hộ, vai quàng cuộn dây thừng loại lớn, tay xách theo cái bị to, leo lên cây hái sấu. Những bị sấu đầy ắp đuợc thả dây xuống, tập trung dưới gốc. Sấu xanh đuợc mang ra chợ bán. Mùa hè mà ăn rau muống luộc chấm tuơng thì phải có bát nuớc rau đánh dấm sấu. Chua chua, mát. Ngon tuyệt!
Bọn trẻ con chỉ chờ dưới gốc, thấy quả sấu chin nào rụng là tranh nhau. Quả sấu chín vàng, nước ngọt ngọt chua chua, được chia nhau cắn, mỗi đứa 1 miếng. Tiếc là vỏ sấu quá mỏng, cắn tí đã tới hột. Riêng đứa nào đuợc ngậm hột thì còn sướng tới hôm sau. Giờ kể lại giỏ cả dãi.
Cắt phố Trần Phú là phố Điện Biên (người ta không nói thêm từ Phủ, chả hiểu sao?). Phố này lại trồng đa. Còn nhớ, nghỉ hè, bọn trẻ con các phố hay rủ nhau lên đây nhặt búp đa. Dùng tay khẽ se cho màng mỏng của búp đa tách ra rồi thổi nhẹ là cái búp phồng lên. Thế là có 1 trò chơi.
Còn nhớ có lần có thằng chờ mãi mới thấy 1 búp đa rơi xuống. Cậu vội phi qua đường nhặt. Lại vừa đúng có chiếc xe ô tô chạy qua, thế là tai nạn. Bà con xúm lại đưa nó vào cấp cứu ở Viện quân y 354 (nay là trụ sở Tồng cục CNQP). Từ đó cấm thằng nào dám nhặt búm đa rơi trên đuờng.
Đuờng Hoàng Diệu thì trồng toàn xà cừ. Cây nào cây nấy cao, to đến mấy người ôm. Mát rượi cả phố. Duới gốc là những quả xà cừ đã già, lộ ra ruột có 4 cánh màu nâu. Ở những gốc xà cừ này về mùa hè thì tha hồ nhiều ve. Ve kêu ra rả suốt ngày đêm. Cứ chập tối, tụi trẻ cn khu 38, khu 28 Điện Biên, khu 1A Hoàng Văn Thụ hay mang đèn pin đi bắt ve mới đội đất chui lên hay ve sắp lột xác. Đứa nào về cũng có chừng chục con. Sau đó say sưa ngắm nó lách mình, chui ra khỏi cái xác cũ, run rẩy với cặp cánh mỏng mảnh (chỉ khẽ chạm tay vào là cháy sém).
Năm 1963, nhà tôi chuyển và cuối Trần Hưng Đạo thì thấy ở hè phố trồng hoa sữa. Gốc nào cũng to, dưới là những ô cỏ xanh. Sao ngày ấy không ngửi thấy mùi hăng hắc nhiều. Sau những cây hoa sữa già, đổ vì bão mà họ trồng cây sưa thay thế.
Giờ đã lớn, đi qua Nguyễn Du đoạn hồ Halle vào khoảng tháng 10, nhất là về đêm thấy thơm ngào ngạt mùi hoa sữa. Cứ nói tới hoa sữa lại nhớ đến em út. Chắc nó lãng mạn với tuổi trẻ và những mối tình đầu?
Cũng dịp ấy năm 2003 khi cùng Phan Nam, Nam Hoà, Quang Huy, Hữu Thành, Đoàn Mạnh Thanh sang lại Quế Lâm lần đầu, thấy thành phố khắp nơi thơm mùi hoa quế, có vị ngòn ngọt như mùi táo thì lại nhớ tới mùi hoa sữa ở HN.
Còn đoạn Trần Hưng Đạo, từ Sứ quán Pháp đến nhà Tôn Gia Quý cũng trồng sấu. Riêng Bông Ruộm (xưa gọi là Hàng Bông Thợ Ruộm) thì trồng bằng lăng. Cây không cao to, có lẽ vì vậy mà phù hợp với phố nhỏ này. Đến mùa, cả phố rực màu tím. Cái màu tím của bằng lăng sao kiêu sa. Đẹp thế! Nay, đuờng Yết Kiêu phía Cung VHHN cũng trồng bằng lăng.
Chuyện phố Cò Ỉa (Lò Đúc) của Thuận Khỉ, Phan Hoài Lưu với những gốc sao thẳng tắp, cao vút thế nào? Phố nào trồng cơm nguội, trồng bàng để Trịnh có ca khúc với “HN mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bang là đỏ…”? Rồi đâu đỏ rực hoa phượng vĩ mỗi khi hè về?
Các bạn hãy viết về cây xanh của phố mình đi!!!
1 nhận xét:
Nhớ có bài viết về mấy cô mấy cậu giờ ghếch đít lên yên xe, say đắm ôm hôn nhau bên bờ hồ Halle, chìm trong không gian đêm thoang thoảng mùi hương hoa sữa...
Đăng nhận xét