Khi học lớp 5 không hiểu sao Hà bị bệnh. Trời mùa đông lạnh ngắt mà Hà cứ tồng ngồng lao xuống sông ngâm cả ngày. Người nhà phải dỗ dành mãi Hà mới chịu lên bờ. Rồi như người trầm cảm Hà ngồi thu lu trong góc nhà, chả đi đâu và nói năng với ai, nhìn ai cũng lừ lừ đôi mắt.
Ông Nghị, y tá duy nhất trong làng. Thời Tây, ông từng làm cho Pháp ở bệnh viện Đồn Thủy tận Hà Nội. Tiếng Tây ông thạo lắm. Ông đoán Hà bị bệnh động kinh. Ông Khúc, thầy cúng ở chùa làng thì lại phán “Nhà Hà bị động long mạch mồ mả”. Gia đình mời ông cúng bái mãi, mất cả thủ lợn, đàn gà và mấy mẻ rượu lậu mà chả giải được. Bỗng dưng sau một thời gian tự nhiên Hà khỏi bệnh, lại khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như xưa.
Năm 70 Hà đi bộ đội. Tôi còn nhớ có một lần Hà chiêu đãi chúng tôi ở cửa hàng ăn uống trên phố huyện, trong kỳ nghỉ tranh thủ giữa 2 đợt huấn luyện được về thăm nhà. Bữa tiệc gồm cơm độn ngô vàng tươi, đậu phụ sốt cà chua, khoai tây xào và đĩa cá rán. Chả biết có phải là cá rán không nhưng bây giờ nhớ lại cái món cá rán ngày ấy là cá nướng thì đúng hơn vì vẩy cá xém đen. Ngẫm lại thời bấy giờ cửa hàng ăn uống quốc doanh mà món nào cũng rán với xào thì có mà sạt nghiệp. Bữa cơm chỉ mất mấy hào bạc và cái tem gạo mà Hà được thanh toán ở đơn vị. Thế mà bốn đứa ăn no, ăn như chưa từng bao giờ được ăn.
Thời thế lộn tùng phèo cả. Cái món cá nướng hạng bét của ngày xưa nghèo đói lại trở thành món đặc sản của ngày hôm nay.
Sau này nghe Hà kể, ngày tiễn anh em bộ đội đi Nam ở ga Tiền Trung, trong đoàn người đưa tiễn hôm ấy không có ai là bạn bè người thân của Hà. Chả biết trong hàng ngàn người lính ra đi trong chiều đông năm ấy có ai buồn như Hà không? Hà ngơ ngác chờ người thân trên đường ke sân ga. Khi lên tầu, Hà cố nhoài người qua ô cửa toa ngoái lại mãi cho tới khi mấy nhịp cầu Lai Vu phía xa bé dần, bé dần rồi khuất hẳn sau làn khói đen. Hà lấy hết sức ném bọc quà qua ô cửa con tàu đang lao nhanh xuống đường rồi nói to với những người đang còng lưng đạp xe trên đường 5 “Gửi hộ về quê theo địa chỉ… ”. Thế rồi bọc quà cũng được ai đó gửi qua bưu điện về quê cho bố mẹ Hà. Quà là bộ quần áo Tô Châu phát trước khi đi cho bố và bộ quần áo cũ cho em cùng cái mũ cối Tầu.
Kỷ niệm Hà tặng tôi trong những ngày sắp rời xa miền Bắc là cuốn tiểu thuyết Ruồi Trâu. Hà nói, mua ở hiệu sách huyện. Tôi vẫn ngạc nhiên về món quà này cho tới hôm nay. Tôi chả thấy Hà đọc sách bao giờ thế mà tự dưng lại nhận được món quà hết sức nhân văn của giới học sinh sinh viên có học thời ấy.
Sau ngày hoà bình gặp lại, nghe Hà kể đơn vị Hà năm ấy đi nam để bổ sung quân cho chiến trường Đông Nam bộ. Dọc đường hành quân, đạn bom, quân số rơi rớt lớp chết, lớp sốt rét, một số tụt tạt… Hà là một trong những người lính vào “đến đích”. Tới Tây Ninh quân số được phân chia cho nhiều đơn vị. Một số xuống đồng bằng, số còn lại bổ sung cho các đơn vị Miền.
Một lần Hà nghe tin hơn chục thằng, trong đó có mấy đứa cùng làng nhập ngũ một đợt, hành quân bị vướng mìn Claymo “đi” sạch. Khi nhận được tin này, Hà úp mặt vào võng khóc mấy đêm liền, thương cho những thằng bạn vắn số.
Đánh nhau, chống càn, bom vùi đạn dập, tưởng rồi cũng theo bạn bè, thế mà thoát. Sau này sốt rét nặng quá Hà bị đẩy lại phía sau cho bộ phận sản xuất.
Tình cờ trong một lần chuyển gạo cho đơn vị, Hà gặp được ông bác họ làm chỉ huy một trung tâm huấn luyện của Miền. Rồi được bác gọi về làm chân công vụ. Hơn năm quản lý trà thuốc, bưng bê cho thủ trưởng thì Sài Gòn giải phóng. Ngày ấy cùng nhóm phục vụ thủ trưởng trong rừng, ngoài Hà,lính bảo vệ, còn có hai em nấu cơm và y tá Việt kiều Campuchia. Cứ một tuần vài tối Hà lại phải xuống kêu y tá lên đấm lưng cho thủ trưởng.
Có hôm thủ trưởng nói “Hôm nay cho y tá nó nghỉ, gọi “cấp dưỡng” lên thay ca đấm lưng cho tao”. Sau này Hà mới biết các thủ trưởng “kha khá” trong rừng hầu như ông nào cũng có “hoàn cảnh” cả. Sau khi bắt thề sống thề chết không được hé răng với ai Hà vít đầu tôi: “ Ông bác họ em có cả con với cô y tá”.
Ngày ấy là chiến tranh, là sống, là chết,thôi thì… đằng nào các anh cũng là liệt sỹ, đã hy sinh cho tổ quốc, “đùn” them “đứa con” cho các anh nữa cũng chả sao, chắc các anh thông cảm? Vậy nên những trường hợp bị “lỡ” của các thủ trưởng như ông bác họ Hà sau này đều được tổ chức “hợp thức hoá” thành con em “liệt sỹ”, có chế độ chính sách hẳn hoi.
1 nhận xét:
cái tay này viết rất có nét!
Đăng nhận xét