Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm (Lê Chí Hòa)

Cường lên trường khi trường còn đóng quân ở Đại Từ nhưng hai chúng tôi chỉ gắn bó (nghịch ngợm cùng nhau) khi trường chuyển về Phong Khẩu (Quế Lâm). 
Sau rất nhiều lần xáo trộn, biên chế (C7 chia thành C71, C72 khi mới sang Quế Lâm rồi lại sáp nhập thành C8 khi về Phong Khẩu) tôi và Cường trở thành "đồng sàng" vì nằm giường 2 tầng, tôi giường dưới, Cường giường trên. Vì đồng sàng, vì cùng nhiều sở thích và cùng vóc người bé nhỏ hay bị chèn ép(!)… nên chúng tôi hay cùng nhau những trò nghịch ngợm.

 
1.                 Sau khi sang trường mới, cả một không gian hoang dã (núi, rừng, hang động…) trải ra trước mắt chúng tôi, khơi lại niềm háo hức phiêu lưu, tìm hiểu mà tuổi thơ chúng tôi đã có từ khi còn ở Đại Từ và tạm lắng khi ở Trường Y Trung, ven đô Quế Lâm. Tuần đầu tiên chúng tôi leo núi sau trường và phát hiện những rừng hoa quả dại nhưng ăn rất ngon (theo quan niệm của những nhà thám hiểm nhỏ tuổi). Đó là táo dại, lê dại và đặc biệt là sim. 

Có thể nói trước đó và sau này chưa bao giờ tôi được gặp một rừng sim lớn như vậy và tất nhiên với những cái dạ dày háu đói của bọn trẻ đây thực sự là những bữa tiệc nhớ đời. Kết quả của những chuyến phiêu lưu này là hiện tượng táo bón trong đơn vị (được khắc phục bằng cách uống nước của các dòng suối rất sẵn ở chân núi) và một cái tên ra đời: Hoa Quả Sơn.
Leo núi mãi cũng chán, chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi thám hiểm và trong một lần như vậy, nhóm chúng tôi (gồm tôi, Cường “Mèo”, Khánh Vân, Việt Thắng…) phát hiện ra một chiếc hang rất lớn trong một quả núi nhỏ cách trường khoảng một cây số.
Thực ra ở Quế Lâm hang động rất nhiều nhưng điểm đặc biệt mang lại niềm hãnh diện của nhóm chúng tôi là: trong hang này, chúng tôi lại phát hiện ra một hang khác nằm trên trần của hang lớn với diện tích chừng 6m2 và có nhiều ngách, trong đó có một ngách đâm thẳng ra sườn núi, nằm khuất sau một tảng đá. Nhờ ngách này mà chúng tôi thoát khỏi một án kỉ luật (mà kết quả sẽ là một buổi lao động công ích bắt buộc).
Số là thời gian chuyển sang trường mới là thời gian nghỉ hè, các thầy quản lý chúng tôi bằng các buổi lao động và tổ chức đọc truyện, sinh hoạt văn nghệ đi kèm với một mệnh lệnh: “Em nào bỏ sinh hoạt trốn đi chơi sẽ phải dọn nhà xí (mà thường là rất bẩn) trong ngày”. Sau buổi lao động cả lớp được nghỉ giải lao 15 phút để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt tiếp theo.
Tôi, Cường, Chính “còi”, Tăng Lực, Phùng “thối tai”… nháy nhau lẳng lặng vòng sau núi và nhằm khu “căn cứ” thẳng tiến. Cả bọn đang hí hửng vui cười vì thoát được sự “kiềm tỏa” của các thầy, đồng thời tỏ sự “thương cảm” với những anh em còn lại trong lớp thì Tăng Lực kêu lên: “Bỏ mẹ rồi, thày Dư!”. Phía sau chúng tôi khoảng 100m, bóng thầy Dư - chính trị viên phó C8 - thấp thoáng. Con đường chúng tôi đang đi là đường độc đạo, không thể quay lại lớp mà không bị thày tóm gọn cả lũ. Trong tình thế “hiểm nghèo”, Cường hô: “Lên hang!”. Thế là chúng tôi, không ai bảo ai nhằm hang trực chỉ. Phía sau thày Dư vẫn bám sát.
Vào hang không ai bảo ai chúng tôi chui ngay vào hang nhỏ. Chỉ vài phút sau đã thấy thày Dư đứng ở miệng hang. Chắc nghĩ đám học trò này đã như “chuột sa bẫy”, không thể thoát ra được nên thày cứ đứng chờ ở cửa hang, cho rằng sớm muộn chúng tôi cũng phải lốc thốc chui ra, chấp nhận đầu hàng như lính Pháp ở Điện Biên Phủ.
Còn chúng tôi miệng ngậm tăm, ra hiệu cho nhau lần lượt theo đường ngách thoát ra sườn núi và nhanh chóng chạy về lớp đang sinh hoạt. Khoảng một tiếng sau, chúng tôi thấy thày quay trở lại cùng thày Thẩm Gia Đạo, Đại đội trưởng C8. Hai thày đứng chắn ở hai cửa lớp và đưa mắt nhìn cả lớp (chắc là nhẩm đếm quân số), sau đó hai thày lẳng lặng bỏ đi. Đến lúc đó cả nhóm chúng tôi cười ầm lên, chúng tôi đã lập được một “chiến công vĩ đại (!)”.
(Còn tiếp)

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Nhớ Cường "mèo", Doanh "mán" và Lâm "tắc li" - những thằng bạn k5 hy sinh ở Thành cổ!

Nặc danh nói...

Ủa, bài viết có phần 1. mà chưa có phần 2. Sẽ đăng tiếp? Hay là đánh số nhầm?

HMK6

TranKienQuoc nói...

Viết dài nên phải đăng nhiều kì. "Phơi-ơ-tông" mà!!!