Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 3 (Lê Chí Hòa)

Vũ Kiên Cường thân yêu của chúng ta.
... Về Hưng Hóa, tôi và Cường không học cùng lớp nữa (tôi vào lớp Chuyên toán) nhưng vẫn quan hệ thân thiết với nhau. "Trời đất xoay tròn", lên đến lớp 10 thì lớp Chuyên giải thể, chúng tôi lại cùng một trung đội.
Tôi với Cường chơi với nhau ngoài việc chung nhiều sở thích còn có một điểm riêng đó là rất thích đọc truyện. Truyện lúc đó chủ yếu là mượn thư viện của trường hay gia đình gửi lên rồi chuyền tay nhau. 

Hôm đó thấy Cường cầm một quyển truyện đã cũ, rất cũ, giấy đã ngả màu vàng.  “Truyện gì đấy? Hay không?”. Cường cười vẻ bí mật: “Hay, hấp dẫn là khác. Đọc xong tao sẽ cho mày mượn”. Cường đọc xong, đưa cho tôi và dặn: “Cấm chuyền tay, đọc xong phải trả tao ngay để còn mượn truyện khác”. Tôi lật trang bìa có hình một thanh niên bay lượn, từ tay vụt ra một luồng ánh sáng. Sách có tựa đề “Chu Long Kiếm Pháp”.
- Sách kiếm hiệp hả mày?
- Ừ, hay lắm. Cố gắng đọc trong 3 ngày thôi, phải bí mật đấy.
Thời kì đó, sách kiếm hiệp bị cấm nên càng kích thích trí tò mò của chúng tôi. Tôi đọc một lèo hết quyển truyện, đem trả Cường và háo hức: “Đi mượn tiếp được không mày, truyện hay quá!”. “Sẽ có truyện mới nhưng phải từ từ, chờ thời cơ”.
Buổi chiều thứ bảy, học sinh được nghỉ không sinh hoạt, không tăng gia, không thể thao, Cường rủ: “Đi mày!”. Chúng tôi ra phố huyện Hưng Hóa. Đi dọc phố tới một cửa hiệu nhỏ ngay đường rẽ ra bờ sông Thao, phía ngoài để một tủ kính, bên trong cùng mấy chiếc đồng hồ là hình một robot mà ở ngực có gắn đồng hồ. Phía bên phải lối vào có biển hiệu “Vĩ Đại”.
Cường dắt tay tôi đi thẳng vào phía trong. Ngồi ở bàn là một bác trung niên khoảng trên 40, da dẻ hồng hào, ấn tượng nhất là mái tóc dài và bộ râu đen nhánh. Thấy chúng tôi vào, bác  hỏi:
- Cường đấy à, đi với ai đấy?
-    Thằng bạn cháu, nó cũng mê đọc sách lắm.
-   Ừ, tuổi trẻ ham đọc sách là tốt. Đọc nhiều biết nhiều. Chờ chú một tý!
Ông sắp xếp lại bàn làm việc, rót nước ra cốc: “Uống nước đi. Thế đọc hết truyện rồi à? Kể tóm tắt lại xem nào”. Hai đứa chúng tôi tranh nhau kể lại chuyện vừa đọc, ông nghe gật gù vẻ vừa ý: “Chúng mày đọc truyện nhanh thế mà nhớ được như vậy là được rồi. Loại truyện giải trí thì chỉ cần nhớ cốt truyện và vào nhân vật chính là được rồi. Thế bây giờ có mượn không?”. “Có chứ ạ, chúng cháu thích truyện kiếm hiệp lắm”. “Thế thì vào đây!”.
Ông dẫn chúng tôi ra ngoài sau vườn, vào một gian nhà nhỏ đầy bụi, chắc là nhà kho, kéo tấm nệm rơm ra ông chỉ vào một cái chum chôn sâu dưới đất: “Truyện kiếm hiệp thì nằm trong này”. Chúng tôi lật lắp chum lên. Ôi chao, cả một chum đầy sách. Những quyển sách giấy đã ố vàng, chắc là được xuất bản lâu rồi: Huyết y kiếm khách, Hồng y nương, Bác sỹ Mai Anh, Người Nhạn trắng, Thám tử Đoan Hùng…
-         Cẩn thận lục ít thôi, không lại rách hết. – Ông nói - Tuần này chỉ mượn một quyển thôi, xem xong lại lấy quyển khác!
-         Cho chúng cháu mỗi đứa mượn một quyển, đọc xong trao đổi nhau đỡ làm phiền chú.
-         Phiền gì đâu, chúng mày ra đây nói chuyện chú đỡ buồn. Ở cái xứ này tìm được người yêu văn học ít lắm.
Sau khi trao đổi với nhau, hai đứa thống nhất mượn quyển “Huyết Y Kiếm Khách”, truyện về một vị kiếm khách “thế thiên hành đạo” thời Nam Tống. Ra buồng ngoài, nhìn vẻ mặt tiếc nuối của chúng tôi ông an ủi: “Còn nhiều thời gian, từ giờ đến lúc tốt nghiệp chúng mày còn mấy tháng nữa cơ mà”. “Sợ đến lúc ôn thi chúng cháu không có thời gian và điều kiện để đọc sách nữa”. “Không sao, đọc sách là chuyện cả đời, không đọc lúc này thì đọc lúc khác”.
Đang ngồi nói chuyện với ông thì thấy thấp thoáng ngoài cửa mấy khuôn mặt quen biết: Trần Lảnh, Phan Đức Dũng. Cường bảo tôi: “Về thôi mày!”. Khi ra cửa không thấy Lảnh và Dũng đâu nữa.
Trên đường về Cường giải thích cho tôi: Ông Vĩ Đại là một nhà văn hóa, là nhà thơ thời tiền chiến, có tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng vì chán đời nên ông về ở ẩn cư tại Hưng Hóa, lúc đó là một vùng còn khá thấp về dân trí, vì vậy ông rất thích giao du với học sinh trường Trỗi. Song không phải ai cũng được ông cho mượn sách và chúng tôi là một trong số ít người được tận mắt nhìn thấy kho sách của ông. Với tất cả chúng tôi ông cư xử như những người bạn vong niên, không phân biệt tuổi tác, trình độ. Trong trường ngoài mấy người khóa 5 chúng tôi, ông còn giao du với các bạn khóa 4.
Về đến nhà, tôi lao vào đọc quyển truyện mới mượn (Cường ưu tiên tôi đọc trước vì tôi đọc rất nhanh). Đang say sưa đọc thì thấy Trần Lảnh vào: “Đang đọc truyện à? Chí Hòa này, tao chỉ dặn một câu thôi, những gì thấy ngày hôm nay ở nhà ông Vĩ Đại không được nói lại với ai. Truyện thì chỉ mày và thằng Cường được đọc thôi, cấm chuyền tay nghe chưa?”. “Sao thế?”. “Chuyện phức tạp lắm, bọn mày chỉ cần biết thế thôi”. Vì câu nhắc nhở của Lảnh mà câu chuyện này tôi giữ kín suốt thời gian qua, nay kể lại vì nó là một kỉ niệm, một bí mật riêng (tôi nghĩ thế) của tôi với Vũ Kiên Cường.
Sau này, qua nhiều nguồn tin tôi mới biết rằng những lần đến thăm ông Vĩ Đại của chúng tôi đều lọt vào tầm ngắm của ai đó và câu chuyện được phản ảnh cho Ban giám hiệu nhà trường. Có thể đây là một lý do trong nhiều lý do mà tôi một học sinh giỏi, khá ngoan nhưng vẫn là một “men-sê-vích” (danh hiệu tặng cho các học sinh chưa phải đòan viên) cho đến khi tốt nghiệp. 
Mời ngắm lại cửa hiệu đồng hồ của ông Vĩ Đại, mới chụp ngày gần đây!

11 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Tôi rất mê tấm ảnh này của Cường. Lê Bình đã gửi tôi khi biết anh em miền Nam chuẩn bị "làm" Tập 1 SRTKL. Chuyện đã chục năm...

Nặc danh nói...

Thì ra hồi đó T.Lảnh với Đ.Dũng là "gián điệp" à?

HMK6

Nặc danh nói...

Hôm qua kể chuyện này với anh Lảnh. Anh ta cũng dấm dúi qua lại ông Vĩ Đại và hiểu khá từờng về nhân vật này.

tranphong nói...

Mình có nhận xét như thế này: Hồi ấy, những ai dính dáng đến phong trào "Nhân văn - giai phẩm" đều bị cô lập, ít ai dám tiếp xúc với họ. Ở Hưng Hoá còn có một nhân vật nữa các bạn còn nhớ không? Đó là ông Quý từng làm trọng tài trong các trận đá bóng của chúng ta với địa phương. Nghe nói, ông ta cũng có hoàn cảnh giống như ông Ngô Vĩ Đại. Mình nhớ có một buổi tối ngồi chơi cùng đám bạn ở sân bóng ngoài cổng trường, Phan Đức Dũng đã cao hứng nói rằng: "Trên đời này, tao chỉ phục ông Quý mà thôi! Bạn nào biết về ông Quý xin chia sẻ cùng anh em.

TranKienQuoc nói...

Chuyện này phải Đức Dũng. Để mình mail sang bắt bạn viết.

TranKienQuoc nói...

Nhớ lần cùng Chí Hòa vào tập võ trong khu khí tài. Thầy là Phan Nam. Bố mày dạy bài nếu bị đối phương đuổi thì giả vờ bỏ chạy rồi cúi xuống, lấy tay bốc cát, quay lại ném vào mặt đối phương. Thầy đang cất cao giọng, còn tôi và Chí Hòa đang luyện thì nhìn ra phía xa thầy Trần Phong đang bí mật "theo dõi". Thấy động, Phong tỉnh bơ bỏ đi.
Không biết Phong còn nhớ?

tranphong nói...

Kiến Quốc! Mình vẫn còn nhớ chuyện này. Các ông luyện võ mà sơ hở quá, để "đối phương" biết được. Mình nhớ trong "Thuỷ Hử", có Trương Thanh ném đá bắt anh hùng, với tài ném đá đã đánh gục 15 tướng của Lương Sơn Bạc. Chiêu ném cát này của Phan Nam cũng lợi hại lắm! Hình như, Hoàng Trung đã bị "ngã ngựa" vì độc chiêu này của Tấn Mỹ. Còn nhiều chuyện hay lắm, mình sẽ kể tiếp. Bạn có tin tức gì về Y Việt không? Y Việt là tay "quân sư" có hạng của "bộ tây" đấy!

TranKienQuoc nói...

Y Việt k4, anh Y Nam k6, mắt trô trố(?). Khi chuyển ra ngoài về Phòng Y tế Gò Vấp, đã giúp nhiều anh em HVQY ra mở phòng khám tư. Các bạn ở Viện 175 biết rõ, hỏi Tăng Lực (0983460771).

dathb136 nói...

Anh YViệt khoa dược bệnh viện Gò vấp.Em xin về hưu đi khám sức khỏe ở bệnh viện quận.Gặp anh YViệt khỏi cần khám,ngày hôm sau có giấy chứng nhận sức khỏe yếu ngay.

tranphong nói...

Các bạn! Đúng rồi, Y Việt học dược cao cấp trong Quân đội. Hồi ở trường Trỗi, Y Việt học khoá 3 cùng Bình Tây, Hoài Lưu... Y Việt là "quân sư" của "bồ tây" lúc trường ta ở Phong Khẩu, Quế Lâm. Nhắc lại chuyện này, chắc Y Việt "vui" lắm!

Nặc danh nói...

Y Việt học 1 năm 2 lớp vì lớn tuổi (chuyển từ k4 lên k3).