Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Lộ thông tin trên điện thoại di động (ST)

04/12/2011 1:15  

Một lần nữa, nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân trên những chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) ám ảnh người dùng.
Ngày 14.11, Trevor Eckhart, chuyên gia phát triển các ứng dụng dành cho smartphone chạy hệ điều hành Android, khám phá một “phần mềm gián điệp” được cài ẩn trong chiếc HTC EVO 3D mà ông sử dụng. Phần mềm trên được phát triển bởi Công ty Carrier IQ, có thể ghi lại các thao tác của người dùng như: bấm số gọi, nội dung tin nhắn, dữ liệu tra cứu web và nhiều thứ khác. Tất cả các thông tin trên có thể được chuyển về máy chủ của Carrier IQ. Eckhart đã công bố sự việc vừa nêu và đưa lên mạng đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình sao chép dữ liệu mà “phần mềm gián điệp” của Carrier IQ âm thầm thực hiện trên chiếc EVO 3D.


Theo Eckhart, mặc dù thử nghiệm trong đoạn video chỉ cho thấy phần mềm trên được cài trong chiếc HTC EVO 3D, nhưng thực tế nó hiện diện ở cả những chiếc smartphone của một số hãng khác. Cho nên, số lượng smartphone bị cài ẩn phần mềm gián điệp của Carrier IQ có thể lên đến 140 triệu chiếc.



Video ghi lại quá trình “gián điệp” của phần mềm do Carrier IQ phát triển
Đoạn video trở thành bằng chứng hữu hiệu nên vụ việc lập tức gây rúng động cư dân mạng toàn cầu, nhiều người dùng smartphone vô cùng tức giận và chỉ trích mạnh mẽ Carrier IQ. Ngay sau đó, Carrier IQ cũng nhanh chóng phản đòn cho rằng cáo buộc của Eckhart là vu khống và có thể sẽ tiến hành khởi kiện chuyên gia này. Tuy nhiên, Quỹ Tài trợ ngành điện tử (EFF) của Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng hậu thuẫn cho chuyên gia Eckhart. Tổ chức này còn xác nhận các nguy cơ từ phần mềm của Carrier IQ là rất rõ ràng. Vì thế, Carrier IQ đành xuống nước và đưa ra thông cáo xin lỗi người dùng, đồng thời đề nghị thảo luận với ông Eckhart và tổ chức EFF.
Trong tuyên bố cáo lỗi, Carrier IQ biện minh rằng “phần mềm gián điệp” trên chỉ nhằm cung cấp cho những nhà mạng các thông tin liên quan đến vấn đề rớt cuộc gọi và pin. Carrier IQ vẫn cho rằng họ không ghi lại thao tác bàn phím, không cung cấp công cụ theo dõi hoặc tiết lộ danh bạ của người dùng… Một số chuyên gia chia sẻ cách loại đi phần mềm trên là vào phần cài đặt và chọn “tháo bỏ” (remove) ứng dụng có tên CIQ.

Tuy vậy, thành viên các diễn đàn công nghệ vẫn liên tục chỉ trích vì đoạn video mà Eckhart công bố cho thấy những gì mà Carrier IQ phủ nhận đều diễn ra trong thực tế. Ngoài ra, những người sử dụng còn đặt vấn đề rằng phần mềm được cài ẩn như thế là vi phạm quyền bảo mật cá nhân. Nếu nhân viên các nhà mạng đọc được những thông tin cá nhân như thế thì họ có thể gây bất lợi cho chủ nhân. Người dùng cũng thắc mắc liệu có phải một số nhà sản xuất hàng đầu về smartphone dùng hệ điều hành Android đã cài phần mềm trên theo yêu cầu của nhà mạng. Một số chuyên gia nhận định vụ việc có thể bùng phát khiến nhà chức trách phải vào cuộc.
(Ngô Minh Trí)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh em dân đen ta đâu sợ "nộ", chỉ mấy cậu quan chức "nà sợ".