“Bom
nguyên tử thì chưa thấy có nhưng quả bom nước 20 tỷ tấn, ở trên cao 1000m, sức công phá mạnh hơn nhiều lần bom nguyên tử
thì là có thật! và là mối đe dọa rất lớn đối với Se-un"…
Đảng của bạn có tên chính thức là Đảng Lao động Triều Tiên được thành lập
từ ngày 10 tháng 10 năm 1945 do ông Kim Nhật Thành tập họp một số lực lượng
chống Nhật. Quá trình thành lập Đảng cũng nan giải lắm, đánh nhau ghê gớm. Khi
nói về lãnh tụ Đảng này, rất nhiều báo chí phương Tây đăng ảnh Kim Nhật Thành.
Để thành lập được Đảng, Kim Nhật Thành đã phải trừ khử không biết bao nhiêu là
bạn thân, chiến hữu mới lên được chức, thành lập được Đảng. Chính vì thế mà có
nhu cầu đặc biệt là phải sùng bái cá nhân. Tại sao phải sùng bái vì cái gì mà
người ta phải bắt người khác ca ngợi thì không phải cái ấy nó tốt, nó đẹp, mà
là nó yếu. Do đó phải phát động cả dân, huy động không biết bao nhiêu tiền bạc,
của cải vật chất, tinh thần, thời gian, sức lực của cả dân tộc. Ở Bắc Triều
Tiên khi cần huy động một lực lượng quần chúng độ một triệu người thì chỉ cần
một tiếng đồng hồ đã đứng suốt dọc đường vẫy cờ, mặc áo dài đẹp từ sân bay về
đến Nhà khách chính phủ để đón một vị khách nào đó của nước ngoài. Qua đó thấy
được một chế độ rất bao cấp và do nhu cầu chính trị nên nó phải lên gân cốt để
tạo cho mình một thế vững mạnh.
Riêng về đường lối cách mạng của Đảng Lao động Triều Tiên có rất nhiều cách
tranh luận. Về lịch sử, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô ép được quân
Nhật rút khỏi Triều Tiên và giải phóng được Triều Tiên. Phía Nam, Mỹ vào giải
phóng quân Nhật, phía Bắc Liên Xô vào giải giáp. Theo hiệp định Giơnevơ ký năm
1945, đến năm 1947 thì Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đến năm 1948 không
thống nhất được, nên mỗi bên thành lập một Nhà nước riêng của mình. Miền Bắc do
Kim Nhật Thành đứng ra thành lập nhà nước. Trong quá trình hoạch định ra đường
lối phát triển cách mạng của Đảng, cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất
nước, quá trình xây dựng CNXH cũng có rất nhiều khó khăn. Sau đó quyết định
khởi sự cuộc chiến tranh, gọi là Nam tiến. Vấn đề này còn rất nhiều bàn cãi. Có
người nói Bắc Triều Tiên tấn công vào miền Nam gây ra cuộc chiến tranh Triều
Tiên năm 1952-1953; có người thì nói là do Mỹ và Nam Triều Tiên Bắc tiến. Gần
đây, nhiều tư liệu được tiết lộ ra là phía Bắc tấn công phía Nam trước. Có
nhiều lập luận để chứng minh, tài liệu bí mật ở Mátscơva tiết lộ bằng giấy tờ
chứng minh lúc đó Bắc Triều Tiên đã xin phép Liên Xô và bàn với Trung Quốc, sau
đó tấn công. Cũng có người chỉ qua suy luận cũng đoán được rằng Bắc Triều Tiên
tấn công Nam Triều Tiên. Ngày 25 tháng 6 năm 1950, cuộc chiến tranh nổ ra. Ba
ngày sau, quân của Kim Nhật Thành đã ào ạt tiến vào giải phóng hơn một nửa Nam
Triều Tiên. Sau 4, 5 ngày chỉ còn tỉnh Bu San, là tỉnh bé tí ti ở phía Tây Nam.
Điều đó chứng tỏ phải có sự chuẩn bị từ trước. Mỹ đứng ra cáng đáng cho Nam
Triều Tiên, Mỹ đề nghị Hộ đồng bảo an Liên hợp quốc họp. Mỹ xin được quân của
Liên hợp quốc. Quân của Liên hợp quốc đã giúp Nam Triều Tiên để chống lại Bắc
Triều Tiên, thì phải có lý do gì đó. Qua 2 ví dụ đó, người ít có điều kiện tiếp
xúc với tài liệu cũng có thể suy luận được rằng miền Bắc tấn công miền Nam.
Thế của Nam Triều Tiên lúc đó cũng giống như thế của Đài Loan với Trung
Quốc. Họ chưa có tham vọng quay trở lại để giải phóng cả đất nước.
Đường lối giải phóng Nam Triều Tiên của Bắc Triều Tiên không được suôn sẻ.
Khi quân của Liên hợp quốc tấn công trở ra, toàn bộ quân miền Bắc bắt buộc phải
hậu thoát lui về phía Bắc, tận Ap-Lục giáp với Trung Quốc. Sau đó tràn trở
xuống và giữ đúng vĩ tuyến 38 như hồi đầu chiến tranh, chết rất nhiều quân,
nhiều tướng tài.
Đường lối đấu tranh thống nhất của Đảng có rất nhiều nan giải, vì khi rút
khỏi miền Nam thì đã rút toàn bộ quân đội và những cơ sở cách mạng vốn đã có ở
miền Nam. Cuối cùng ở miền Nam là khu vực rất trống, không còn một cơ sở hạt
giống cách mạng nào, không giống như cuộc cách mạng giải phóng miền Nam của
Việt Nam. Cách mạng giải phóng miền Nam của Việt Nam đã tác động rất nhiều vào
đường lối cách mạng của Đảng Lao động Triều Tiên. Nhiều người thấy rằng việc
đánh tràn vào Nam Triều Tiên năm 1950 là rất khó khăn mà phải theo kiểu Việt
Nam, để cho nhân dân miền Nam tự phát động, miền Bắc ủng hộ, trong đánh ra
ngoài đánh vào mới giành thắng lợi. Chính vì thế mà đã gây ra các cuộc tranh
cãi và thanh trừng nội bộ Đảng rất gay gắt. Bao nhiêu người đã từng có tư tưởng
mới và đã sang Việt Nam để học tập về đều bị thanh trừng hết, có đợt thanh
trừng 6, 7 cán bộ cao cấp của quân đội, của Đảng. Cho nên trong nội bộ Đảng có
rất nhiều rạn nứt trong việc đấu tranh thống nhất nước nhà thời gian đầu.
Về đường lối xây dựng kinh tế, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát
triển quốc phòng trong Đảng cũng rất nhiều tranh cãi và phe của Kim Nhật Thành
vẫn là phe thắng. Ông Kim đã gạt bỏ những người có tư tưởng cho là hữu khuynh,
không nhìn rõ kẻ thù, ảo tưởng về hòa bình. Đảng kiên quyết phát triển công
nghiệp nặng, sau đó mới đến phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp, do đó
rất tốn kém tiền của, vì thế mà sự tin tưởng của nhân dân ở Đảng ngày càng
giảm. Cũng chính vì đường lối phát triển không hợp lý, do vậy không thể thực
hiện được ước mơ của Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Toàn dân được ăn cơm trắng và
chan canh thịt” cho đến tận bây giờ. Về mặt tổ chức của Đảng cũng không hoàn
chỉnh. Trước năm 1980 thì cứ 5 năm đại hội Đảng một lần. Nhưng từ Đại hội VI
(10/1980) đến nay – 23 năm không họp Đại hội Đảng. Vậy các chi bộ sinh hoạt
kiểu gì? Bầu bán ông Kim lên làm Tổng bí thư như thế nào? Đó là chuyện rất lạ.
Quá trình đưa ông Kim con lên làm lãnh tụ, sẽ nói sau. Riêng chuyện bầu ông
làm Chủ tịch Đảng là cách làm rất độc đáo, không có Đảng nào làm như thế cả.
Theo như báo Đảng cho biết, ông Kim sinh hoạt trong một chi bộ, được chi bộ suy
tôn lên làm Tổng bí thư. Một người có ý kiến như vậy, chả ai dám phản đối cả.
Ai mà phản đối là phải rút thẻ Đảng ngay. Cuối cùng cả chi bộ phải đồng ý. Chi
bộ báo cáo lên Đảng ủy khu. Đảng ủy khu lại phổ biến cho các chi bộ khác. Cũng
không có chi bộ nào dám phản đối cả, cứ theo vết dầu loang đó, cả nước suy tôn
ông Kim Châng In làm Tổng bí thư của Đảng, không có một cái phiếu bầu, không có
một cái biên bản, không cần có một Đại hội nào cả. Tự dưng ông làm Tổng bí thư,
kỷ luật Đảng, tổ chức Đảng không chặt chẽ, theo một sự duy ý chí. Tất nhiên là
ông ấy đã bật đèn xanh cho một tay nào đó làm. Bên trong thì không ai có thể
hiểu được, nhưng hình thức bên ngoài thì là chuyện có thật, viết ở trên báo.
Quá trình lên nắm chính quyền của Kim con là do Kim Nhật Thành (Kim bố)
chọn làm người thừa kế.
Về gia đình của Kim Nhật Thành: Bà vợ trước có 3 con trai. Kim Châng In là
thứ 3. Ông rất lười học, chỉ thích chơi. Ông đã phá không biết bao nhiêu xe
Mercedes của bố. Ông tập cả lái máy bay phản lực, tập cả phi ngựa. Nhìn ảnh ông
thì ta thấy rất xấu tướng, bẩn tướng, tóc lúc nào cũng dựng ngược lên, môi thì
thâm như có bệnh tim, da dẻ thì xỉn. Cho nên mỗi khi ông xuất hiện, các phóng
viên ảnh thi nhau chụp và tập trung chụp vào cái môi để chứng minh là ông ta có
bệnh tim. Chỉ được cái Kim con rất hăng hái với phụ nữ. Các cô diễn viên điện
ảnh xinh xinh, đẹp đẹp là được tướng quân “chỉ đạo” tại chỗ, nhiều lắm. Tại sao
tôi nói vậy, vì từ thời anh Nguyễn Văn Trọng, phó ban đối ngoại Trung ương Đảng
làm Đại sứ ở bên ấy, có một cô con gái học ở Trường Đại học Kim Nhật Thành có
mấy bạn gái người Triều Tiên rất xinh. Một cô đã nói với con gái anh Trọng: Làm
con gái đẹp ở Triều Tiên nhục lắm. Tao đã bị tướng quân đưa lên “chỉ đạo” ở
trên đó một đêm. Giờ tao chỉ muốn chết. Chỗ nào có bông hoa đẹp là ông ấy hái
ngay.
Bà vợ hiện nay của ông Kim Châng In cũng là một diễn viên điện ảnh. Bà này
đã có chồng, có con rồi. Ông Kim thích, thế là bà ta dứt khoát bỏ chồng để lấy
ông Kim Châng In.
Nói rộng ra thì Kim Nhật Thành cũng thế. Bố nào con nấy. Trong nhà Kim Nhật
Thành có cái bể tắm bát tiên, bể tắm lục tiên, tức là 6 hoặc 8 cô gái trẻ cùng
tắm với ông ta. Về sau khi tuổi già, bác sỹ riêng của ông ta luôn luôn phải
thay máu của ông ta bằng máu của các cô gái trẻ. Vì máu là cái quyết định sinh
khí của con người, máu đó sẽ quyết định anh già hay trẻ, thay được máu trẻ vào
thì khả năng sống và sức trẻ của con người sẽ rất tốt và mạnh mẽ hơn. Vì vậy cứ
định kỳ là thay máu để kéo dài tuổi thọ. Thứ hai là tại sao lại bắt 8 cô, 6 cô
cùng tắm với ông ta, vì để trao đổi iông giữa người già và người trẻ, sẽ tăng
cường sức trẻ của người già. Kim con được chọn là người thừa kế duy nhất và đã
được Kim bố chuẩn bị rất chu đáo. Khi còn sống Kim bố đã tuyên bố: “Tôi sẽ chọn
đồng chí Kim Châng In làm người thừa kế, vì tôi thấy đồng chí Kim Châng In có
rất nhiều phẩm chất và năng lực công tác, đạo đức cách mạng, có nhiều khả năng
thay thế tôi làm việc, cho nên tôi tin rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ủng
hộ để đồng chí Kim Châng In làm việc”.
Vì vậy khi Kim Châng In lên là nghĩ ngay muốn giữ gìn được an ninh chính
trị phải nắm được 3 lực lượng: một là quân đội để có sức mạnh trị vì đất nước;
thứ hai là lực lượng an ninh để phát hiện được những chỗ hỏng hóc trong xã hội
để chấn chỉnh, để dẹp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải nắm được lực lượng
trẻ, đó là lực lượng thanh niên. Nhưng khi lên nắm quyền thì mạnh nhất là nắm
được quân đội và một nửa thanh niên. Còn an ninh thì không nắm được. Ông ta
nghĩ rằng cũng như các thời đại vua chúa khác, không có quân mạnh thì không
trấn yên được bờ cõi, không dẹp được loạn trong nước. Vả lại quân đội là loại
nước sông công lính, tuyển vào không phải trả lương, bắt đi lao dịch ở đâu là
phải đi. Cho nên rất nhiều công trình lớn của Triều Tiên phần lớn đều do lực
lượng quân đội làm, kể cả đập chắn nước lớn bên bờ biển Tây. Thời hạn nghĩa vụ
của Bắc Triều Tiên hiện nay tăng từ 7 năm lên 14 năm. 14 năm thì coi như hết cả
đời thanh xuân của họ.
Quá trình đưa Kim Châng In lên nắm quyền (1975) trong nội bộ Đảng đã có rất
nhiều thắc mắc. Những năm đó số cán bộ cốt cán của triều đình còn rất nhiều, về
tuổi đời, năng lực làm việc, công lao với cách mạng rất lớn. Thế mà lại đưa một
anh còn trẻ măng mới học trong trường – khoa kinh tế – để thay thế, không khỏi
có nhiều người phản đối. Vì vậy muốn duy trì được ý định của mình, Kim Nhật
Thành phải thay đổi rất nhiều cán bộ để duy trì chế độ cha truyền con nối.
Khi ông Kim Nhật Thành chết đột ngột ngày 8 tháng 7 năm 1994, người ta
tưởng đây là cơ hội thuận lợi để ông Kim con lên nắm tất cả các chức quyền
trong Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Nhưng đến tháng 5 năm 1998, tức là
4 năm sau Quốc hội mới họp, lúc đó ông Kim Châng In mới lên nắm các chức vụ
Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Hội đồng quân sự Nhà nước. Theo Hiến pháp sửa đổi
năm 1998 thì Hội đồng quân sự Nhà nước thâu tóm toàn bộ quyền hành kể cả về
Đảng lẫn chính quyền trong đất nước. Người làm Chủ tịch Hội đồng quân sự Nhà
nước thâu tóm toàn bộ các quyền, kể cả quyền phát động chiến tranh. Như vậy ông
Kim con đã giữ hai chức vụ to nhất của đất nước. Theo Hiến pháp sửa đổi năm
1998, toàn Đảng, toàn dân Triều Tiên suy tôn đồng chí Kim Nhật Thành làm Chủ
tịch nước vĩnh viễn của Nhà nước Triều Tiên, không có ghế Phó chủ tịch nước.
Kim con cũng muốn giữ chức vụ chủ tịch nước nhưng trong quá trình đấu đá nhau
không thể ngồi được, nên quy cho ông Kim bố làm chủ tịch vĩnh viễn, mặc dù ông
ta đã chết, đang nằm dưới đất. Như vậy không ai nhảy được vào chiếc ghế này.
Như vậy, tất cả các quyền hành đều nằm trong tay Kim con. Cho nên có chuyện vui
khi ông Đại sứ Bắc Triều Tiên sang nhậm chức tại nước ta năm 1997, trình quốc
thư: Trong thư trình thì người ký lại là ông Kim Nhật Thành, mặc dù ông đã chết
được 3 năm rồi. Bộ Ngoại giao ta không chấp nhận, đề nghị bạn về báo cáo, sau
đó thông tin cho Việt Nam biết. Sau đó Bộ Ngoại giao bạn đề nghị ta chấp nhận
vì nước bạn lúc đó chưa có chủ tịch nước chính thức nên cứ tạm thời để Kim Nhật
Thành ký. Bạn cho biết một số nước khác đã chấp nhận như vậy. Cuối cùng Bộ
Ngoại giao xin ý kiến Trung ương. Trung ương chấp nhận mặc dù người đã chết vẫn
ký văn bản cho người đang sống. Qua đó ta thấy trong Đảng bạn cũng đấu tranh
quyền lực ghê gớm lắm.
Khi Kim Châng In tốt nghiệp cấp III, ông có sang Liên Xô vào Trường Đại học
Lômônôxốp tham quan. Sau đó ông ta về nước và nói học ở trong nước cũng tốt.
Câu nói “học ở trong nước cũng tốt” của ông đã trở thành phương châm giáo dục
của Bắc Triều Tiên. Từ đó trở đi không gửi lưu học sinh ra nước ngoài. Mãi gần
đây có một số học sinh do các tổ chức quốc tế mời đi tham quan, hoặc đi du lịch
1, 2 tháng rồi về, nhưng thường không được trọng dụng. Phương châm giáo dục của
Kim Châng In đưa ra là phải đào tạo trở thành những trung thần chỉ biết có
trung thành với một lãnh tụ là Kim Châng In mà thôi.
Vấn đề tự hào dân tộc thì rất quá đáng. Lãnh tụ Kim Nhật Thành đã nói chỉ
có đúng, chứ không bao giờ không đúng vì Hiến pháp năm 1998 sửa đổi đã ghi rõ
đường lối kinh tế là theo đường lối Thanh Sơn Lý (Làng Thanh Sơn). Đường lối
Thanh Sơn Lý do ông Kim Nhật Thành đề ra năm 1959. Đường lối này là Đảng lãnh
đạo kinh tế, tất cả đảng viên tập trung vào thực hiện nghị quyết của Đảng về
kinh tế. Bí thư chi bộ của làng đứng ra phân công lao động: Tổ này đi bới cỏ,
tổ kia đi bắt sâu. 8 giờ ra đồng, đến 10 giờ giải lao 15 phút hát mấy câu, cờ
lá chuối cắm khắp cả cánh đồng, đánh trống ầm ĩ. 11 giờ nghỉ về ăn cơm. Như vậy
thì làm sao nông nghiệp phát triển được.
Thí dụ thứ 2: Năm 1999, anh Trần Văn Đăng sang thăm Bắc Triều Tiên, đi thăm
rất nhiều nơi, có những tòa nhà diện tích mặt bằng 2000 m2 , cao 5, 6 tầng. Hỏi
ai thiết kế. Họ nói chúng tôi thiết kế, xây dựng trong một năm. Đến đâu hỏi đều
được bạn trả lời trong một năm. Đến tàu điện ngầm, anh Đăng hỏi: Ga tàu điện
ngầm xây trong bao lâu. Họ lại nói trong một năm. Ở nhà máy sản xuất xi măng,
máy móc đều nhập của Hà Lan, đều dán tem sản xuất tại Hăm Buốc (Tây Đức) và Hà
Lan. Khi phóng viên hỏi họ nói chúng tôi tự sản xuất lấy. Trong khi đó các
chuyên gia Hà Lan đang cầm máy bộ đàm để chỉ đạo sản xuất, lắp ráp. Họ vẫn bảo
tất cả kỹ thuật của Triều Tiên. Chúng tôi thiết kế, thi công, lắp đặt, vận
hành. Tất cả là theo đường lối chỉ đạo của Kim Châng In.
Ông Kim Châng In cũng rất thích có tiếng tăm. Năm 1989 có Đại hội Thanh
niên thế giới họp tại Bình Nhưỡng, ông chỉ đạo xây khách sạn Liễu Cảnh 105
tầng, hình tháp có 3 chân chĩa ra như đuôi của cái tên. Xây được một năm thì
móng đã bị nghiêng. Báo chí ngày nào cũng đăng tin: Hôm nay xây được một tầng,
hôm nay xây được hai tầng. Sau đó bỗng thấy báo chí im hẳn. Hóa ra móng
nghiêng, không làm nữa. Đến bây giờ xi măng đã mọc rêu, trên đỉnh vẫn còn có
cái cần cẩu để trên đó. Rất nhiều nước xin vào gia cố, nhưng họ không cho. Lãnh
tụ đã làm, đã nói là đúng, có sai cũng để đấy thôi.
Hiện nay xã hội Triều Tiên nói Đảng là gì: Đảng là lãnh tụ, lãnh tụ là
Đảng. Nhìn vào lãnh tụ là biết Đảng ra sao.
Về giáo dục của bạn là hình thức chủ nghĩa, hời hợt. Bạn đã biết trên thế
giới đang phát triển về mọi mặt, nên bạn cũng rất lo, đang tìm cách giải quyết,
không thể để mãi tình trạng hiện tại, sợ sẽ đảo chính. Tin đảo chính thì nhiều,
nhưng chúng tôi cũng không nắm được chính thức. Nhưng tự dưng có vụ nổ, họ nói
đó là đảo chính.
Bắc Triều Tiên cũng đang tìm cách để thoát ra khỏi khó khăn. Kim Châng In
khẳng định: Trên thế giới này chỉ có một siêu cường, đó là Mỹ. Khi mà khai
thông được với Mỹ thì khâu trung tâm sẽ khai thông được tất cả các quan hệ
khác. Đó là tư tưởng thông suốt chỉ đạo của Kim Châng In. Vì không mặc cả được
với Mỹ và Hàn Quốc về kinh tế, phải mặc cả với Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Năm
1985 đã xây dựng phát triển vũ khí hạt nhân. Còn việc Bắc Triều Tiên đã có vũ
khí hạt nhân chưa thì hiện tại chưa ai khẳng định được. Nhưng Mỹ cũng phải nể
và Bắc Triều Tiên cũng đã kéo được Mỹ vào bàn hội đàm và ký được hiệp định
khung năm 1994. Qua hiệp định, Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên không sản xuất vũ khí
hạt nhân nữa, Mỹ sẽ xây dựng cho Bắc Triều Tiên một nhà máy phát điện bằng năng
lượng hạt nhân nguyên tử, trị giá năm 1994 khoảng 4,6 tỷ USD, tính trượt giá
đến bây giờ phải non 10 tỷ USD.
Trên đà thắng đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục dùng con bài hạt nhân để mặc cả
với Mỹ với mục đích bắt Mỹ phải ngồi bàn trực tiếp với Bắc Triều Tiên như thiết
lập quan hệ đối ngoại, viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên. Từ chuyện đó bắt
buộc Nhật cũng phải thiết lập quan hệ ngoại giao, phải viện trợ cho Bắc Triều
Tiên.
Bây giờ Mỹ và thế giới cứ phải quan
tâm đến vũ khí hạt nhật của Bắc Triều Tiên, mặc dù không biết thực hư sẽ ra
sao. Nhiều người cho rằng Bắc Triều Tiên nói vậy chứ làm gì có vũ khí hạt nhân
vì tiềm lực kinh tế yếu, tổng sản phẩm quốc dân có 15 tỷ USD. Trong khi đó, Hàn
Quốc có 500 tỷ USD. Nhưng mà ai cũng sợ vì tính khí của họ là tên khủng bố quốc
tế rồi. Nhật và Hàn Quốc rất sợ vì họ có một cơ ngơi khang trang đẹp đẽ, rất
cần có một không khí hòa bình ổn định để phát triển làm ăn kinh tế. Họ rất sợ
chiến tranh. Cho nên nếu mà Mỹ làm căng với Bắc Triều Tiên thì Hàn Quốc và Nhật
Bản lại phải lạy van Mỹ vì Mỹ đánh nhau với Bắc Triều Tiên thì chỉ thanh lý
được một số vũ khí từ chiến tranh thế giới thứ hai đến giờ. Còn nếu chiến tranh
nổ ra thì Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bị thiệt hại trước tiên và rất lớn. Mỹ cũng
rất muốn đánh Bắc Triều Tiên. Có 2 lần, đó là cuối năm 1994, Mỹ đã định dội bom
nguyên tử xuống Bắc Triều Tiên. Thông tin này đã được kết luận. Tháng 12 năm
ngoái, Mỹ cũng đã định đánh Bắc Triều Tiên một lần nữa, nhưng Hàn Quốc và Nhật
Bản lại can.
Tại sao lại gọi Bắc Triều Tiên là
khủng bố quốc tế vì ngay từ lâu đã có tư tưởng dùng bạo lực để ám sát, triệt
lãnh đạo của Hàn Quốc. Năm 1988, Tổng thống Hàn Quốc đi thăm Rang-un (Miến
Điện), đến thăm nghĩa trang Nhà nước. Bắc Triều Tiên đã cử 2 đặc công sang cài
mấy quả mìn ở cổng nghĩa trang. Rất may xe của Tổng thống vừa đi qua thì mìn
nổ, 4 xe tiếp theo chở các Bộ trưởng và tùy tùng thì chết. Xe của Tổng thống
thì thoát. Sau đó an ninh Miến Điện cho lùng soát và bắt được 2 người Bắc Triều
Tiên. Sau đó là vụ “quả bom nước 20 tỷ tấn” định dội vào Hàn Quốc. Vì khu vực
núi Kim Cương Sơn do rất nhiều trái núi hợp thành hệ thống núi. Bắc Triều Tiên
cho xây chắn núi nọ với núi kia thành ra một cái bể chứa 20 tỷ mét khối nước.
Mỗi mét khối nước nặng 1 tấn. Người ta gọi là 20 tỷ tấn. Đập đó cách thủ đu
Xê-un 100 km và cao hơn thủ đô Xê-un hơn 1000 mét. Nếu Bắc Triều Tiên cho đặt 1
tấn bộc phá ở dưới chân đập và cho nổ đồng thời thì 20 tỷ tấn nước này sẽ thổi
thủ đô Xê-un bay sang biển Đông như ta lấy một thùng nước hắt một cái lá tre
xuống cống. Cho nên thế giới gọi Bắc Triều Tiên là tên khủng bố quốc tế và phản
đối kịch liệt. Thế giới đã giúp thành phố Xê-un xây một cái đập, gọi là đập Hòa
Bình cong cong để chắn lượng nước từ bên kia tràn sang, sẽ tóe sang hai bên.
Sau đó lại có vụ nổ máy bay của hãng
hàng không Koreairlines của Hàn Quốc năm 1988 làm chết mấy trăm người. Rồi là
bắt cóc người Nhật về Bắc Triều Tiên. Rồi việc thanh trừng nội bộ rất nhiều. Cuối
cùng Mỹ đã quy Bắc Triều Tiên vào danh sách nước ủng hộ khủng bố quốc tế.
1 nhận xét:
Cái ông Tr.X này là ông nào, có tồn tại thực ko mà nêu nhiều chuyện nghe như tiếu lâm vậy? Thực hư lẫn lộn? Độ tin cậy được bao nhiêu %?
HMK6
Đăng nhận xét