Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Đi hội Xuân Trại Hòe (Quang Việt)


Quân ta cùng chị Hiếu (áo đỏ), 2 cán bộ thôn và đ/c Hạnh.
Đọc được thông báo của BLL, không thấy có K2 trong danh sách, tôi vội nhắn tin cho Ngô Thế Vinh: ”K2 đi được ko, Vinh ơi?”. Ít phút sau, Vinh điện lại: “Anh Minh khóa 2 à?”, “ Không, Quang Việt”. “À, anh Quang Việt thỉnh thoảng viết bài trên Bạn Trỗi, đúng không? Năm trước đi Thái nguyên em đã biết anh rồi. Anh đi nhé, nhưng đừng thông báo rộng rãi vì sợ xe không đủ chỗ”, “OK. Đúng giờ sẽ có mặt”.


          Sáng nay, 14 Tết (cố kéo dài Tết thêm một chút), trời mưa mau. Đúng 6h55 tôi có mặt trước cửa nhà Bùi Vinh. Lát sau Thế Vinh và các bạn khác đến. Tôi tìm chỗ gửi xe  và tất cả lên đường. Khoảng hơn 9 h, đoàn ta đến nơi. 
Trên khu vực nhà văn hóa thôn Trại Hòe (tên chính thức là thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã rất đông người, quan khách đã đến đông đủ. Anh Chuẩn - trưởng thôn, anh Hưng – bí thư chi bộ và các anh khác ra tận xe đón đoàn. Chị Hiếu chạy ra ôm lấy anh em ta, dàn dụa nước mắt, nghẹn ngào: ”Chị vui quá các em ạ”. Tất cả đều vừa xúc động, vừa vui. Có lẽ các anh cán bộ thôn cố ý đợi đoàn ta đến mới cho bắt đầu.
            Đầu tiên là chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” được mở đầu bằng màn “Mời trầu”, sau đó là các tiết mục múa trống, múa cờ và các bài hát giao duyên.

"Quan họ em mời các bác xơi miếng trầu cay, uống chén trà thơm!'.

Vợ chồng trưởng thôn Chuẩn. Gương mẫu thế dân mới theo.

Chị Hiếu được mời cùng ngồi với khách quý.

Múa cờ. Đúng là quê hương Đề Thám có khác!

Chỉ huy múa trống, múa cờ.

          Sau chương trình văn nghệ là bắt đầu phần lễ với các diễn văn, phát biểu và thủ tục đọc “Chúc văn” (Một dạng báo cáo tổng kết) của các bô lão. Tiếp theo là thủ tục dâng lễ của lãnh đạo thôn, các đoàn thể và các đoàn khách trong đó có đoàn trường Trỗi.
          Sau các thủ tục lễ, quân ta kéo nhau đi thăm lại nơi anh em mình đã có những tháng ngày đáng nhớ của tuổi thơ thời chiến tranh. Một số bạn (Đoàn Long, Mạnh Hùng, Thắng…) rất háo hức vì đây là lần đầu tiên sau 47 năm xa cách, được trở lại nơi này. Cống bốn cửa là nơi mọi người nhớ nhất. Hôm nay đang trong thời gian lấy nước vào đồng nên dòng mương đầy nước và tương đối sạch chứ không giống như lần về đây tháng 11 năm ngoái.
          Đi thăm xóm làng về, mọi người bắt đầu vào tiệc. Tiếng cụng ly lách cách trong điệu quan họ “mời rượu” của các cô thôn nữ mà khi đã được mời một cách tình cảm như vậy thì không ai có thể từ chối cạn ly.
          Bữa tiệc diễn ra sôi động với những bài hát của các giọng ca “cây nhà lá vườn” của cả ta và bạn. Những ca khúc “Về quê”, “Quê hương là chùm khế ngọt”, “Tuổi thanh niên sôi nổi” (tiếng Nga và tiếng Việt)… xen lẫn với các làn điệu Quan họ làm cho bữa tiệc trở nên vừa sôi động, vừa thân thiết, thắm đượm tình quân dân, tình đồng đội… Dân thôn xúm đông thưởng thức các giai điệu vừa mượt mà vừa sôi nổi được cất lên từ tận đáy lòng của cả khách và chủ. Cuộc vui tưởng như không thể dứt, nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay. 
Thế Vinh thay mặt đoàn cám ơn sự đón tiếp thịnh tình của cán bộ và đồng bào Trại Hòe và chúc cho thôn nhà một năm mới an, khang thịnh vượng.
Ra nơi bơi lội thoải mái ngày xưa.

Dân Trại Hòe lưu luyến tiễn đưa đoàn trong giai điệu “Người ơi người ở đừng về”, ta đáp lại “Quan họ ở, em ra về”, “Đến hẹn lại lên”.
Chia tay ban tổ chức lễ hội và dân thôn Trại Hòe, đoàn ta vào thăm gia đình chị Hiếu – chị nuôi C5, 6, 8 ở Đại Từ và đã cùng chúng ta sang Quế Lâm năm 1967. Đất nhà chị rộng đến 2-3 sào, trồng nhiều đào (Tết vừa rồi cũng bán được mấy triệu tiền đào) và keo. Ở đây, chúng tôi mới được biết, con trai chị chính là con trai thầy Trịnh Thành.
          Sau nhà chị Hiếu, đoàn đến thăm nhà chị Ninh. Chị cũng làm nuôi quân trường ta ở Trại Hoè và ở Đại Từ. Chị là hoa khôi nhất nhì của trường ta thời đó. Anh Bề, chồng chị, nguyên là bí thư chi bộ thôn trước đ/c Hưng. Anh cũng là một cựu chiến binh. Chị Hiếu cũng cùng đi với đoàn. Đến lúc chia tay, chị lại không cầm được nước mắt. Tình cảm của chị đối với trường Trỗi thật sâu nặng.
Cuộc vui nào cũng đến lúc kết. Chào nhé, sẽ lại về!
          Từ nhà chị Ninh, chúng tôi sang Trại Cờ thăm Phân hiệu 2 Trường TCKT PK-KQ. Phân hiệu trưởng Hạnh và Chính trị viên Phòng đón đoàn nhiệt tình như đón những người thân. Trong phòng khách của đơn vị có treo ảnh cụ Lênin. Tôi hỏi Hạnh: ”Ở đây các đồng chí vừa treo ảnh vừa đặt tượng ông Lê nin à?". Hạnh ngớ người, mọi người cũng trố mắt: ”Đâu?”. Tôi chỉ Mạnh Dũng (K4). Mọi người cười ồ, Dũng đỏ mặt: ”Bác lại trêu em”. Trỗi là thế mà, phải trêu nhau thì mới vui chứ.
          Ngày hôm nay thời tiết không đẹp lắm, cứ mưa suốt ngày, nhưng ai cũng thấy hôm nay thật tuyệt đẹp vì được sống trong không khí lễ hội thấm đậm chất dân gian ở một nơi mà mình đã có những kỷ niệm không thể nào quên, trong tình cảm quân dân ấm áp.
Ra về rồi “đến hẹn lại lên”.

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Lần trước anh Việt cùng anh Bùi Vinh về có nói chuyện chị Hiếu, tôi đã ngờ ngợ. Nay anh Việt ghi lại "con trai chị chính là con thầy Đại Thành". Nhưng BT5 đã sửa lại là "con thầy Trịnh Thành". Không hiểu anh em ta có biết không, chứ thầy cô thì biết. Ngày ở Hưng Hóa, thầy Trịnh Thành và chị có xảy ra chuyện đó, nghe mang máng là chị có mang và thầy không cưới chị. Bác Quỳnh giận lắm. Nay mới biết thật chính xác. Con chị chắc cũng ra ở riêng rồi. Anh bộ đội đứng sau là chồng chị à?
Chị Hiếu tốt lắm, con bác Nết (Phòng Hậu cần), chăm lo cơm nước, tắm ghẻ cho các em mà không nề hà. Chị gắn bó nhiều với k5, k6.
Chả hiểu bác Nết có còn sống?
Còn thầy Trịnh Thành về sống ở Đông Anh và mất cũng hơn chục năm nay, có lẽ do bệnh.
Thôi thì dưới suối vàng xin phép thầy cho em được ghi lại điều này.

Nặc danh nói...

Nhớ nhé:
- Trại Cờ là nơi nghĩa quân Đề Thám thường làm lễ tế cờ trước khi xuất binh đánh Pháp.
- Còn Trại Hòe là nơi trồng nhiều cây hòe (hoa hòe, hoa sói) để lấy là uống nước. Nay chả còn cây hòe nào.

QV nói...

Anh bộ đội đứng đằng sau chị là em họ chị. Anh này là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, được 2 lần báo cáo ở tỉnh,1 lần ở cấp toàn quốc. Chưa dám hỏi đến chồng. Thằng cu đã có vợ, con và ở cùng với chị nhưng làm xây dựng ở HN.
Có lẽ mẹ con chị cũng chưa biết việc thầy Thành đã mất đâu.
Chị Hiếu bảo:"Nếu đưa nào còn ghẻ, lại lên đây chị chữa cho". Chị thương Thắng híp vì là dân C6 chỗ chị trực tiếp tắm ghẻ nên hay bị tớ trêu. Chị cứ mắng:"Thôi đi, không được trêu nó nữa làm nó xấu hổ".

Bùi Thế Tâm nói...

Hiephoanet đăng lại 2 bài của bạn Quang Việt ở đây:

http://hiephoa.net/van-hoa/hoc-sinh-cu-truong-nguyen-van-troi-ve-du-le-hoi-lang-trai-hoe

Nặc danh nói...

Thầy mình cũng "chiến" nhỉ!!!

HMK6

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn anh Tâm. Nhưng bỏ phần thầy Trịnh Thành nhé!