Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

AHLLVTND Ba Bổn: Người hùng thầm lặng của con đường Hồ Chí Minh trên biển

Bài vừa đăng trên Phụ nữ Thủ đô ra ngày 27/7/2012, chuyên san Đang Yêu. Cảm ơn nhà báo trẻ Tô Lan Hương!


46 năm sau ngày hy sinh anh dũng để bảo vệ bí mật của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, liệt sỹ Nguyễn Văn Phối (tức Ba Bổn)– Chính ủy kiêm Đoàn trưởng Đoàn 962 mới được tuyên dương Anh hùng. Nhưng với những người lính từng làm việc ở Đoàn 962, Chính ủy Ba Bổn đã là người chỉ huy Anh hùng trong mắt họ từ mấy chục năm về trước.

Người anh hùng hy sinh  trên con đường huyền thoại

Ông Ba Bổn (thứ 3 từ phải) cùng cô Ba Định và cán bộ QK8.
Ngày 24/7/2012, “Bến – Bến Tre”, mật danh A101, Đoàn 962 – một trong những đơn vị có nhiệm vụ tổ chức đón vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh – đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Liệt sĩ Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn), Chính ủy kiêm Đoàn trưởng Đoàn 962 cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, sau 46 năm kể từ ngày ông hy sinh. Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đơn vị Bến A101 diễn ra ngay tại huyện Thạnh Phú, Bến Tre, nơi Chính ủy Ba Bổn và 9 đồng chí khác của Đoàn 962 đã hy sinh trong một trận đối đầu với địch để bảo vệ cho đoàn tàu chở vũ khí rút lui. Những người cựu binh của Đoàn 962 một thời, nay còn sống, đều có mặt trong buổi lễ đó. Trong giây phút thiêng liêng nhất, khi A101 và Chính ủy Ba Bổn chính thức được công nhận danh hiệu Anh hùng, tất cả những người cựu binh của Đoàn 962 đều đồng loạt đứng lên. Họ đã chờ đợi giây phút này cả đời – giây phút được sống trong niềm hãnh diện và tự hào về đơn vị Đoàn 962 và người chỉ huy Nguyễn Văn Phối mà họ vẫn quen gọi là anh Ba.


Cuối năm 1961, khi đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời, thì tháng 9/1962, Đoàn 962 cũng chính thức được thành lập, với nhiệm vụ tổ chức các bến bãi từ Bà Rịa, Vũng Tàu, Trà Vinh vào đến Bến Tre, Cà Mau để đón các đoàn tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc đi vào, sau đó tiếp tục phân phối vũ khí đi các đơn vị chiến đấu ở miền Nam. Đồng chí Ba Bổn, khi đó là Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu VIII đã được Trung ương Cục rút lên, cử làm Chính ủy kiêm Đoàn trưởng Đoàn 962.

Trên con đường Hồ Chí Minh xuyên biển Đông chi viện vũ khí cho miền Nam trong những năm đó, ngoài sự hy sinh của những người lính trên những đoàn tàu không số, còn có sự hy sinh mất mát không nhỏ của các đơn vị tổ chức bến bãi đón tàu chở vũ khí vào miền Nam, mà Đoàn 962 của Chính ủy Ba Bổn chính là một ví dụ điển hình cho sự hy sinh đó.

Suốt từ năm 1962 đến năm 1966, với các bến chính được tổ chức từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre đến Cà Mau, Đoàn 962 đã đảm bảo việc tiếp bến cho rất nhiều đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Tháng 6/1966, khi nhận thấy bến Trà Vinh (mật danh B2) có dấu hiệu bị địch phát hiện, đích thân Chính ủy – Đoàn trưởng Ba Bổn đã cùng với thuyền số 4 của A101 do thuyền trưởng Lê Văn Diện điều khiển đến B2 để vận chuyển nốt số vũ khí còn lại, tạm di dời về A101 trong khi tìm một bến mới, đảm bảo sự bí mật tối đa của đoàn tàu không số. Hai con thuyền chở vũ khí của B2 được lệnh rời đi cùng với thuyền số 4. Nhưng trên đường đi, khi vừa ra khỏi sông Cung Hầu, đoàn thuyền của Chính ủy Ba Bổn đã bị tàu hải quân Vùng 4 chiến thuật  Ngụy phát hiện. Lúc đó, thuyền số 4 đi sau cùng làm nhiệm vụ khóa đuôi, bảo vệ hai thuyền vũ khí của B2, đã được Chính ủy Ba Bổn lệnh cho ở lại chiến đấu với tàu địch, để tạo cơ hội cho  hai thuyền vũ khí B2 có thời gian trốn thoát. Hai thuyền B2 sau đó lọt được vào vàm Khâu Băng (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nên an toàn. Nhưng thuyền số 4, với 9 thủy thủ và Chính ủy – Đoàn trưởng 962 Ba Bổn thì mãi mãi không trở về. Không địch lại được hỏa lực quá mạnh của địch, bị bao vây 4 phía, Chính ủy Ba Bổn mặt thản nhiên: “Thực hiện phương án cuối cùng!”. Theo lệnh của Chính ủy Ba Bổn, con thuyền số 4 đã được thuyền trưởng Lê Văn Diện cho nổ tung, đảm bảo bí mật tuyệt đối cho con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Mấy chục năm sau, khi nhắc lại ngày Chính ủy Ba Bổn và 9 thủy thủ tàu số 4 hy sinh, nhiều cựu chiến binh của Đoàn 962 vẫn còn rơi nước mắt. Nếu không có sự hy sinh anh dũng của Chính ủy Ba Bổn và các thủy thủ tàu số 4, thì có lẽ hôm đó, không chỉ hai tàu vũ khí B2, mà toàn bộ hệ thống bến bãi của Đoàn 962 từ Vũng Tàu vào Bến Tre có lẽ cũng không còn đảm bảo được bí mật. Ngày hôm sau, rất nhiều người lính của Đoàn 962 đã đi dọc hai bờ sông, với hy vọng mong manh tìm được xác Chính ủy Ba Bổn và các anh em thủy thủ tàu số 4, nhưng cả ngày chỉ tìm kiếm cũng thỉ thấy được ít phần phần thân thể cùng những mảnh quần áo rách rưới còn lại trôi dạt vào bờ. Anh em vừa khóc, vừa nhặt những gì còn sót lại của cả thuyền số 4, đem về chôn chung trong một ngôi mộ ở Cồn Lớn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre.

Câu chuyện về một gia đình Nam bộ thời chống Mỹ

Đêm trước ngày Chính ủy Ba Bổn được tuyên dương Anh hùng LLVTND, tôi có may mắn được ngồi nói chuyện với anh Nguyễn Công Trường, con trai của ông. Đó có lẽ là một đêm dạt dào cảm xúc, khi lần đầu tiên, sau 46 năm, Nguyễn Công Trường mới trút hết nỗi lòng qua những câu chuyện về người cha anh hùng của mình. Những câu chuyện đó, có những người bạn cùng học với anh từ khi còn ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi cách đây hơn 40 năm, đến hôm nay mới được biết.

Chính ủy Ba Bổn sinh năm 1916 ở làng Mỹ Ngãi, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Ngãi, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ông tên thật là Nguyễn Văn Phối, là con trai trưởng trong nhà, nhưng vì nhìn ông thấp bé, giống người Nhật Bản, nên ông có hai bí danh là Hai Nhựt và Ba Bổn . Cha ông Ba Bổn là Nguyễn Văn Huấn, từng là thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, và từng bị thực dân Pháp bắt đi tù Côn Đảo trong những năm 1930. Ảnh hưởng từ tinh thần yêu nước của người cha, Ba Bổn đã tỏ rõ tinh thần dân tộc từ khi còn đi học. Cuối những năm 1920, Ba Bổn tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Chẳng hề sợ hãi, nuối tiếc khi con đường học hành dang dở, ông tham gia cách mạng và cả đời sống hết mình với lý tưởng của mình, đến chết cũng chưa một lần ân hận.

Năm 1954, khi rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Ba Bổn là một trong số những người được chọn ở lại, với nhiệm vụ phát triển, gây dựng phong trào cách mạng, sẵn sàng cho nhiệm vụ đấu tranh sắp tới. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1960, ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc, Long An, Kiến Phong, và là Ủy viên Khu ủy khu VIII.Thời đó, các Ủy viên Khu ủy Khu VIII có bí số từ 202 đến 208. Ông Ba Bổn mang bí số 203, cô Ba Định (sau này là Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Định) mang bí số 207. Sau này, ông được Khu ủy cử làm công tác quân sự, trở thành Phó Chính ủy Quân khu VIII rồi sau này trở thành Chính ủy – Đoàn trưởng Đoàn 962.

Nguyễn Công Trường là con trai út của Chính ủy Ba Bổn. Anh sinh năm 1952. Quãng thời gian Nguyễn Công Trường được sống bên cạnh cha mình rất ít ỏi, nhưng kỷ niệm của anh về người cha của mình thì nhiều vô kể: “Má tôi kể, ba má tôi đến với nhau là do sự xếp đặt của ông nội và ông ngoại. Nội và ngoại tôi cùng bị bắt đi tù chung ở Côn Đảo, vì yêu quý nhau mà thề rằng sau này khi ra tù sẽ kết nghĩa sui gia với nhau. Ba tôi dáng người thấp bé, đen đúa, lại là con nhà nông dân, ngày nhỏ, đi làm đồng thường xuyên, gặp đất phèn, chua, nên 10đầu móng tay móng chân cứ thế bị thối hết. Má tôi hồi đó gia đình khá giả, chẳng phải làm lụng gì, lại xinh gái, biết tiếng Pháp nên lúc được gả cho ba tôi, má cự nự ghê lắm, khăng khăng từ chối. Nhưng ông ngoại tôi là người trọng chữ tín. Ngoại tuyên bố với má tôi: “Nếu ba không gả được con cho đám này, thì cũng không bao giờ gả con cho đám nào khác”. Má tôi vì nghĩ đến chữ Hiếu với ba má, mà nhận lời về làm dâu nhà nội tôi.Lấy nhau không phải vì tình yêu, nhưng sau này về sống với nhau, má tôi đã bị ba tôi chinh phục hoàn toàn, khi chứng kiến nhân cách sống đẹp đẽ của ba tôi.Vì lẽ đó mà sau này, má tôi đã hy sinh cả cuộc đời vì ba, để ba yên tâm đi cách mạng”.
Công Trường cùng má và 2 chị trước ngày ra Bắc.

Thời đó ở Nam bộ, những gia đình có người tham gia cách mạng bị Mỹ - Ngụy khủng bố rất khủng khiếp. Biết Ba Bổn là Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc, Long An, Kiến Long, rồi sau này trở thành Phó Chính ủy Quân khu VIII, địch càng truy lùng gia đình ông gắt gao, đặc biệt là vợ con ông, vì lẽ đó mà những năm chiến tranh, gia đình Ba Bổn sống trong cảnh ly tán, mỗi người một nơi. Nguyễn Công Trường kể: “Hồi đó, hai anh chị lớn đi học ngoài miền Bắc, hai chị gái kế tôi được gửi nuôi ở nhà mấy người bà con, tôi là con út, được má thương nhất nên đưa đi trốn cùng. Tôi nhớ má tôi có tài làm giả thẻ căn cước. Bà gan cùng mình. Có lần, bà móc nối được với tên cảnh sát Ngụy ở gần nhà người bà con. Bà nói dối làm mất thẻ căn cước và đút cho hắn một ít tiền, rồi chạy ra ngoài chợ lu loa bị mất thẻ căn cước. Thế là sau đó, bà có thẻ căn cước của địch một cách đàng hoàng, hợp pháp. Má con tôi cứ đi hết nhà người bà con này đến nhà người họ hàng khác. Được dăm bữa nửa tháng, thấy có động, má tôi lại lếch thếch kéo tôi đi tìm nơi khác trú ẩn.Cứ đến nơi ở mới, tôi lại được má đưa vô nhà thờ, vô nhà chùa để học.Tôi chẳng bao giờ được học ở đâu quá lâu. Nhưng tôi vẫn may mắn hơn những người chị của mình vì còn được sống với má. Chị gái tôi đi ở ở nhờ nhà người bà con, họa hoằn lắm mới được má về thăm. Ngày chị tôi cưới chồng, vợ chồng người chú thím của tôi đứng lên đại diện cho cha mẹ nhà gái ở phía trên, má tôi ngồi ở phía dưới, mặt trùm khăn kín mít, đeo kính đen, rơi nước mắt vì thấy con gái lớn khôn sắp về nhà chồng, được dự đám cưới con mà má con chẳng dám nhận nhau. Ba tôi không bao giờ biết má con tôi đang ở đâu. Mỗi lần muốn gặp má con tôi, ông lại cho người liên lạc với những người bà con của má, cứ người này chuyển tin cho người kia rồi chuyển tin đến má, gia đình mới gặp được nhau. Mỗi lần gặp nhau cũng vô cùng ít ỏi, má đưa tôi đến gặp ba, ngồi cùng ba một lúc, hoặc ở cùng với ba một hai ngày, nghe ba thăm hỏi, dặn dò rồi gia đình lại mỗi người một ngả”.

Không được ở cạnh con cái nhiều, nên Chính ủy Ba Bổn rất xót xa. Mỗi lần gặp con, ông thương không hết, chẳng bao giờ nỡ mắng con. Anh Nguyễn Công Trường còn nhớ, hồi đó, ba anh có một cái đài radio rất quý mà ông thường dùng để nghe tin tức thời sự và bắt sóng đài địch để nắm tình hình. Nhưng lần hai má con lên thăm, thấy “cái máy phát ra tiếng người” ngồ ngộ, anh vặn vặn, ấn ấn một hồi thế nào mà cái radio bị hỏng. Ba má đi về, thấy cái đài không dùng được nữa, má anh giận lắm, đòi phạt  đòn anh. Nhưng ba anh thì ra sức bênh vực cậu con trai út: “Con nó còn bé, có biết gì đâu mà mình phạt đòn. Bao giờ con lớn, con làm sai, mình mới la con”.

Lời dặn ngày ly biệt

Chính ủy Ba Bổn là người rất ham học.Bị đuổi học vì tham gia cách mạng, ông không bao giờ nuối tiếc về sự lựa chọn của mình, nhưng việc không được học thêm tri thức, vốn sống, thì ông tiếc. Những năm đi làm cách mạng, ông thường tìm mọi cách xin cho bằng được sách giáo khoa ở miền Bắc rồi tự học theo sách giáo khoa. Nhờ đó mà dù học hành chẳng mấy, nhưng ở đơn vị, ông vẫn là người văn hay chữ tốt, nói năng thuyết phục, rành mạch. Những người đồng chí của ông sau này, khi gặp con trai ông, vẫn kể: “Anh Ba chữ đẹp lắm, nét chữ rất rắn rỏi nhưng cũng rất phóng khoáng. Nói chuyện gì ai cũng nghe, đến con kiến trong lỗ cũng phải chui ra”.  Năm 1954, khi cho con gái ra miền Bắc học, ông cũng dặn dò con gái: “Con làm gì thì làm, nhưng nhất định phải học cho có một cái nghề. Ba không ép con phải học nghề này nghề kia cao sang, con có thể học những gì con thích, để sau này tự khẳng định được chỗ đứng của mình trong xã hội”. Chính vì thế, nên khi thấy cậu con út cứ nay đây mai đó đi theo mẹ chạy giặc, ông lo lắng vô cùng cho tương lai của con trai.

Nguyễn Công Trường kể, năm 1964,khi quyết định cho anh ra miền Bắc học, ba anh đã phải đấu tranh tư tưởng rất dữ dội. Ông thương vợ và cũng biết bà rất thương con trai út, sợ bà sẽ buồn nếu xa con, nên ông đã phải làm công tác tư tưởng cho bà suốt cả năm trời, thuyết phục bà cố dằn lòng vì tương lai của con cái. Khi đã thuyết phục vợ, ông quay sang làm “tâm lý chiến” với cậu con út. Nguyễn Công Trường nhớ lại: “Cái Tết cuối cùng trước khi tôi đi, ba tôi biểu má tôi đưa tôi vào chiến khu sống với ba một thời gian. Đó là quãng thời gian dài nhất tôi được ở cạnh ba. Tết đó tôi được ăn Tết với ba, với các bác, các dì trong chiến khu, trong đó có cả cô Ba Định. Tôi không hề biết là sau cái tết này, tôi sẽ phải ra miền Bắc học. Thời gian ở trong chiến khu, ba không hề nói gì về việc cho tôi ra miền Bắc. Nhưng ngày nào ba cũng bật cho tôi nghe chương trình phát thanh Thiếu niên Tiền phong của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi lần nghe thấy nhạc hiệu “ten tèn ten tèn ten, ten tèn ten tèn tén…Vì Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, Thiếu niến sẵn sàng…”, là tôi thích mê, tưởng tưởng ra đủ thứ về miền Bắc. Ba kể cho tôi nghe về Bác Hồ, về cuộc sống ở ngoài miền Bắc, về các học sinh miền Nam ra miền Bắc học. Ba bảo tôi: Con ra Bắc thì sẽ được đến Thủ đô, được gặp Bác Hồ. Thế là tôi bị “trúng kế” ba ngọt ngào, chẳng cần ba thuyết phục câu nào, đã hăng hái xung phong ra miền Bắc học, chấp nhận xa ba má. Ngày đưa tôi đến biên giới Campuchia, trước khi chia tay, ba tôi hỏi tôi lần cuối: “Ba cho con nghĩ lại lần chót, con phải nghĩ thật kỹ, nếu bây giờ con ân hận, con có thể quay về với má, nếu đã quyết ra ngoài đó, dù xa ba má cũng cũng phải ráng học hành ngon lành”. Tôi nghe ba nói, vừa giơ cao tay quyết tâm lên đường nhưng nước mắt vẫn giàn giụa. Năm đó tôi 12 tuổi.Đó cũng là hình ảnh cuối cùng của tôi về ba”.

Năm 1966, khi Chính ủy Ba Bổn mất, Nguyễn Công Trường đang theo học trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đóng ở nơi sơ tán ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên. Không hề được ai báo tin về cái chết của ba, nhưng trong trái tim non nớt của cậu bé 14 tuổi, anh bắt đầu lờ mờ linh cảm được sự hy sinh của ba mình, nhờ những điều nhỏ bé. Chính ủy Ba Bổn là người rất thương con. Cho cậu con út mà ông vô cùng yêu quý đi học ở miền Bắc, là chứng tỏ ông đã hoàn toàn tin tưởng tổ chức, nhưng ông vẫn luôn lo lắng, xót xa khi không được ở cạnh chăm sóc, dạy dỗ con. Vì thế dù bận rộn công tác đến mấy, dù hoàn cảnh chiến tranh có khốc liệt, khó khăn đến mức nào, mỗi năm ông cũng gửi cho các con mình mỗi đứa hai, ba lá thư, lá thư nào cũng dài, cũng tình cảm, tha thiết và đầy những lời dặn dò. Tất cả những lá thư đó đều được Nguyễn Công Trường giữ gìn rất cẩn thận. Từ năm 1966, mấy năm liền, anh không còn nhận được bất cứ lá thư nào của ba, cũng hoàn toàn mất liên lạc với má. Anh càng giữ gìn cẩn thận hơn những lá thư mà ba anh đã gửi trước đó, vì anh linh cảm được đó có thể là những lá thư cuối cùng mà anh nhận được từ ba mình.

Anh nhớ lại: “Hồi đó, mỗi khi có dịp gặp chị gái cũng đang đi học ở miền Bắc, tôi vẫn bảo với chị: ba hy sinh rồi chị ạ, không ai nói, nhưng em biết. Tôi chờ đợi cái tin đó suốt mấy năm trời, đến năm 1969, khi có chú Lê Thái Hiệp – Khu ủy viên Khu VIII ra công tác, chú mới thông báo cho chúng tôi. Bữa đó, chú gọi chúng tôi về chơi ở nhà nghỉ của cán bộ ở khu Quảng Bá. Một buổi tối, chú bảo mấy chị em tôi ngồi để chú nói chuyện, chú lôi bánh kẹo, hoa quả ra cho chúng tôi ăn, rồi bảo: “Chú được giao một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là thông báo cho các cháu một tin mà chú cảm thấy rất khó để nói ra, nhưng chú vẫn phải nói…”. Chú chỉ nói thế là tôi đã hỏi: “Con biết rồi, ba con hy sinh rồi phải không?”.Sau cái gật đầu lặng lẽ của chú, mấy chị em tôi bắt đầu khóc.Dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất và chấp nhận nó như một phần đương nhiên của chiến tranh, chúng tôi vẫn không dễ dàng chấp nhận được mất mát ấy.Lễ truy điệu của ba tôi được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngay tại Hà Nội. Tôi được dự lễ tang của ba mình sau khi ông đã mất được 3 năm”.

Sau ngày giải phóng, Nguyễn Công Trường đã từng có hy vọng tìm lại hài cốt cha mình. Anh có nhờ người ướm hỏi nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, thì được bà nói: “Thân xác cha anh đã hòa tan vào với sông, với núi, với đất nước, anh đừng tìm nữa”. Anh từ bỏ hy vọng tìm lại hài cốt cha mình, nhưng vẫn cất công đi tìm lại những người đồng chí, đồng đội cũ của ba ở Đoàn 962. Gặp thêm mỗi người đồng chí của ba, anh lại được nghe thêm một câu chuyện về ba. Điều khiến anh xúc động nhất, là tình cảm của những người cựu chiến binh ấy – những người một thời sát cánh với ba anh, kể về ông: “Ngày hôm nay, khi Đoàn 962 và cá nhân ba tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, thì cũng là ngày tôi nhận được tin chú Bảy – cán bộ văn phòng hồi ở Đoàn 962 qua đời. Tôi nhớ có lần tôi về tìm gặp chú Bảy, biết tôi là con của Ba Bổn, chú Bảy rưng rưng nước mắt. Chú rờ rờ tay tôi, bảo rằng: “Những ngón tay của anh Ba, ngón nào cũng không có móng. Chữ anh Ba đẹp và rắn rỏi lắm, đến bây giờ tôi vẫn nhớ…Tôi xúc động vì 46 năm đã qua, mà những người đồng đội của ba tôi vẫn nhớ về ba từ những điều nhỏ bé đến như vậy”.

Danh hiệu Anh hùng LLVTND mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng cho đơn vị A101 và cá nhân Chính ủy Ba Bổn ngày 24/7 vừa qua, là một niềm hạnh phúc lớn với những người lính của Đoàn 962 hiện đang còn sống. Càng có ý nghĩa hơn nữa, khi đây cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 962.Nguyễn Công Trường nói, từ sau khi ba anh hi sinh, má anh ở vậy, không đi bước nữa.Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, anh về miền Nam đoàn tụ với má sau 11 năm xa cách. Má anh mất năm 2000. Lúc sinh thời, bà từng nói với con trai: “Đời má chỉ có một nguyện vọng duy nhất, mong ba được phong Anh hùng, cho những hy sinh của ba cho cách mạng”. Ngày hôm nay, tâm nguyện của vợ Chính ủy Ba Bổn đã hoàn thành, chỉ tiếc là bà đã không còn có mặt để chứng kiến giây phút này nữa. Nhưng có lẽ, ở dưới suối vàng, bà đã có thể cùng ông mỉm cười, khi những đóng góp, những hy sinh của gia đình mình, đã được công nhận một cách xứng đáng.



Hương Thảo Nguyên










12 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Từng xúc động ngồi nghe Công Trường trò chuyện với Lan Hương, lấy tư liệu vào đêm hôm trước. Vậy mà đọc lại bài này, tôi vẫn xúc động. Cuộc đời cụ tuyệt vời quá, má Công Trường dũng cảm quá và cháu Lan Hương nhập vào và viết hay quá.
Chân thành cảm ơn!

Nặc danh nói...

Sau 1975 mới giải thể QK8.

Viên Thạch nói...

Có những nhà báo như Lan Hương thế này, có lẽ cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn. Lịch sử sẽ ý nghĩa hơn nhờ vào tài năng của những người cầm bút. Đã một lần nước mắt chực trào ra khi đọc bài chú KQ viết về kỷ niệm ngày biết tin cha mất, ba anh em ôm nhau khóc trong giá lạnh giữa sân trường... đến bài viết này, biết thêm về anh hùng Ba Son lại là cha của chú Công Trường với bao kỳ tích ghi lại cùng lịch sử và kỷ niệm đọng mãi trong hoài ức của con trai yêu. Bài viết hay và xúc động quá !

Nặc danh nói...

Không phải AH Ba Son mà AH đường HCM trên biển. Tuần trước Hương cũng có bài hay trên phụ san Đang Yêu (PNTĐ).

Viên Thạch nói...

Dạ, cháu viết nhầm ! Ba Bổn. Cho cháu đính chính lại nhé !

TranKienQuoc nói...

Chú rất có duyên với các bạn trẻ yêu tư liệu lịch sử. Chênh lệch tuổi tác, thậm chí chỉ gặp nhau trên mạng, chưa hề biết mặt mà các cháu gần gũi, hiểu các chú quá. Không có quá khứ thì không có hiện tại và tương lai.
Chú rất cảm động với tình yêu của các cháu, nhất là đêm qua nghe chú Dương Trung Quốc và chú Chu Lai ngồi đầu cầu HN trên cầu truyền hình quốc gia chia sẻ nhân 65 năm ngày 27/7.

phúc chiến vt nói...

chúc mừng công trường và gia đình.quá khứ đã mãi đi xa nhưng không bao giờ chết.các phụ huynh chúng ta đã chứng minh chân lý đó.mặc dù muộn nhưng cũng thấy có sự bắt đầu.chúc mừng chau Hương có một bài viết hay,nhân ngày thương binh liệt sỹ năm nay.

Viên Thạch nói...

Chú KQ ơi. Cháu cũng hay "để ý" chú DTQ nói gì. Hôm qua chú DTQ phát biểu "dè dặt" quá, ít "truyền cảm", có lẽ do tính chất của sự kiện ! Cháu thích cách nói chuyện của nhà văn CL hơn.

Nặc danh nói...

Mọi việc mở mồm ở đấy đều phải dựa trên kịch bản của VTV (mà thực ra là của Ban Tuyên giáo TW). Thế là được, VT ạ!

Nặc danh nói...

Chỉnh Huấn nói:ngày 3.7.1966 tôi lên Suối Chì,về đến trung đội 1 thì trời tối om,cả lớp đã đi họp đại đội,chỉ còn Công Trường ở nhà,không ngờ chú Hai Phối,ba Trường đã hy sinh 17 ngày trước đó mà nào có hay.Hồi về nuớc cuối 68,trong cộng đồng tập kết ở HN đã lan truyền thông tin chú Ba Bổn hy sinh.Nhưng má tôi dặn không đc nói cho Công Trường biết,trong 1 lần ngồi chơi dịp ấy,Trường trầm ngâm nói với tôi "Hình như ba tao chết rồi hay sao"...Xin chia sẻ nỗi đau mất mát với bạn và hôm nay xin chúc mừng sự tôn vinh (dù muộn màng) đối với chú Ba.

Nhat Trung nói...

Bài viết rất hay!Chúng tôi chứng kiến CT kể về ba mình-Ông Ba Bổn mà k sao cầm được nước mắt.Chiến tranh đã qua đi mà sự hy sinh của bao gia đình nay mới được vinh danh.Qúa muộn!Xin chia xẻ sự hy sinh mất mát đến gđ bạn Nguyễn Công Trường!

Nặc danh nói...

Xin chúc mừng CT và gia đình dù việc truy tặng này là quá muộn. Bà nội mình cũng chỉ được "truy nhận" DH BMVNAH sau khi bà đã về với tiên tổ được 20 năm.
Mình cũng mất bố, nhưng bố mình hy sinh lúc mình mới 6 tháng tuổi, nên chẳng có kỷ niệm gì về bố cả. Có lẽ mất bố ở tuổi đẫ biết biết thì đau khổ day dứt hơn.
Chúng mình cố gắng sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.