Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Bạn tôi tặng báu vật của gia đình cho Bảo tàng HCM

Giấy chứng minh thư.
Sáng qua, anh Nguyễn Quang Thắng - con út Luật sư Nguyễn Văn Hưởng (1910-2001) cố Thứ trưởng Bộ Tư pháp từ 1946 - đã tặng Bảo tàng HCM chi nhánh TpHCM  chứng minh thư do chính Bác Hồ cấp cho Luật sư. Chuyện thế này...

... Để thuận tiện cho việc đi lại thực thi công vụ trong cả nước, ngày 5-4-1946, chính tay Bác Hồ đã đánh máy, đóng dấu tên chứng minh thư này. Tấm chứng minh được gia đình bọc kỹ và trân trọng lồng trong khung kính đặt trên bàn thờ. 66 năm đã trôi qua nhưng nét chữ vẫn còn rõ ràng, mầu mực chưa hề phai. Ngày đó chưa có máy chữ tiếng Việt, nên Bác đã dùng máy chữ tiếng Pháp để đánh chữ, sau đó Người đã dùng bút điền dấu vào văn bản. Nội dung được ghi lại như sau:









“Chủ-tịch Chính-phủ                                                 Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hoà
         Văn phòng                                                           Độc-lập Tự-do Hạnh-phúc


GIẤY CHỨNG MINH

Chủ tịch Chính-phủ Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hoà, cấp giấy chứng minh này cho Ông Nguyễn Văn Hưởng, Thứ-truởng Bộ Tư-pháp, để Ông Thứ-trưởng liên lạc với các cơ quan hành- chính, quân-sự được dễ dàng...
Hà Nội, ngày 5 tháng tư 1946
Chủ tịch Chính phủ - Hồ Chí Minh”






Cụ Nguyễn Văn Hưởng (1910-2001).


Đây là một kỷ vật vô giá ghi lại tình cảm và sự tin tưởng của Hồ Chủ tịch với một nhà trí thức đầy năng lực và tận tâm vì nước vì dân, ngay trong những ngày đầu chính quyền cách mạng mới về tay nhân dân. Suốt cuộc đời mình, cụ Nguyễn Văn Hưởng luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Cách mạng và Hồ Chủ tịch giao phó.
Nhiều kỉ niệm hay hôm nay tôi mới được nghe. Ngày 2 anh em ông Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng sang Pháp học, bà Nguyễn Thị Mão (khi đó là GS toán trừơng nữ sinh Đồng Khánh HN, sau này là vợ ông Phan Kế Toại) hàng tháng lĩnh 120đ bạc Đông Dương tiền lương nhưng chỉ giữ lại 20đ cho mình và gửi 100đ cho 2 em. Nhờ thế 2 em có tiền ăn học. Sau này, ông Huyên còn là người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án Ts Văn học tại Đại học Sorbone, Paris.
Bàn giao báu vật.














HTV phỏng vấn.
Ngày Cụ Hồ sang Pháp tìm đường cứu nước, có gặp cụ Phan Kế Toại. Cụ Hồ khuyên cụ Toại nên vào học trường Hành chính quốc gia để nắm được quy trình Pháp đào tạo quan lại, sau này về phục vụ đất nước. Cụ hiểu: làm quan cũng là 1 nghề, phải được đào tạo hẳn hòi. Trước 19/8/1945, cụ Toại từng là Khâm sai đại thần cho chính phủ Trần Trọng Kim nhưng tự thoái vị ngày 17/8/1945; sau ngày giành độc lập, Quốc hội khóa 1 đã giao cho cụ Toại nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (thay cụ Huỳnh Thúc Kháng) suốt từ 1947 đến 1963.
Ngày hòa bình, trong 1 cuộc họp với các cán bộ cao cấp Bác Hồ trò chuyện và chỉ vào 2 anh em ông Nguyễn Văn Huyên (khi đó là Bộ trưởng Giáo dục), Nguyễn Văn Hưởng và nói với mọi người: "Đây chính là 2 đồng chí cộng sản ngoài Đảng, có nhiều đóng góp cho đất nước". (Hai cụ không phải đảng viên Đảng Lao động VN).
Anh Thắng tâm sự: "Nhân dịp kỉ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, gia đình chúng tôi xin tặng lại Bảo tàng báu vật này với ước nguyện: tư liệu không chỉ giữ riêng của gia đình mà muốn cho hàng triệu người Việt Nam ta được chiêm ngưỡng và hiểu hơn về con người của Bác cùng cách dụng người tài cho đất nước. Hơn nữa, được bảo quản trong điều kiện kĩ thuật tốt hơn thì báu vật sẽ càng kéo dài tuổi thọ...".
Một việc làm đáng trân trọng!


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Việc đưa báu vật riêng của gia đình ra làm tài sản chung của xã hội là việc làm tốt.