Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Tiếp tục bàn về "Di tích cổ VN" (Phạm Trọng)




Ý kiến trên đúng một nửa, sai một nửa!
Ở mục "8", CCQ viết: "Lịch sử VN đều dùng Trung văn miêu tả. Cho nên có hiện tượng rất kỳ quái là, với những áng văn cổ tích VN đó thì người VN lại (không đọc được nên) không hiểu lịch sử của mình. (Trong khi đó thì với vụ này) người TQ lại rất có ưu thế". Kèm theo nhận xét trên là tấm ảnh chụp bia đá với dòng chữ Hán: "Đinh triều quốc mẫu bi kí" (Tấm bia đá có bài kí Triều vua Đinh nước mẹ".

 
Đúng là tổ tiên người Việt xưa có chữ viết muộn. (Có nhà khảo cổ chứng minh, người Việt có chữ sớm nhưng mai một). Đây là một thiệt thòi lớn cả về chính trị, kinh tế và văn hóa. Nước Việt cổ (Bách việt, phía nam Động Đình Hồ) bị phong kiến phương Bắc thôn tính đi thôn tính lại, cùng với chính sách đồng hóa tàn bạo là sự áp đặt lối sống và văn hóa. Qua nhiều lần Bắc thuộc, văn tự Hán cũng dần trở thành văn tự của các chư hầu. Văn chương cổ của người Việt xưa phần lớn bằng chữ Nho là như thế. Những "Thiên cổ hùng văn” của người dân tộc Việt như "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ văn", Bình Ngô đại cáo", đều là chữ Hán. Khi người Việt cố tìm cách ghi lại tiếng nói của mình thì cũng phải mượn chữ Hán (tá tự). Chữ nôm khó học vì muốn đọc, viết chữ nôm nhất thiết phải biết chữ Hán. Do không hiểu điều này mà CCQ thấy lạ khi ở các di tích lịch sử, các văn bia đều là chữ Hán. Còn chữ quốc ngữ mãi sau này mới có như chúng ta đã biết. Việc VN  dùng chữ Hán thời ấy là điều bất đắc dĩ, tuy nhiên cái "Hào khí Đông A", cái khí phách quật cường trong các áng văn chương thì lại cực ký "Nam quốc đích Nam nhân". Điều này anh Cao cũng không biết nốt! Âu cũng là điều dễ hiểu.
Chỗ không đúng là đoạn sau của nhận xét của anh Cao.
Thứ nhất, người Việt hiểu lịch sử dân tộc không chỉ dựa vào văn tự mà còn qua nhiều nguồn. Chẳng hạn, người ta không đọc được tấm bia đá "Đinh triều quốc mẫu" nhưng lại thuộc chuyện "Cờ lau tập trận", chuyện “12 sứ quân"...
Thứ hai, đúng là đại đa số người VN hiện nay không đọc được chữ Hán nhưng lại có không ít các trí thức giỏi chữ Hán cổ (văn ngôn) không thua gì các nhà Hán học cổ TQ. Để chứng minh cho điều này, tôi xin kể vài mẩu chuyện:
Tôi có một số anh em, bạn bè biết cả “Văn ngôn” (Hán cổ) và “Bạch thoại”(tiếng TQ hiện đại).
Anh bạn thứ nhất kể: Năm 1996, anh có mặt trong đoàn đại biểu quân đội sang thăm TQ. Một hôm, Trung tướng Từ chiêu đãi đoàn QĐNDVN ở Bắc Hải. Phòng tiệc là nơi vua nhà Thanh thết đãi các cận thần. Trên tường có 4 câu chữ Hán viết thảo như sau:
Duy thiên thông minh
Duy thánh thời hiến
Duy thần khâm nguyên
Duy dân tòng nghĩa
Anh bạn tôi hiểu hết nghĩa, trừ chữ “nguyên” (thảo đầu, dưới là chữ nguyên trong nguyên thủ quốc gia). Anh quay hỏi vị đại tá tiến sĩ ngữ văn của bạn. Anh ta lắc đầu chịu, và quay hỏi anh em khác đi cùng. Không những họ không hiểu nghĩa chữ “nguyên” mà còn nhiều chữ khác nữa, và đề nghị bạn tôi giảng giải.
Chuyện thứ hai: Một anh bạn khác kể rằng, năm 2010, anh đi du lịch TQ, đến thăm Tháp Lôi phong. Người giới thiệu di tích này nói sai rất nhiều, khiến anh không nhịn được cười. Ông quản lý khu di tích nhờ anh giải thích hộ. Cô gái hướng dẫn khách của TQ tròn xoe mắt và vội vàng lấy bút ghi chép lời của khách làm tài liệu tham khảo. Lần khác, người phiên dịch gặp chữ “tộ” trong một bài thơ cổ của TQ, anh không biết là chữ gì và nghĩa của nó ra sao, anh bạn tôi lại phải dịch dùm.
Dẫn hai chuyện trên đây không phải để nói học giả VN hơn học giả TQ (ví như cụ Quách Mạt Nhược thì đúng là siêu hạng), nhưng là để nói “Thiên hạ thùy vô Bái Công”. Bởi thế mới có chuyện cụ Mạc Đĩnh Chi đã làm cho vua nhà Minh và các sĩ phu hàng đầu TQ tâm phục khẩu phục.
Thực ra đọc thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, đọc “từ” của Khuất Nguyên, Mao Trạch Đông thì người VN đọc hay hơn bởi họ phát âm chữ Hán cổ còn người TQ phát âm theo bạch thoại. Chính học giả TQ đã nói với tôi như vậy.


2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Một bài viết rất văn và rất sâu sắc, uyên thâm. Cảm ơn thầy Trọng!
Tôi cũng có 1 ông thầy - thầy thuốc Đông y Thiên Tích - trong chuyến thăm TQ chục năm trước. Khi đến Phật Sơn (quê hương môn phái Vịnh Xuân Quyền) cùng đệ tử, cụ đã bút đàm với dân TQ. Bà con thán phục bởi tay bút và ý tứ cụ viết ra. Ai cũng lắc đầu: "Ông là người Hán à?". "Không tôi là người Việt", cụ viết ra (vì không nói được tiếng Hoa). Đây là 1 minh chứng. Năm nay cụ 94 rồi mà vẫn uyên thâm, tường tận nhiều sự việc, nhiều áng văn chương.

Nặc danh nói...

Điều đầu tiên tôi muốn nói là tại sao chữ viết của T là tượng hình vì trên đất nước T có đến 60 (hay có thể còn hơn) dân tộc khác nhau, họ nói chuyện không hiểu nhau, nhưng khi "vẽ" chữ tượng hình ra thì họ hiểu nhau.
1000 năm đô hộ VN của người T nên chắc chữ nôm của người Việt là do những kẻ trong triều đình của T đặt ra. Tôi không đọc được chữ nôm nhưng tôi không cần và không bao giờ học, vì đối với tôi chữ nôm là ngoại nhập.
Người VN gọi là con gà, chữ nôm gọi là con "kê", còn tiếng Quảng đông gọi là "cáy".
Người VN gọi là "cái nhà đỏ" chứ người VN không nói "cái đỏ nhà" như người T.
Trên đất nước T, những dân tộc không phải là Hán họ thờ ai tôi không cần biết vì đó là chuyện của họ, còn tôi biết chắc tôi là người VN, một dân tộc hoàn toàn khác về ngôn ngữ với người T, như tôi đã nói ở trên, tôi thờ về tổ tiên của người VN.