Tôi
có ông bác tên Sơn. Bằng tuổi nhau,
nhưng theo quan hệ họ hàng, ông bằng vai với bố tôi. Thuở
nhỏ, hai đứa tha thẩn chơi với nhau suốt ngày. Nào thì bắt chuồn chuồn, trèo
cây trộm quả, đánh đáo, đánh bi… Thôi thì đủ hết những trò của trẻ con nhà quê
hay chơi. Lớn lên, mỗi đứa một ngả, thỉnh thoảng tôi về quê mới gặp ông. Rồi
tôi lên trường Trỗi, hai năm sau thì ông đi bộ đội, vào chiến đấu ở miền Đông
Nam bộ. Hết chiến tranh, ông phục viên, về với đồng ruộng, với làng quê. Thời gian trôi nhanh thế, thấm thoắt
hai đứa đã ngoại lục tuần.
Tính
ông kín đáo, chẳng mấy khi kể chuyện cho con cháu về những ngày ở chiến trường,
đặc biệt là về những chiến ông của mình trong chiến đấu. Mãi đến hôm nay, có việc
trong quê, tôi ngồi uống rượu với ông, mới được biết thêm chút thông tin về thời
oanh liệt đó. Nhâm nhi chén rượu, ông kể:
“Hôm
nọ, Bảo tàng Tăng-Thiết giáp gửi giấy, mời tớ ra thăm bảo tàng. Tớ hơi ngạc
nhiên. Khi ra đến nơi, Tớ gặp hai người bạn chiến đấu của mình từ thời ở chiến
trường miền Đông – một người từ Vĩnh Long, một người từ Hải Dương. Đây là nhóm
chiến sỹ Quân Giải phóng năm xưa đã cùng nhau lập được một chiến công xuất sắc:
bắt sống một chiếc xe tăng M48 còn mới tinh của địch. Chiếc xe tăng này sau đó
đã được quân ta sử dụng trong chiến đấu và giờ đây được đưa về Bảo tàng Tăng - Thiết giáp để phục vụ việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ tiếp theo. Bọn
tớ được mời tới thăm bảo tàng với tư cách là những nhân chứng sống.”
Nhắm
ngụm rượu, mắt lim dim như đang hình dung lại thời khắc đáng nhớ đó, ông chậm
rãi kể tiếp:
“Hôm
đó, nhóm ba thằng tớ phải vượt qua một con lộ. Hai đứa qua được rồi, còn một thằng
chưa kịp qua. Đúng lúc ấy thì chiếc M48 lù lù xuất hiện trên đường. Hai thằng tớ
liền bám thành xe nhảy lên. Thấy có tiếng động lạ, một tên địch mở nắp xe ngó đầu
ra. Bọn tớ liền quàng tay vào cổ hắn và xử lý gọn. Thằng còn lại trong xe chưa
kịp phản ứng thì đã bị khống chế. Cu cậu được tha mạng nhưng cũng bị một vệt
dao vào nách và bị bắt làm tù binh. Ba đồng chí ta nhẩy lên xe. Tớ lái chiếc
M48 chạy thẳng về căn cứ của đơn vị. Thế là quân ta có thêm một xe chiến đấu mới
cứng với đầy đủ đồng bộ khí tài, linh kiện dự trữ. Chiếc xe này chúng mới được
trang bị, chưa kịp sử dụng trong chiến đấu trận nào. Có thể hai cậu kia đang
đưa xe đi chạy rà trơn?”
Ông
lại khà ngụm rượu, rồi bảo: ”Thấy chúng nó bảo sẽ có huân chương Chiến công cho
chuyện này nhưng chẳng biết hạng mấy”. “Chuyện hay thế sao bây giờ bác mới kể?”, ”Ôi dào, có gì đâu, thằng nào ở vào hoàn cảnh ấy mà chả làm như thế?”
Nếu
không có việc binh chủng Tăng-Thiết giáp lục lại lịch sử để vinh danh những chiến
sĩ dũng cảm năm xưa thì chắc ông bác tôi đã chôn sâu sự việc vào ký ức và mọi
người sẽ chẳng ai biết đến chiến công đó của ông. Chiến tranh đã lùi xa gần bốn
chục năm, thế mà có những chiến công đáng nể như vậy đến tận bây giờ mới được
nhớ tới. Liệu còn bao nhiêu con người, bao nhiêu chiến công đang nằm trong quên
lãng?
2 nhận xét:
Lịch sử phải là cái gì rất nhỏ bé, cụ thể.
Những người ý thức được rằng mình xả thân vì nước-không vì để lập công nhận vinh quang cá nhân-những người ấy vẫn thường lặng lẽ với những gì mình có được,coi nó như những chuyện bình thường.Họ để những chuyện như thế vào ký ức đẹp,luôn nhắc mình biết sống đẹp hơn.
Đăng nhận xét