Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời (Huỳnh Văn Úc)



Tờ Thời báo New York chạy trên hàng tít một bài báo của mình: Đất nước giàu đất đai đang thu hút người lao động từ đất nước giàu có về nhân lực. 

Đất nước giàu có đất đai là nước Nga với diện tích 17.075.200 km2 rộng nhất hành tinh nhưng chỉ có dân số hơn 141 triệu người. Còn đất nước giàu có về nhân lực là Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người. Năm năm trước đây (2007) hai chính phủ Nga và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán về việc Trung Quốc đầu tư vào đất nông nghiệp ở Nga. Cho đến năm nay 2012 Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào quỹ liên doanh Trung-Nga trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp. Các công ty Trung Quốc đã chính thức thuê hàng triệu mẫu đất nông nghiệp của Nga nằm sát biên giới với các tỉnh đông-bắc Trung Quốc, thuê gần hai triệu mẫu đất rừng ở Siberia. Sâu hơn trong lãnh thổ Nga người Trung Quốc còn thuê đất ở tỉnh  Sverdlovsk, tỉnh Chelyabinsk. Các nông trại Trung Quốc trồng cà chua và đậu nành trong nhà kính còn xuất hiện ở ngoại ô Moskva và Saint Petersburg. Hiện nay ở Nga có khoảng 400 nghìn người nhập cư Trung Quốc. Người dân Nga lo ngại rằng việc mở rộng hợp tác kinh tế sẽ dẫn đến bùng phát làn sóng người Trung Quốc nhập cư và số người nhập cư sẽ không dừng lại ở con số đó. Đã có xô xát xảy ra giữa thanh niên Nga và người nhập cư Trung Quốc. Và chuyện tình yêu giữa các cô gái Nga với các chàng trai Trung Quốc không phải là chuyện hiếm.

 

Amur là một tỉnh nằm ở vùng Viễn Đông của nước Nga, phía nam có biên giới với Trung Quốc, phía bắc có biên giới với nước Cộng hòa tự trị Iêckut, diện tích 361.913 km2, dân số 818.900 người, mật độ dân số 2,26 người/km2. Lãnh thổ của tỉnh này trước cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai (1856-1860) thuộc triều đình nhà Thanh. Năm 1860 Trung Quốc thua trận buộc phải ký với Anh và Pháp Điều ước Bắc Kinh. Nga viện lý do đã có công làm trung gian giúp nhà Thanh trong cuộc thương lượng với Anh và Pháp nên đòi ghi thêm vào Điều ước 15 khoản nữa trong đó có điều khoản miền đông sông Ussuri cho tới bờ biển thuộc hẳn về Nga. Từ thời điểm đó lãnh thổ tỉnh Amur thuộc về nước Nga. Ngày 22/9/2012 Đài phát thanh Tiếng nói Nước Nga đưa tin tỉnh Amur cắt bỏ hạn ngạch lao động nhập cư Trung Quốc. Người lao động nhập cư Trung Quốc sẽ không được làm việc trong ngành nông nghiệp của tỉnh này. Bắt đầu từ năm 2013 sẽ không có nông dân Trung Quốc nào được phép làm nghề trồng trọt ở tỉnh này. Tại sao lại thế? Bà Tatyana Yakimenko đại diện chính quyền tỉnh Amur cho biết người Trung Quốc đã vi phạm nhiều điều khoản của pháp luật nước Nga, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thuê đất. Lối canh tác của họ làm xáo trộn các tầng đất nông nghiệp. Họ sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu và các hóa chất nằm trong danh mục bị cấm dùng ở Nga, xả rác thải vô tư.

 

Người Trung Quốc sang nước ta thuê đất trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long. Không biết bằng con đường nào mà người Trung Quốc đóng bè nuôi cá nuôi tôm ở Vịnh Cam Ranh. Người Trung Quốc mua cả trăm hecta đất ở Bình Thuận để trồng thanh long. Người Trung Quốc mua gỗ sưa, mua cả đỉa. Bỗng dưng ở Yên Khánh (Ninh Bình) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) mọc lên những Chinatown. Người Trung Quốc sở hữu nhiều căn hộ ở Đông Đô Đại Phố, một con phố ở Bình Dương với đèn lồng rực rỡ khi màn đêm buông xuống. Người Trung Quốc vân vân và vân vân. Nước Việt Nam chúng ta không đến nỗi quá rộng và quá thiếu nhân lực để có nhu cầu thu hút lao động nước ngoài như Liên bang Nga. Giang sơn dị cải, bổn tính nan di. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Mà cái tính của người Trung Quốc nó ra sao mọi người đều biết cả rồi. Không chịu được cái tính ấy, chính quyền tỉnh Amur Liên bang Nga đã quyết định cắt bỏ hạn ngạch lao động nhập cư Trung Quốc.



3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái chết của ta là ở chỗ hiện nay phương châm sống của các loại quan chức là "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Họ chỉ lo cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm thôi. Tội vạ đâu, các thế hệ sau sẽ lãnh đủ.
Còn dân thường thì làm gì được?Đau!

Nặc danh nói...

Cái chết của ta là ở chỗ hiện nay phương châm sống của các loại quan chức là "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Họ chỉ lo cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm thôi. Tội vạ đâu, các thế hệ sau sẽ lãnh đủ.
Còn dân thường thì làm gì được?Đau!

tranphong nói...

Người Trung Quốc đã đưa ra học thuyết "biên giới mềm" và có vẻ họ thành công với học thuyết này. "Biên giới mềm" có nghĩa là hàng hóa và văn hóa của họ đi tới đâu thì "biên giới mềm" của họ kéo dài tới đó. Dần dần họ sẽ tiến tới đồng hóa. VN phải làm gì trước cơn "sóng thần" này?