Trại Nhi đồng Miền Bắc đã tiếp nhận nuôi dưỡng, giáo dục nhiều anh em Trỗi ở tuổi mẫu giáo, vỡ lòng. Ngày đầu trường đóng quân ở Khe Khao, Việt Bắc. BT5 xin giới thiệu bài viết của 1 trại viên về ngôi trường này.
Trong kháng chiến,
cuộc sống trên chiến khu của hàng vạn con người thuộc đủ mọi thành phần: bộ
đội, cán bộ, nhân viên, các tầng lớp nhân dân (cả người tản cư và bà con địa
phương), trong đó có cán bộ, nhân viên trong lực lượng Công an không chỉ có
gian khổ, hy sinh; cuộc sống trong kháng chiến vẫn có những sinh hoạt đời
thường như tăng gia sản xuất, hoạt động văn hóa - văn nghệ, cưới hỏi…
Quá trình học tập,
sinh hoạt, cứ cuối tuần tôi và Đích mới có dịp gặp nhau trò chuyện, rồi dần dần
cũng hiểu được tính nết của nhau và hoàn cảnh gia đình hai bên. Đích là con nhà
giáo ở thành phố Nam Định, chị cả của ba người em là Trần Thị Tuyết, Trần Viết
Thủ (tức Lê Quảng, sau là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam), Trần
Viết Hiến. Được nuôi, dạy trong một gia đình nhà giáo ở thành phố, nên tuy là
con gái, nhưng cô cũng được học hành đến nơi, đến chốn. Học hết bậc trung học ở
Nam Định, Trần Thị Đích được gia đình cho lên Hà Nội học ở trường nữ sinh Đồng
Khánh (nay là trường phổ thông trung học Trưng Vương). Tốt nghiệp trường Đồng
Khánh, do có thành tích học tập tốt, cô nữ sinh thành Nam được nhận học bổng,
học tiếp lớp Sư phạm ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Sau khi tốt nghiệp
sư phạm, cô giáo trẻ Trần Thị Đích được phân công lên dạy học ở thị xã Cao
Bằng. Đến đầu năm 1945, sau hai năm thực hiện nghĩa vụ trên miền núi, cô giáo
trẻ được chuyển về dạy tại thành phố quê nhà. Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Thị
Đích được bà Nguyễn Thị Diệu Hồng giác ngộ và tham gia công tác phụ nữ, được
kết nạp vào Đảng tháng 9 năm 1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, là chi hội
trưởng Chi hội phụ nữ thành phố Nam Định và là Thành ủy viên. Lên chiến khu
Việt Bắc, Trần Thị Đích công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đến cuối khóa học,
tình cảm giữa tôi và Đích đã rất mặn nồng, chúng tôi quyết định sẽ làm lễ cưới
và báo cáo với lãnh đạo nhà trường, các anh rất ủng hộ và bảo với chúng tôi là
sẽ kết hợp tổ chức luôn với hai đôi nữa. Thế là dịp cuối mùa đông năm 1951,
nhân buổi liên hoan mừng lễ tốt nghiệp, các đồng chí trong ban lãnh đạo trường
Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra tuyên bố mừng lễ thành hôn của ba đôi học viên. Buổi
lễ thành hôn của chúng tôi không có đại diện họ hàng hai bên, không có trầu
cau, không tiếng pháp nổ, nhưng tràn đầy niềm hân hoan và hạnh phúc trong tình
đồng chí, đồng đội giữa núi rừng Việt Bắc.
Tuần trăng mật của chúng tôi chỉ kéo
dài vỏn vẹn gần một tuần lễ tại “nhà hạnh phúc” là một cái lán đơn sơ do lãnh
đạo nhà trường cho mượn. Sau đó tôi trở về công tác tại Nha Công an tại Sơn
Dương (Tuyên Quang), Đích về Hội liên hiệp Phụ nữ tại Chợ Đồn, (Bắc Kạn). Thỉnh
thoảng, trên đường công tác, tôi lại tranh thủ lên Chợ Đồn thăm vợ. Đến giữa
năm 1952, đang công tác tại Nha Công an thì tôi nhận được tin mừng là đã có con
trai đầu, nhân một chuyến công tác xuống cơ sở, tôi đạp xe về Chợ Đồn thăm hai
mẹ con và chỉ kịp ôm con một lúc rồi lại lên đường. Nhưng niềm vui của chúng
tôi cũng không kéo dài, do hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, vợ tôi trong quá
trình mang thai hay ốm, thiếu thuốc men và ăn uống kham khổ, nên cháu Tuấn khi
sinh ra đã rất yếu, sau hơn một năm thì cháu mất. Đến đầu năm 1954 thì vợ chồng
tôi sinh cháu trai thứ hai tên là Dũng, khỏe mạnh hơn cháu đầu, do ở tập thể cơ
quan, nên vợ tôi cũng được chị em giúp đỡ nhiều. Đặc biệt là chị Điểm thường
quan tâm giúp đỡ vợ tôi và chăm sóc cháu Dũng. Cuối năm 1951, khi đó cơ quan
Phụ nữ Trung ương đã tổ chức được trại trẻ, nên cháu Dũng và con cái của các
cán bộ ở Hội Liên hiệp Phụ nữ được các cô, các bác ở trại trẻ chăm nom chu đáo....
(Còn tiếp)
1 nhận xét:
Cảm ơn Viẹt Dũng!
Đăng nhận xét