Sau này tôi được
biết trại trẻ tại Khe Khao được tổ chức để trông nom con của các đồng chí cán
bộ nữ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương. Do hoàn cảnh chiến tranh, cơ quan di
chuyển liên tục, máy bay địch lại thường xuyên bắn phá các địa điểm chúng nghi
ngờ là có cơ quan của Việt Minh đóng quân, nên việc tổ chức trại trẻ cho cán bộ
nữ trở thành nhu cầu cấp bách.
Theo ý kiến của đồng chí Đỗ Mười và đồng chí
Hoàng Quốc Việt, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê
Tụy Phương tìm địa điểm an toàn để thành lập trại trẻ. Theo gợi ý của đồng chí
Hoàng Quốc Việt, trại trẻ nên lên khu vực Bản Thi - Khe Khao, nơi an toàn, xa
vùng chiến sự lại có không khí mát mẻ quanh năm.
Vào khoảng cuối năm 1951, chị
Tụy Phương đã nhờ một số đồng bào địa phương dẫn đường, đưa nhóm trẻ đầu tiên
lên lập trại tại Khe Khao, một vùng núi cao thuộc Bản Thi (huyện Chợ Đồn, tỉnh
Bắc Kạn). Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm xúc và phong cảnh nơi ấy mỗi khi lên
thăm con. Có
lẽ bất cứ ai lần đầu lên Bản Thi thấy nơi này sao mà xa xôi, hẻo lánh quá chừng,
đó là một thung lũng tưởng chừng cách biệt với cuộc sống sôi động trên chiến
khu. Đường đi thật khó khăn, phương tiện đi lại hầu như duy nhất thông thương với
bên ngoài là một con đường goòng dài 3km. Mỗi khi vận hành mấy toa xe, công
nhân lại phải dùng chiếc đầu kéo bé nhỏ chạy bằng củi đốt lò. Toa xe và con đường
goòng bé nhỏ là tàn tích còn lại của mỏ khai thác quặng kẽm ở Bản Thi từ thời
Pháp thuộc. Ngay cả ở thị trấn Đầm Hồng, cửa ngõ phía ngoài thung lũng cũng chỉ
thông thương với huyện lỵ Chiêm Hoá phía dưới bằng một đoạn đường thuỷ đầy ghềnh
thuộc sông Gâm. Thế mà từ Bản Thi đi Khe Khao lại còn phải leo dốc mấy tiếng đồng
hồ nữa, vì ngọn núi này cao tới 1.000m. Con đường dài 7km bám sườn núi đá chênh
vênh bò lên giữa một cảnh đất trời hùng vĩ. Ngọn Khe Khao (Pia Khao) sừng sững
phía trước, hai sợi cáp thép vắt ngang một bên, dấu tích xưa kia của đường
goòng chở quặng treo từ trên núi xuống. Nhìn xuống sâu là vực thẳm không đáy,
chỉ thấy đám cành lá um tùm
đầy vẻ huyền bí. Khe Khao hiểm trở chính là nơi đứng chân của trại trẻ của Hội
Liên hiệp Phụ nữ trên chiến khu Việt Bắc. Được sự giúp đỡ của bà con địa phương
và anh em quân giới xưởng Ngô Gia Khảm, một thời gian sau cơ sở của trại đã
được hình thành và dần ổn định, có đủ phòng ăn, phòng ngủ, trạm xá. Gần khu vực
trại trẻ, các cô đã nhờ anh em quân giới chọn cho hai hang đá và dọn sạch sẽ để
phòng khi có máy bay địch oanh tạc. Trại tiếp nhận các cháu bé có độ tuổi từ 2
đến 5 tuổi, dần “quân số” của trại trẻ lên đến 30 cháu và có 6 cán bộ làm nhiệm
vụ chăm sóc, nuôi dạy. Trong đội ngũ nhân viên của trại, hầu hết đều theo trại
về Hà Nội sau ngày giải phóng để thành lập Trại nhi đồng miền Bắc tại phố Thụy
Khuê. Để tăng thêm khẩu phần ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các cháu ở trại trẻ,
các cô, các bác đã tổ chức trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Bố, mẹ lên thăm các
con đều rất phấn khởi khi thấy con mình được chăm sóc chu đáo, tất cả đều hồng
hào, khỏe mạnh. Nghe tin Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức trại trẻ, Bác Hồ cũng
nhiều lần gửi quà cho các cháu vào những dịp lễ, tết. Và có một kỷ niệm thật
đặc biệt với trại được cô Lê Tụy Phương kể lại: vào ngày mùng 1tháng 2 năm
1952, trong một chuyến công tác qua Bản Thi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm
trại nhi đồng. Cán bộ, nhân viên và các cháu vẫn còn nhớ hình ảnh của Bác trong
bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su với đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu đã ân
cần thăm hỏi các cán bộ làm nhiệm vụ ở đây và Người căn dặn: “Các cô, các chú là người thay mặt cha mẹ các
cháu trông nom, nuôi dạy con em họ, để các đồng chí đó yên tâm công tác. Vì vậy
nhiệm vụ của các cô, các chú là phải chăm sóc những mầm non cách mạng cho tốt”.
Sau này, nhiều học
sinh của trại trẻ Khe Khao và sau này là trại Nhi đồng miền Bắc đã trưởng thành
và trở thành các công chức, sĩ quan, bác sĩ, doanh nhân… mỗi khi nhớ lại tuổi
thơ một thời gian khó, đều nhớ tới các cô, các bác đã dành bao tâm huyết chăm
sóc các mầm non của đất nước như cô Lê Tụy Phương, cô Điểm, chú Sáng, chú Sinh
Câm, bà O (bà Đặng Quỳnh Anh), bà Mân (bà Đào Duy Anh)… Nhiều cựu trại viên Khe
Khao còn nhớ bài hát:
“Khe Khao cao ngất lưng trời
Có đàn em bé hát,
cười trong mây
Các em được sống vui
tươi
Được chăm ăn, ngủ,
vui chơi, học hành
Các em xa cách gia
đình
Nhưng được ấp ủ
trong tình nhân dân”
Trại trẻ Khe Khao
giữa núi rừng Việt Bắc chính là nơi nhiều cán bộ gửi gắm niềm tin và lòng biết
ơn sâu sắc các cô, bác của trại đã đổ bao mồ hôi, công sức chăm sóc, nuôi dạy
các cháu thay cha mẹ, để họ có thể yên tâm công tác, chiến đấu trong những năm
tháng kháng chiến gian khổ.
(Trích trong tác phẩm “Thế hệ chiến sĩ
Công an không cấp hàm” – NXB Công an nhân dân, năm 2012; tác giả: Đinh Việt
Dũng)
3 nhận xét:
Đọc bài này thì lứa Trại Nhi đồng MB 1959-62 hiểu được thời Khe Khao thế nào. Cảm ơn tác giả! (Nhất là khi chúng tôi từng là trại viên).
Cô Tụy Phương được coi là giáo viên mẫu giáo đầu tiên của nền giáo dục XHCN.
Khe Khao, tên chính xác địa danh này là Phja Khao (núi đá trắng- tiếng Tày) nay thuộc xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, Tỉnh Bắc Kạn
Đăng nhận xét