Xin giới
thiệu các bạn một tư liệu về Bác Hồ qua lời thuật của ông Hoàng Tùng, người vừa
qua đời. Bài viết có nhiều chi tiết thú vị. Bài này đăng trên Diễn Đàn (bên
Pháp), và tôi sưu tầm về để các bạn nào không vào trang web có thể đọc được.
LTS của Diễn Đàn: Ông Hoàng Tùng, nguyên tổng
biên tập báo Nhân Dân, nguyên ủy viên Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Việt
Nam, đã từ trần ngày 19 tháng sáu 2010 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi. Tên thật là Trần
Khánh Thọ, ông sinh năm 1920, quê quán tại huyện Lý Nhân, Hà Nam. Tham gia cách
mạng từ năm 15 tuổi, lần lượt giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng : bí thư Thành ủy
Hà Nội, bí thư Thành ủy Hải Phòng, xứ ủy viên Bắc Bộ, phó bí thư Chiến khu Tả
ngạn Sông Hồng, phó trưởng ban Tổ chức trung ương, tổng biên tập báo Sự Thật, tổng
biên tập báo Nhân Dân, phụ trách Văn phòng Tổng bí thư, trưởng ban Tuyên huấn
trung ương, bí thư Trung ương Đảng.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, phụ trách
báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của ĐCSVN, ông Hoàng Tùng cũng là nhà phát
ngôn có uy tín của miền Bắc. Nhà báo lão thành người Pháp Jean Lacouture đã nêu
lên nghịch lý : tại sao một con người sắc sảo, tinh tế và dí dỏm như Hoàng Tùng
lại có thể làm ra một tờ báo xám xịt như tờ Nhân Dân ?
Trong những năm nghỉ hưu, ông Hoàng Tùng vẫn đi
nói chuyện với cán bộ. Dưới đây là bản ghi lại cuộc nói chuyện của ông về chủ tịch
Hồ Chí Minh. Như chú thích ở cuối bài, bản này không đầy đủ, nhưng tính trung
thực của nó thì không có gì đáng ngờ.
Những kỉ niệm về Bác Hồ
Hoàng Tùng
Tôi có khoảng thời gian gần 25 năm làm việc gần
Bác. Tôi được biết một số việc, hoặc được nghe rồi nói lại cho các đồng chí. Có
tài liệu các đồng chí có thể sử dụng được, có tài liệu các đồng chí nghiên cứu
thêm.
Trong khoảng thời gian 25 năm đó có 3 năm tôi
công tác ở xứ, khu và tỉnh, còn tôi liên tục ở Trung ương, lúc đầu tôi làm phó
trưởng ban Tổ chức Đảng vụ (cơ quan của Đảng lúc đó gọi như thế), tức là làm
phó cho anh Lê Đức Thọ, sau là anh Lê Văn Lương. Sau tôi còn làm chánh văn
phòng của đồng chí Trường Chinh, sau cùng là làm công tác Tuyên huấn, báo chí.
Các công việc trên giúp tôi có điều kiện gần gũi Bác hơn. Các anh trong Bộ
Chính trị cũng có nhiều người đi tù cùng tôi về. Tôi có may mắn được dự hầu hết
các phiên họp Bộ Chính trị hay Ban Bí thư . Nhiều khi Bác bảo tôi làm việc này
hay việc khác, tất nhiên là những việc nhỏ thôi. Khi Trung ương họp Bác thường
hay ngó trông xem có thấy tôi ngồi ở phía sau không, bởi tôi làm công tác báo
chí. Nhiều cuộc họp tôi bị Bác phê bình, nhưng nhiều lần được Bác khen. Hội nghị
Trung ương, hội nghị các ngành, hội nghị quân sự, hội nghị cán bộ tôi đều dự cả.
Nhiều chuyện tôi biết được từ các cuộc hội nghị này, cố nhiên không phải chuyện
gì cũng biết, có chuyện tôi thật sự là nhân chứng, có chuyện thì tôi nghe lỏm
được.
Tôi muốn kể lùi về quá khứ một chút. Vào những
năm 1933-1934, khi tôi còn đang đi học, tôi biết hàng xóm nhà tôi có hai người
bị bắt từ năm 1930 được tha về. Nghe đồn họ là cộng sản, họ nói giỏi lắm, tôi mới
tìm đến. Họ nói Nguyễn Ái Quốc bị chết rồi. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng nghe nói
mất người đứng đầu thì cảm thấy gay go thật. Sau này tôi tham gia phong trào
Dân chủ (1937-1938) cùng với nhiều người, sau có người vào Bộ Chính trị như Lê
Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng.
Đầu tháng 8-1945, anh Lê Đức Thọ được bổ sung
vào Trung ương, là uỷ viên dự khuyết, phụ trách an toàn khu của Trung ương,
kiêm cả Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, tức là người phụ tá trực tiếp của đồng chí Trường
Chinh. Tôi được gọi về phụ trách khu an toàn của Trung ương và phụ trách trực
tiếp khu ngoại thành Hà Nội. Tôi phụ trách khu an toàn A, còn khu B ở trên kia
thì tôi không biết. Một hôm, anh Lê Đức Thọ nói với tôi là anh đi họp một cuộc
Hội nghị quan trọng, dặn tôi ở nhà giữ gìn, trong nom cẩn thận công việc của
Trung ương, sau này tôi mới biết là anh đi dự Hội nghị Tân Trào. Anh còn tiết lộ
bí mật cho tôi biết chuyến đi này anh đi thế nào cũng gặp Nguyễn Ái Quốc.
Sau ngày 19/8, Hà Nội lập chính quyền cách mạng.
Tôi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở ngoại thành, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Đông
Anh, Phúc Yên, trực tiếp chỉ đạo việc lập chính quyền ở ngoại thành Hà Nội. Khởi
nghĩa thắng lợi, chính quyền được thành lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ
và Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội ra mắt. Tổ chức này ngang với thị trưởng Hà
Nội trước đây thay Trần Văn Lai. Những người ra mắt toàn là học trò trung học
Hà Nội cũ, như Trần Quang Huy ở trường Thăng Long, Nguyễn Duy Thân ở trường Bư ởi,
cùng với ông Vũ Kỳ... Hai cuộc ra mắt toàn là các cậu học trò kém tuổi tôi.
Nhân dân Hà Nội xôn xao lắm. Họ nói lãnh tụ Việt Minh có thế thôi à ! Tôi cũng
sốt ruột. Khởi nghĩa xong họ bầu tôi làm chủ tịch, được 3 ngày tôi không làm nữa,
vì lúc này tôi đang phụ trách an toàn khu của Trung ương.
Hàng ngày tôi ra Bắc Bộ phủ gặp anh Xuân Thuỷ và
một số người khác. Họ hỏi tôi :
– Anh xem có cách nào đi tìm Trung ương về
không, chứ thấy tình hình khó khăn lắm.
Dân không hiểu lãnh tụ Việt Minh là ai cả, chúng
tôi thì còn trẻ lắm, tôi làm sao biết được để mời. Hàng ngày giải quyết công việc
ở trong khu xong tôi lại đạp xe ra Bắc Bộ phủ xem tình hình thế nào. Chiều ngày
24/8 tôi trở về chỗ mình vẫn ở tức là khu an toàn, gặp khoảng hơn 10 người đang
ăn cơm ở đình làng Phú Xá. Tôi thấy một cụ già có râu, ngồi cạnh có anh Trần
Đăng Ninh. Bữa ăn của đoàn cán bộ chỉ có cơm gạo hẩm, canh m ướp suông, mọi người
ngồi trên chiếc phản ở đình làng Phú Xá. Anh Trần Đăng Ninh trước ở tù với tôi,
tuy đã được bầu vào Trung ương nhưng chưa làm được ngày nào đã bị bắt, sau vượt
ngục trốn về. Tôi biết ông cụ này được anh Trần Đăng Ninh đưa đi chắc phải to
hơn Trung ương. Tôi nghe giọng Nghệ đoán chắc là Ông Cụ rồi. Ở đây tôi muốn nói
thêm một chút thế này : Đêm hôm trước ngày Ông Cụ về, đoàn tự vệ ở Chèm có bắt
được 4 người bên kia sông sang, bốn người đó hỏi phụ trách khu này là ai, khi
biết tôi là Khánh phụ trách khu này, họ đề nghị cho gặp tôi. Tôi gặp chẳng phải
ai xa lạ mà là anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Vũ Thuỵ Khôi, Nguyễn Văn
Phư ơng, tức Chu. Bốn người đi Tân Trào về. Họ nói chuyện về Hội nghị Tân Trào
và cho tôi xem danh sách chính phủ lâm thời được dán khắp thành phố. Dân biết
trong chính phủ có ông Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp. còn nhiều
nhân vật khác nữa họ không biết như Nguyễn Văn Xuân, còn Nguyễn Lương Bằng thực
sự dân cũng không biết, họ chi biết có đồng chí Sao Đỏ thôi.
Lại nói về chuyện gặp Bác ở đình Phú Xá. Hôm đó
tôi cũng mặc bộ quần áo mùa thu bình thường như các vị ở đây thôi. Bác nhìn tôi
và hỏi anh Trần Đăng Ninh :
– Quan nào mà diện thế ?
Chuyện này sau được anh Trần Đăng Ninh nói lại
tôi mới biết.
Như thế, trước khi về Hà Nội Bác đã chú ý tới
cách ăn mặc của cán bộ ta, ý Bác muốn cán bộ cách mạng là phải ăn mặc giản dị,
không được làm ra dáng ông quan cách mạng. Trong ý thức của Bác, cán bộ cách mạng,
nhất là khi cách mạng mới thành công không thể ăn mặc diện được. Cơm nước xong,
lúc đó cũng đã muộn, tôi mời Bác về nghỉ ở nhà tôi. Tôi mới chuyển sang nhà một
bà chánh tổng, tức nhà ông chánh tổng Luân ở làng Gạ (Phú Gia) nhưng ông chết
lâu rồi. Nhà này do chị Sáu cán bộ của đội công tác giới thiệu cho tôi. Nhà
không to lắm, cũng đủ để chứa độ hơn 10 người. Nhà này kín đáo, tụt vào trong
đê. Nhà ở Phú Xá ngay cạnh bờ đê không tiện. Tiện đây tôi muốn nói lại một
chút. Có ai đó viết về Bác, nói về Bác mặc áo choàng hay áo gì đó là không phải.
Bên ngoài Bác mặc chiếc áo của người thiểu số. Trời nóng nên Bác mặc quần cộc,
tức quần soóc, túi áo có một đèn pin khoằm khoằm. Bác mới ốm dậy nên phải chống
gậy.
Chủ nhà mời Bác nằm ở một chiếc sập gỗ, gỗ thường
thôi, không phải gỗ gụ, ở trước bàn thờ. Anh Trần Đăng Ninh và một số người
khác nằm ở hai gian bên cạnh. Tôi nằm trong buồng chủ nhà vẫn dành cho tôi.
Quen kiểu đùa như trong nhà tù, tôi nói với Bác :
– Đồng chí nằm đây cho sướng cái thân già !
Sau anh Trần Đăng Ninh máy tôi ra ngoài, nói : “
Ông cụ không thích đùa đâu ! ”.
Cố nhiên lúc đó tôi cũng đã biết ông cụ là ai rồi.
Bác nói (khi ấy chưa gọi là Bác, mà gọi là Cụ) :
– Thế chú cùng nằm với tôi rồi chúng ta cùng nói
chuyện.
Cụ hỏi tôi :
– Chiều nay đồng chí vào trong thành có nghe
chuyện gì lạ không ?
Tôi nói :
– Thưa đồng chí, có hai việc, việc thứ nhấn dư
luận đang bàn tán Hồ chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không ?
Cụ hỏi :
– Anh em mình trả lời thế nào ?
Tôi trả lời là anh em ta nói mập mờ. Không nói
là phải, mà cũng không nói là không.
Cụ nói :
– Như thế là anh em mình nói đúng.
Cụ hỏi tôi việc thứ hai.
Tôi nói :
– Quân Trung Quốc đã đến, trông nhếch nhác lắm,
mặc quần áo vàng bạc màu, chân quấn xà cạp, gánh cả nồi niêu, bát đĩa, lại có cả
chó theo sau.
Cụ nói :
– Ấy, Đệ nhất phương diện quân của người ta đấy
!
Tôi hỏi Cụ ý nghĩa của việc Mỹ ném bom nguyên tử
xuống Nhật Bản. Cụ nói :
– Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản thực
ra không cần thiết nữa. Đây chính là Mỹ muốn đánh tín hiệu cho Liên Xô, rằng nếu
không dừng lại thì tôi sẽ…
Người nhận định Mỹ ném bom Nhật Bản là để cảnh
cáo Liên Xô.
Nói đến việc Chính phủ về Hà Nội. Tình hình sẽ
khó khăn, nếu không có người như Cụ ra mắt. Vì lúc đó các thế lực khác sẵn sàng
giương cờ lên, trong khi mình toàn những người “ vô danh ” cả.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Cây từ Vũng Chùa (Quang Việt)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TRẦN THÁI TÔNG VÀ BÀI THƠ VÔ ĐỀ (ST: Trần Quốc Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét