Ngày 11/10/2012 Giải Nobel
văn học năm 2012 đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho nhà văn Trung Quốc Mạc
Ngôn. Nhiều người Trung Quốc đã được trao giải Nobel nhưng không phải lần trao
giải nào cũng được Trung Quốc hoan hỉ đón nhận như lần này. Năm 2000 Cao Hành
Kiện được trao giải Nobel văn học nhưng Trung Quốc đón nhận tin này với một
thái độ thờ ơ vì Cao Hành Kiện đã sang Pháp sinh sống và nhận quốc tịch Pháp từ
năm 1988. Lúc ông còn sống ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa
(1966-1976) ông từng bị đưa vào trại cải tạo 7 năm và bị thiêu hủy bản thảo
những tác phẩm của mình. Giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho nhà hoạt
động vì nhân quyền Lưu Hiểu Ba khi ông này đang ở trong nhà tù làm cho Trung Quốc
nổi cơn giận dữ.
Quản Mô Nghiệp sinh ngày
17/2/1955 tại huyện Cao Nghiệp, tỉnh Sơn Đông trong một gia đình nông dân, khi
viết văn lấy bút hiệu là Mạc Ngôn. Năm 2008 trả lời phỏng vấn của tờ báo tiếng
Tây Ban Nha El Pais ông giải thích: “Mạc Ngôn tiếng Hán có nghĩa là không nói.
Tôi chọn bút hiệu đó để nhớ những năm tháng của giai đoạn Cách mạng Văn hóa tàn
khốc. Hồi đó bố tôi sợ tôi nói năng bậy bạ có thể mang vạ vào thân nên khuyên
tôi đừng nói năng gì cả, tốt nhất là ngậm miệng lại như một thằng câm”. Thời
niên thiếu ông được khuyên ngậm miệng ăn tiền. Lớn lên ông đi bộ đội, học ở Học
viện Nghệ thuật Quân Giải phóng, viết văn và trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà văn
Trung Quốc. Với chức vụ đó ông được xem là công thần của chế độ. Là công thần
của chế độ thì ra sức ca ngợi chế độ và ngậm miệng im lặng trước những bức xúc
ngang trái của xã hội là chuyện thường tình. Là công thần của chế độ ông chép
tay lại bài nói chuyện về văn nghệ của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1942 để
làm thành một ấn bản đặc biệt. Dưới ánh sáng chỉ đạo của bài nói chuyện này
những tác phẩm văn nghệ được viết ra theo cùng một công thức. Xã hội có bốn
hạng người: cán bộ trung kiên giác ngộ cao và không thể hủ hóa là loại thứ
nhất, một số cán bộ và quần chúng đôi khi còn lầm lẫn sai đường là loại thứ
hai, bọn trung nông và tiểu tư sản thành thị thuộc loại thứ ba và loại cuối
cùng là địa chủ và tay sai quốc dân đảng. Người cầm bút phải đề cao hạng thứ
nhất, hạng thứ hai và thứ ba thì thế nào cũng được Đảng dẫn dắt về con đường
chính nghĩa, còn hạng thứ tư thì dẫu có ranh ma cuối cùng cũng bị trừng trị và
thất bại. Đó chính là cương lĩnh văn học nghệ thuật giáo điều đã gây tai họa
cho văn học Trung Quốc cũng như Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ. Nhiều quan điểm
của cương lĩnh này đã được Trường Chinh sao chép lại trong Đề cương về văn hóa
Việt Nam năm 1943 và cho đến tận bây giờ một số quan điểm trong bản Đề cương đó
vẫn còn nguyên giá trị. Là công thần của chế độ trong nhiều cuộc phỏng vấn và
bài viết Mạc Ngôn ra sức bênh vực cho chế độ kiểm duyệt hết sức gắt gao của
Trung Quốc: “ Tôi tin rằng các hạn chế hay kiểm duyệt là điều tốt cho sáng tạo
văn chương. Kiểm duyệt sẽ làm cho văn chương trở nên tinh tế hơn. Không ai cấm
nhà văn bày tỏ sự bất bình trước các góc tối của xã hội và con người nhưng diễn
tả phải tinh tế” . Vì vậy những người phản đối việc trao giải Nobel cho Mạc
Ngôn không ai khác mà chính là những đồng bào của ông. Nhà văn Yefu tuyên bố: “
Giải Nobel không nên trao cho một nhà văn chỉ biết ca ngợi chế độ chuyên chế”.
Còn nghệ sĩ Ngải Vị Vị thì phát biểu: “ Đối với một nhà văn đương đại tránh né
những vấn đề của cuộc sống ngày hôm nay là việc không thể chấp nhận. Văn chương
không thể tách rời khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc. Tôi không chê trách Ủy ban
giải Nobel nhưng quyết định trao giải của họ cho Mạc Ngôn đã phản ảnh một khẩu
vị thật kém cỏi”.
Đối với Mạc Ngôn giải Nobel
là một món quà ngọt ngào. Đối với nhà cầm quyền Trung Quốc giải Nobel văn
chương của Mạc Ngôn là một công cụ tuyên truyền cho “quyền lực mềm” của họ. Họ
đã mạnh về kinh tế và quân sự nhưng “quyền lực mềm” là thứ bất cứ siêu cường
nào cũng cần phải có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét