Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Chú em tôi và mùa đông 1972 (Kháng Chiến)


Gia đình có 1 người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
Gia đình chúng tôi có 8 chị em, trong đó có 6 anh em trai. Chúng tôi lớn lên vào giai đoạn cả nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Là phận  làm trai, là con của người lính, lần lượt  4 anh em chúng tôi nhập ngũ. Tôi nhập ngũ 1965, TrầnThắng Lợi - 1968,Trần Kiến Quốc 1970, còn TrầnThành Công - 1971. Trong những năm tháng tại ngũ, mỗi chúng tôi trải qua những thử thách  ác liệt của chiến tranh trong hoàn cảnh khác nhau. Trong chúng tôi có  Trần Thành Công là người tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không   cách đây 40 năm, đánh bại cuộc tập kích không quân chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, với sự tham gia của rất nhiều Pháo đài bay (máy bay ném bom chiến lược B52).

Trần Thành Công bên quả đạn SAM-2.




Tháng 9/1971 sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trần Thành Công đã cùng Lê Thanh Trung  (con trai cụ Lê Tất Đắc) xin  chú Văn Tiến Dũng cho nhập ngũ. Từ đó đến tháng 3/1972 vào huấn luyện tân binh tại đơn vị của quân chủng PKKQ ở Sân bay Nội Bài (cạnh 1 ngôi nhà thờ). Cùng đợt có Thắng Bình, Bình "tũn", Tuấn "e nơ", Duy Đảo... (lính Trỗi k6, k7) cũng vào bộ đội Tên lửa. Cùng đơn vị còn có Thụ (sau này về học Trường Sĩ quan PK), Hoàng Vĩnh Thành (con cụ Hoàng Minh Giám, nay là cán bộ Ngoại giao). Mấy đứa thân nhau lắm.

Tháng 4/1972 được điều về đơn vị chiến đấu tên lửa Phòng không SAM 2, C1 -  D94 - E261 (Đoàn Thành Loa) - F361 với nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Về tiểu đòan 94, Công được bố trí về Xe U (Upravlenje: xe điều khiển-chỉ huy) làm trắc thủ góc tà. Đơn vị từng chiếm lĩnh các trận địa phía Bắc sông Hồng tại địa bàn các tỉnh Hà Bắc, Thái Nguyên và tháng 12/1972 vễ trận địa Phù Chẩn - Từ Sơn - Bắc ninh. Trong năm 1972, đơn vị triển khai chiến đấu tại Thái Nguyên, bắn rơi nhiều  máy bay tiêm kích của Mỹ. Đầu tháng 12/1972, đơn vị chiếm lĩnh trận địa tại Đông Anh, tham gia vào mạng lưới phòng không bảo vệ Hà  Nội. Sau khi ném bom Hải Phòng, không quân Mỹ tiến hành tấn công Hà Nôi.  Công cùng anh em trong đơn vị bám trận địa, dũng cảm chiến đấu  trong 12 ngày đêm.
Đến ngày 27/12/1972, ngày cuối cùng của chiến dịch, trận địa bị rải bom. Tổn thất lớn: các ụ pháo cao xạ bảo vệ tên lửa bị tan tành, đại đội Bệ (C2) bị trúng bom 2 ụ tên lửa, nhưng khi đó không còn đạn trên bệ nên chỉ có 2 chiến sỹ bệ hy sinh. Trung tâm điều khiển (xe PA) bị lật nghiêng do sức ép của bom. Và Tiểu đòan 94 đã góp phần vào chiến thắng của quân dân Thủ đô  trong chiến dịch lịch sử  này. 
Sau chiến dịch, Công  được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 6/1973  được gọi lên ôn văn hóa trên Lạng Sơn để thi vào Đại học Quân sự. Năm 1974, Công xin chuyển ra học Đại học Ngoại thương. 
Thời gian phục vụ trong Quân độc của Công không dài, song những thử thách của chiến tranh ác liệt giúp Công trở thành con người có bản lĩnh trong cuộc sống. Sinh thời mẹ của chúng tôi luôn tự hào vì có một người con  tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trên không. Điều đó cũng là niềm tự hào của  cả gia đình.

... Tròn 40 năm sau
Hiên nay Trung đoàn 261 ( Đoàn Thành Loa)đang đóng quân tại Vũng Tàu. Anh  Nhân  (anh ruột Vượng, vợ Công) sống gần trận địa này và tham gia sinh hoạt Hội CCB Vũng Tàu, quen thân với các cán bộ Trung đoàn 261. Trong các lần gặp mặt giao lưu, anh em  E 261 biết  có một trắc thủ góc tà của xe U (thuôc D94) vào thời gian 1971-1973 tên là Trần Thành Công, em rể anh Nhân, được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa sau khi đơn vị bị máy bay Mỹ oanh kích vào cuối 12/1972. Với công tác giáo dục truyền thống đơn vị cho thế hệ trẻ thì cán bộ chỉ huy trung đoàn như "bắt được vàng mười", nhất là sau 40 năm  hầu như thế hệ cán bộ, chiến sỹ đơn vị không có liên lạc với đơn vị cũ. 
Trung đoàn qua anh Nhân gửi quà kỷ niệm cho CCB, chiến sỹ của  D94, E261  Trần Thành Công. Việc này cũng được báo cáo với Sư đoàn 367. Sư đoàn trưởng có giấy mời CCB Trần Thành Công  về dự lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng B52 do Sư đoàn tổ chức vào cuối tháng 12/2012. 
Rất lâu chưa trở lại với cảm giác làm người lính, lần này Công cho biết nhất định sẽ tham dự lễ kỷ niệm, để gặp gỡ các thế hệ cán bộ, chiến sỹ cũ - mới của  Tiểu đoàn, Trung đoàn, Sư đoàn. Cũng là 1 kỷ niệm khó quên của 1 đời người!

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Lạ lắm sau 12/1972,anh em tôi gặp nhau, dù vừa thoát chết trong gang tấc mà chú em tôi vẫn thản nhiên như không. Thế hệ chúng ta là thế, coi cái chết nhẹ như lông hồng, chả bao giờ lo nghĩ cho chính mình!!!

N.H.QUE nói...

Các anh mà không chịu kể lại thì con cháu chúng ta thua đấy .

TranKienQuoc nói...

Muốn huy động mọi người viết, kể dưng cơ mà các bác Trỗi "hơi bị khiêm tốn" và "hơi bị lười". Mong mọi người cùng xắn tay.