Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Góp đôi dòng về gia đình cụ Lê Văn Hiến (Kháng Chiến)

Đọc bài viết đăng tải 2 số của Hương Thảo Nguyên trên BT5, xin góp vài dòng về gia đình cụ.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến một chiến sỹ cộng sản lứa đầu tiên của Đảng ta. Trong tâm trí của chúng tôi,  cuộc đời  cụ là  một tấm gương sáng của thế hệ  đấu tranh giành độc lập tháng 8-1945,  tham gia thành lập  Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng Miền Bắc XHCN, chi viện cách mạng Miền Nam đến ngày toàn thắng…
Qua  cha mẹ tôi những  người cùng thế hệ với Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến (Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN) mà chúng tôi biết thêm về cuộc đời đấu tranh cách mạng kiên cường của hai con người đáng kính này.

Cha tôi và cụ Lê Văn Hiến cùng là những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Cha tôi là công nhân cao su, được giác ngộ, tự nguyện  bước vào cuộc cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Cụ Lê Văn Hiến sinh ra tại Quảng Nam, thời trẻ học giỏi, có tri thức. Cụ  giác ngộ, dấn thân vào con đường đấu tranh  cách mạng vô cùng gian khổ  do  mình lựa chọn. Do cùng thế hệ, cùng được Đảng phân công sang làm công tác ngoại giao mà cha tôi và cụ Lê Văn Hiến có mối quan hệ thân tình.
Mẹ tôi  từng là  một trong những cán bộ  đầu tiên của  Hội Liên hiệp  phụ nữ VN trong  những ngày đầu  kháng chiến chống Pháp  nên  quan hệ rất thân tình, gần gũi với cụ bà Lê Thị Xuyến. Tôi được chứng kiến một cuộc viếng thăm gia đình của Phó chủ tịch Lê Thị Xuyến khi cha tôi qua đời sau Tết 1967. Những người bạn cũ gặp nhau, chia sẻ nỗi mất mát thật cảm động. Ngày mẹ tôi mất, bà dẫn đầu các lão thành của Hội đến viếng. Nhìn con người nhỏ nhắn có cặp mắt sáng thấm đẫm nỗi buồn mà hiểu tình cảm của các cụ với nhau.
... Còn với chị Lê Thị Ngọc Ái tôi  tiếp xúc lần đầu vào khoảng 1984 khi về công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế  Ủy ban Khoa học xã hôi VN. Chị Ái lúc đó là cán bộ Viện Thông tin khoa học xã hội. Qua tiếp xúc với các  nhà nghiên cứu dân tộc học Liên Xô như Guboglo, Kondrachev, Samsurov  - các thành viên của Đoàn điền giã nghiên cứu dân tộc học Việt-Xô, nghiên cứu các dân tộc ít người của VN  trong khuôn khổ hợp tác khoa học giữa Ủy ban khoa học xã hội VN với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Dân tộc học do giáo sư Viện trưởng Bế Viết Đẳng  được giao thực hiện đề tài này; cùng những lần làm việc của đoàn,  tôi được biết chị là một chuyên gia nghiên cứu dân tộc học  giỏi của VN, sử dụng tiếng Nga  được người Nga đánh giá là rất tuyệt vời.
Sau  những lần đón, tổ chức cho Đoàn điền giã Việt-Xô làm việc, tôi và chị Ái thân nhau. Biết tôi là con trai của một cán bộ cùng thế hệ với Bộ trưởng Lê Văn Hiến, chị mời tôi đến nhà chơi. Chị lúc đó sống trong hai phòng nhỏ trên tầng hai của một biệt thự trên đường Lý Thường Kiệt. Không gian tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp, sáng sủa. Tôi cảm nhận chị là một người phụ nữ đảm đang, chăm lo cho gia đình. Chị kể cho tôi về công việc, về cuộc sống của chị. Những gì được chị chia sẻ  giúp tôi hiểu thêm về con người chị.
Chị cho biết, trong kháng chiến chống Pháp, chị sống  và học tập tại Liên khu 5. Chị  được bạn của ba cùng họ hàng đùm bọc. Cuộc sống khó khăn nhưng chị học giỏi. Năm 1954, Khu ủy bố trí cho chị tập kết ra Bắc, được gặp ba. Học hết chương trình cấp III, chị được cử sang Liên Xô, vào học  Khoa Sử - Đại học tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov (chiếc nôi của khoa học Liên Xô và thế giới). Học xong 2 năm cơ bản, chị học chuyên ngành Dân tôc học – Etnographia, một bộ môn khoa học mà ở VN có nhà khoa học tên tuổi như Nguyễn Văn Huyên  từng bảo vệ luân án tiến sỹ ở Pháp. Ngành khoa học này ở ta còn rất mới. Chị đã tìm thấy sự hấp dẫn của Dân tộc học, vì vậy kết quả học tập của rất tốt. Gần đây tôi ngẫm ra, ngoài sự cố gắng của bản thân, chị  còn  được thừa hưởng  gen thông minh từ cha mẹ.
Sau này, khi tiếp xúc với anh Hồ Hải, cựu sinh viên khoa Triết -  Đại học Lomomosov, anh cho biết chi Ái học rất giỏi. Việc chị yêu  anh Ivan Mogun bị Sứ quán, chi đoàn sinh viên VN của trường gây nhiều phiền phức. Vì việc kết hôn với người nước ngoài lúc đó là một việc động trời, cho dù người đó là công dân Liên Xô, mà Liên Xô lúc đó đồng nghĩa với chủ nghĩa xét lại mà Đảng ta đang tiến hành đấu tranh… Anh Hải  là  một trong những người không biểu quyết thi hành kỷ luật chị Ái.
Chị tốt nghiệp bằng đỏ.  Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn  nhận chị về công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội. Song Bộ  Đại học chiểu theo quyết định của Đại sứ quán ta tại Liên Xô, đã không sắp lương chị theo cán bộ tốt nghiệp đại học, lúc đó có khái niệm “treo bằng”. Tôi chuyển ngành về Ủy ban vào 1984 biết chị  Ái vẫn chỉ hưởng lương của người không có bằng đại học, song tất cả các cán bộ  phụ trách Viện Thông tin khoa học xã hội như Võ Hồng Cương, Hoàng Vĩ Nam, Bảo Kim, Nguyễn Duy Thông, Trương Thâu khi trao đổi với tôi đều công nhận chị Ái là một chuyên gia, một nhà dân tộc học tài năng. Họ bất bình với việc treo bằng của chị, song cũng bất lực.
Tôi từng hỏi chị, làm sao có thể vượt qua được khó khăn  về tinh thần, để làm việc, nuôi các cháu. Chị Ái cho biết, chị chấp nhận phải trả giá cho quyết định của mình trong việc kết hôn với anh Ivan, vì chị  có tình yêu, điều đó là hạnh phúc nhất.  Gia đình chị được  ba Lê Văn Hiến , mẹ  Lê Thị Xuyến  hết lòng hỗ trợ. Chị đã làm việc hết sức mình, nhận dịch nhiều tài liệu khoa học có giá trị  cho Viện Thông tin khoa học xã hội, kiếm thêm số tiền cho gia đình nhỏ bé của mình.
Khoảng 1976 chị đi bước nữa, chồng chị là nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Phong.
Tôi gặp chị tại thành phố Hồ Chí Minh vào 1996. Lúc đó chị đã nghỉ hưu. Chị được nhiều  người tín nhiệm mời vào xem phong thủy. Tôi hỏi chị làm sao chị có khả năng tiếp nhận môn khoa học này. Chị trả lời, đã bỏ công nghiên cứu, tìm ra những nguyên tắc của khoa học này nhưng còn phải tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên trong công việc cũng có một số kết quả.

Không có nhận xét nào: