Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Góp ý kiến để đổi mới giáo dục (ST: CCB Vũ Diệu)


Muốn đổi mới giáo dục , phải thay đổi cách giáo dục
Trên báo chí , một thời đã rộ tin thầy giáo Phạm Minh Tuấn dùng roi đánh học trò tàn nhẫn mà vẫn được nhiều phụ huynh tán thành. Nay lại đăng tin cô giáo phạt bằng cách châm kim vào bàn tay học trò và gần đây nhất báo chí vừa đăng clip video cô giáo chuyên dùng roi để dạy môn sinh. Điều này chắc chắn rất xa lạ với các nước văn minh phát triển như Phần Lan, nhưng không lạ với nước taHãy nhận diện nó từ quá khứ và tìm cách thay đổi lối mòn này trong giáo dục.


Trường học thời nhà Nguyễn ( 1802-1919 ) là nơi học trò đến học chữ Nho và Nho giáo . Thời đó , trước khi cách giáo dục khoa cử bị bãi bỏ vào đầu thế kỷ 20 , ở nông thôn cũng như ở đô thị , nhiều Thầy Đồ Nho đã mở trường lớp tại nhà . Đa số Thầy Đồ là những vị quan về hưu hoặc những người đã đỗ Tú tài chưa được tiến thân , tự ý mở lớp. Một lớp học của Thầy Đồ có thể lên tới hàng trăm môn sinh . Vì quá nhiều trò ,Thầy Đồ thường chọn 1 trò giỏi , giao cho làm “ Trưởng tràng “ giúp Thầy cai quản các môn đệ . Ngoài ra còn có các “ Cán tràng” và “ Giáo tràng “ phối hợp với Trưởng tràng cai quản lớp học .
Cách giáo dục thời đó chỉ có 2 nguyên tắc chủ yếu là “ bắt học thuộc lòng và trừng phạt bằng roi “ . Ngoài ra còn được bổ sung vào cách dạy bằng những câu răn của người xưa ( ví dụ Cốc phong , Bào hữu khổ diệp trong Kinh thi của Nho giáo ) , hòng làm chuẩn mực cho tất cả mọi thời đại . Người học không được có ý kiến của mình khác Thầy .

Ở thời nước ta áp dụng hệ thống giáo dục của Liên Xô , cách dạy của các Thầy Đồ Nho đã lui vào dĩ vãng . Nhưng từ sau khi không dùng hệ thống giáo dục của Liên Xô cũ nữa thì cách dạy và cách học trong các trường của Thầy Đồ Nho lại xuất hiện trở lại . Đó là học vẹt và trừng phạt , như chúng ta đã thấy và đang thấy . Chúng ta phải khách quan mà thừa nhận rằng cách dạy đó đã tồn tại rất lâu trong quá khứ ở nước ta , có gốc rễ từ mấy trăm năm tồn tại các triều đại Đại Việt ( từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19 ) và ngày nay đang được một số thầy cô giáo thừa kế hành nghề trong lúc lúng túng , chưa có cách dạy nào tốt hơn để thay thế có hiệu quả . Ngành sư phạm nước ta đã dạy về sư phạm học ,tâm lý học giáo dục nhưng thật sự chưa có nhiều hình mẫu dạy và học tiến bộ hơn trong nhà trường làm gương thực hành thay thế .
Cách dạy dỗ trong gia đình người Việt chúng ta cũng đang lúng túng tương tự .

Giáo dục vốn có trong gốc từ La tinh “Educare” nghĩa là “ làm bộc lộ “ , tức là nói đến cách dạy làm sao bộc lộ được những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục , đánh thức , gợi mở trí tuệ của con người , không phải là cách dạy áp đặt một chiều của các Thầy Đồ Nho , càng không phải cách dùng roi đế áp đặt kiến thức .
Chúng ta muốn hướng tới nền kinh tế tri thức nhưng nền kinh tế đó cần có những con người sáng tạo hơn những con người thụ động chỉ biết vâng lời . Sự thành công của cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta tuỳ thuộc rất lớn vào chất lượng sư phạm của đội ngũ Nhà Giáo . Nhà giáo nổi tiếng thế giới William A. Ward đã nói :
” Người thầy mức trung bình chỉ biết nói . Người thầy giỏi biết giải thích . Người thầy xuất chúng biết minh hoạ . Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng cho người học “. Chúng ta đang rất cần những người Thầy biết truyền cảm hứng cho người học như William đã phân loại nhưng ngành sư phạm chưa đào tạo được nhiều người Thầy như vậy . Lên án gắt gao những hiện tượng nhục hình trong giáo dục là điều không khó làm . Điều khó làm mà chúng ta đang cần là những người đang có trọng trách quản lý giáo dục trước tiên hãy đi học những cách dạy tốt nhất của thế giới , chẳng hạn của Phần Lan , về mở các lớp sư phạm , đào tạo lại nhà giáo , thay thế cách dạy của các Thầy Đồ Nho thuở xưa.
Đặng Ngọc Lâm

1 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Tôi được giáo dục trong môi trường không có roi vọt và hầu như mọi học sinh đều trưởng thành tốt cả về văn hóa và đạo đức. Suốt trong quãng đời đứng trên bục giảng, tôi chưa hề nặng lời với sinh viên. Với con cái tôi cũng không dùng roi vọt, cũng không nặng lời mắng chưởi và các con tôi đều trở thành người tốt có ích cho xã hội. Khen thưởng và trừng phạt là điều cần thiết cho giáo dục nhưng roi vọt và nhục mạ không phải là biện pháp giáo dục tốt.