Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Mạc Ngôn ở Stockholm (Huỳnh Văn Úc)



Tuxedo là bộ comple dành cho nghi lễ buổi tối của nam giới, thường được thiết kế với gam màu đen truyền thống với một chiếc áo sơ mi trắng cao cổ mặc bên trong và chiếc nơ đen hoặc cà vạt màu đen. Hai gam màu đen trắng của bộ vest tuxedo đem lại một vẻ đẹp lịch lãm cho người mặc. Khi ông Mạc Ngôn đến Stockholm, Thụy Điển nhận Giải Nobel văn học 2012 người ta khuyên ông nên mặc một bộ tuxedo. Hơn thế nữa, người ta còn khuyên ông nên học khiêu vũ vì sau lễ trao giải sẽ có vũ hội, người ta mời mình nhảy mà từ chối thì không được lịch sự cho lắm.


Chuyện ông Mạc Ngôn ăn mặc thế nào không quan trọng bằng chuyện ông ăn nói thế nào trước công chúng vì đi theo ông đến Stockholm còn có người thân trong gia đình và một số quan chức chính phủ. Ăn nói thế nào khi bà Herta Miller, một nhà văn người Đức sinh tại Romania, người được Giải Nobel Văn học năm 2009 gọi việc trao giải Nobel Văn học 2012 cho ông Mạc Ngôn là một “tai họa”. Ông Mạc Ngôn có hai lần diễn thuyết, một lần vào ngày 8/12/2012 tại Viện Hàn lâm Thụy Điển và lần thứ hai tại Lễ trao giải Nobel vào ngày 10/12/2012. Phần lớn nội dung bài nói của ông Mạc Ngôn tại Viện Hàn lâm Thụy Điển chú trọng vào việc làm thế nào để ông trở thành một tác giả và nguồn cảm hứng văn chương của ông. Ông ca ngợi bà mẹ mù chữ của mình, bà mẹ luôn luôn lo lắng rằng tài ăn nói và viết lách của con trai có thể khiến con bà gặp rắc rối. Mẹ ông thường nhắc ông đừng có nói nhiều quá và khuyên ông nên là một người dè dặt, dịu dàng và vững chắc.

Có lẽ quên lời mẹ dặn nên trong cơn phấn khích ở buổi Lễ trao Giải Nobel ông Mạc Ngôn nói hơi nhiều. Trong bài diễn văn của mình ông kể cho thính giả nghe ba câu chuyện. Trong câu chuyện thứ nhất ông kể về thời ông còn là học sinh một lần lớp ông được dẫn đi tham quan triển lãm về sự khổ đau của nhân dân Trung Quốc dưới chế độ cũ. Cả lớp trong đó có ông đã khóc sướt mướt trong khi duy nhất có một cậu học trò không có giọt nước mắt nào. Ông đem việc đó mách thầy giáo và cậu học trò đó bị kỷ luật. Kể lại câu chuyện này ông thấy xấu hổ vì hành động đó của mình. Lý do thật đơn giản: trong khi tất cả cố nặn ra nước mắt để khóc hoặc khóc vờ thì ít nhất nên có một người không chịu khóc theo. Chuyện thứ hai ông kể khi ông đi lính, ông đã rất ương bướng hiên ngang đối đáp với sĩ quan chỉ huy làm vị ấy bẽ mặt. Bây giờ nghĩ lại ông thấy chẳng hay ho gì khi xử sự như vậy. Chuyện thứ ba kể rằng có tám người thợ hồ tránh bão trong một tu viện. Bão ngày càng mạnh. Họ bảo nhau rằng chắc trong số họ có người đã phạm tội gì đó với đất trời nên trời nổi giận. Nếu có một người như thế thì hắn phải tự nhận để cho những người còn lại được yên lành. Chẳng có ai tự nhận mình là kẻ tội đồ cả. Họ bàn nhau vứt mũ rơm đang đội trên đầu để gió cuốn đi. Mũ của ai bị cuốn ra khỏi cổng tu viện thì kẻ đó chính là tội đồ. Quả nhiên có duy nhất một chiếc mũ bị cuốn ra khỏi cổng. Bảy người còn lại hè nhau tống kẻ có chiếc mũ đó ra khỏi tu viện. Kẻ khốn nạn vừa bước ra khỏi cổng thì tu viện sụp đổ. Ông Mạc Ngôn muốn gửi gắm đến thính giả những ngụ ý gì vậy? Trong câu chuyện thứ nhất: không nên chạy theo khuôn mẫu của đám đông, nhất là khi khuôn mẫu ấy là một sự giả tạo. Trong câu chuyện thứ hai: làm cấp trên bẽ mặt chưa hẳn đã là người dũng cảm. Trong câu chuyện thứ ba: họa phúc khôn lường, người tính không bằng trời tính. Viết đến đây tôi tự hiểu mình không phải là một người thâm thúy đến mức có thể lĩnh hội hết những điều ông Mạc Ngôn muốn gửi gắm trong ba câu chuyện kể. Nhiều chuyện tuyệt vời đã diễn ra sau khi ông được trao giải khiến ông vững tin vào sự tồn tại của sự thật và công lý-ông Mạc Ngôn kết thúc bài diễn văn của mình như thế. Bình luận về sự kiện ông được Giải Nobel một blogger Trung Quốc viết rằng: “ Người nói ra sự thật trần trụi thì bị cầm tù, người gói sự thật vào những câu chuyện hư cấu thì được trao Giải Nobel”.

Không có nhận xét nào: