Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Giai thoại văn học 2


Tôi đem phần thưởng về treo, nhưng cũng chẳng ngó ngàng gì đến (bây giờ cũng chẳng nhớ mặt mũi tờ lịch ấy thế nào). Nhưng khoảng một tháng sau, một vị hàng xóm đảng viên cao tuổi đột nhiên sang chơi. Sau khi “mừng” tôi được cái… giải Xuân cao quý bèn bảo nhỏ: Nhưng chú cẩn thận nhá, các “lãnh đạo” đã dịch được bài thơ “nói lái” của chú rồi đấy… Tôi cười và cãi lại: Cái tiếng Việt mình nó rắc rối, các vị chấp làm gì. Ví dụ báo chí viết về “Chính phủ” mà các vị cứ dịch thành “Chú phỉnh” thì chết người ta à?


Ít lâu sau, một hôm đạp xe ngang qua cửa quán của thằng bạn tôi thì bị bạn gọi giật lại : Ê này Tú Xuân, vào đây, vào đây!
Đấy là quán của vợ chồng Hà Linh Chi. Linh Chi tên thật là Đệ, nhà thơ tài hoa xứ Huế, vợ là Kim Chi thân với vợ tôi. Hôm nay vợ đi vắng Linh Chi phải trông hàng.
- Làm ly rượu cực kỳ đã! Nhà Sinh hoá thử kiểm nghiệm một hớp xem bao nhiêu độ nào?
- Chà chà, gớm đây, phải trên 50 độ?
- Giỏi, 60 độ, nếp quê đấy, thơm không?
- Ừ thơm, phải nhắp từng giọt, cháy họng xong lại ngọt mới lạ?
- Ngọt nhưng mà… cay!
Nói xong hắn phá lên cười : Bây giờ tau hỏi tội mi… (rồi hắn đọc oang oang trong hơi rượu):
Giữa chốn DUY ANH, Cảnh đéo ngồi!
Thối đấy, thì Anh cũng… đ… thôi!
Thời đại… lưu manh nhiều,… đủ thối!
Dân quyết làm ra! Đ… để trôi!
(Câu cuối cùng hắn không ngâm mà quát lên như doạ nạt)
- Tau dịch thơ thằng Tú Xuân đã chính xác chưa?
- Ừ, chịu rồi. Nhưng hình như “họ” cũng biết?
- Thì tao đọc lên họ mới ngớ ra, chắc tiếc cuốn lịch đã trao nhầm. Nhưng thôi, tau thưởng mi chén rượu 60 độ này. Sướng!
Chả là năm ấy dư luận đều biết hai vị quan đầu tỉnh xung khắc nhau như mặt trăng mặt trời, Bí thư tỉnh là Tám Cảnh, Chủ tịch tỉnh là Duy Anh. Nhưng cả hai đều dính những vụ tai tiếng về tài sản và nhà đất, bị dân chúng đàm tiếu. Bài thơ lôi tên hai quan đầu tỉnh ra nhạo báng, lại đe “Dân quyết làm ra, đ. để trôi”?. Đáng tội chết chứ chả…
Thằng bạn lại tiếp: Khá khen, mi không phải người Huế mà “lái” cũng khá. Đọc xuôi là một bài thơ vần EO (nghèo, theo, treo), đọc lái thì thành bài thơ vần ÔI (ngồi, thôi, trôi). Đọc xuôi thì hiền, đọc lái thì… đểu!. Hắn vừa nói vừa cười khà khà, vừa dí ngón tay vào trán tôi.
Tôi cũng cười, gạt tay hắn ra. Nhưng hắn chưa tha:
- Chưa hết tội! Nghe Câu đối của mi đây:
   Tết đến trăm hoa…, nô nức nở!
   Xuân về muôn ý tứ…, tung bay!
Trăm hoa thì nô nức nở, muôn ý tứ thì… tung bay. Câu đối nghe thì phơi phới, nhưng mi không lừa được tau. Phải ngắt câu thế này:
   Tết đến trăm hoa nô nức nở!
   Xuân về muôn ý… tứ tung bay!
Trăm hoa nhưng là hoa nô, là trăm thằng nô lệ hay một trăm con Kiều phải làm đĩ? Nức nở chứ có phải hoa nở đâu? Rồi “muôn ý   “tứ tung bay”, ý dân  bay tứ tung tức là lòng dân ly tán chứ gì nữa? Mi đểu!
Chưa hết nhá…
Nếu tôi không ngăn hắn lại, buộc hắn chạm ly (chạm hai cái chén hạt mít), bắt hắn phải khà một nhát cho cạn để phanh hắn lại thì không biết hắn còn móc ra của tôi những chữ nghĩa chết người gì nữa? (Quả thực bạn bè sao mà giấu được nhau? Nói ra nửa lời đã hiểu…, nhưng mi giảng cho họ hiểu sớm thế để gây thù oán làm gì hả giời? Hôm nay ôn lại kỷ niệm khoái trá này thì mi đã xa rồi, Linh Chi ơi).
***

Không có nhận xét nào: