Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

NĂM TỴ NHỚ “XÀ QUYỀN” (Thanh Trần)



Mùa xuân về, vạn vật sinh sôi đua nở do cái sinh khí của thiên địa tiếp nguồn. Có nhiều cái mới mẻ sinh ra từ mùa xuân này đó là điều đáng mừng. Có nhiều cái đang tồn tại mà cần nhắc đến khi xuân về đó là điều nên làm. Còn có những cái nếu xuân năm nay không nhắc đến thì đó là một sự khiếm khuyết của người đương thời nhưng lại là có lỗi với tiền nhân!
Thử nói về chuyện này. Người ta chỉ nói về Thu tửu và Xuân tửu. Thu tửu thì rượu hoa cúc là độc tôn rồi, nhưng xuân tửu thì lại là rượu của sức sống hồn xuân. Khi nhắp rượu xuân mà không có thơ xuân ngâm vịnh thì còn gì thú! Thi, phú, đối mà không khai bút đầu xuân thì bao giờ mới khai bút? Văn thơ là như vậy, còn võ thì phải thế nào?


Tôi may mắn được biết, có một cố tiên sinh tiền bối để lại kiến thức võ mà người đời sau này suy tôn là sư tổ phái Vịnh Xuân Việt Nam, cứ vào đêm giao thừa khi xuân về thì lại "mừng tuổi" cho hai đệ tử một trang mới của học thuật để cả năm là luyện rèn. Thì ra võ cũng vậy!
Năm nay là năm Tỵ, có nhiều quan niệm rồi đi đến định kiến khác nhau về con rắn. Người ta hay nói "khẩu phật tâm xà" thế là con rắn đã bị gán cho một phẩm chất gian hiểm rồi, hay là "hang hùm nọc rắn" để chỉ sự nguy hiểm, tình huống lâm vào, vậy là người ta nghĩ rắn là con vật nguy hiểm. Thực ra, rắn là con vật hiền lành, thậm chí là nhu mì yên tĩnh, ngoài bản năng đi săn các giống vật nhỏ (mà con vật nào cũng có bản năng này để duy trì sự sinh tồn) thì rất ít khi người ta thấy rắn tấn công các loài thú khác, trừ khi rắn bị tấn công thì nó phải tự vệ là lẽ thường. Còn khi nhìn thấy thú lớn hay người hầu hết rắn đều trườn đi lẩn tránh. Những người nông phu, những người ở sơn dã hay bị rắn cắn là vì không phát hiện được rắn nằm hay nấp ở những nới kín mà đột ngột động đến thì rắn hay giật mình mà tự vệ chống lại, mắt nó kém lắm! còn ở châu Âu người ta lại cho rắn là con vật điềm tĩnh, trí tuệ, biết lựa chọn cách xử thế, không mạo hiểm bạt mạng.
Trong thập hình võ học, xà cũng giữ một vị trí. Có nhiều môn phái, học phái, gia phái đã bỏ công phu nghiên cứu mà tổng kết hình xà để xây dựng các bài quyền tiêu biểu, lấy đó làm mẫu mực cho các thế hệ kế tiếp rèn luyện. Hình nào cũng vậy, khi các bậc tổ đã lựa chọn, nghiền ngẫm, chắc lọc mà quy định thì đều hay và quý. Nó được đặt ra trong một chặng đường lịch sử mà chiến tranh cướp giết, ám toán. Dàn áp, xâm chiếm diễn ra liên miên không có điểm kết thúc. Xã hội ở châu Á là như vậy! ở thời kỳ phong kiến, trong thời bình người ta vẫn đâm chém, hà hiếp, cướp bóc nên việc học võ là để giữ mình, là để giữ lấy mạng sống khi lâm nguy, mà các nguy hiểm có thể rình rập và diễn ra bất cứ lúc nào.
Trong các môn phái lớn ở Trung Hoa như Thiếu lâm, Hình Ý Quyền, Bát Quái Chưởng hay một số môn ở Việt Nam như Bình Định, Vovinam đều có phần xà quyền mà không chỉ có một bài mà là một hệ thống của xà hình để luyện tập. Ở võ, người ta chú trọng đến nhiều yếu tố khác nhau để luyện, xà cũng có yếu tố riêng mà các con vật khác không có, các bậc tiền bối đã để tâm đến yếu tố riêng này, rút ra những động tác cốt tủy của xà mà lại phù hợp với thân thể của người. Đặc điểm chung lớn nhất của xà mà các môn phái đều lựa chọn đó là sự mềm mại. Xà là biểu tượng của sự nhu nhuyễn. Xà vận động theo đốt nên nó có thể xoắn vặn từ đầu cho đến đuôi hoặc xoắn vặn từng khúc khác nhau, thân xà lại không to mà thuôn dài nên đặc điểm này càng rõ rệt. Cái gì của vật chất mềm nhất trên thế gian này? Đó là nước. Không gì chặn được nước, nó cứ chảy mãi, gặp núi chặn nước sẽ uốn lượn, gặp vật cản nước sẽ cuốn đi. Xà hình cũng vận động như thế.
Đặc điểm nữa của xà là những động tác lắc tại chỗ. Xà đánh không như điểu, như thú là đánh rộng hay đánh bay, nhảy. Tiếp nhận các đòn cương mãnh đánh tới, xà chỉ dùng những hóa giải tại chỗ không đối lực vì sức nó yếu hơn mà đòn đến lại bị trượt đi xà đứng bên đòn đối phương.
Một yếu tố tiêu biểu được khai thác rất kỹ là các đòn phóng của xà. Trong thiên nhiên chỉ có một cú phóng đòn nhả độc là con vật bị xà tấn công đã tê liệt rồi dẫn đến tử vong. Với xà quyền, dù đòn phóng đó là đánh hình chưởng, hình chỉ, hay hình quyền đều thể hiện rất ngắn, rất mạnh và đặc biệt là đánh có lựa chọn khu vực yếu huyệt để kết thúc cuộc đấu gọn gàng. Có thể đây là việc  đòi hỏi công phu rèn luyện rất nhiều, nhưng đó là tiêu chuẩn bắt buộc.
Gọi chung là xà nhưng họ nhà rắn có những con to như trăn hay có những con nhỏ như rắn nước. Vì thế tùy theo từng đặc điểm mà người ta chọn ra hình thái. Ví dụ: trăn có hình tượng là quăng thân khi phi hành, con rắn lục trên cây có thể bật thân từ cành cây này sang thân cây khác theo tên gọi là đằng xà. Nhưng có lẽ nhiều bậc tiền bối đều thống nhất rằng khi đánh Địa quyền tức là lăn lộn dưới mặt đất để chiến đấu không loài nào đánh đầy đủ và phong phú như xà. Lý quyền (quyền Cá) cũng có cái hay nhưng không uốn éo, Quy quyền (quyền rùa) cũng có cái lẩn thò thụt nhưng không linh hoạt...
Một ưu thế trong hình thái vận động riêng  biệt của xà cần nhấn mạnh đó là cuốn dính. Xà có thể cuốn vào các vật thể cứng hơn nó để bò trườn đi, còn mặt đất quá gần gũi cho những động tác bò trườn. Vận dụng kỹ thuật cuốn dính để làm gì? Đây là những động tác luyện về sự nhu nhuyễn của đòn với đòn, đòn với thế và thế với thế. Nếu quan niệm chỉ hóa giải một chiêu, một thức là xong là kết thúc thì không cần bàn đến kỹ thuật này. Nhưng ở đời ai dám chắc là đã xong? Cái đó còn tùy thuộc vào đối phương ở trình độ nào, kỹ thuật diệu thủ đến đâu nữa chứ! Thế nên, tiền nhân đã đặt ra nhiều phương pháp để luyện liên miên, bất tuyệt, mà cuốn dính chính là giành cho phép luyện kiểm soát, kiềm chế đòn liên miên của đối phương.
Được nhắc lại, xà không bộc lộ cương lực như những hình của mãnh thú. Hình xà ở xà quyền là tượng trưng cho sự tinh xảo, mềm mại nhu nhuyễn mà vẫn khắc chế lại cương lực. Trong tự nhiên, có phải cứ con vật to hơn khỏe hơn là lúc nào cũng thắng được con bé hơn yếu hơn đâu. Rất nhiều mẩu chuyện lịch sử đã cho thấy phụ nữ là phái yếu mà vẫn có những nữ cao nhân để lại danh tiếng trong võ lâm.
Đặc biệt các dòng luyện theo nhu quyền, mượn lực, theo lực, cộng lực, hóa lực biểu hiện yếu tố này rất rõ. Những người phụ nữ không có nhiều sức để chạy nhảy, di chuyển, tay chân họ không cương cứng đủ để chặt vỡ gạch, đầu họ không đủ cứng để đập gãy tấm gỗ... nhưng họ thừa sức để kiềm chế hoặc khuất phục phái mạnh. Họ dùng kỹ thuật đánh đoản cận bám sát đối phương, họ dùng phương pháp xà quyền.
Trong phái võ Danh sư Tế Công truyền lại, tôi được nghe có phần xà quyền. Về hình thức thì thật nhu mềm khoan hòa, nhất là khi nhìn các nữ sinh hóa giải, nó cho ta một hình ảnh trôi nổi của đám mây hay dòng suối vì quá nhẹ nhàng. Họ cũng tiếp các đòn đến mạnh mẽ, các cú cước uy vũ mà không hề mất thế, ngược lại có những lực dội, ngấm sâu mà chỉ người tấn công khi bị hóa giải mới nhận thấy, họ áp dụng điểm chống diện, nhỏ chống lớn rất kín đáo. Còn những gì đằng sau và bên trong sự phô diễn thì ta cũng chưa biết, phải thừa nhận xà quyền với những chắt lọc của tiền nhân rất phù hợp với sinh hoạt, hành động tinh tế của phái nữ.
Xuân đã đến gõ cửa từng nhà rồi! Bên chiếu văn chương thi phú cao sang chúng ta còn có chiếu võ học rất hồn hậu uyên áo, cùng tiếp thêm sức sống truyền thừa từ ông cha vào những ngày xuân tươi vui bất tận. Dân tộc Việt Nam trong dòng lịch sử là như vậy, nhiều chặng đã bĩ cực đã hỗn độn, nhưng cái hồn sống vấn được gìn giữ và luôn luôn được nhắc đến vào những ngày xuân.
Thanh Trần

1 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Bài viết này quá hay, truyền cảm, lại như làm duyên dáng thêm môn võ mang tên Xà quyền. Trước đây, mình sợ nhất là trăn và rắn, đọc bài này lại thấy thiện cảm với rắn mới lạ !? Tiếc là, mình không có món tự vệ làm cho đối phương trúng độc lăn ra chết !