Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Nhớ Tết Hà Nội sau bom B52 (ST: QV)



Trong thế kỷ 20, có hai cái Tết Nguyên đán không thể nào quên với người Hà Nội: Tết Đinh Hợi 1947, khi Trung đoàn Thủ đô vẫn ngoan cường chiến đấu chống lại quân Pháp. Dân phố cổ đi tản cư , Hàng Bồ không còn ai viết câu đối, chợ hoa Hàng Lược năm đó không mở..., và Tết Quý Sửu năm 1973...
Sáng ngày 30-12-1972, Mỹ tuyên bố ngừng  ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán tại Pa-ri. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội vẫn yêu cầu người dân không về thành phố, tiếp tục ở nơi sơ tán và chỉ  khi có lệnh chính thức mới trở về.


Ngày 30-12, chỉ còn non một tháng là đến Tết Nguyên đán, nhiều người  Hà Nội đã toan tính cho cái Tết nhưng bà con ở các vùng quê nơi họ sơ tán vẫn dửng  dưng. Với họ, gạo nếp gói bánh chưng đã có sẵn, trước ngày ông Công, ông Táo, hai ba nhà chung con lợn là có thịt để gói giò, gói bánh chưng, ninh măng nên họ vẫn chăm lo cho cây màu vụ đông.

Tết ở quê không cầu kỳ như người Hà Nội, khó khăn, thiếu thốn đến mấy cũng cho đủ bốn bát, bốn đĩa. Cỗ Tết Hà Nội thì ngay cả lúc chiến tranh cũng không thể thiếu bát nấm thả, chân giò ninh măng, xôi gấc, đĩa thịt gà chặt úp có thêm tí lá chanh hay bát bóng.
Từ khi giặc Mỹ ném bom miền bắc trong đó có Hà Nội, cuộc sống thiếu thốn và khó khăn nên dân Hà Nội buộc phải tích cóp từ trước Tết. Mấy tai mộc nhĩ, nấm hương, dăm bảy lạng đậu xanh phơi khô rồi gói ghém cẩn thận cho vào hộp. Nhờ mua sẵn ít nếp ở quê hay tại chính nơi sơ tán để chuẩn bị cho nồi bánh chưng.
Thời chiến, dân Hà Nội lại gói  bánh chưng nhiều hơn, cỗ giao thừa và bữa cơm đầu năm bóc vài chiếc còn để lại sau Tết. Sáng ra cho miếng bánh chưng rán vào cặp lồng coi như xong bữa trưa.
Cuối tháng Giêng, bom Mỹ rầm rầm, nhiều người có chung suy nghĩ ăn được là ăn, nên có bao nhiêu tem phiếu đem  mua hết, thế nên chẳng còn gì mà Tết đang đến rất gần. Lo, nhưng cũng chịu, tất cả trông chờ vào ngành thương nghiệp. Rồi tin  chính quyền Ních-xơn  ký tắt Hiệp định Pa-ri với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 23-1 được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam, in trên hai tờ báo ngày duy nhất là Nhân DânHà Nội mới, tâm trạng chung là hòa bình ăn cháo cũng sướng.
Sáng ngày 27-1-1973, trang nhất Báo Nhân Dân đăng tin đúng 7 giờ (giờ Việt Nam), Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam. Lúc này thì chẳng cần ai ra lệnh, dân Hà Nội từ nơi sơ tán ở Hà Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Bắc... ùn ùn kéo về. Có ông chở vợ đằng sau, con ngồi phía trước, chung quanh chiếc xe đạp cũ kỹ buộc đủ các thứ; có nhà chen chúc trên chiếc xích-lô; trên quốc lộ 1, nhiều thanh niên mang vác đi bộ hướng về Hà Nội.
Ô-tô các tuyến Hà Nội đi Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Từ Sơn và nhiều tuyến khác được lệnh quay vòng liên tục đến khi hết khách thì thôi. Lần đầu tiên trong 80 năm kể từ khi có tàu điện ở Hà Nội, tàu chạy cả đêm để đưa đón dân từ  bến ô-tô Kim Liên, bến Nứa, ga Hàng Cỏ, và cũng lần đầu, xe điện dừng giữa đường để trả và đón khách có nhiều hành lý hay con nhỏ. Đó là một đêm đáng nhớ.
Và đêm đó dân phố Khâm Thiên, An Dương, làng Tám  không ngủ... những túp lều dựng tạm bằng tre nứa bên hố bom, leo lét những ngọn nến và tiếng nấc xé lòng  gọi người thân...
Dù  túi hàng Tết chỉ có lạng miến, gói mì chính, hộp mứt, chai rượu mùi, bao thuốc lá Tam Đảo... nhưng không có coi như thiếu Tết, nên các gia đình đổ xô đến các bách hóa. Ở cửa hàng cuối phố Huế, người xếp hàng dài đến tận đầu phố Bạch Mai, ở bách hóa Kim Liên, dân xếp hàng qua cả đường tàu hỏa. Còn Bách hóa  Tổng hợp Tràng Tiền thì cửa đằng phố Hàng Bài, phố Hai Bà Trưng và cửa ở phố Tràng Tiền đông nghịt khách.
Xe đạp gửi một dãy dài bên số chẵn phố Hàng Bài. Vì trước đó có thông tin nhiều túi do nhân viên đóng vội nên thiếu cả mì chính hay thuốc lá nên ai mua xong cũng phải kiểm tra lại trước mặt nhân viên bảo vệ, nếu có thiếu còn yêu cầu cửa hàng bổ sung.


Các cửa hàng thực phẩm cũng chật cứng người, ai cũng xếp hàng  từ nửa đêm vì chỉ có đứng đầu hàng mới mong mua được chân giò, Tết mà không có món chân giò nấu măng khô thì chẳng còn là cái Tết Hà Nội nữa.
Vì ngành thương nghiệp bán thêm thịt bằng bìa mua hàng và bán cả  tiêu chuẩn tháng 2 để dân có cái Tết đầy đủ trong khi nguồn cung có hạn nên ngành chăn nuôi phải xuất chuồng cả những chú lợn chưa đầy 30 cân. Thành ra món bánh chưng nhiều gia đình kém ngậy vì nhân thịt không có mỡ.
Ngày 25 Tết, trẻ con đã đốt pháo tép đì đẹt  trên phố, mùi thơm ngây ngất càng dồn các gia đình phải chuẩn bị cho nhanh để đón giao thừa. Sáng 25, chợ hoa Hàng Lược đông người chưa từng thấy, Tết mà thiếu hoa thì mất đi nửa, các bà các cô ở  Ngọc Hà, Hữu Tiệp kĩu kịt gánh hoa chân chim, thược dược, cúc... hết chuyến này đến chuyến khác mà vẫn không đủ bán. Năm đó lại mất mùa đào vì trời nóng nên  hoa càng đắt hàng.
Chưa Tết nào các cửa hàng bách hóa bán hàng qua giao thừa mà Tết Quý Sửu các mậu dịch viên phải phục vụ đến một, hai giờ sáng. Bách hóa số 5 Nam Bộ hơn một giờ sáng nhân viên mới được về nhà. Bách hóa Tổng hợp thì hơn hai giờ mới đóng cửa. Các cửa hàng thực phẩm cũng vậy vì thành phố chỉ thị phải bán đến người khách cuối cùng. Qua giao thừa, đầu phố Bà Triệu, cả phố Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Hàng Gai... lửa luộc bánh chưng vẫn đỏ soi đường cho cánh thanh niên đi chơi.
Dù thiếu điện nhưng quanh Hồ Gươm ngành điện vẫn cho mắc các bóng đèn sơn các mầu. 10 giờ đêm, Hồ Gươm đã đông người, mấy chục công nhân Cu-ba đang làm đường  21 ở Xuân Mai cũng về Hà Nội chung vui giao thừa hòa bình với Hà Nội. Họ nhảy quanh hồ, và hát "Oăn ta ra mê ra" ầm cả đền Bà Kiệu. Bờ Hồ vui không thể tả được. Tuy nhiên, Tết Quý Sửu, nhiều trẻ em không có quần áo mới vì cha mẹ không có thời gian đi mua vải để may...
Theo Nguyễn Ngọc Tiến/ Thời nay số Xuân Quý Tỵ

Không có nhận xét nào: