Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Thói tọc mạch của người Việt

“Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc” - Nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng nói về thói tọc mạch của người Việt. 

Người Việt thường không muốn ai hơn mình- Ông đánh giá như thế nào về tính cộng đồng của người Việt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mọi tính cách của một dân tộc, một nhóm sắc tộc không đứng im mà có sự biến đổi theo thời gian. Tính cộng đồng và quan hệ gia đình xã hội của người Việt thời phong kiến và ngày nay hoàn toàn khác nhau, nên cũng cần xem xét nó trong đời sống cụ thể.

Trong truyền thống, tính cộng đồng của người Việt trong chiến tranh là khá cao, vì đó là lúc vận mệnh sống còn của từng người phụ thuộc vào nhau, nhưng khi thời bình, tính cộng đồng này thu hẹp ở mức độ làng xã và rất cục bộ.

Quan hệ gia đình và xã hội thời phong kiến khá chặt chẽ dựa trên nền tảng của Nho giáo, và tất nhiên là những giáo lý của Phật giáo và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tuy nhiên trong thời mới, các quan hệ đó thay đổi về hình thức và bản chất. Xu hướng Tây học và quan hệ gia đình xã hội mới ít nhiều gia nhập vào đời sống của người Việt hiện nay.



- Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những đặc tính tốt tạo nên sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau, thì tính cộng đồng cũng dẫn đến những thói quen xấu như thói quen tọc mạch, chĩa mũi và nói xấu lẫn nhau. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?- Người Việt, hay nói chính xác hơn là người nông dân Việt Nam sống trong làng xã hơn 500 năm qua, ở đó người ta luôn nhòm ngó, bàn bạc về nhau, giúp đỡ hay ghét bỏ nhau, cũng trong phạm vi cái làng. Cho đến nay, dù ra thành phố, làm việc trong các tổ hợp công nghiệp, thói quen ấy chưa thay đổi bao nhiêu. Anh bị ốm thì người ta đến thăm, anh kiếm được nhiều tiền thì người ta ghét. Năng suất lao động chưa trở thành thước đo con người, mà vẫn đánh giá nhau qua cư xử nên tọc mạch, nhòm ngó nhau vẫn là thường nhật.

- Vậy thì ông nghĩ như thế nào về thói quen tọc mạch của người Việt?
- Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do được thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm.

Tính cộng đồng của người Việt trong đời sống hàng ngày cũng không cao, nhất là khi ra nước ngoài, nơi rất cần tính cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc.



Thói quen xấu làm cho dân tộc bị thụt lùi về khoa học và nghệ thuật

- Có phải sự quan tâm thái quá đã vô tình dẫn đến những thói quen xấu đó, hay là vì một mục đích nào khác, thưa ông?

- Trong sự để ý lẫn nhau, có thể nói người Việt cũng có mặt tốt. Ma chay, cưới xin, ốm đau, khó khăn… người cùng làng, cùng cơ quan, cùng lứa thường chia sẻ, thăm hỏi lẫn nhau. Mục đích vụ lợi không có, mà tình nghĩa luôn được đề cao. Tuy nhiên, tình cảm quá cũng dẫn đến sự phán đoán lý trí ít được sử dụng, tức là cái mục đích lớn thường bị chủ nghĩa tình cảm làm lu mờ. Người ta không quan tâm đến nhà bác học, nghệ sĩ nọ làm ra công trình gì, mà để ý ông ấy có thân ái với mình không. Chuyện nhỏ này, thực ra làm cho dân tộc thụt lùi rất nhiều mặt về khoa học và sáng tạo nghệ thuật.

- Cũng có ý kiến cho rằng, thói quen nói xấu, tọc mạch là thói xấu bản năng của con người. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?

- Con người sinh ra và lớn lên có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhưng thói quen, mục đích và truyền thống cộng đồng sẽ quyết định tính cách nào nổi trội. Có dân tộc lấy sự khám phá sáng tạo, dẫn đường làm mục đích, thì đương nhiên họ phải dẹp bỏ những cái vụn vặt. Lại có những dân tộc lấy ăn ở, làm giàu, tranh đoạt làm mục đích thì đương nhiên cũng phát triển tính cách tiểu xảo, lừa lọc và thiển cận. Đây là sự lựa chọn.


Có nhiều cái xấu còn đang được giáo dục


- Theo ông, những môi trường nào và những yếu tố nào thì sẽ tạo điều kiện cho tính xấu này phát triển?- Môi trường nào cũng có thể sinh ra cái tốt và cái xấu, nhưng môi trường tốt, có mục đích lớn lao, thì cái tốt là bề mặt xã hội, là đạo đức, quy luật, cái xấu núp dưới những mặt trái và luôn run sợ. Hiện có nhiều cái xấu đang công khai, được sử dụng để kiếm lời, thậm chí được giáo dục…

- Vậy thì ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức của người Việt trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh ở nước ta hiện nay?

- Nhiều người quan tâm đến sự xuống dốc của văn hóa đạo đức ngày nay, nhưng cần đặt mọi hoạt động xã hội ngày nay vào trong một hoàn cảnh kinh tế khác rất khốc liệt, buộc mọi quan hệ ứng xử thay đổi theo. Do đó muốn giải quyết văn hóa ứng xử không thế chỉ hô hào chung chung, mà cần giải quyết từ lao động và hành chính. Người ta quan tâm đến văn hóa đạo đức, nhưng lại không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, trong khi đó, chính đời sống văn hóa nghệ thuật nếu được nâng cao thì tự nhiên đạo đức xã hội sẽ được giải quyết.


Đây chính là phần yếu nhất của chúng ta.



- Tuy nhiên thời nay, người ta cũng đang nói rất nhiều về sự vô cảm, và nhẫn tâm đối với đồng loại. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?- Xã hội cộng đồng cao xưa kia buộc người ta quan tâm đến nhau và tham gia cứu trợ nếu có thể. Nhưng xã hội công nghiệp, thời gian là vàng, trách nhiệm gắn với chuyên môn, dẫn đến sự bàng quan nếu không thuộc chuyên môn của mình. Ví dụ ra đường không phải là bác sĩ thì chớ đụng đến người bệnh. Đây là vấn đề nhân loại, không riêng gì ta, nếu bạn ra nước ngoài, có lăn ra đường vì lý do gì đó, thì người ta cũng mặc kệ, hoặc tốt nhất là gọi điện cho nhà chức trách. Đôi khi là muộn, hoặc người bình thường hoàn toàn có thể cứu giúp.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài " Thói tọc mạch của người Việt" có chỗ cần bàn:
1/ Bài báo viết: "Đặc điểm nổi bất của tính cách này (tính tọc mạch) là không muốn ai hơn mình, nên tìm cách cào bằng tất cả và ghét bỏ những người xuất sắc".
Nhận xét này có vẻ đúng hơn với người có tính đố kỵ, nhưng phải cắt đoạn "nên tìm cách cào bằng" vì đây là đặc điểm cùa người mang "chủ nghĩa bình quân".
Còn "TỌC MẠCH"?
Tọc mạch hay thóc mách, theo tôi đó là đặc tính của người hay xăm soi chuyện riêng của người khác, rồi biến nó thành trái lê và đi buôn!
(Mời các bạn tham khảo Đại tự điển tiếng Việt" NXB VH-TT, trang 1659-1580 và trang 653).
2/ Bài báo còn có đoạn: "Trong nước, tính cách này (tính tọc mạch) chủ yếu ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Nguời Nam ăn nhậu vui vẻ, ít bới móc nói xấu, có lẽ do thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần tuý sớm". Nhận xét này có nét đúng nhưng theo tôi, còn phiến diện và đặc biệt tìm nguyên nhân còn đơn giản, chủ quan.
- Thứ nhất, con người luôn có mặt tốt và xầu xen nhau. Thậm chí tốt cực tốt mà xấu thì cũng cực xấu. Đúng là người Bắc nhiều đố kỵ hơn nhưng mặt khác "Lá lành đùm lá rách", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương", "chia ngọt sẻ bùi"... cũng rõ hơn.
- Thứ hai, thói đố kỵ không phải do cơ chế bao cấp đẻ ra mà nó có từ thời tiền sử. Người miền Nam ít tọc mạch, nhòm ngó, ganh ghét,... là vì đây là vùng đất mới, thiên nhiên ưu đãi, đất rộng người thưa..Những người tới đây sau khi Chúa Nguyễn vào Nam là những người "Mang gươm đi mở cõi", nhu cầu cố kết để tồn tại rất lớn. Nếu tọc mạch thì sẽ tự hại mình.
Tóm lại bài viết "Thói tọc mạch của người Việt" tuy có một số ý được nhưng còn nhiều chỗ cần bàn thêm cho có sức thuyết phục.
PHẠM QUÂN