Huế! một địa danh vừa ngắn gọn, vừa thân thương.
Nói đến Huế, người ta sẽ liên tưởng đến một thành phố xa xôi với những ngày hè nắng chang chang thiêu đốt thịt da; những ngày đông mưa dầm dề, trắng trời thối đất; mưa rã rời, dai dẳng với cái lạnh cắt da.
Huế với điệu hò câu hát não nùng, buồn rười rượi, những khúc Nam Ai, Nam Bình, Hành Vân, Lưu Thủy, Tương Tư.. bềnh bồng trên sông nước khi chiều xuống, lúc đêm về.
Huế với dòng Hương Giang ‘ngọc tan thành nước’; với đỉnh Ngự ngỡ ngàng mây trắng thông reo; với lăng tẩm đến đài âm thầm cổ kính, với hoàng cung ‘năm thức mây phong nếp áo chầu’; với áo tía lọng vàng; với lầu son, gác phượng...
Huế với những món ăn thanh đạm, đậm đà mang nặng tình quê hương bát ngát...
Huế thật quyến rũ, thật đặc biệt, và rất chi là Huế.
Nhưng nổi bật và đặc thù hơn hết trong những thứ rất Huế, đó là: tiếng nói Huế.
Tiếng nói Huế làm nhiều chàng trai tương tư, “ngớ ngẩn một trời thơ bay” và suốt đời chỉ mong đợi một phút giây nghe em nói:Nghe em nói tự bao giờ,
Bao giờ chừ vẫn ngẩn ngơ lạ kỳ
Em ơi, giọng Huế có chi
Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa
Nghe hoài nghe mãi chưa bưa,
Anh thương, thương quá tiếng xưa vọng về
.. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Nhiều khi như lạ như quen
Giữa mênh mông đọng giọt em ngọt ngào
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .
Xanh trong như tiếng chim chuyền
Nhìn em mái tóc che nghiêng mắt cười
Suốt đời giây phút này thôi
Lắng nghe em nói, một trời thơ bay
(Một Trời Thơ Bay, Lê Nhược Thủy)Tiếng Huế nói ra rất lạ tai với những từ: chi, mô, răng, rứa, tê, chừ, ni, nớ, hỉ, hả... và giọng nói Huế cũng rất khó nghe, dễ gây bối rối ở những người bạn đồng hương Việt Nam từ các tỉnh thành khác. Có thể vì vậy mà chàng Lê Nhược Thủy này sinh ra ngớ ngẩn rồi tương tư cô nàng? Hay vì cô em quá đẹp đã hớp hồn chàng? Nhưng có lẽ Lê Nhược Thủy phải là một chàng trai Huế ‘chính hiệu con nai’ mới hiểu được nàng nói, rồi cảm thông, rồi say men tình... Nhà văn Thanh Nam, người bạn đời của nhà văn Túy Hồng đã nhận xét và phát biểu cảm nghĩ về tiếng Huế như sau: ‘Người Huế nói chuyện với nhau bằng ‘ngoại ngữ Huế’. Người Nam, người Bắc chỉ đứng ở ngoài mà nghe, không làm sao chen vào được một câu’(Túy Hồng: Áo Rộng Khăn Vành, Tiếng Sông Hương, 1990) Mới nghe qua tưởng như chuyện khôi hài đùa cợt; nhưng qua kinh nghiệm thực tế, qua giao tiếp, ý kiến trên không phải là không có lý. Chúng ta thử đọc qua bài:
Rứa Răng (Ghi chú)
Đời là rứa hay là răng rứa híRứa răng đời không một chút vui tươi.Thấy răng răng nên đôi lúc mỉm cười.
Vì rứa rứa nên dường như muốn khóc
Câm lặng rồi, rứa răng cứ mời mọc.
Có nói nhiều răng rứa cũng như ri
Mà răng răng, rứa rứa có ích chi
Rứa răng, răng rứa hỡi người đà chán lắm
Có nhiều lúc hỏi răng mà như rứa
Đành trả lời như rứa chứ mần răng (Đời là thế, hay là sao thế nhỉ)(Thế sao đời không một chút vui tươi)(Thấy sao sao nên đôi lúc mỉm cười)(Vì thế đấy nên dường như muốn khóc)(Câm lặng rồi, thế sao cứ mời mọc)(Có nói nhiều, sao thế cũng thế thôi)(Mà sao sao, thế thế có ích chi)(Thế sao, sao thế... )(Có nhiều lúc hỏi sao mà như thế)(Đành trả lời như thế, chứ làm sao)
Vô Danh ĐVP ‘chuyển ngữ’Nếu không phải là dân Huế thì khó lòng hiểu nổi bài thơ, hoặc câu chuyện giữa một đôi bạn trẻ người Huế:Ghét tui không?
Ghét mà cho ri!
Cho chi mô?
Ầu, răng rứa?
Có chi mô nà.
Ấy, làm răng chừ?
Không răng mô!
Răng răng?
Răng thì rứa.Đối với những người khác xứ, câu đối đáp trên có vẻ bâng quơ, bí ẩn, không đâu vào đâu cả. Nhưng với dân Huế, họ có thể hiểu ngay là câu chuyện gay cấn giữa hai người trẻ tuổi với nhau, hứa hẹn nhiều sôi nổi.Người Huế khi nói chuyện với nhau dùng rất ít chữ, câu nói ngắn, gọn mà hàm súc ý. Với họ, việc diễn tả ý tưởng của mình bằng một vài chữ sơ sài là một chuyện quá dễ dàng, như chuyện cơm bữa. Người Huế nói ít mà hiểu nhiều. Người Huế dùng những từ đặc biệt rất Huế, của riêng Huế để nói chuyện với nhau. Những từ này kết hợp, móc nối khác nhau để trở nên dồi dào phong phú đủ để họ trao đổi các ý nghĩ riêng tư.
Hai câu thơ:Nghiêng nghiêng hoài chiếc nón
Hỏi mãi cứ làm thinhCho thấy rõ một nét đặc điểm của cô gái Huế.
Túy Hồng, nhà văn nữ của Huế cũng đã nhận xét:
‘Giọng Huế không phải là giọng nói trước đám đông, mà chỉ có thể là giọng nói trong phòng khách.. .’Ở đây dằng dặc những ngày mưa
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái: ‘Dạ, xin thưa.. .’
(Nét Huế - Xuân Hoàng)‘Giọng Huế khó nghe, tiếng Huế khó hiểu, có thể xem như một ‘ngoại ngữ’’
(Võ Hương An, Tiếng Sông Hương, 1994, trang 86)
Theo giáo sư Lê Văn Lân trong bài ‘Tiếng Huế Trong Nhóm Thổ Âm Miền Bắc Trung Việt’ (Nhớ Huế, số 9) thì tiếng Huế chỉ là một trong nhiều thổ âm đặc biệt của ta. Theo ông, có thể thổ ngơi thường quyết định sự khác biệt về thể chất, tính khí của các dân tộc. Chẳng hạn Lê Quý Đôn trong ‘Vân Đài Loại Ngữ’ đã trích dẫn một đoạn văn trong sách Hoài Nam Tử của Lưu An đời Hán: ‘Khí núi sinh nhiều con trai, khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm, khí gió sinh nhiều người điếc. Khí rừng sinh nhiều người yếu ớt, khí cây sinh nhiều người còng, khí đá sinh nhiều người khỏe...’ và đặc biệt sách trên ghi: ‘Ở nơi nước trong thì tiếng nhỏ, ở nơi nước đục thì tiếng thô.’
Thật ra ảnh hưởng của môi trường sinh thái trên các cá thể. Ngày nay khoa học cũng đã khám phá ra nhiều dữ kiện khả dĩ giải thích một phần nào, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đúng hẳn.
Còn tiếng nói thì người mình vẫn cho là do nước uống mà ra.
Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí, khi nói về tỉnh Nam Định, vùng giáp biển Mộ Trạch, có đoạn: ‘Mộ Trạch có tập tục quê mùa, giọng nói ngọng nghịu. Người ta gọi là tiếng nói đường biển... Ở đây ít có kẻ sĩ danh tiếng và thành đạt. Ấy là do phong thổ mà nên vậy.’
Một tài liệu viết về thổ âm xứ Huế lại cho rằng dòng sông Hương có ảnh hưởng đến giọng nói Huế. Và bởi vì dòng sông Hương chảy qua lòng thành phố Huế, nên người Huế rất sâu sắc, thâm trầm:Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
(Tạm Biệt Huế, Thu Bồn)
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013
Giọng nói, tiếng nói Huế (ST: Q.Mafia)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
6 nhận xét:
A.Quốc,bài ni của Quế mafia gởi.
OK, sửa ngay.
Thật tình khi đọc những câu này còn có thể từ từ hiểu được, nhưng nếu nghe nói thì ... đúng là ngoại ngữ. Sự khó hiểu ko chỉ là từ ngữ mà chính là âm điệu!
Nghe rất hay cứ như là ... hát opera bằng tiếng nước ngoài!
HMK6
Quê tôi-là Huế.Đậm chất thi ca như ngôn ngữ thường ngày.Có thế mà nhiều người cứ ngẩn ngơ khi nói về xứ sở đặc biệt này.cảm ơn tác giả của bài viết ngợi ca về một miền đất đầy nắng gió đau thương mất mat và đầy bão lòng.Tác giả quên mất cái tiếng-DẠ của vùng này.Chả thế mà Túy Hồng cứ"tôi nhìn tôi trên vách".
Nhớ quê quá, nhớ từ giọng nói, câu hò, nhớ tà áo, vành nón đội nghiêng, nhớ mùi thuốc rê các mệ...nhớ một cái gì rất Huế.
Đủng rồi, quê cụa Carot (Khoai Việt) cụng trong nở. Phại chi mà cu cẩu nhở quả hè?
Đăng nhận xét