Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Trần Đăng Khoa: Tất cả đều là kẻ cắp! (ST)

Thứ Năm 25, Tháng Bảy 2013, bởi KH
"Tôi thấy, trên đời này chẳng có ai lương thiện. Chỉ có những kẻ bị bắt và chưa bị bắt. Thế thôi!"
"Tất cả đều là kẻ cắp". Lời kết luận sặc mùi hình sự này, không phải tôi nghĩ ra, mà tên một cuốn tiểu thuyết của Fallko Hennig, một nhà văn rất nổi tiếng của Đức.
Vừa đặt chân tới Paris, tôi đã nhận được điện thoại của anh. Anh muốn mời tôi trở lại nước Đức. Nếu tôi bố trí được, anh sẽ đánh xe sang đón. Đức với Pháp liền kề. Đi chỉ mấy tiếng thôi. Tiếc là tôi không còn thời gian trống.
Tôi gặp Fallko Hennig trong chuyến thăm Đức mấy năm trước.
Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi ấy.


Trước khi lên đường, ông Tham tán Văn hoá ở Đại sứ quán Đức có hỏi nguyện vọng, xem tôi muốn đến những đâu, để bạn giúp đỡ. Thực tình, tôi chỉ muốn gặp một nhà văn trẻ của Đức, muốn biết hiện nay, họ quan tâm đến những vấn đề gì. Sở dĩ tôi muốn tìm đến các nhà văn trẻ, vì họ là văn học Đức tương lai. Còn những thành tựu của văn học Đức trong quá khứ thì ít nhiều chúng ta đều đã biết rồi.
Ba ngày sau, Đại sứ quán Đức chuyển cho tôi chương trình làm việc trong những ngày tôi thăm nước Đức. Trong chương trình, có cuộc gặp gỡ với Fallko Hennig, một nhà văn được bạn đọc Đức yêu mến.
Đó là một chàng trai còn rất trẻ. Đầu cạo trọc. Quần áo nhếch nhác. Trông anh như ông thợ quét vôi. Căn phòng nhỏ, bề bộn những sách. Sách xếp trong giá. Sách gác trên đầu. Sách vứt ngổn ngang dưới chân. Căn phòng bề bộn như một kho chứa đồ cũ.
- Anh ngồi đi! Ngồi bất cứ chỗ nào có thể ngồi được. Bây giờ tôi mới được đón anh, còn văn chương các anh đến với tôi từ rất lâu rồi. Đấy anh xem, trong nhà tôi toàn văn học phương Đông. Tôi rất mê Lỗ Tấn. Mặc dù ông ta rất cổ hủ. Văn hiện đại là thứ văn chỉ đọc một lần. Đọc xong rồi vứt. Nhưng văn Lỗ Tấn lại là thứ lây nhây, không thể đọc một lần mà xong. Càng đọc, càng thấy hình như mình vẫn chưa đọc gì cả...
- Thế là anh hiểu Lỗ Tấn đấy!
- Không, tôi không hiểu gì Lỗ Tấn cả. Nếu hiểu được rồi thì tôi đã không đọc ông ta nữa. - F. Hennig vừa nói, vừa lúi húi pha trà - Lỗ Tấn là một lão phù thuỷ. Ông ta vừa đi vừa phun sương mù. Chính sương mù đã tạo ảo giác làm nên sức hấp dẫn của ông ấy. Đọc Lỗ Tấn, tôi luôn có cảm giác như mình đang đi trong sương. Phía trước cứ lờ mờ một cái gì đấy. Thế là mình cứ bám riết, cứ đuổi theo. Đuổi mê mải. Khi ra khỏi màn sương, mới hay là nó cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Lỗ Tấn rất giỏi tạo ảo giác...
- Anh hiện đang viết gì?
- Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về giao thông đô thị. Cái khó nhất của tôi trong cuốn sách này là phải viết làm sao cho khác cuốn trước...
- Cuốn trước anh viết về cái gì?
- Về chuyện đi ăn trộm.
- Cái gì?
- Ăn trộm. Anh cảm thấy lạ sao? - F. Hennig nheo nheo một bên mắt - Cuốn tiểu thuyết có tên "Cái gì cũng ăn cắp cả". Cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần. Gần đây, người ta còn dịch ra tiếng Anh. Bản tiếng Anh, cái tên có khác một chút, nhưng tinh thần không khác: "Tất cả đều là kẻ cắp".
Fallko Hennig nhấp một ngụm trà:
- Gọi tiểu thuyết, nhưng thực tình, đây là cuốn tự truyện của tôi. Cuốn sách có 64 chương. Tôi thuật lại 64 vụ ăn trộm của mình...
- Hoá ra anh cũng là người thích đùa...
- Không, tôi không đùa. Tôi là một kẻ trộm. Anh không tin sao? Thuở bé, tôi chuyên đi ăn cắp. Ăn cắp không chỉ một lần, mà 64 lần. Chỉ trừ nhà băng là tôi chưa bẻ khoá...
Tôi cứ ngỡ như mình nghe nhầm. F. Hennig tỏ ra rất khoái chí:
- Tất nhiên, tôi không sống bằng nghề ăn cắp. Nghĩa là tôi không phải kẻ cắp chuyên nghiệp. Tôi chỉ muốn thể hiện mình. Rồi cũng qua đó, muốn biết luật pháp nước Đức ra sao? Công an Đức có thực giỏi không. Tóm lại là họ cũng rất xoàng. Bằng cớ là tôi chưa bao giờ bị bắt...
F. Hennig cười sảng khoái. Cứ như lời F. Gerke, người đã đọc cuốn sách, thì những chuyện ăn cắp mà F. Hennig kể trong cuốn tiểu thuyết của mình cũng chỉ là những phi vụ vặt vãnh, trẻ con. Chính vì thế mà nó nằm ngoài sự quan tâm của công an Đức. Chỉ có điều, F. Hennig viết rất hấp dẫn, hài hước. Mỗi chương một chuyện. Đằng sau những câu chuyện tưởng như vặt vãnh, trẻ con, người đọc lại thấy hiện lên cả một xã hội phức tạp với đầy đủ những dáng vẻ của nó...
- Trong cuốn sách này, có một đoạn tôi nói về Việt Nam đấy. Một anh dũng sĩ Việt Nam sang thăm Đức, đến trường tôi nói chuyện diệt Mỹ. Anh còn tặng lại trường một quả... lựu đạn. Quả lựu đạn này được đặt trong phòng truyền thống của trường. Bọn trẻ kéo đến xem đông lắm. Thế là tôi thó luôn quả lựu đạn, làm triển lãm riêng. Nhưng khốn nỗi, quả lựu đạn rời khỏi phòng truyền thống thì nó không còn là lựu đạn nữa. Tôi cứ cố chứng minh nó chính là lựu đạn của Việt Nam đã từng đánh thắng Mỹ, nhưng chẳng ai tin. Người ta cứ bảo nó là cục sắt rỉ...
Tôi bắt đầu ngờ vực. Chả lẽ một cuốn sách chỉ ghi những chuyện nhảm nhí như thế mà lại được bạn đọc Đức thích ư?.
- Người Đức không dễ lừa đâu, - F. Gerke – người phiên dịch quay sang tôi - Cuốn sách thật sự cuốn hút. Nó kể toàn những chuyện lặt vặt. Nhưng vấn đề cuốn sách đặt ra thì lại chẳng lặt vặt chút nào.
- Vậy thì qua cuốn sách này, anh muốn nói điều gì với độc giả?
- Nói gì à? Khó nhỉ. Mà tại sao văn chương lại cứ phải “nói một cái gì” nhỉ? Thế nếu tôi chẳng muốn nói gì thì sao? Tôi thấy, trên đời này chẳng có ai lương thiện. Chỉ có những kẻ bị bắt và chưa bị bắt. Thế thôi. Tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ cắp. Kẻ cắp nhiều lắm. Nhan nhản khắp hành tinh này. Ăn cắp ngay từ khi mới nứt mắt. Đơn giản như đi học thì cóp bài chẳng hạn. Rồi lớn lên, có anh leo được tới ghế cao, nhưng vẫn không chịu bỏ nghề truyền thống. Đó là nghề ăn cắp. Nhiều khi lại dùng ngay chính quyền lực của mình để vơ vét của dân. Có người ăn cắp mà cứ rao giảng đạo đức ra rả.
Rồi quốc gia này ăn cắp của quốc gia kia. Ăn cắp thương hiệu. Ăn cắp công nghệ. Ăn cắp thông tin. Ăn cắp cả một mô hình xã hội, dù chẳng biết cái xã hội ấy nó ra làm sao, dù có thể nó rất lỗi thời. Vậy mà cứ a dua bắt chước nhau, rập khuôn nhau. Toàn sống bằng những giá trị không phải của mình. Thật bi thảm...
F. Hennig cười. Tôi cũng cười. Không ngờ chàng trai vẫn còn rất trẻ này lại có ý nghĩ cực đoan đến thế. Đành rằng cái ác rất nhiều, nhưng trái đất này tồn tại được chính là nhờ những người lương thiện, chứ đâu phải kẻ bất nhân. Người lương thiện cũng nhiều lắm, ở đâu cũng có. Tôi kể cho F. Hennig nghe một chuyện mà chính tôi được chứng kiến ở nước Đức. Tôi gọi đó là chuyện cổ tích. Nước Đức có nhiều chuyện cổ tích lắm. Chả thế ở xứ này có anh em Grim chỉ đi chép những chuyện cổ tích ở dọc đường mà rồi thành những nhà văn nổi tiếng thế giới.
Chuyện cổ tích này, Grim chưa kịp chép. Tôi đi từ Weima về Berlin. Trên cả tuyến đường sắt chỉ có tôi và F. Gerke. Vậy mà cơ man nào là tàu. Cứ vài phút lại một chuyến tàu vút qua. Tôi rất kinh ngạc vì tầu chạy chuẩn xác đến từng tích tắc. Cứ như vé ghi thì chuyến tàu của tôi khởi hành lúc 9h 10 phút. 9h 8 phút, tôi xách va ly định nhảy lên tàu thì Frank Gerke vội kéo giật lại. Đó là con tàu đi thành phố khác. 9h 9 phút vẫn chưa thấy con tàu của tôi. Còn đúng nửa phút nữa đến giờ khởi hành thì con tàu tôi đợi mới đến. Nó chỉ dừng ở ga đúng 30 giây. Tôi vội vàng tất tả chạy lên tàu, vừa lúc cửa khép và con tàu lao như bay trên mặt đất.
Đến gần Berlin, tôi mới biết mình đã đánh rơi mất cái túi nhỏ. Trong túi có 1.000 USD. Số tiền không lớn, chỉ tiếc trong túi còn cái máy ảnh, máy ghi âm, tôi ghi những cuộc tiếp xúc trong cả chuyến đi. Chúng tôi đang bối rối, thì một anh chàng to béo, mặt đỏ như gà chọi chạy đến tìm tôi: "Xin lỗi, có phải ông mất cái túi da không? ". Tôi kinh ngạc: "Vâng, có lẽ tôi đã đánh rơi". "Không phải ông đánh rơi mà bỏ quên trên ghế đợi tàu. Hiện nhà ga đã cất vào kho rồi. Ông có thể về Weima nhận lại được không?" . "Rất tiếc, tôi không còn trở lại Weima được nữa". "Vậy thì ông có thể nhận lại ở Berlin. Chúng tôi sẽ chuyển cho ông ngay trong chuyến tàu sau. Phiền ông đúng 17h có mặt ở ga Berlin để nhận. Tầu chúng tôi chỉ dừng một phút, xin ông đến thật đúng giờ".
- Chuyện ấy thì có gì lạ? - Fallko Hennig nhếch mép cười - Cái túi anh vứt trên ghế. Người ta tưởng anh là thằng khủng bố nên đã báo động. Công an đến dò mìn và thế là anh không mất tiền. Đơn giản thế thôi. Người Đức chúng tôi không lương thiện như anh nghĩ đâu. Mà làm gì có người lương thiện trên thế gian này? Ngay cả anh nữa, anh có dám chắc với tôi rằng, anh là một kẻ lương thiện không? - F. Hennig vè vè nhìn tôi - Anh là nhà văn. Anh sống bằng nghề văn. Cốt truyện anh lấy từ đời sống. Rõ ràng đấy là những chuyện của người khác. Cái vui nỗi buồn cũng của người khác. Anh biến thành tác phẩm của anh. Rồi anh thành người nổi tiếng. Anh có tiền nhuận bút đút túi. Thế thì rõ ràng anh cũng là một kẻ cắp. Cũng như tôi, như nhiều người khác, chúng ta đều là kẻ cắp cả. Chỉ có điều, đấy là những kẻ cắp không bị ra toà...
Theo Blog Trần Đăng Khoa


2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Hay!

Nặc danh nói...

Đáo để thật. Biết bị chửi mà chịu. Không thể sờ gáy hắn được.