Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Nơi bắt đầu câu chuyện và... (5)


Rồi tai họa ập đến gia đình 99 Trần Hưng Đạo của chúng tôi. Trong đợt về họp gấp với Bộ chính trị và Trung ương Đảng, chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh khốc liệt ở chiến trường miền Nam, khi Mỹ điều lực lượng quân lực lên đến hơn nửa triệu quân, cha tôi giữ trọng trách trong việc tận dụng tối đa mọi nguồn lực viện trợ của chính phủ Trung Quốc giành cho Việt Nam, ông đã đột ngột ra đi mãi mãi vào ngày mùng 3 Tết Đinh Mùi, kịp dặn lại các con bài học ở đời: “Chỉ có lao động mới có Tự do chân chính ”. Cũng giống như Bác Hồ coi Độc lập – tự do của dân tộc là cao quý nhất, cha tôi coi tự do của một cá nhân trong cuộc sống là vô giá.


Mẹ tôi ở lại với tám đứa con, chị lớn nhất vừa 22 tuổi còn tôi là út ít mới lên 8. Các chú, các bác trong Trung ương và Bộ chính trị thương tiếc cha tôi lắm, trong lễ truy điệu tổ chức tại hội trường câu lạc bộ Quân Đội, Bác Hồ đã ôm mẹ tôi và 5 anh chị em có mặt mà nước mắt chảy dòng dòng, đôi môi run run mấp máy không nói một lời nào. Người cứ đứng lặng như thế. Cho đến lúc các cán bộ trong tổ y tế lo Bác xúc động kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe nói khẽ với Bác, Bác mới rời mẹ con tôi, nhưng ra đến cửa Bác dừng bước quay lại nhìn! Dường như chính tình nghĩa sâu đậm tích tụ lại qua mấy chục năm giữa Bác với cha tôi, trách nhiệm và kỷ niệm đầy ắp đã trở thành sức hút mạnh mẽ níu chân Người lại với tang quyến.
Cha tôi là một nhân vật trong thế hệ cán bộ cách mạng đầu tiên, luôn luôn xuất hiện ở những vị trí “khai sơn phá thạch”, trực diện và đối đầu với những thử thách gay cấn đặt ra trên con đường của sự nghiệp. Ngay khi chính phủ lâm thời từ Tân Trào về Hà Nội, sau một tuần chính quyền đã nằm trong tay Mặt trận Việt minh, ông đã bàn giao lại những công tác còn bề bộn để thực hiện một nhiệm vụ mới rất quan trọng vào ngày 27 tháng 8 năm 1945 là thành lập ngay hệ thống đào tạo sỹ quan quân sự đầu tiên chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến tiên lượng sẽ xảy ra mà không được có mặt để chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc vào ngày mùng 2 tháng 9! Một nhà nước chưa được khai sinh đã chuẩn bị bước vào một thử thách sinh tồn!
Rồi, khi quân đội viễn chinh của Pháp bằng mọi giá phải tiêu diệt chính phủ Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc bằng đương bộ, nhảy dù hay đường thủy, cha tôi cùng với một tập thể cán bộ quân sự đã bẻ gãy gọng kìm đường thủy trên mặt trận Sông Lô và trở thành một trong các vị tướng đầu tiên vào năm 1948 do chủ tịch Hồ Chí Minh phong. Hay, ông cùng thiếu tướng Chu Văn Tấn là hai cán bộ quân sự cao cấp nhất xử vụ án tham nhũng đầu tiên trong thời chiến để lại dấu ấn đầu tiên đậm nét của ngành tòa án, đó là vụ đại tá Trần Dụ Châu. Trước và sau khi xử, ông và Bác Hồ đã trao đổi rất nhiều, rất kỹ, xen kẽ là những khoảng vắng lặng đầy đau đớn, buồn tiếc khi những cán bộ tài ba đã để cho ma lực của vật chất biến thành tha hóa. Và còn nhiều ký ức nữa…
Chắc rằng, cho đến ngày hôm nay cha tôi là nhà quân sự đầu tiên xuất thân từ công giáo đươc phong tướng? Một lần chúng tôi có nêu câu hỏi này với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người rất hiểu, rất trọng cha tôi và đã sát cánh cùng làm việc thời kỳ cha tôi còn tác trong quân đội, ông cười hồn hậu và bình thản giải thích: “Đó là tài dùng cán bộ của Bác Hồ”. Giản dị vậy thôi mà bao hàm tất cả!


6 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Bác Hồ đến với chủ nghĩa cộng sản vì thấy đó là con đường đảm bảo thắng lợi cho công cuộc giải phóng dân tộc chứ không vì quyền lợi riêng của một giai cấp, và càng không phải vì quyền lợi riêng của một nhóm người. Vì vậy, Bác tập họp được toàn thể những người yêu nước, yêu dân tộc dù xuất thân từ giai cấp, tôn giáo, chính kiến nào cho sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc". Trong những người đi theo Bác, ông Sáu Dân cũng nổi bật khả năng tập họp mọi thành phần vì sự nghiệp chung. Và ông Sáu cũng là người được nhân dân vô cùng kính yêu. Đất nước tự hào có những tinh hoa như Bác Hồ, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như ông Sáu Dân.

Nặc danh nói...

Xin nói thêm,Quốc thật sự có quyền tự hào về người cha suốt đời vì nhân dân. Mình vô cùng kính trọng tin tưởng những bậc tiền bối dám hy sinh tất cả cho dân tộc chứ không tin vào những kẻ "được tất cả mà không mất gì".

TranKienQuoc nói...

Trước tiên phải chiến đấu cho và vì người nghèo, vì dân tộc. Tiêu chí ấy tụ họp, tập trung đuợc hiền tài.

TranKienQuoc nói...

Cha tôi mất sớm nhưng gặp lại các chú cán bộ đàn em thân thiết, ai cũng nói: Cái tinh thần của cha cháu khi còn sống đã truyền lại cho các chú là, cái gì khó mới đến mình, phải dám làm, dám chịu trách nhiệm.

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn ND đã tâm sự. Bài viết do chú út Trần Việt Trung giãi bày. Còn bản thân mình từng là người quá hiểu và rất thương mẹ mình - bà từng cắn răng chịu đựng vì (nhiều) ai đó đã coi phụ huynh mình không chung chí hướng (dù cụ mất đã hơn chục năm).
Chuyện nhỏ ấy mà, cái cần là nhân dân đã hiểu.

Nặc danh nói...

kHI TRỰC DIỆN VỚI CÁI CHẾT TRONG TÙ NGỤC HAY LÚC HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT ,TÌNH ĐỒNG CHÍ NHƯ KEO SƠN .KHI ĐẠI NGHIỆP ĐÃ THÀNH ,LÀM VIỆC VÀ SỐNG TIẾP ĐÁNG LẼ SẼ LÀ GIAI ĐOẠN HÀI LÒNG NHẤT , NHƯNG TRONG SỐ ĐÓ XUẤT HIỆN NHỮNG CÁ NHÂN QUAY LẠI HẠ THỦ NHỮNG ĐỒNG CHÍ CỦA MÌNH ! ĐÓ CHÍNH LÀ MA LỰC CỦA QUYỀN LỰC , MỘT VỞ KỊCH DIỄN RA MUÔN THUỞ .NHỮNG NHÀ CÁCH MẠNG CHÂN CHÍNH ĐỀU RẤT ĐAU LÒNG !
THANH TRẦN