Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của một Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội (KQ)

Ông Lê Trọng Nghĩa trước Nhà hát Lớn HN,
ngày 19/8/2005.

Ghi theo lời kể của ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội

            Một ngày đầu thu, tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa. Ông và đại tướng Nguyễn Quyết - 2 ủy viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội 19-8-1945 - còn sống đến ngày hôm nay. Trong căn hộ giản dị thuộc khu tập thể quân đội 354, không xa Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), đã 93 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn, nhắc lại nhiều kỷ niệm cách đây gần 7 thập niên…

Nhớ ngày Tổng khởi nghĩa
Vừa ngồi yên vị, ông đã dí dỏm: “Sau ngày cách mạng thành công, có người hỏi: Các ông có xem ngày, chọn giờ hay không mà Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội lại thắng lợi nhanh, gọn đến vậy?”.
… Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội. Lợi dụng sự quản lí còn lỏng lẻo mà hơn 100 tù chính trị đã thoát ngục Hoả Lò theo 2 đường “thăng thiên” và “độn thổ” về với phong trào. Một kì tích trong lịch sử Việt Nam ta.


Bị mật thám Pháp bắt khi đang là học sinh Thăng Long, đi rải truyền đơn rồi bị tống giam vào Hỏa Lò ngay từ đầu 1942. Ông Nghĩa được giao nhiệm vụ bảo vệ tử tù Trần Đăng Ninh (Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ), trốn theo đường vượt rào trong đêm 11-3 cùng số ít tù chính trị, nhưng đường này sớm bị lộ (do cánh thường phạm tranh nhau ra trước). Sau này anh em tù chính trị Hỏa Lò gọi đó là đường vượt ngục “thăng thiên”.
Chủ tịch UBKNHN Nguyễn Khang.
(1919-1976), ảnh chụp 1957.

Ủy viên Trần Quang Huy.
(1922-1995)

Ủy viên Nguyễn Duy Thân
(1917-1952)

Ủy viên Nguyễn Quyết.
(1922)

Thường vụ Xứ ủy Trần Tử Bình (1907-1967).
Ảnh chụp 1949.

Sớm hôm sau, khi lang thang trong sân Trại J thì nhìn thấy cái nắp cống ngầm, Xứ uỷ viên Trần Tử Bình[1] đã nảy ra ý tưởng vượt ngục theo đường chui 





Cố vấn Trần Đình Long
(1904-1945).

cống ngầm. Ông giao cho 3 tù chính trị Phan Vân, Trần Văn Cử, Nguyễn Huy Hòa cạy nắp cống, chui xuống, dò tìm đường ra. Sau mấy tiếng đồng hồ lần mò trong hệ thống cống hôi thối, tối tăm, ông Cử và ông Vân trở về thông báo “Đã tìm thấy lối ra”.
Ngay đêm đó, các tù chính trị bị án nặng được chọn lựa đi trước, tập trung ở Trại J. Khoảng 8g, ông Bình phát lệnh “Mở nắp cống”. Nhóm tiên phong có ông Bình và 3 ông Phan Vân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Hòa. Nhóm thứ 2 là Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười. Tổng số 29 đ/c đã thoát ra trong đêm 12-3-1945. Rồi lần lượt các đêm sau có đến hơn 100 tù chính trị tiếp tục thoát ra ngoài.
Tháng 5-1945, ông Nghĩa được đ/c Lê Đức Thọ phân công sang Dân chủ Đảng cùng đ/c Vũ Quý. Ban Cán sự nhanh chóng nắm các nhân sĩ, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh trong Dân chủ Đảng. Họ là những người yêu nước, sẵn sàng theo Việt Minh.
Đầu tháng 8-1945, các đ/c trong Trung ương và Xứ uỷ Bắc kỳ được triệu tập lên Tân Trào. Riêng 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ được phân công ở lại: Nguyễn Văn Đệ phụ trách Hà Nội, còn Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ uỷ, theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Không khí những ngày này sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức Hà Nội, có ý kiến: nên khởi nghĩa vào ngày chủ nhật và “giờ hành động” nên chọn vào 10 giờ sáng sau hồi còi gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy In Tiến Bộ) đồng loạt nổi lên.
Ông Lê Trọng Nghĩa (trái), ông Vũ Oanh và đồng đội Việt Minh Hoàng Diệu
nhân kỉ niệm 60 năm Tổng khỡi nghĩa 19/8/1945 tại HN.
Thời kì đó, liên lạc toàn qua ZT (giao thông chạy bộ). Chỉ thị của trên Trung ương đến nơi phải mất cả tuần lễ. Nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ và 4 uỷ viên: Nguyễn Quyết - uỷ viên Quân sự, Nguyễn Duy Thân - đại diện giới công thương, Nguyễn Huy Khôi - đại diện công vận, Lê Trọng Nghĩa - đại diện giới nhân sĩ, trí thức. Ông Trần Đình Long[2] được giao nhiệm vụ cố vấn.
Sáng 17-8, Thành ủy báo cáo: Buổi chiều sẽ có mit-tinh của công chức ủng hộ “nền độc lập” của chính phủ Trần Trọng Kim, tại Nhà hát Lớn. Đ/c Đệ chỉ thị dùng lực lượng tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút. Nhưng không khí hừng hực, sục sôi của quần chúng cách mạng biến mit-tinh của giới công chức thành tuần hành, thị uy của quần chúng cách mạng; mặt khác thấy quân đội Nhật cùng lính bảo an, cảnh sát không dám phản ứng. Vì vậy ngay trong đêm 17-8, 2 đ/c Bình và Đệ thay mặt Thường vụ quyết định chọn ngày chủ nhật 19-8-1945 là ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông Nghĩa nhớ lại: “Đêm mà Uỷ ban quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch Vọng, 2 ông Nguyễn Huy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm. Giữa cái không khí ồn ào nghe thấy giọng lanh lảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn: “Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn lính dõng, bảo an. Nếu không chỉ vài phát súng nổ vào sau lưng quần chúng là tan hết…”. Đây là kinh nghiệm xương máu tại một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp. Đối với Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, đối với những người chưa từng lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu”.
(Sau này mới biết đó là bà Phan Thị Sang, em gái đ/c Phan Trọng Tuệ. Ít lâu sau, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Duy Thân. Đầu năm 1946, ông Nghĩa gặp lại ông bà cùng là đại biểu khóa I của Quốc hội lập hiến).
Ngày 18-8, trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo, cũng của gia đình anh em thuộc tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu).
Và sáng ngày 19-8-1945, đúng 10 giờ, sau “hiệu lệnh còi”, mit-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn bắt đầu. Sau vài phát súng thị uy, cả quảng trường vang lên bài “Tiến Quân Ca”. Ngay sau hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục vạn quần chúng cách mạng chia làm 2 ngả tấn công vào Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính quyền cũ và Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất. Tại các huyện ngoại thành, sau “hiệu lệnh 10 giờ” cũng nhất loạt đánh chiếm các trung tâm hành chính.
Ông Nghĩa tiếp lời: “Tôi và anh Thân theo sát anh Khang, anh Bình tiến về Phủ Khâm sai. Bên trong hàng rào những nòng súng chĩa ra nhưng không dám nổ. Ta thuyết phục và bên trong cũng đã có nội ứng. Tại cổng chính, một nhóm tự vệ trèo qua rào. Rồi các cổng mở toang.
Tại sảnh chính vừa thấy Nguyễn Xuân Chữ (đại diện chính quyền bù nhìn, vừa thay cụ Phan Kế Toại), anh Bình lệnh bắt, giải ngay về ATK ở Vạn Phúc, Hà Đông. Thấy điện thoại réo vang, các tỉnh hốt hoảng gọi về, anh Bình yêu cầu tổng đài nối máy với các tỉnh, ra lệnh: “Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội. Chính quyền các tỉnh phải mau chóng đầu hàng Việt Minh! Nếu không sẽ bị xử tử!”.
Lực lượng do ông Nguyễn Quyết vừa chiếm được Trại Bảo an binh (đối diện rạp phim Majestic, nay là rạp Tháng Tám) thì quân Nhật dùng xe tăng và binh lính tới bao vây. Tình thế căng thẳng, dễ xảy ra đổ máu. Thường vụ hội ý rồi cử ông Nghĩa phóng xe Limousin cắm cờ đỏ sao vàng ra điều đình. Chỉ huy Nhật chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu “phía nổi loạn phải gặp chỉ huy tối cao của họ”. Như vậy đến chiều 19-8, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội về cơ bản đã thành công rực rỡ; không hề đổ một giọt máu và hàng nghìn khẩu súng về tay nhân dân.
Tối 19-8, ông Nghĩa cùng “cố vấn” Trần Đình Long được cử đi gặp Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Căng thẳng nhưng sau đó họ cũng chính thức chấp nhận chính quyền nhân dân. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng trưng. Thường vụ Xứ uỷ họp ra quyết nghị thành lập và ra mắt chính quyền mới vào ngay sớm hôm sau.

Những cái tên mới
“Chúng tôi nhận thức: ngày 19-8 là ngày khai sinh một đất nước hoàn toàn độc lập, không còn áp bức, không còn nô lệ, người dân được làm chủ, hoàn toàn tự do. Vậy thì mỗi công dân mới cần có những thay đổi!... Chúng tôi đã chọn cho mình cái tên mới.
Anh Nguyễn Văn Đệ chọn cái tên Nguyễn Khang, anh Nguyễn Huy Khôi đổi là Trần Quang Huy. Tôi là Đoàn Xuân Tín khi này mới đổi thành Lê Trọng Nghĩa – Lê Trọng để kỉ niệm về một người thầy đã dạy tôi ở Quảng Yên; còn Nghĩa là khởi nghĩa…”.
Ngay hôm sau, tại vườn hoa Con Cóc trước Dinh Khâm sai, chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào. Đ/c Nguyễn Khang là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ, Nguyễn Duy Thân phụ trách các cơ quan hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội là đ/c Trần Quang Huy, uỷ viên là Phạm Tuấn Khánh...

Chuyện của 60 năm sau
Nhân kỷ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19-8-1945 – 19-8-2005), Thành uỷ và UBND TP Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn, Ông Lê Trọng Nghĩa là một trong những vị khách mời đặc biệt.
Được gặp lại những đồng chí cũ của ngày này  năm xưa, ông bùi ngùi nhắc tới những đồng đội đã ra đi. Lúc chia tay những đồng đội già, còn nghe giọng tâm đắc của ông: “Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo chỉ thị của Trung ương, dùng áp lực của quần chúng cách mạng có hỗ trợ của tự vệ vũ trang, kết hợp với đấu tranh chính trị, thương thuyết giành chính quyền về tay”.
Và đến hôm nay đã gần 70 năm, ông vẫn có những nhìn nhận rất xác đáng: “Giá chậm thời điểm Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao!”. Vì sáng hôm sau, 20-8-1945, lực lượng vũ trang của ta trên Thái Nguyên đã tấn công vào đơn vị đồn trú của Nhật. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - đã xác định “không can thiệp vào công việc của người Việt”, mặc nhiên thừa nhận “nhà chức trách đương quyền” tại Bắc bộ Phủ.
Việc lựa chọn ngày, giờ khởi nghĩa vì do hợp lòng dân nên chỉ trong đúng có một ngày, quần chúng cách mạng Hà Nội đã đứng lên, giành chính quyền về tay, không phải nổ một phát súng, không phải đổ máu!
“Ngày 19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc được làm chủ chính mình và hoàn toàn tự do! Đúng như  Lênin đã dạy “Cách mạng là sáng tạo!” và chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết phải làm gì! – vị đại tá già, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo QĐNDVN, vẫn say sưa - ... Còn ngày nay, công cuộc đổi mới sẽ thắng lợi nếu chúng ta biết dựa vào dân!”.




[1] Tên thật Phạm Văn Phu (1907-67): Bí thư Phú Riềng đỏ 1930, Thiếu tướng QĐNDVN 1948, Đại sứ VN ở Trung Quốc (1959-67).
[2] Trần Đình Long (1904-45): Hoạt động ở Pháp, được ĐCS Pháp cử đi học Đại học Phương Đông (1928-31). Hoạt động báo chí công khai của Đảng (1936-39), tù Sơn La (1940-45). Sau 2-9-1945, là đặc phái viên đối ngoại của Cụ Hồ. Hy sinh cuối tháng 11-1945 do bị giặc Tàu Tưởng thủ tiêu.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hom nay 19-8-2014 ,chung toi the he con chau cua Nhung người Việt Nam dung day tien hanh Cuoc Tong Khoi nghĩa gianh chinh Quyen,Thanh lap NUoc Việt Nam dan Chu cong Hoa tu hao ve ky tích trứơc van menh dan tóc cua the he cha,me. Tran Khang Chien, con cua Nhung người tham gia tong khỏi nghĩa. 19-8-1945

Nặc danh nói...

Tôi cảm nhận, hình như những người làm nên lịch sử đều số phận?
- Cụ Trần Đình Long mất sau ngày 19/8/1945 đúng 100 ngày.
- Cụ Nguyễn Duy Thân mất 1952.
- Cụ Bình 1967.
- Cụ Khang 197...
- Cụ Nghĩa bị oan sai 1967.
Kì lạ lắm???