Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Định nghĩa về hai chữ “gia đình” (ST: KC)

Theo định nghĩa chuẩn của ngành xã hội học thì: “Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo  vệ”.

Tuy nhiên, với mỗi ngành nghề khác nhau thì lại có những định nghĩa khác nhau về gia đình theo một cách hết sức chuyên ngành và... vui vẻ:

- Giáo dục: Gia đình là một trường đại học, trong đó con cái là những sinh viên không mất học phí lại còn được nhận học bổng toàn phần, bố là trợ giảng còn mẹ thì vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo sư dạy đủ các môn.
- Báo chí: Gia đình là một đài phát thanh. Năm  đầu thì chồng nói vợ nghe, năm hai thì vợ nói chồng và con nghe, từ năm thứ ba trở đi thì cả hai vợ chồng cùng nói và hàng xóm nghe.
- Ngoại giao: Gia đình giống như quan hệ giữa các nước láng giềng, mặc dù có mối liên kết chặt chẽ nhưng cũng có thể xảy ra tranh chấp, xung đột hoặc chiến tranh lạnh bất cứ lúc nào.


- Hóa học: Gia đình là một hợp chất trong đó có tỷ lệ nhất định của các nguyên tố cấu thành và có một cấu tạo riêng biệt. Các liên kết hóa học trong phân tử hợp chất về cơ bản là bền vững, nhưng nó cũng rất dễ bị phá vỡ bởi các chất khác trong môi trường xung quanh. Đặc biệt, các nguyên tố chính (chồng và vợ) rất dễ tham gia phản tứng tạo thành các hợp chất khác khi gặp môi trường thuận lợi.
Sinh học: Gia đình là một quần thể đặc biệt, nơi mà các sinh vật nhỏ bé và yếu đuối vẫn có thể sống chung với... sư tử. 
- Vật lý: Gia đình là một phòng thí nghiệm có khả năng kiểm chứng thuyết tương đối của Anh-xờ-tanh. Nơi mà mọi người dễ dàng nhận thấy rằng không gian và thời gian có thể co lại hoặc giãn ra.
Nông dân: Gia đình là một thửa ruộng. Ai cũng cần mẫn chăm lo cho thửa ruộng của mình, nhưng cũng rất thích thăm lúa của thửa ruộng bên cạnh (với lý do tham khảo).
Địa lý: Gia đình được hình thành từ sự va chạm của hai lục địa, cũng từ đó mà xuất hiện các dãy núi đồi, thậm chí cả núi lửa.
Toán học: Gia đình là một hệ phương trình có rất nhiều tham số nhưng không có cách giải cố định, thường thì mỗi người giải ra một nghiệm khác nhau.
Văn học: Gia đình là một tác phẩm do nhiều người viết, mỗi người viết một đoạn mà nhiều khi chả ăn nhập gì với nhau. 
- Y học: Gia đình giống như một người bệnh, cần phải chăm sóc chu đáo thì mới mong khỏe mạnh, nếu không thì bệnh sẽ trở nặng và rất khó cứu chữa.
Ngư dân: Gia đình như cái âu tàu, ai cũng tìm về trú ẩn mỗi khi gặp sóng to gió lớn.
Bợm nhậu: Gia đình là một quán nhậu của một bà chủ khó tính, mồi thì dở, rượu thì ít, phục vụ thì cằn nhằn, được mỗi cái là đỡ tốn tiền và có chỗ ngủ.
Giao thông: Gia đình là cái sân bay, là bệ phóng cho máy bay, và dù có bay cao bay xa đến đâu thì rồi có lúc cũng phải quay về.
Bóng đá: Gia đình là một đội bóng trong đó bố là tiền đạo, con là trung vệ, còn mẹ vừa là hậu vệ, vừa là thủ môn, vừa là huấn luyện viên, thậm chí có lúc còn kiêm cả trọng tài.
Triết học: Gia đình là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Ngôn ngữ: Gia đình là nơi đào tạo những bậc thầy vể sử dụng ngôn ngữ. Tỷ như sau một cuộc cãi vã, nếu vợ nói “Tôi thật ngu ngốc khi lấy anh”, thì chồng sẽ ứng đối rất tinh tế: “Đúng rồi em yêu, nhưng lúc đấy anh mù quáng vì yêu mà chẳng nhận ra em là người như vậy". Nói chung là họ chỉ nói mồm thế thôi (ngôn ngữ mà), nhưng bỏ nhau thật không dễ.
 (HienMQ)

1 nhận xét:

QV nói...

Hàng phở:
Gia đình giống như bát phở: Thiếu gia vị ớt, tỏi, dấm, chanh, hạt tiêu (là các cuộc cãi nhau) thì không ngon, nhưng nếu cho quá nhiều gia vị thì không thể ăn được.