Được đăng bởi nguyentrongtao 04/08/2014
TRẦN LÊ HẠNH AN
Chương trình “Thời sự” của Đài Truyền hình VN (VTV1), phần tin “Quốc tế” – lúc 12 giờ 20’ trưa ngày 1/8/2014; đưa tin “Khai mạc vòng đối thoại chiến lược Ấn – Mỹ lần thứ năm”. Cùng với lời PTV, hình ảnh cận cảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng lên bục họp báo với người đồng cấp nước chủ nhà là bà Sushma Swaraj. Khi tới nơi chiếc bàn chủ tọa, ông John Kerry chủ động bước sang bên phải bà Sushma Swaraj, rồi nhanh nhẹn đưa cả hai tay kéo chiếc ghế ra để cho bà Ngoại trưởng Ấn ĐỘ vào ngồi, sau mới về chỗ dành cho mình. Động tác thuần thục của ông như của một người “phụ tá” vậy.
Là khán giả xem truyền hình, tôi không tin vào mắt mình nữa. Một cử chỉ không chút “ngoại giao” tí nào mà tôi chứng kiến hoặc nghe ai kể bao giờ; nhưng nó thật tự nhiên, dung dị, cực kỳ “ăn khớp” với hoàn cảnh đến độ “hoàn hảo”, lại rất “đàn ông”. Vì thế, tôi có thể nói rằng đó là cử chỉ “siêu ngoại giao”, không còn là “ngoại giao” thông thường nữa. (Ông John Kerry không là “nhà ngoại giao” chuyên nghiệp).
Chuyện kéo ghế của vị Ngoại trưởng Mỹ là rất nhỏ, vô cùng nhỏ với ông John Kerry; nhưng trong suy nghĩ của tôi, nó là “tinh hoa” của nền ngoại giao “siêu đẳng” Hoa Kỳ; đưa đến cho chúng ta “thông điệp” về mức độ, tầng nấc và vị thế của mối quan hệ chiến lược, bạn bè thân tín giữa Ấn Độ và Mỹ hiện giờ.
Sao ở nước người ta, lại có thể có những con người như thế – Những người với tầm vóc văn hóa nó như thế nào để toàn tâm toàn ý phụng sự công việc kín cạnh, khéo léo đến nhường vậy? Câu hỏi này ám ảnh tôi suốt mấy tiếng đồng hồ và có lẽ sẽ còn lâu nữa, nó làm tôi liên tưởng tới một vài chuyện cũ cách đây đã mấy chục năm – Những chuyện nhỏ nhưng cũng không nhỏ chút nào, mà tôi đã tận mắt chứng kiến như hình ảnh “rất nhỏ nhặt” trên đây của ông John Kerry.
Chuyện thứ nhất. Vào cuối năm 1975, tôi có công việc đi qua cổng chính Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất – TP. Hồ Chí Minh). Lúc đầu, tôi dừng xe cốt chỉ để ngắm khung cảnh và kiến trúc tòa nhà lộng lẫy, đồ sộ này để thỏa trí thưởng lãm, tò mò của mình thôi – một người lính trẻ. Thế nhưng tiếng kêu cót két của chiếc dao cạo rỉ sơn từ tay người thợ đang cạo rỉ cánh cổng dinh gần nơi tôi đứng, cứ ùa ập vào tai khiến tôi phải để mắt tới công việc của người có vẻ mặt và thân hình đã nhàu nát này. Nhìn kỹ, đó là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, áo quần lấm láp rỉ sắt và bụi sơn màu ghi xanh, đầu đội mũ vải mềm màu cũng lẫn với màu áo quần đang mặc. Một tay người này cầm con dao cạo 3 cạnh hình chiếc dũa, tay kia cầm giấy ráp đang cuộn vào bốn ngón tay. Người này tay nọ thay tay kia liên tục cạo cao, liên tục lau lau, chùi chùi từng hoa văn, từng song sắt. Đôi mắt ông nheo nheo, tập trung cao độ vào từng động tác với sự nhẫn nại đến chi ly. Chứng kiến cái ông này lầm lũi làm việc một mình giữa trời nắng gắt của chiều Sài Gòn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại khiến tôi cứ ngây người ra nhìn ông ta làm việc mà quên khuấy mất chuyện của mình là ngắm tòa dinh trước mặt như dự định. Một mình ông già cạo quẹt, lau chùi mải miết để làm sạch sơn, rỉ cánh cổng; không có ai cai quản, không có ai thúc bách mà dốc hết bình sinh của mình ra làm việc say sưa, chăm chút, ngon lành. Một người lao động chân tay nặng nhọc giữa cái thành phố vừa giải phóng đang tràn ngập cờ hoa; lũ lượt như trẩy hội những người lính áo xanh lá cây súng ống bên mình…Chắc chắn cái ông này là “sản phẩm” của “chế độ cũ”; ở miền Bắc XHCN còn lâu mới có mẫu người “hâm” thế này – Lòng tôi lấp ló chút “trịch thượng” của “người giải phóng” mà chợt nghĩ vậy! Nhiều năm sau này, và nhất là bây giờ, thì tôi xếp sự “kính nể” người phu cạo rỉ sắt (chắc chắn cụ đã sang “Thế giới Người Hiền” rồi) cùng sự nể phục như với ông Kerry.
3 nhận xét:
Ấy là văn hóa, ấy là nhân bản, là trách nhiệm của 1 công dân với XH và công việc. Đừng bao giờ nghĩ con người và sản phẩm của CNTB là xấu.
Càng thấy nhận xét"đôi mắt mang hình viên đạn" là"tối kỵ" trong đối ngoại của vị dư luận viên nào đó là lố bịch và sặc mùi TQ .Ngoại giao là cuộc sống,đa dạng như chính cuộc sống,từ galant như Kerry,quyết liết như Lê Duc Thọ,thô bạo như Khrupsov cởi giày gõ lên diễn dàn LHQ...
Việc làm hay phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người... Nếu BT Ngoại giao của ta kéo ghế cho BT ngoại giao TQ trong cuộc họp khi họ đang ngang ngược xâm lấn ta thì chẳng có gì là tốt đẹp, là văn hóa hết, và chắc chắn làm nhân dân nước ta phẫn nộ, kẻ địch khinh thường.
Đăng nhận xét