Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN BỊ BẮN TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (ST: Trần Đình)

 Ngày 8-9-2014 tại Hà nội đã mở triển lãm chuyện đề „Cải cách ruộng đất 1946-1957“.
Triển lãm đã nêu bật những thắng lợi to lớn của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu  „ Người cày có ruộng, dành ruộng đất từ tay giai cấp địa chủ  chia  cho nông dân „ đồng thời tại cuộc triển lãm cũng có nêu những hình ảnh, tài liệu nhắc đến  sai lầm đã mắc phải trong quá trình thực hiện cuộc Cách mạng ruộng đất ở nông thôn những năm 1946-1957 và những khắc phục hậu quả  của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn sửa sai.      

Dấu chấm dứt thành dấu chấm lửng? 

Bà Nguyễn Thị Năm

Bút tích của ông Lê Đức Thọ.


                                                                                                                                
                                                         

                                                
                               Bút tích trong tờ giấy nhỏ, viết tay của ông Lê Đức Thọ
Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội ngày 28-1-1987
Nhà ngoại giao nguyên thư ký của ông Lê Đức Thọ là Lưu văn Lợi thoáng nhắc về những năm xa xưa. Những Võ Nguyên Giáp Trường Chinh, Lê Đức Thọ Hoàng Quốc Việt cùng nhiều yếu nhân của Đảng và Mặt trận Việt Minh từng qua lại được chở che ở ngôi biệt thự bề thế  ven hồ Thiền Quang. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại cũng những đáng bậc ấy cùng nhiều yếu nhân của Đảng và Chính phủ từng nhiều dịp tá túc qua lại ăn ở sinh hoạt tại khu đồn điền Đồng Bẩm vùng Thái Nguyên. Chủ những cơ ngơi biệt thự cùng khu đồn điền  Đồng Bẩm  là bà Nguyễn Thị Năm thường gọi là Cát Hanh Long, tên một hiệu buôn nổi tiếng ở cả Hà Nội và  Hải Phòng.
Ông Lưu Văn Lợi.


Vợ chồng ông Nguyễn Hanh.

Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Từng ủng hộ Việt Minh trước CM tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bẩy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần Lễ Vàng” ở Hải Phòng với hơn một trăm lạng vàng.
Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy đối với một nữ nhi thường tình là bà đã ngồi trên chiếc xe ô tô riêng treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền! Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà trao chiếc búa cho đội tự vệ phá hoại để làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Sau đó bà là chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và khu đồn điền Đồng Bẩm từng nuôi ăn cho một trung đoàn vệ quốc quân trong một thời gian dài.
Phát súng đầu tiên của CCRĐ lại nhằm vào một phụ nữ. Người đó là bà Nguyễn Thị Năm.
Bà bị bắt bị đấu tố với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác
Bà bị sử bắn vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953. Khi bà vừa tuổi 47.
Lời chứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10-11-2001 có ghi : “Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng việc CCRĐ xử trí bà Nguyễn Thị Năm là một sai lầm”.
Văn bản của Ban tổ chức TW do Phó trưởng Ban Lê Huy Bảo ký thay Trưởng Ban Tổ chức. Văn bản số 213/TCTW. Hà Nội ngày 4-4-1987
Bà Nguyễn Thị Năm và các con.
Kính gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái. Trước đây bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long bị quy thành phần “Tư sản địa chủ cường hào gian ác” bị xử tử ở Thái Nguyên. Nay con bà Năm là 2 ông Nguyễn Hanh và Nguyễn Công ở số nhà 117 Hàng Bạ, Hà Nội gửi thư lên các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ đề nghị sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm.
Sau khi xem xét thư khiếu nại và các tài liệu xác nhận đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ thấy việc sửa lại quy định thành phần giai cấp cho bà Nguyễn Thị Năm là "tư sản, địa chủ kháng chiến” là đúng với thực tế đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ban Tổ chức TW Đảng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí có trách nhiệm thực hiện ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ.
Rất nhanh, UBND tỉnh Bắc Thái ngày 11-6-1987 có một Quyết định mang số 123/UBQĐ do ông Chủ tịch Đặng Quốc Tiến ký. QĐ ghi rõ Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long trước bị quy thành phần “ Tư sản, địa chủ cường hào, gian ác” nay sửa lại Thành phần giai cấp cho bà Nguyễn thị Năm  là “ Tư sản, địa chủ kháng chiến”
Việc sửa lại thành phần giai cấp có giá trị từ ngày có quyết định này.
Như vậy việc sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm theo chỉ đạo của ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ cùng Ban Tổ chức TW mới được thực hiện một nửa!

Dấu chấm hết vô tình thành dấu chấm… lửng?  Tan tác một mái ấm
                                                
                                                             

Vượt qua oan khuất của Cha Mẹ và bản thân, các con tìm lại mộ phần của Bà Năm

Nguyễn Hanh (con trai trưởng của Ông bà Hạnh Long ) đang ở Nam Ninh Trung Quốc. Ông là cán bộ chính trị cấp tiểu đoàn .Ông Hanh đang trong lớp chỉnh huấn, tiếp thụ kiến thức rèn cán chỉnh quân để sau này về truyền thụ lại cho đơn vị bộ đội của mình.
            
Một ngày tháng 6 năm 1953,  ông Nguyễn Hanh được chỉ thị về nước có lệnh gấp.  Tin tức về một cuộc cải cách ruộng đất trời long đất lở truyền sang Trung Quốc như truyền đi thông tin nông dân phấn khởi đang vùng lên đánh đổ địa chủ ác bá người cày có ruộng. Là một Đảng viên CS, Nguyễn Hanh không một chút mơ hồ nghi ngại… …Ông bàng hoàng  khi cánh cổng trại cải tạo Tuyên Quang  rộng mở.  Ông Hanh  nhận đời khổ sai, tù tội suốt hàng chục năm!
                                                                                                                        
Nguyễn Cát là con thứ hai của bà Năm. Khi hoạt động bí mật, ông có tên là Hoàng Công. Năm 1953, Ông Cát đang là Trung đoàn trưởng một trung đoàn chủ lực của sư đoàn 308.
Đơn vị ông Cát đang chỉnh quân chỉnh huấn chính trị tại Trung-Quốc, chuẩn bị cho chiến dich lớn Điện biên Phủ. Tuy cùng ở TQ nhưng hai anh em ông không có điều kiện gặp mặt nhau.
Từ Trung Quốc, Trung đoàn trưởng Nguyễn Cát bị dẫn ngay về nước và vào thẳng  một trại cải tạo ở Thái Nguyên. Mãi cuối năm 1956, ông mới được tha.  

Nhiều năm nhớ về Mẹ, chiểu theo nguyện vọng của  anh trai , vợ chồng ông Cát quyết tìm ra nơi chôn mộ mẹ. Ông bà đã tìm gặp và nhờ tới một số nhà ngoại cảm.
Mùa đông năm 1990, bà Diệp các con và gia đình ông Hanh lại lên Đồng Bẩm theo hướng dẫn bằng điện thoại của một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hà nội.
Quan sát thật kỹ, tốp người tìm mộ thấy thứ cây lá nhỏ cả khu vực này chỉ có một cây phượng?  Lại nữa, vị trí cây phượng lại rất gần cái nhà ở của đơn vị bộ đội đã tháo dỡ.
Đêm xuống, những lát cuốc  cần mẫn hối hả trong ánh sáng điện câu nhờ được dong từ xa…
Thời gian đã âm thầm bồi lắng lên lớp đất cũ nhiều lớp đất màu. Hết lớp đất mượn ấy, bất đồ một cậu giúp việc đang đào chân bỗng như hút xuống. Câu kêu lên thảng thốt Cụ ơi cụ đừng rút chân cháu …
Một cảnh tượng cảm động lộ dần trong âm thanh thút thít nức nở của con cháu bà Năm….
Từng ấy năm trôi qua. Áo quan không còn ván chỉ nhưng hàng đinh  đóng nắp vẫn còn.
Xương cốt hao đi nhiều, nhưng hoa cái ( đầu) vẫn còn đó, tại hộp sọ còn găm hai đầu đạn. Chiếc vòng ngọc thạch vẫn còn kia. Sau gần nửa thế kỷ chôn vùi, ngọc vẫn ánh lên lấp lánh.
Bà Cúc vợ ông Hanh cho hay sở dĩ chiếc vòng ấy còn vì bà Năm đeo từ hồi trẻ nó thít chặt vào cườm tay. Khi đấu tố có người đã cố rút ra để quy là tài sản quý ( kể cả những chiếc răng bịt vảng)  nhưng rút không được!


Không biết do anh linh của bà Năm phù hộ hay tại chỉ thị của ông Trường Chinh Lê Đức Thọ linh thiêng mà sau 6 năm, năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát  được công nhận là cán bộ  hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người  con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn, từ năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm!
Riêng Cụ Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long cho đến nay vẫn còn trong diện đợi trên xem xét!
Trên cao xanh kia, không biết cụ bà đã mỉm cười nơi chín suối được chưa khi mới đây có động thái duy nhất của chính quyền là hạ thành phần cho cụ từ tư sản địa chủ cường hào gian ác xuống tư sản địa chủ kháng chiến!


Chú thích thêm
Theo Hoàng Tùng viết trong cuốn hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ : Thấy cố vấn Trung quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh nói: "Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức !". Cũng theo hồi ký của Hoàng Tùng thì: "'Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải". Và họ cứ thế làm.'"
Trong hồi ký "Làm người là khó", Đoàn Duy Thành, phó thủ tướng giai đoạn 1982-1990 viết: "Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý "Chẳng lẽ Cải cách Ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao ?" Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung quốc và được cố vấn trả lời "Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả !" Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm".
                                             

                                                        

15 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Quá đau!

Nặc danh nói...

Thời cải cách ruộng đất mình đã 7-8 tuổi nên biết nhiều về các vụ đấu tố. Tuy bé nhưng với cái đầu khá sắc bén nên cũng đã thấy một phần "không ổn" theo cách lý giải của trẻ con. Hàng loạt câu hỏi đặt ra:
- Tại sao ông giáo Hưu nghèo rớt mùng tơi lại bị quy là địa chủ (không có ruộng sao lại địa chủ?)
- Sao nhà kia con tố cha, vợ tố chồng mất đạo đức đến thế?
- Sao địa chủ nào cũng là "cường hào, gian ác, đầu sỏ?" Trẻ em cũng hiểu chỉ có một người là đầu sỏ thôi chứ!
- Nghe bố mẹ nói là nhiều ông là cách mạng nòi, đi kháng chiến cũng bị xử, bị bắn.
- Trong đội ngũ thiếu niên tháng 8 rồi tiền phong gì đó mà cũng có "địch" và "phản động" VV....
Sau này mới biết trường hợp Bà Năm bị bắn thì không còn gì để nói về CM nữa. Dần dần đến các trường hợp Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ,.... đến Võ Nguyên Giáp mà cương thường khảng khái chút nũa thì chắc gì giữ được mạng mình. Ngày nay dân nghe hai từ CM và cải cách ruộng đất mà đổ mồ hôi. Dân tộc ta hào hùng bất khuất trước kẻ thù ngoại xâm bao nhiêu thì lại như rắn mồng năm trước "vua quan" có lẽ vì luật "tru di" hà khắc. Tiêu đề " Độc lập- Tự do - Hạnh phúc" mãi là khẩu hiệu và ước mơ!

TranKienQuoc nói...

Sau 1954, các cán bộ từ Nam bộ ra từng bị phê bình là không hiểu CCRĐ, địa chủ là gì.
Còn họ thì thắc mắc, trong Nam bộ, đã là địa chủ thì có ruộng thẳng cánh cò bay, hàng nghìn mẫu; chứ địa chủ ngoài Bắc có mấy sào cũng bị đấu tố.

Nặc danh nói...

Sao có thể chỉ bằng mấy câu thơ của ô LĐT mà có thể chấm dứt được đau khổ? Vó vẩn quá.
Mà sao cứ cun cut làm theo cố vấn thế nhỉ?

Nặc danh nói...

Như thế nhưng đên tận bây giờ vân có ke quyền cao chức trọng vân coi TQ là "tấm gương", "hình mẫu" về xây dưng CNXH để ép đảng và nhân dân nước ta đi theo. Thật sự họ muốn gì? Họ tin vào cái "tấm gương", "hình mẫu" này vì đầu óc quá u tối, hay vì dã tâm muốn tìm một chỗ dựa để củng cố quyền lực nhằm đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Dã tâm đó đã thể hiện qua hành vi của "đại úy Minh" đạp vào mặt người dân.

Nặc danh nói...

Tôi xin kể 1 kinh nghiệm cá nhân,quê tôi ở Lập Thạch,Vĩnh Phúc,đận cải cách ruộng đất (CCRĐ) tôi lên 5,bố và bác tôi đang ở đơn vị. Một hôm,đội CCRĐ súng ống ào ào kéo vào xóm tôi..chúng bắt ông nội-bà nội,ông ngoại-bà ngoại,mẹ tôi...đánh đập tàn nhẫn,có cụ chãy cả máu mũi máu đầu...Có mấy người đội nón rách,ko biết từ đâu đến,trỏ mặt ông bà tôi chửi "mày đã đánh tao,cướp của tao,hành hạ tao,còn nhớ ko?..." . Mẹ tôi bế em tôi mới mấy tháng tuổi bị chúng nhốt vào chuồng bò bỏ đói 5 ngày,em tôi khát sữa,ko còn khóc nổi nằm thoi thóp chờ chết. Một thằng đội kéo tai tôi sai : "lấy tao cốc nước" . Quê tôi uống chè xanh,ấm vỏ,ấm chè mấy ngày ko người thay nước nên đã nguội,lúc tôi rót vào cốc thủy tinh thì nổi bọt,thằng đội liền hắt chén nước vào mặt tôi chửi " DM,mày đái vào chén cho tao uống đấy à,ông là ông giết cả họ nhà mày" ...Tôi hãi quá,lẩn ra sau cột nhà nấp,may sao tối hôm ấy bố tôi và bác tôi từ đơn vị về,người chỉ huy cấp huyện của CCRĐ là người đc bố tôi giác ngộ kết nạp,nếu ko..em tôi chắc chắn đã chết,ông bà nội ngoại và mẹ tôi có thể cũng bị xử bắn.

Kể lại kỉ niệm đau buồn này,tôi ko muốn tham gia cái trò đấu tố lại những người đấu tố năm xưa,lịch sử thì đã qua,nhưng phải rút cho đc bài học lịch sử,đừng bao giờ để lập lại những tội ác đó nữa, ý tôi chỉ có vậy.
TẠ QUANG HUY K5.

Nặc danh nói...

Khong.lam theo no k vien tro.dieu kien tien quyet ma.Co van La Quy Ba da quyet xu ban,cu Ho cung chao thua

Unknown nói...

Bất cứ một công việc gì...mà lấy bọn ''lưu manh giả danh vô sản'' làm nòng cốt thì đều đưa đến các thảm họa như vầy!

Nặc danh nói...

Người ta triển lãm nhắc lại CCRĐ lần này có ý gì đây? Người ta làm gì cũng có dụng ý cả đấy. Thứ nhất có thể sẽ có cuộc chỉnh đốn như thời cái cách để bắn bỏ và loại trừ những "phần tử" không theo hay khuất phục TQ. Thứ hai nhắc lại CCRĐ để khơi lại cho dân nhớ những sai lầm của CS xưa kia mà liên tưởng tới thu hồi đất đai của dân phân cho các ông chủ giầu có ngày nay. Hình ảnh nông dân nghèo vẫn vậy mà dinh thự nhà giầu của quan CS thời nay gấp vạn lần địa chủ ngày xưa. Ý thứ hai khó xảy ra vì Bảo tàng lịch sử là của CS ta ai lại vạch áo cho người xem lưng. Dù sao với dân nghèo cũng là bài học.

Viên Thạch nói...

Nghe chú Tạ Quang Huy kể về CCRD rơi đúng vào gia đình mình mà thấy sợ thật.

Quang Vinh nói...

ND 18:20: Bạn nhìn cuộc sống qua tấm kính màu đen mất rồi. Người bị lừa lần đấu là nạn nhân đáng thương, nhưng vẫn để tiếp tục bị lừa thì chính là kẻ ngu ngốc đáng bị coi thường. Muốn có cuộc sống tươi đẹp thì chính mình phải dựng xây. DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG không phải là món quà của thượng đề ban tặng cho bất cứ một dân tộc nào mà chính người dân phải đấu tranh giành lấy.

Nặc danh nói...

CCRĐ là con đẻ của chủ nghĩa "MAOIS kết hợp CCVS"
Quá oan trái cho cụ Năm và quá đau xót cho các con cháu của cụ là những cán bộ trung kiên của CM

Nặc danh nói...

Xin góp một góc nhìn của người Nam Bộ về tấn bi kịch này.NB ruộng nhiều người thưa, nông dân có năm ba mẫu ruộng,cách đây 60 năm, rất nhiều, ng không có ruộng chưa chắc là nghèo mà nhiều khi đơn giản là vì không thích làm nông, theo chuẩn CCRD ngoài TW thì 80-90% nông dân là đối tượng của CCRD,miền nam lại là địa bàn sẽ nằm trong tay đối phương, nơi sắp diễn ra cuộc đấu tranh sinh tử, làm CCRD khác nào triệt cốt cán, phá cơ sở cách mạng. Tôi được biết là xứ ủy NB nhất là cụ Phạm Hùng và cụ Lê Duan chủ trương không áp dụng CCRD ở NB giai đoạn 53-54.
Về bản chất CCRD,nhiều lần tôi hỏi nhưng Ba tôi lờ đi, năm tôi 18 người nói đại ý chính quyền-quyền lực trong tay, làm gi chẳng được, đây là một cuộc thị uy nhỏ nhen của một cuộc khởi nghĩa nông dân sau khi chiến thắng, là năm 93 của cách mạng VN(năm 1893 cách mạng Pháp làm một cuộc LS gọi là"đại khủng bố").
Đến nay, dữ liệu nhiều hơn, tôi vẫn không thể hiểu nổi CCRD,cả LX,TQ,VN khi chưa hoặc vừa nắm chính quyền đều nêu"người cày có ruộng",phải "tước đoạt bọn tước đoạt""sắc lệnh số một là sắc lệnh ruộng đất",trước giờ các chiến sĩ Điện Biên xung phong, người ta nói"máu đổ tưới luống cầy",rồi CCRD-bên cạnh mặt tieu cực- đã chia đất cho nông dân thực hiện người cày có ruộng, đời sống miền bắc ấm no rõ rệt các năm 56-60(tôi còn nhớ bài thuộc lòng lớp 1:nong dân đã nói là làm \đã phát là động đã vùng là lên \dang tay ra đứng giữa đồng \bốn phương đất rộng là đồng của ta\trời cao đất rộng bao la\bốn phương đất rộng của ta ruộng đồng!.Đùng cái, cũng như LX,TQ gom hết ruộng đất đã chia cho nông dân vào các nông trang,công xã; nông dân ta chưa kịp sướng, chưa kịp mừng trên mảnh đất vừa được cắm sào, nói gì đến được"suy nghĩ trên mảnh đất của mình",thì đã bị thu hồi ruộng đất, gom vào các hợp tác xã, bắt đầu thời đi làm theo kẻng, dong công phóng điểm, mỗi người làm việc bằng hai-để cho chủ nhiệm mua đài mua xe, cuộc sống ngày càng xuống dốc, bần cùng, từ 60 thực phẩm ngày càng khan tại các chợ HN,tem phiếu ra đời...đến nay thì ruộng đất thì do nhà nước "thống nhất quản lí",có thể bị thu hồi, trưng mua rẻ mạt cho các nhóm lợi ích phóng dự án, nông dân thực chất đã bị truất quyền sở hữu ruộng đất.Vấn đề lý luận đặt ra và không có lời giải là vì sao CNCS,CNXH,từ LX,TQ đến VN ban sơ đều nói mục đích của cách mạng là dân cày có ruộng, phải CCRD(tạm chưa nói đến tự do,dân chủ, xoá bỏ áp bức bóc lột ở đây), mà khi đã nắm quyền lực đầy đủ trong tay, thì lại thu hồi ruộng đất của dân? Đâu rồi cái thành tựu của cuộc cách mạng ruộng đất "long trời lở đất"?Cách mạng sao lại sinh ra một bọn cường hào ác bá gấp "triệu lần" xưa, giàu có xa xỉ hoang dâm vô độ gấp"triệu lần"xưa; một tầng lớp dân oan cực khổ còn hơn trước CCRD?tôi càng suy nghĩ càng không hiểu nổi CCRD...
Mấy hiểu biết tản mạn của tôi về CCRD:
-Bac Hồ than"đã bảo chờ đánh pháp cho xong rồi hẵng làm, mà họ cứ ép làm cho được, bây giờ ra thế này..."
-Bác không đồng ý bắn bà Năm, cố vấn La Quý Ba bảo"hổ đực hổ cái đều ăn thịt người",Bác đành nói"tôi không đồng ý nhưng đành phải phục tùng đa số",sau khi bà Năm bị bắn một ngày, báo nhân dân đăng bài"bọn địa chủ ác ghê"nói bà Năm đã giết 282nông dân, phu đồn điền bằng những hình thức dã man,của tác giả C.B mà người ta cho là của Bác Hồ.
-tac giả Trần Đĩnh trong Đèn Cù có nhắc lời của 1anh bộ đội, sau khi bà Năm bị bắn, kéo xác bà bỏ vào quan tài, nhưng bỏ không lọt nên anh và một đồng chí nữa leo lên cái xác dậm mạnh cho đến khi nghe đánh"cốp"cái xác mới lọt vào,máu tràn ra dưới đáy quan tài...
-Khi những du kích, bộ đội được lựa chọn từ thành phần cốt cán, được bồi dưỡng nhận thức tư tưởng, chí căm thù, dể đưa vào các đội CCRD,dể đi bắt, tra khảo, bắn giết "cường hào ác bá";họ tin sắt đá rằng mình đang làm cách mạng, đang tieu diệt"kẻ thù giai cấp".có gì rất giống giữa những người việt đó với bọn Hồng vệ binh,các chiến sĩ NKVD của Stalin trong các Gulac,với những tên đồ tể khơ me đỏ của PônPôt không?

TranKienQuoc nói...

Có khác gì Đại CMVH vô sản ở TQ đâu? Con giết cha, trò đấu tố thầy... Kinh!

Nặc danh nói...

Sai lầm, hay đúng ra phải nói là tội lỗi đã xảy ra, thực sự nhiều người trong chúng ta đã biết từ rất lâu, trước khi nó được công khai. Nhưng cái chính yếu là làm sao cho nó không thể xảy ra dù dưới bất kỳ hình thức nào, mức độ nào. Chuyện vua lốp Chuẩn, chuyện vụ án oan ông Chẫn, vụ bảy người Vị Thanh, vụ cái chết của anh Nhựt, vụ kỳ án vườn mít.... và cao hơn nhiều, đau hơn nhiều, xúc phạm người dân hơn nhiều như vụ T4. Ai là kẻ tội phạm, ai phải chịu trách nhiệm để những điều oan ức xảy ra, ai muốn tham gia đấu tranh bảo vệ công lý, ai sợ hãi tránh né chỉ mong yên thân??? Giặc nội xâm tàn bạo, hiểm nguy, ác độc không kém giặc ngoại xâm. Nhìn những bậc tiền bối của CM TQ chết trong các cuộc đấu tố, thanh trừng ta càng hiểu cái "hình mẫu" này đáng kinh tởm như thế nào.