Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Tôi phấn đấu vào Đảng (tiếp theo và hết) (Đỗ Thành Hưng)

HÁT KHÚC KHẢI HOÀN

Hoàn thành nhiệm vụ
Chúng tôi tiếp tục hành quân và sửa chữa hai xe tăng ở Ngọc Lạc, rồi hộ tống vào tới nông trường Đông Hiếu giao cho tiểu đoàn 1. Ở đây tôi gặp Vũ Trọng Thưởng, lái xe tải hồng hà, lính của C15 vận tải thuộc trung đoàn 201 của tôi. Thưởng và Minh cùng đại đội, Thưởng chở hậu cần tiếp tế cho tiểu đoàn 1, cũng vừa giao hàng xong. Biết chúng tôi quay ra, Thưởng xin nhập bọn để cùng về, tôi đồng ý ngay. Hoàn thành nhiệm vụ, lòng tôi vui sướng nhẹ lâng lâng, mọi sự tốt đẹp phía trước như sáng loá trong tôi.


Qua tiếp xúc, tôi biết Thưởng là một lái xe có học thức, yêu văn thơ, vui tính, dí dỏm, tháo vát nên tôi rất có cảm tình với cậu ta. Tôi ngồi xe của Thưởng, hai anh em thay nhau lái. Về tới Cẩm Thuỷ, tôi lại cho anh em vào nghỉ ở trường cấp một Cẩm Thuỷ. Khỏi cần nói, mấy cô giáo vui mừng đón bọn tôi như người thân trở về. Các cô xúm xít giúp chúng tôi nấu cơm. Biết là bữa cơm chia tay để bọn tôi về đơn vị, các cô góp gạo nấu cơm chung, vừa chuẩn bị đồ ăn thức uống, vừa chuyện trò rôm rả. Tôi cho anh em lấy thêm một số thực phẩm hộp để bữa ăn thêm thịnh soạn. Rồi chúng tôi chia tay các cô trong sự bịn rịn, lưu luyến. Không thể thiếu tiết mục trao gửi địa chỉ cho nhau và hẹn ngày gặp lại. Không nói các bạn cũng đặt câu hỏi vậy tôi có gì không?
Vâng! Tốp thợ và lái xe của tôi tuổi mới mười tám, mười chín, tình cảm của họ rất vô tư, trong sáng đúng nghĩa. Còn tôi với giác quan nhạy cảm của mình, tôi cũng nhận ra sự lưu luyến của các cô giáo tập trung vào viên chuẩn uý-kỹ sư-kẻng trai-thư sinh như Trung nói, đang ở độ tuổi 25. Nhưng tất cả cái tôi cần, rất cần là đối tượng Đảng! Tôi nén mình giữ hình ảnh đẹp trong mắt anh em: là một cán bộ vẹn tròn để họ là người tác động vào những cánh tay sẽ biểu quyết kết nạp tôi vào Đảng ngày mai.

Lại vô kỷ luật.
Sau bữa cơm chia tay, Thưởng nói với tôi: “Em muốn về qua nhà quá”.
“Ừ nhỉ! Hôm nay gần giữa tháng chín rồi, cũng ba tháng tôi không gặp mẹ và các em.”. Nỗi nhớ nhà dâng tràn trong tôi, tôi nảy ra ý sẽ cùng anh em tranh thủ về thăm nhà. Ý này được phát ra, anh em oà lên sung sướng và tán thưởng.
Thì ra “lòng vả cũng như lòng sung”! Tôi dặn dò anh em kế hoạch, lịch trình phải tuyệt đối tuân thủ, sống để bụng chết mang theo! Trên đường đi ra từ Đông Hiếu, Thưởng cho tôi biết cung đường cậu ta đi và toàn đi ngày, đêm nghỉ. Mà từ Cẩm Thuỷ vào Đông Hiếu, tôi cũng toàn đi ban ngày rồi. Thì ra những chỉ bảo của trung uý Phụ chỉ còn là chuyện hài hước trong tôi! Chia tay các cô giáo, chúng tôi hướng phía thành nhà Hồ, Nho Quan, Ninh Bình, Thường Tín theo cung đường của Thưởng đã đi. Về tới đầu làng, tôi lựa chỗ giấu xe. Các em tôi rồi lũ trẻ trong làng ùa ra đón. Chúng chỉ trỏ, líu lo, trầm trồ về hai cái ô tô to quá! Tôi cho anh em nguỵ trang xe rồi vào nhà. Lúc quay lại, tôi thấy mẹ tôi đứng phía xa nhìn bọn tôi. Tôi hiểu bà đang nghĩ gì. Hẳn là bà tự hào hạnh phúc lắm, đứa con trai của bà đã trưởng thành, dù bà chẳng biết tôi chức vụ gì. Chỉ biết nó là sĩ quan, hôm nay đi hai chiếc ô tô lớn về nhà, có cả chục lính đi theo, một điều “thủ trưởng”, hai điều “thủ trưởng”!.
Sau khi nghỉ ngơi, chẳng ai muốn ở lại ăn cơm và đồng loạt vác ba lô chào mẹ con tôi rồi ra đường 1 vẫy xe, tuỳ nghi di tản.
Tối ấy, mẹ tôi tâm sự về việc bà muốn có cháu nội, tôi nhận ra trong giọng nói của bà có gì đó nghèn nghẹn, chân tình. Chắc mẹ tôi có linh cảm một ngày không xa tôi lại đi B như bố. Tôi thầm nghĩ: “Mẹ ơi, mẹ nói chuyện cháu nội bây giờ là chưa đúng lúc rồi!”. Tôi lựa lời an ủi và hứa sẽ làm theo ý mẹ ở một thời điểm khác.
Những cảm xúc thân thương của tôi khi gặp lại mẹ và các em lắng xuống. Đêm nằm suy nghĩ tôi giật mình, cung đường đi dù có chuyện gì cũng không sợ, nhưng chín thằng lính, mỗi thằng đi một nơi, ngộ nhỡ có chuyện gì làm sao tôi tìm được?. Mỗi lần nghe tiếng bom từ xa vọng về là tôi lại giật mình thon thót.
Tám ngày cho lính trốn về là tám ngày trong lòng tôi bồn chồn lo lắng không nguôi. Tôi mong từng ngày trôi qua nhanh, không còn muốn đi thăm bạn bè thân thuộc. Bà con xóm làng tới chơi, hỏi thăm, tôi phải tươi cười đón tiếp mà trong lòng nặng trĩu lo âu, đúng với câu Kiều: “Vui thời vui gượng kẻo là”.
Bảy tháng trời ép mình phấn đấu của tôi có bị đe doạ gì không? Chẳng lẽ trồng cây sắp đến ngày hái quả thì lại đi đứt hay sao? Tôi đã quên mất lời tự hứa với mình ở lần trốn trước. Đúng là “chẳng cái dại nào giống cái dại nào!”.
Ngày hẹn đã tới, một em, rồi hai, ba em đã về đúng hẹn. Chờ mãi tới tám giờ tối, em cuối cùng có mặt, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mẹ tôi nấu cơm sẵn, em nào tới thì ăn. Sáng hôm sau chúng tôi về đơn vị mà trong lòng tôi thư thái lạ thường, trên đường đi vừa lái xe tôi vừa hát:
-         “Xe ta bon bon trên đường, lòng vui như mở hội”…

BƯỚC NGOẶT BẤT NGỜ- MỘT DẤU ẤN KHÔNG PHAI
Về đơn vị, tôi lại lao vào công việc với thái độ rất nghiêm túc, khiêm nhường. Một lần làm việc ở xưởng với anh Hởi (anh Hởi là cán bộ trung đội nhưng là cấp ủy viên), anh khen quê tôi đẹp quá! Giật thót, lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi:
-         Tôi nhiều quê lắm đấy! Anh nói tới quê nào?
-         Thì Khoái Châu của anh phong cảnh đẹp quá còn gì?
Nén cái thở phào, tôi hiểu anh đã về quê gốc của tôi để thẩm tra lý lịch, mà lý lịch của tôi thì quá “đỏ” rồi! Tôi tưởng anh về Thường Tín lỡ lộ chuyện hồi tháng sáu tôi lái xe trốn về nhà một đêm, một ngày thì toi! Tôi lảng sang chuyện khác. Vậy là việc vào Đảng của tôi đã trong tầm tay!
Khoảng đầu tháng mười, tin chính thức là trung Đoàn 201 sẽ tách ra thành trung đoàn 201B để đi B. Đương nhiên đại đội 11 của tôi cũng tách ra thành đại đội 11B.
Râm ran tin đồn đoán trong đại đội ai đi, ai ở. Chủ yếu là cán bộ từ trung đội trở lên. Tôi chỉ nghe, không tham gia dự đoán để tránh có gì sai sót trong phát ngôn. Tôi dự đoán thầm: “đại đội có hai kỹ sư thì chắc chắn có một người đi. Hồ Tiến đi là cái chắc và hợp lý nhất vì anh là Đảng viên lâu năm, đồng thời sẽ lên cấp trưởng là thuận tình. Tôi thì không thể đi được vì chưa phải Đảng viên, phải tháng 3 năm tới tôi mới đủ một năm để được kết nạp Đảng cơ mà! Cũng không thể có kỹ thuật viên vượt cấp lên thẳng đại đội trưởng được. Vì vậy, chuyện đi B tôi bình chân như vại với dự đoán của mình.
Khoảng giữa tháng mười, tôi nhận được quyết định thiếu uý. Cầm quyết định tôi có vui vui nhưng không trọn vẹn bởi vẫn là thiếu uy-Đoàn viên. Cái danh Đoàn viên đối với tôi lúc này sao gợi một sự nặng nề khủng khiếp, một cái danh tôi đang lẩn trốn, nếu không muốn nói nó là cái án của một thời trai trẻ vô tư, nghĩ suy nông cạn của tôi.
Thời gian này có thiếu uý Đặng Đức Sỹ được bổ sung về làm chính trị viên đại đội.
Rồi một ngày giữa tháng 11, tôi được triệu tập lên hội trường họp. Tại đây có đầy đủ BCH đại đội, trung đội, cấp trên có chủ nhiệm chính trị thay mặt trung đoàn. Sau những câu chuyện rôm rả, cuộc họp bắt đầu. Đồng chí chủ nhiệm chính trị đọc quyết định thành lập đại đội 11B…
Phần cán bộ được bổ nhiệm:
-         Đại đội trưởng: thiếu uý Đỗ Thành Hưng…
-         Chính trị viên đại đội: thiếu uý Đặng Đức Sỹ…
-         
Dù nằm ngoài dự đoán nhưng trong lòng tôi rộn lên sự vui sướng tột cùng. Tôi phải cố kìm lại cảm xúc của mình. Vậy là tôi được vào Đảng rồi. Vâng! Đây mới là tháng thứ 9 sau khi về đơn vị. Nhưng không thể có một đại đội trưởng là Đoàn viên! Càng không thể có chuyện “cánh tay phải” lại cầm cờ dẫn dắt Đảng viên ra trận được! Tôi nhủ thầm: “từ hôm nay tôi làm việc với tư cách là một đại đội trưởng-chờ kết nạp Đảng!”. Đúng như tôi dự đoán, hai ngày sau, ban chấp hành chi đoàn họp. Rồi chi bộ họp, dù không được dự nhưng tôi thừa biết có nội dung về việc kết nạp Đảng của tôi.
Tôi và anh Sỹ lao vào công việc chuẩn bị: kỹ thuật, xe cộ, phụ tùng, quân trang, quân dụng, quân số sao cho xong trước ngày 10/12. Tôi không kịp về từ biệt mẹ và các em. Vậy là linh cảm của mẹ tôi là quá đúng. Tôi đành lỗi hẹn với bà về chuyện cháu nội, nếu tôi có bề gì nơi lửa đạn…
Nhưng thôi, cũng an ủi được phần nào, mới chín tháng mà tôi đã hai lần chủ mưu, cầm đầu, tổ chức cùng lính trốn về với ngót nghét cả chục ngày chứ có ít đâu. Vậy cũng là quá siêu rồi còn gì! Chắc cũng không hổ danh “học sinh trường Trỗi”!. Sự việc này được anh em giữ bí mật tuyệt đối cho tôi. Thế mới biết: “Ý quan, lòng lính” khi đã gặp nhau thì mọi điều đều: “Xuôi chèo mát mái”!.
Sáng ngày 15/12/1972, tôi hoàn tất nốt vài việc vặt chưa xong, thấy phía hội trường có mấy anh em ra vào có vẻ tất bật, nghi nghi… Giả bộ có việc đi qua hội trường, liếc vào thấy treo cờ búa Liềm, bàn thờ Tổ quốc, trong đầu tôi reo lên: “Rồi!”... Lạnh lùng tôi đi qua mà trong lòng lâng lâng rạo rực. Trưa đó, tôi không ngủ được, kẻng báo thức chưa điểm, tôi đã quần áo chỉnh tề ngồi bên bàn giả vờ làm việc và chờ đợi. Quả nhiên liên lạc đại đội tới mời tôi lên hội trường họp chi bộ. Tôi hiểu đây là ngày mong đợi suốt chín tháng qua, không thể ngờ nó đến sớm vậy.
Ngày 15/12 sẽ là ngày chính thức tôi thoát khỏi cái thảm hoạ tinh thần quá tồi tệ đã đè nặng lên tâm tư mà khi ở trường tôi chưa bao giờ nghĩ tới, mà không thể nghĩ tới có hoàn cảnh oái oăm này.
Ngày 15/12 là một dấu ấn không phai trong tôi!
Người giới thiệu tôi vào Đảng là ban chấp hành chi đoàn và thiếu uý Đặng Đức Sỹ. Vậy là tôi về đơn vị mới có chín tháng thì vào Đảng. Anh Sỹ mới ở với tôi hơn một tháng sao đã được giới thiệu tôi vào Đảng? Tất cả phải một năm trở lên cơ mà? Ấy là nghĩ thầm trong bụng chứ "cá vào ao ai người ấy được", dại gì mà thắc mắc để “lạy ông tôi ở bụi này”!
19/12 - ngày lên đường đi B, trước giờ “G”, ăn mặc chỉnh tề: xắc cốt, súng ngắn, giày đen, mũ tai bèo, tôi qua chào mấy anh ở BCH đại đội cũ. Gặp Hồ Tiến, tôi đứng nghiêm giơ tay chào và dõng dạc:
-         Tôi: thiếu uý Đỗ Thành Hưng - đại đội trưởng đại đội 11B. Xin chào tạm biệt thiếu uý-đại đội phó Hồ Tiến (tôi nhấn mạnh cụm từ “đại đội phó”).
Tiến cười, nắm tay tôi và chúng tôi chúc tụng nhau hẹn ngày gặp lại. Tôi cố ý chào như vậy để ngầm nói với Hồ Tiến rằng: “Hồ Tiến ơi! Hồ Tiến! Tôi đã đuổi kịp mà còn vượt anh nữa đấy! Nay tôi đã là đại đội trưởng trước anh rồi”! Không biết Hồ Tiến có hiểu ý của tôi hay không…? Bây giờ nghĩ lại: đấy, tuổi trẻ khi xác định được mục tiêu cụ thể cho mình sẽ có sức bật mạnh mẽ để vươn tới, nhưng không tránh khỏi những sai sót và hiếu thắng bộc phát của mình.
19h30, từ Xuân Mai, chúng tôi từ biệt miền Bắc, từ biệt Thủ đô, khi cả Hà Nội đêm thứ hai đang rực trời cháy đỏ…


PHẦN KẾT-GẶP LẠI BẠN BÈ
Vào tới chiến trường, tôi tiếp tục làm đại đội trưởng đại đội sửa chữa tăng thiết giáp của đoàn thiết giáp Đông Nam bộ, phiên hiệu là M26. Ngày 15/9/1973, tôi được chuyển Đảng chính thức. Nhiệm kỳ 1974, tôi được chi bộ bầu vào cấp uỷ. Nhiệm kì 1975, tôi được tái cử cấp uỷ, kiêm phó bí thư chi bộ.
Sau ngày 30/4/1975, có điều kiện, tôi nháo nhác tìm lại bạn bè và gặp được Huỳnh Quang Tự, anh Thể (lớp chuyên tu), anh Lương Văn Cao, Lê Tùng Sơn, Trần Phượng và nhiều anh khác.
Một ngày tháng 6/1975, Lê Công Sơn đột ngột xuất hiện sừng sững trước mặt tôi. Tôi còn đang ngỡ ngàng về cuộc hội ngộ này thì hắn vồ lấy tay tôi bóp thật mạnh. Tôi hơi nhăn mặt mà không dám kêu đau. Hắn chẳng cần thủ tục xã giao thông thường, không thèm hỏi thăm sức khoẻ tôi ra sao? Có thương tật gì không? Miệng hắn nở nụ cười hết cỡ, mắt mở to nhìn thẳng vào mặt tôi nói như quát:
-         Mày đã là cấp uỷ, bí thư chi bộ rồi phải không?
Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi của hắn, tôi cười pha chút sượng sùng như người biết lỗi và trả lời Sơn như tâm sự:
-         Ngày ra trường, tao biết mày có ý giận tao về việc phấn đấu, tao cũng mặc cảm vì thua kém mày, chứ biết sau ba năm tao cũng là cấp uỷ, phó bí thư chi bộ thì tao đã nhờ mày bắn tin để tao ngỏ lời với cô bé lớp mười, em gái mày từ ngày ấy. Bây giờ thì muộn rồi phải không Sơn?
Sơn xúc động, giọng chùng xuống chậm rãi:
-         Ừ… muộn mất rồi!
Chúng tôi ôm chặt lấy nhau hồi lâu. Trong lòng tôi dâng trào cảm xúc vui buồn. Nói ra được điều thầm kín mình ôm ấp bấy lâu với Sơn, tôi thấy lòng mình nhẹ đi dù là quá muộn.
Lê Công Sơn, một thằng bạn chân thành, dù xa nhau nhưng luôn quan tâm theo dõi sự trưởng thành, tiến bộ của tôi. Giá như… giá như ngày đó tôi nghe và theo gương Sơn phấn đấu tốt hơn, có khi tôi và Sơn giờ đây, ngoài tình bạn còn có tình thân thiết khác…
Sài Gòn 17/07/2013
Đỗ Thành Hưng- B5 –C213

Sđt: 0908106399

9 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Rất lính và rất Trỗi!
Anh Hưng nhắc lại cả những người quen (anh Công Sơn) giờ đã ở nơi xa lắm.

TranKienQuoc nói...

Hưởng ứng bài viết Vào Đảng của anh Đỗ Thành Hưng

Ngày lên trường Quân sự, cánh Trỗi, cánh HN tay nào cũng lười học, hay bỏ học đi quán bà Bệt nhưng điểm thi toàn khá giỏi, lại chơi văn nghệ, thể thao khá, đóng góp cho hoạt động phong trào. Riêng cánh lính già bỏ học đã lâu, lại ở đơn vị chiến đấu suốt nên học hành nghe chừng kém. Tuy lớn tuổi hơn nhưng họ cũng không quý mấy thằng ta.
Cũng vì học tốt và hoạt động phong trào tốt mà mình cũng thành 'đối tượng' kết nạp của Đảng. Lúc đó đã vào học năm thứ 3. Tuy nhiên cái tính nghịch ngợm của mấy thằng lính trẻ HN sao mà bỏ được.
Lần nào 'được phép lên bờ' (về HN - chúng tôi gọi là thế!) thì thể nào cũng phải trốn vé và nhảy tầu ở ga Trần Phú, Điện Biên, Nguyễn Thái Học... (tầu đang chạy chậm vào ga thì nhảy xuống). Rồi hỉ hả đi về nhà.
Chuyện sửa vé cũ (tẩy xóa, viết lại) thành vé mới là thường tình và đã nhiều lần thoát. Vậy mà có lần đang xếp hàng ra ga, khi đưa vé thấy nhân viên soát vé liếc qua, phát hiện ra vé rổm. Anh ta đứng trên bục cao, hô lên và định tóm lấy đầu tôi thì mình đã nhanh tay giật chiếc mũ mềm trên đầu rồi ngồi thụp xuống, chui biến ra cửa, chạy 1 mạch.
Khi trả phép, những chuyện vui dọc đường hay được anh em chia sẻ trước khi đi ngủ. Ai dè mấy bác lính già nghe được, họ tỏ vẻ khó chịu. Dịp đó xét đối tượng, họ lắc đầu: "Bây giờ cậu ấy mới lấy chiếc vé tầu, sau này ra trường phụ trách 1 kho thì sẽ lấy cả kho à? Chưa kết nạp được". Vì thế mà tôi bị phanh lại tới 2 năm dù học hành càng ngày càng tốt hơn.
Tận ngày 3/2/1975 mới được kết nạp. Chuyện vui xin kể.
Đúng là có là gì chăng nữa thì mình phải là mình!

Nặc danh nói...

Lúc đó mừng là được vào Đảng, còn bây giờ mừng là ko còn phải sinh hoạt Đảng để "phê và tự phê" nữa.

QV nói...

Rất hay. Anh Hưng viết nữa đi. Giờ còn SH Đảng ko?

TranKienQuoc nói...

Mình bỏ sinh hoạt đã 24 năm. Bà già khi đó còn sống đã thắc mắc thì được ông con trả lời: "Mẹ có nghe các anh ở quê lên nói giờ Thái Bình có cường hào mới mà toàn là đảng viên. Còn ngay ở quán nhà cô Hiên nghèo, thế mà bọn CA, cán bộ đảng viên phường cứ ra ăn uống rồi cắp đít đứng dậy, không thèm trả tiền. Chả lẽ con lại giống chúng nó?". Trước khi đi xa, bà bảo: "Thôi, khi nào thấy Đảng tốt thì chúng mày sinh hoạt trở lại".
(Cụ là đảng viên từ 1939 đấy, khi mất 1993 đã 54 tuổi đảng).

Nặc danh nói...

Dat Ho Ba Nói chung tất cả các lính cũ và các thủ trưởng quê ở nông thôn đa số văn hoá thấp (trừ thủ trưởng gốc thành phố) không thích lính thành phố vì họ học cao hơn,nhiều trò nghịch tinh và ưa tự do.Nhưng đổi lại họ có nhiều tài lẻ mà ở đơn vị không thể không có là văn ,thể ,mĩ.Nên ghét mà vẫn phải nể.Chỉ có một cách kìm hãm họ là vào đoàn và vào đảng.Em mãi đến 5 năm mới được vào đoàn khi mà đơn vị chuyển vào Nghệ An nơi mà lúc 1976 không có gì để chơi.Mặc dù chưa bao giờ bị kỷ luật!

NH nói...

Mình đi bộ đội 1966 khi 17 tuổi, 1967 đủ 18 tuổi thì kết nạp đảng. Lúc đó vào đảng để thể hiện là mình là người tốt, là tiên phong chứ đâu để thăng quan tiến chức. 40 năm trong đảng chống kẻ thù (Mỹ và phản động) thì ít mà chống tiêu cực thì nhiều (toàn cấp trên của mình "xấu xí" thế mới đau). Giờ giật mình thấy rằng cái lý tưởng mà người ta hướng cho mình vào tổ chức đã biến đâu sạch chỉ còn lại phe nhóm lợi ích mà thôi. May mà đã kịp thời xa lánh!

Viên Thạch nói...

Chuyện phấn đấu vào Đảng thời nào cũng vui. Chú KQ bị chậm 2 năm vì tấm vé tàu, cháu đây chậm 3 tháng vì tội không rửa ấm chén đúng giờ cơ!.

Viên Thạch nói...

Phải công nhận chuyện Thành Hưng kể hay thật. Thú vị và hấp dẫn!