Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Tôi phấn đấu vào Đảng (4) (Đỗ Thành Hưng)

TÔI ĐÓNG KỊCH - “DIỄN VIÊN BẤT ĐẮC DĨ”!
Miên man suy nghĩ rồi tôi mơ màng chợp mắt, bỗng nghe tiếng gọi: “anh Hưng! Anh Hưng!”. Tôi choàng dậy nhưng vẫn ngồi trên võng. Trước mặt tôi là một anh bộ đội, áo bỏ ngoài quần, không quân hàm, quân hiệu. Người đậm đậm, da ngăm đen, một chiếc răng vàng loé lên bên khoé mép. Nhìn tướng mạo, tôi đoán anh này xuất thân từ đồng ruộng. Hiểu được sự ngỡ ngàng của tôi, anh ta giới thiệu ngay:
-         Tôi là Trung- Nguyễn Như Trung, anh không biết tôi nhưng tôi biết anh.
Tôi hỏi lại:
-         Anh Trung biết tôi trong trường hợp nào? Tôi không nhớ.


Anh ta luyến thoắng:
-         Anh vào loại kẻng trai, thư sinh ở K2. Có cái đài Sony hai băng, đã vài lần tôi gặp anh sang lớp tôi thăm Tranh. Đặc biệt tôi nhớ cả họ tên anh, vì anh là một trong sáu người bảo vệ tốt nghiệp đầu tiên, làm mẫu cho toàn khóa rút kinh nghiệm. Tôi ở lớp 224, cũng học xe nên chen vào dự, nghe anh bảo vệ đồ án để rút kinh nghiệm đấy.
Tôi à một tiếng, đứng dậy bắt tay Trung như hai người bạn thân đã biết nhau từ trước.
-         Sao Trung biết tôi ở đây? Ông đang làm gì ở đây?- Tôi hỏi.
Chúng tôi bắt đầu xưng hô “ông và tôi”:
-         Tôi gặp mấy tay thợ của anh đang đi tìm xe tăng của tôi. Hỏi họ nên biết anh ở đây, tôi lại tìm anh.
(Tranh là bạn học của tôi hồi đầu cấp ba, trường Thường Tín. Tranh là lớp trưởng lớp 8A rồi 9A. Tôi là lớp trưởng lớp 8C rồi 9C. Hết lớp chín tôi vào trường Trỗi, Tranh đi bộ đội rồi mới vào học nên chậm hơn tôi một năm).
Vậy là người và xe cần tìm ở Cẩm Thuỷ đã đến tìm tôi. Sau hồi hàn huyên về học hành, nhà trường, bạn bè, tôi biết Trung cũng về trung đoàn 201, nhưng làm trợ lý kỹ thuật của tiểu đoàn 1, đang trên đường hành quân vào nông trường Đông Hiếu. Trung đã cùng kíp xe tự sửa chữa chiếc xe tăng rơi xuống sông Mã ở bến phà Cẩm Thuỷ này. Khoá 224 của Trung ra trường hơi gấp, không kịp làm đồ án tốt nghiệp. Học xong chương trình là phân về các đơn vị ngay, chưa kịp nhận quân hàm sĩ quan. Hình như đồng loạt nhận tạm quân hàm thượng sĩ.
Sau cùng tôi hỏi về việc xử lý chiếc xe tăng rơi xuống sông tới đâu. Trung cho biết đã xử lý xong, xe máy hoạt động bình thường, chờ qua phà là Trung lên xe đi tiếp.
-         Vậy bao giờ Trung cho xe qua phà?
Vẻ mặt hơi lúng túng và nghiêm trọng, Trung nói:
-         Sau khi hai xe tăng kéo được xe dưới sông lên, hai chiếc đó qua phà đi rồi. Xử lý xong chiếc xe này, tôi liên hệ với đại đội công binh, thằng cha đại đội trưởng công binh cứ lằng nhằng. Cáu tiết, tôi vặc nhau với hắn. Thế là hắn gây khó dễ, đã bốn ngày rồi, hắn bịa đủ lý do chưa chở xe tăng qua.
-         Vậy làm sao bây giờ?
Trung nhìn đôi giày da dưới chân tôi và hỏi:
-         Anh có xắc cốt, súng ngắn không?
-         Có!
-         Thế thì tốt rồi.- Trung xuống giọng.
-         Tôi và anh tới doạ nó!
Trung nói toàn bộ kịch bản mà Trung đã chuẩn bị cho tôi nghe:
-         Tôi giới thiệu anh là Thượng uý, trợ lý hành quân của BTL-TG, đi kiểm tra và đôn đốc hành quân theo lệnh của bộ tổng tham mưu! Nó cấp hàm thiếu uý, mình phải hơn nó vài cấp nó mới sợ.
-         Thế phải đóng kịch à? Mà lấy đâu ra quân hàm thượng uý bây giờ?
-         Thì phải vậy biết làm sao? Đi với ma thì phải mặc áo giấy mà!- Trung trả lời.
Rồi Trung gọi mấy thợ của tôi mượn quân hàm binh nhất, binh nhì của anh em. Chỉ một loáng, Trung đã biến quân hàm chuẩn uý của tôi thành quân hàm thượng uý xe tăng.
Tướng Lê Quang Đạo phong tôi chuẩn uý, nay thượng sĩ Nguyễn Như Trung phong tôi thượng uý! Rồi khuyến mãi luôn cả chức trợ lý hành quân của BLT-TG, mà tôi chẳng biết chức vụ này có thật hay không.
Chuẩn bị xong đạo cụ: quân hàm, xắc cốt, súng ngắn, giày da, với cái đài bán dẫn Sony hai băng trước bụng, chắc tôi lúc này ra dáng sĩ quan trung cấp lắm! Trung ngắm tôi và tủm tỉm cười:
-         Oách lắm! Rất đạt!
Trung vừa sửa lại tư thế chiếc đài bên bụng tôi, vừa lẩm bẩm không biết Trung nói với tôi hay tự nói với mình:
-         Súng ngắn, xắc cốt, giầy da, sỹ quan thằng nào chả có! Cái đài bán dẫn Sony chính hiệu con nai vàng này thì đích thị phải là sỹ quan trung cấp thứ thiệt rồi! Tào tháo cũng không dám nghi ngờ!
Chợt nhớ ra tôi hỏi Trung:
-         Thế họ hỏi giấy giới thiệu thì sao?
Trung hơi ngớ ra, sau một giây lúng túng, Trung chỉ vào ngực mình:
-         Đây! Giấy giới thiệu đây!
Thấy tôi chưa hiểu, Trung nói tiếp một cách tự tin:
-         Hắn mà nghe anh là thượng uý… theo lệnh của bộ tổng tham mưu là sợ rồi! Làm gì có chuyện cấp dưới hỏi giấy cấp trên mà lo!
Trung cũng sửa lại quân phục, không đeo quân hàm và dẫn tôi đi. Trung dặn đi dặn lại là “Ông nói đúng như thế nhé, còn lại tuỳ cơ ứng biến. À mà ông nói sao thì nói, tôi đã doạ nó: tôi là trung uý, tiểu đoàn phó xe tăng rồi đấy! Chớ hớ hênh để lộ là nguy!”. Thì ra vậy, nên Trung phong tôi là thượng uý!
Trung hơn tôi một hoặc hai tuổi, do va chạm nhiều nên anh ta có nhiều mưu mẹo, nói năng lưu loát. Từ bé, tôi có đóng kịch bao giờ đâu, nay phải làm diễn viên thật ngoài đời, thực sự là oái oăm. Để được việc, tôi đành làm theo đạo diễn của Trung.
Vào nhà tay đại đội trưởng công binh, Trung đi trước ra vẻ khúm núm một chút. Bước vào nhà tôi đảo nhanh quan sát người tôi sắp đối diện. Anh ta cũng tầm thước, kiểu người xuất thân từ đồng ruộng, dáng vẻ hiền lành, cũng cỡ tuổi như Trung.
Sau lời giới thiệu của Trung về anh ta với tôi và tôi với anh ta, tôi bắt chặt tay anh ta để gây thiện cảm. Anh ta mời tôi và Trung uống nước, quan sát thấy thái độ của anh ta có vẻ thân thiện, qua mấy câu xã giao, tôi cảm nhận được sự nể nang của anh ta trước cái quân hàm và chức vụ của tôi do Trung bịa ra. Tôi hỏi anh ta mấy câu có vẻ nhà quân sự: nào quy luật hoạt động của máy bay địch ở vùng này? Cường độ đánh bom ác liệt không? Lực lượng phòng không đánh trả ra sao? Anh em công binh của mình có tổn thất gì không?... và cuối cùng tôi đề nghị anh ta tổ chức cho chiếc xe tăng còn lại của đợt hành quân này qua sông Mã theo lệnh của bộ tổng tham mưu. Anh ta vui vẻ đồng ý và hẹn bảy giờ tối mai sẽ tổ chức đưa xe qua sông.
Tôi cảm ơn và bắt chặt tay anh ta một lần nữa rồi quay qua nói với Trung:
-         Đồng chí tiểu đoàn phó đưa tôi ra kiểm tra xe và thăm anh em. Nhân tiện xem bến phà một thể nhé.
Trung hơi cúi đầu:
-         Vâng ạ.
Anh ta tiễn chúng tôi ra cửa, vừa ra tới hiên nhà, Trung bung ra một tràng tiếng Nga, tôi hoảng hốt vì không có trong kịch bản. Chẳng biết Trung nói gì, nói đúng hay nói sai vì kết thúc môn tiếng Nga, vốn tiếng Nga của tôi thầy Thiệu đòi lại hết cả rồi!
Tôi kịp hiểu đây là cú đòn gió cuối cùng, Trung tung ra để doạ tay đại đội trưởng công binh: “bọn này là sĩ quan có đẳng cấp đấy! Nói tiếng Tây như gió! Thấy chưa? Hãy coi chừng!”.
Tôi nhìn Trung hơi cười và gật đầu ra vẻ cấp trên!
Về đến chỗ nghỉ, hai thằng nhìn nhau trợn mắt lên cười! Tôi bái phục Trung, hắn nghĩ ra kế sách quá hay, vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên. Tôi bất đắc dĩ đã đóng một vai kịch thành công!
Tôi hỏi Trung:
-         Ban nãy ông nói gì bằng tiếng Nga đấy?
Trung nhìn tôi cười hóm hỉnh:
-         Tôi nhớ được mấy từ chuyên môn: pít tông – thanh truyền – trục khuỷu - sản xuất tại Liên Xô, tôi ghép bừa vào nói cho oai mà! Tiếng Nga của tôi chắc chỉ đủ doạ trẻ con!
Nói rồi Trung cười tít mắt… Tôi cũng cười theo…
(Sau năm 1975, Trung lấy chị Tuỳ ở K bộ và tôi đã đến thăm nhà anh ở Đông Anh vào năm 2007).
Tôi cho tổ thợ kiểm tra lại xem Trung và kíp xe xử lý xe ngập nước có đúng quy trình không, có thiếu sót gì không, bảo đảm đi được cho chắc ăn.
Đêm nằm suy nghĩ: “Không ngờ cái đài Sony hai băng của tôi lại có nhiều tác dụng đến thế. Nhờ nó mà nhiều anh em ở khoa K2 biết tôi. Nay còn mang ra loè được cả thiên hạ mới ghê chứ!”.

TAI HOẠ BẤT NGỜ - CẢM TÌNH ĐẢNG CỦA TÔI SUÝT THEO DÒNG SÔNG MÃ
Theo đúng hợp đồng với tay đại đội trưởng công binh, tôi tiễn Trung và chiếc xe tăng xuống phà. Tôi cho anh em thợ nghỉ thêm một ngày, cũng là tạo cơ hội để trò chuyện, làm quen với mấy cô giáo ở trường cấp một Cẩm Thuỷ. Vả lại xe tăng đi hai đến ba ngày thì ô tô chỉ đi một ngày là đuổi kịp. Tối hôm sau nữa chia tay các cô giáo, chúng tôi lên đường.
Theo hợp đồng, sau khi công binh chuẩn bị phà xong, tôi vẫy Minh cho xe lên đầu dốc chờ hiệu lệnh của Công binh để xuống phà. Tôi và anh em thợ đi bộ. Xe vừa chạm đầu dốc thì nghe tiếng gọi “Minh! Minh!” rối rít. Minh nhận ra người quen nên vội dừng xe lại rồi nhảy xuống. Minh vừa đóng cửa xe thì chiếc xe từ từ chuyển động, cậu ta hoảng quá, nhảy ra đầu xe, lấy hai tay đẩy xe lại. Quá nguy hiểm, tôi lôi mạnh Minh sang phía tôi, xe cứ thế bò xuống phà với tốc độ nhanh dần. Tôi ngây người đứng nhìn chiếc xe công trình đang lao xuống dòng sông Mã. Dưới phà anh em công binh hốt hoảng la ó, chạy tứ tung để tránh chiếc xe. Trong đầu tôi thoáng qua một sự hoảng hốt: “Ôi! Cảm tình Đảng của tôi đang theo chiếc xe xuống dòng sông Mã mất rồi!”.
Tôi nói to: “Minh ơi, em hại anh rồi!”. Trong đầu tôi lại vang lên: “Không được để mất xe”, “thôi! Thế là hết!”.
Một tiếng “rầm!” lớn vang lên do chiếc xe lao xuống húc vào phà, đẩy phà ra xa cả mét. Rất may phà đã neo cột chặt, lực quán tính của xe không đủ sức làm đứt dây neo. Chiếc phà đã cản được xe lại, chỉ hai bánh trước bị ngập một nửa dưới nước. Hú hồn!
Tôi bình tĩnh lại, tai hoạ coi như đã qua. Cảm tình Đảng của tôi đã không lỡ bỏ tôi theo dòng sông Mã mà lại trở về với tôi rồi!
Thì ra khi Minh nhận được người quen, cậu ta dừng xe, lúc đó hai bánh trước đã ở tư thế xuống phà. Quá mừng Minh quên gài số lùi và kéo phanh tay mà nhảy xuống luôn nên xảy ra tai hoạ.
(Sau này Minh về cục quản lý xe, có thời kỳ ở đại diện phía Nam. Đầu năm 1983, gia đình ở khu tập thể cục Quản lý xe-Bưởi. Gần nhà Lê Công Sơn và thầy Bùi Thức Hưng).
Tôi tổ chức đưa xe lên bờ và quay lại trường cấp một Cẩm Thuỷ để hôm sau kiểm tra sửa chữa lại. Thấy chúng tôi quay lại, người đầy bùn đất, ướt sũng, mấy cô giáo vui mừng đón chúng tôi thân tình. Trong ánh mắt các cô ánh lên sự chia sẻ, thương cảm, trìu mến lẫn xót xa trước nỗi gian truân, vất vả của những người lính trong chiến tranh như chúng tôi.




4 nhận xét:

QV nói...

Bác Hưng này có năng khiếu văn, lại kể những chuyện có thực của chính mình nên rất hấp dẫn. Thế mà bây giờ mới xuất hiện trên Blog. Bác viết nữa đi nhé. ACE chờ đọc bác.

TranKienQuoc nói...

Chuyện thật bao giờ cũng hay.

Trần Đình Ngân nói...

Đọc 4 số "tự chuyện" của Đỗ Thành Hưng, cách viết hay, thực thì rõ nhưng cái quý là làm cho một thế hệ anh em, ai cũng thấy quá khứ có một phần kỷ niệm của mình trong đó.
Tôi nguyên là GV của Khoa TBCĐ (ĐHKTQS) thời Hưng là Sinh viên tại trường nhưng có thể là anh em cùng thời vì lớp Hưng tôi thân quen, mày tao với Nguyễn Đình Thắng, chơi cùng lứa Tùng Sơn, Bùi Nam, Khánh Tiệp. Trong hồi ký , Hưng nhắc đến những anh Thiết, anh Mô, hay thầy giáo Bùi Thức Hưng, chị Tùy, anh Thích...đều là các đổng ngũ ,đồng nghiệp với tôi ở "K bộ".
Tháng 8-2014 tại Berlin, có dịp được tiếp Bác Lê Phương Cảo thủ trưởng Khoa cũ của cả tôi và Hưng, tôi đã mở " Báo liếp" của TKQ để Bác Cảo đọc bài viết của Hưng. Đọc xong ba số đầu,bác Cảo bảo : Cậu Hưng nó viết thực và hay lắm. Cái đoạn mà Hưng kể tự học để sửa xe T55, T59, hay cái đoạn nó bảo khổ ngượng thế nào khi là " Kỷ sư-Sỹ quan-Cảm tình Đảng"...khó khăn một thời, nhưng cũng là kiêu hãnh, tự tin một thời của HS Trỗi, HS Đại học KTQS đấy! "Trao vào tay anh em chức chuẩn úy, thiếu uy, nó làm giỏi chức trách của mình, giá có trao cái gậy chỉ huy của một ông Tướng vào tay, lớp anh em này họ cũng vươn lên làm tốt!"
Bác Cảo có quá khen các học trò thời của mình, nhưng cũng phải thừa nhận, cái hãnh, cái sỹ COCC của Trỗi, ( Cứ như Hưng kể) nào có gì quá đáng đâu!(Trần Đình Ngân)

Nặc danh nói...

Tôi và NVĐ là hai người đầu tiên của c3 (một nửa của C213 sau khi xáp nhập)cùng có quyết định được kết nạp vào Đảng.Lễ tổ chức kết nạp cho NVĐ được thưc hiện vào đúng ngày 03-3-1968.Còn tôi, vì thành phần (của Bố) là "Tạch Tạch sè" (TTS)nên lùi ngày kết nạp vào 11-3 1968!
Thế là đã 46 năm Tuổi đảng. Nếu NHÂN THÊM HỆ SỐ nữa thì còn nhiều hơn!
...hanam@yahoo.com