Đỗ Trung Lai, học Vật lý, có thời gian giảng dạy tại Trường VHQĐ Lạng Sơn (1974-82). Từng công tác ở Báo QĐND (1982-2004), sau đó về Đài Tiếng nói VN tới 2006 anh nghỉ hưu. Anh giỏi Hán-Nôm (không qua trường lớp) và mê thơ Đường, từng dịch thơ Đỗ Phủ.
Mời cùng đọc tâm tư của anh trước sự kiện Giàn khoan 981 vào Biển Đông nước ta.
I
“Kiếp này
sao nhọc quá
Thân sầu
thành xương khô
Giặc mọc
như lông mọc
Chửa vui
lâu bao giờ!”(1)
Thơ tiên sinh như viết về nước Việt
Cả ngàn năm đầy giặc Hán, giặc Ngô(2)
“Đồng trụ chiết” thì “Giao Chỉ triệt”(3)
Tự ngàn xưa còn đau đến bây giờ!
II
Tiên sinh ạ! Nước Việt này là
thế
“Giặc mọc như lông mọc” suốt
bao đời
Giặc xé nát cảnh êm đềm Lạc
Việt
Cổ Loa thành, người Việt phải xây thôi!
Với Thành Ốc, với nỏ thần Cao
Lỗ
An Dương Vương thề kế nghiệp
Vua Hùng
Ngỡ bền vững muôn đời trời Âu
Lạc
Thì một ngày, lông ngỗng trắng
rưng rưng!
Lông ngỗng trắng, ngỡ tình yêu
trong trắng
“Giặc trong nhà” lần theo dấu
tin yêu!
Cha ngoái lại: “Mất thành, con phải chết!”
Gươm oan khiên, đau đớn dội
trăm chiều!
Biển nhận máu Mỵ Châu về luyện
ngọc
Ngọc từng viên vò hận. Cổ kim
ơi!
Sống cạnh “Thiên triều” không
thể ngây thơ được
Thần Kim Quy vuốt ngực trước
con người!
III
Giặc Hán đến giết chồng, đàn bà đành
ra trận
Sáu mươi lăm thành, sầm sập trống
đồng rung
Cột Mã Viện cắm vào lòng dân Việt
Biết chuyện này, Người liệu có thơ
không?
IV
Bà Triệu nước tôi bình Ngô mà tử trận
Đất Tùng Sơn đón ngọc bấy thu rồi(4)
“Đối diện Vương Bà nan - Hoành qua
đương hổ dị”(5)
Lời nước Người hay lời của dân tôi?
V
Rồi Lương tặc tự Nam Triều đổ xuống
Hãm Giao Châu trong thống khổ ê chề
Lý Giám quân đành từ quan xưng Đế (6)
Lầu Vạn Xuân như giấc mộng đêm hè!
VI
Lại Phương Bắc! Lại là từ Phương Bắc!
Xứ An Nam từ đó đọc thơ Đường(7)
Có phải bởi Đường thi đầy bóng giặc
Mà bên Người “xuất” bớt xuống Nam Phương?
“Chia để trị”- Việt thành bao châu huyện
Nước tôi như chiếc bánh của Đường triều!
Mai Hắc Đế, rồi Đại Vương Bố Cái
Phải dựng cờ đòi lại nước non yêu
Tôi đã dịch thơ Đường dư vạn khổ
Luật Đường thi thành thi luật nước tôi rồi
Những mùa thu trong thơ Đường đẹp thế
Mà giặc Đường làm hỏng những thu tôi!
VII
Đường triều mất, tiên sinh không còn nữa!
Những chuyện sau này, xin kể tiếp Người nghe:
Giặc Nam Hán sầm sầm sang đất Việt
Chuyện thế nào, xin hỏi Bạch Đằng kia!
Bạch Đằng giấu trong mình muôn cọc nhọn
Nên “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”(8)
Đến cọc gỗ cũng hóa thành dân Việt
Theo Ngô Quyền phá giặc trên sông!
VIII
Nam Hán chạy, Tống triều đưa sứ đến
Đinh Đế tôi ngậm ngải cống “Thiên triều”(9)
Nhận cống nạp, Tống triều còn chưa thỏa
Muốn nước này hơn chim chả, nhung hươu...!
Được một giáp, Tiên Hoàng tôi tạ thế
Đang thọ tang mà giặc Tống xông vào,
Theo Kinh Lễ, còn gì đau hơn nhỉ?
Lê Đại Hành đành phải ngự ngôi cao
Nước tôi nhỏ nhưng cầu hòa không được
Đành cùng nhau làm lại Bạch Đằng Giang
Hầu Nhân Bảo vào đây mà chết trận
Thêm một lần giặc đến rồi tan!
Tống phục hận, sai Quách Quỳ, Triệu Tiết
Mang đại binh hòng cướp nước tôi về
Lý Thường Kiệt phá tan tành giặc dữ
“Nam quốc sơn hà” làm theo kiểu Đường thi!
IX
Tiên sinh ạ! Rồi Trung Hoa mất nước!
Ngựa Nguyên - Mông tung vó vượt biên thùy
“Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thủy”
“Thiên thượng lai”(10)cuốn mọi
quốc gia đi!
Nước tôi nhỏ nhưng chúng tôi trụ được
Giặc Nguyên - Mông bảy đến, ba về!
Trần Hưng Đạo được đất này phong Thánh
Bao đền thờ dân dựng vẫn còn kia
“Ba bận chuyển nhà bằng một lần nhà cháy”
Trần triều tôi từng ba bận cháy nhà!
Trẻ chết đói trong những lần chạy giặc
Anh linh Người hẳn rất xót xa?(11)
Dâng Công chúa An Tư cho giặc dữ
Như Chiêu Quân nhà Hán cống sang Hồ(12)
Vào đất giặc, không ai quay về nữa
Nghe chuyện này, Người liệu có đề thơ?
Khi giết giặc, mắt người Nam không chớp
“Khắp toàn thân là đảm”(13) giữa
trận tiền
Lúc hóa Phật, “Như cám nằm đáy cối”(14)
Gặp thu lành, bên chén, đợi trăng lên
Vua ra trận, rồi vua thành Phật
Bên nước Người, chuyện ấy có hay chưa?
Thơ Người viết giống như người Việt nghĩ
Chỉ mong sao gươm giáo hóa cày bừa!(15)
X
Thơ là thế, nhưng đời đâu được thế
Minh thay Nguyên giày xéo nước non tôi
Lại phải nấu cày bừa làm gươm giáo
Đem mâm đồng, chuông, khánh đúc thần lôi!
Tiên sinh ạ! Mười năm trời kháng chiến
Bao nhiêu là vợ góa với con côi!
“Linh Sơn kia, lương cạn mấy tuần rồi
Này Khôi huyện, quân không một đội!”(16)
Thái Tổ nhà Lê, húy danh là Lợi
“Nếm mật nằm gai” đâu chỉ có hai năm!(17)
Thịt ngựa chiến cầm hơi, giết voi trận nuôi
quân
Khi thắng giặc, trả gươm về cõi khác
Tặng trăm thuyền cho hàng binh hồi quốc
Cấp ngựa đưa hai vạn lục quân về(18)
Tình hòa hiếu ngày đêm trau chuốt
Câu chuyện này, sử sách nước Người ghi.
Ngẫm tiên sinh: Chữ nghĩa thế kia
Khổ nhục một nia. Thương đời một kiếp
Nếu không có Ức Trai, chắc Người cũng viết
“Cáo bình Ngô”, như một bậc tu mi?
XI
Bên nước tiên sinh: Minh đổ, Mãn về
Tóc bện bím sau đầu đàn ông Hán!
Nhân Lê - Trịnh chợ chiều, đưa giặc đến
Đem “kẻ hèn nhất nước” trở về ngôi(19)
Nên Quang Trung Hoàng Đế nước tôi
Gác gia sự, xuất sư nhằm hướng Bắc
“Đánh một trận sạch không kình ngạc”(20)
Hoa đào bay, phấp phới chiến bào bay!
XII
Thanh chạy rồi thì lại đến giặc Tây
Tiên sinh ạ! Toàn tàu đồng súng thép
Mỗi hòa ước là một lần cắt đất
Cắt đất dâng người, thà cắt thịt da tôi!
Vua tôi nhục, bỏ thành đi chống giặc
Giặc bắt vua, đóng cũi lưu đầy
Những ai dám Cần Vương phục quốc
Bị bêu đầu cắt cổ chẳng ghê tay!
Đem một nước chia ba kỳ như bỡn
Ngai bù nhìn, hỏi nước có còn không?
Trung Hoa cũng bao lần vinh lộn nhục
Có thơ nào khóc Việt hộ tôi không?
XIII
Áo nhuộm máu, áo hóa thành cờ đỏ
Mơ tự do, tự do hóa sao vàng
Thu đại nghĩa, thu sao vàng cờ đỏ
Ngắm Cha già, cả dân tộc hân hoan!
Cả dân tộc theo Cha già kháng chiến
Chín năm ròng mới đến được Điện Biên
Hè năm ấy, có một rừng cờ trắng
Run rẩy hàng, khi cờ đỏ bay lên!
Tiên sinh ạ! Giá như Người còn thọ
Tôi sẽ đưa Người đến Điện Biên
Thăm chiến địa và thăm hầm Đại tướng
Biết nơi này, thơ ai cũng hay thêm
XIV
Nước hai nửa, còn chưa về một mối
Đền chửa xây xong đã gặp kẻ đốt đền
Thế là lại xuôi Nam ngược Bắc
Vốn “đồng bào”, mà hai phía - hai bên!
Hai chính thể, cờ không cùng một sắc
Đài hai miền, tiếng Việt ngược chiều nhau
Cha mẹ, anh em thành người hai chiến tuyến
Mấy chục năm ròng, càng nghĩ lại càng đau!
Tiên sinh ạ! Thế rồi thu xếp được
Càng đánh càng thua, Mỹ rút quân về
Mùa xuân nọ, cả hai miền nước Việt
Lại cùng nhau chung một bóng cờ!
Tiên sinh ạ! Thế rồi thu xếp được
Đau thương nhiều, người Việt vực nhau lên
Triệu người chết, triệu người mang thương tật
Chiến công nhiều, hạnh phúc chẳng nhiều thêm!
Hạnh phúc nào? Những thân tàn ma dại!
Đi-ô-xin âm ỉ giữa thai người
Bao dị dạng dưới trời Nam tàn úa
Một nhà đau, đau khắp cả giống nòi!
XV
Thế mà lúc chúng tôi đang dở việc
Thì có người sang cướp mất Hoàng Sa!
Tiên sinh nhỉ? Anh em nào lại thế?
Chỉ sớm chiều, tình nghĩa đã phôi pha!
Xong việc lớn, nước tôi còn bề bộn
Lính phục viên chưa thuần lại việc đồng
Thì có giấy báo ngày tái ngũ
“Binh xa hành”(21), Người viết
tiếp hay không?
Họ phải tới miền Tây Nam tổ quốc
Ở nơi đây, Khơ Me đỏ công thành
Vừa đánh Mỹ cùng nhau ngày trước
Giờ quay đầu, xả súng liên thanh!
Khơ Me đỏ nhờ ai làm cố vấn?
Căm Pu Chia máu chảy khắp ao đìa
Cả dân tộc chỉ còn non nửa
Cũng chết dần trong bóng áo đen kia!
Thời thế thế, quân Việt đành phải thế
Đi cứu mình, đi cứu đất Ăng Co
Anh nuốt vội liều ký ninh còn lại
Rồi cùng em sang xứ sông hồ!
Rồi một sớm, người Bắc tràn Ải Bắc
Nước Nam tôi thọ địch cả hai đầu!
Vọng Phu thạch thêm một lần hóa đá
Lòng trời sâu đâu sánh dạ người sâu!
Tiên sinh ạ! Cuối cùng thu xếp được
Quân hai bên về doanh trại hai nhà
Tưởng đã gác binh đao ngồi nói chuyện
Chợt một ngày, thảm sát ở Gạc Ma!
Những chiến sĩ công binh còn rất trẻ
Đang “kê cao tổ quốc” giữa trùng xa
“Bạn” nhiều súng hơn cả tàu cướp biển
Sáu mươi tư người, sóng đập máu son pha!
Sáu mươi tư anh hùng vùi thân trong lòng biển
Sáu mươi tư lá bùa phù hộ non sông
Hồn họ kết nên thành hô vách ứng
Suốt đêm ngày canh gác biển Đông!
Kẻ lấy đảo giờ đang đòi lấy biển
“Đạo” nước Người, hỏi còn được bao nhiêu?
Áo cộng sản lại thêu rồng phong kiến
Trông hành tung, nào khác với “Thiên triều”?
XVI
Tiên sinh ạ! Chuyện dài sao kể hết
Đọc thơ Đường, tôi mới học làm thơ
Cha anh tôi thường làm thơ giữ nước
Viết trường ca từ trẻ đến bây giờ!
Giờ con em vẽ “cái tôi” nhiều quá
Thơ “chuyên dùng” hộ quốc, đã lưa thưa!
Xin thay họ, thưa cùng tiên sinh vậy
Giặc vào đây, họ sẽ lại giương cờ
Cũng chẳng trách con em làm chi nữa
Lửa tắt rồi, bao bác bỏ xem thơ
Chỉ chú mục những gì mua bán được
Coi nhà thơ như những kẻ hồ đồ!
Tiên sinh ạ! Nhưng đâu mà chả thế?
Mấy ngàn năm khôn dại chất ngập bồ
Không thích nữa, lại than: “Nhiều điển cố!”
Đến bây giờ, thừa thịt thiếu xương chưa?
Tiên sinh ạ! Dẫu Người về cõi Thánh(22)
Hãy đôi khi để mắt thế gian này
Cho mặt đất, hoa về thay súng
Bên chén vàng, chỉ những tiếng thơ bay!
Hà Nội, tháng 6 - 2014
CHÚ THÍCH:
(1): Thơ Đỗ Phủ: “Lương hội bất phục cửu/Thử sinh hà thái lao/Cùng sầu
đãn hữu cốt/Quần đạo thượng như mao”.
(2): Cha ông ta gọi chung giặc phương Bắc là “giặc Hán” hoặc “giặc Ngô” (Kháng Minh
thắng lợi, Nguyễn Trãi vẫn viết “Bình Ngô đại cáo”...).
(3): Đời Hán, năm 43, Mã Viện chiếm nước ta, chôn cột đồng rồi thề: “Đồng
trụ chiết, Giao Chỉ triệt”, nghĩa là “Cột đồng này gãy đổ, Giao Chỉ
tuyệt diệt!”. Dân ta sợ cột đồng đổ, ai qua cũng bỏ một hòn đá vào chân
cột. Lâu ngày, cột ngập đâu mất.
(4): Bà Triệu đánh giặc Đông Ngô, hy sinh trên núi Tùng, Hậu Lộc, Thanh
Hóa. Lúc ấy, bà 23 tuổi (năm 248).
(5): Quân Ngô đánh nhau với Bà Triệu, rất sợ gặp bà, chúng bảo nhau: “Đối
diện Vương Bà nan - Hoành qua đương hổ dị”, tức là: “Đối mặt với Vương
Bà thì khó - Cầm ngang ngọn giáo đánh hổ dễ”.
(6): Trước khi khởi nghĩa, Lý Bí làm chức Giám quân ở Cửu Đức, Đức Châu
(Đức Thọ, Hà Tĩnh bây giờ).
(7): Năm 679, nhà Đường chiếm Triều Tiên, lập An Đông Đô hộ phủ;
chiếm Tây Tạng, lập An Tây Đô hộ phủ; chiếm Mông Cổ, Đột Quyết, Tân
Cương, lập An Bắc Đô hộ phủ; chiếm Việt, lập An Nam Đô hộ phủ.
Nước ta bị gọi là An Nam từ đó.
(8): Triều đình Trung Hoa giễu sứ Việt, đọc rằng: “Đồng trụ chí kim đài
dĩ lục”, nghĩa là: “Cột đồng (Mã Viện dựng) đến giờ, rêu đã mọc
xanh”. Giang Văn Minh bực lắm, bèn đối rằng: “Đằng Giang tự cổ huyết do
hồng”, nghĩa là: “Sông Bạch Đằng từ xưa, máu vẫn còn nhuốm đỏ”.
(9): Để tránh đối đầu, năm 972, Đinh Tiên Hoàng sai con cả là Đinh Liễn
mang lễ vật sang cống nạp nhà Tống. Từ đó, nước ta mới có lệ triều cống phương
Bắc.
(10): Thơ Lý Bạch, có nghĩa là: “Anh không thấy: Nước sông Hoàng Hà từ
trên trời xuống”.
(11): Năm 755, chạy giặc An Lộc Sơn, Đỗ Phủ gửi vợ con ở huyện Phụng Tiên.
Mùa thu năm ấy, khi ông về thăm được, thì đứa con trai nhỏ của ông vừa chết
đói! Thơ ông viết về việc này: “Vừa qua cửa đã rơi nước mắt/Ma đói vừa bắt
mất con ta/Thằng con bé bỏng nhất nhà/Vợ già than khóc, lòng ta rã rời/Ta làm
bố không ra phận bố/Để con mình chết khổ, chết oan/Đồng thu đã gặt quanh
làng/Có kẻ cơ hàn, bỏ đói vợ con”!
(12): Đời Hán ở Trung Hoa, vua Hán phải cống nàng Chiêu Quân tuyệt sắc cho
chúa Hung Nô để hưu chiến. Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái
Tông cũng phải cống An Tư công chúa cho Thoát Hoan để nghị hòa.
(13): Học trò hỏi: “Lúc giết người không để mắt thì như thế nào?”.
Trần Nhân Tông đáp: “Khắp toàn thân là đảm”.
(14): Học trò hỏi: “Như thế nào là Phật?”. Trần Nhân Tông đáp: “Như
cám nằm đáy cối”.
(15): Thơ Đỗ Phủ: “Yên đắc chú giáp tác nông khí/Nhất thốn hoang điền
ngưu nhất canh/Ngưu tận canh/Tàm diệc thành/Bất lao liệt sĩ lệ bàng đà/Nam cốc
nữ ti hành phục ca” (Tàm cốc hành), dịch ra là: “Ước gì đem giáo đem
gươm/Đúc thành cày cuốc, ruộng nương bời bời/Trâu cày hết đất cho người/Lúa
tươi tằm tốt, đời đời ấm no/Trai làm ruộng, gái quay tơ/Để bao liệt sĩ lệ khô
tháng ngày”.
(16): Trích
“Bình Ngô đại cáo”.
(17): Thời Đông Chu liệt quốc, Việt Vương Câu Tiễn bị bắt theo hầu Ngô
Vương Phù Sai, ngày ngày nằm giường gai, nếm mật đắng để không quên thù nước.
Hai năm sau thì được tha về.
(18): Năm 427, mùa đông, sau khi giặc Minh xin hàng, Lê Lợi cấp 500 chiến
thuyền để hai tướng Phương Chính, Mã Kỳ dẫn quân về nước theo đường biển; lại
cấp 2 vạn ngựa cho hai tướng Sơn Thọ, Hoàng Phúc đưa quân về nước bằng đường
bộ; nhằm giữ hòa hiếu sau này với Trung Hoa.
(19): “Hoàng Lê nhất thống chí” chép (về Lê Chiêu Thống): “Nước Nam từ
khi có vua, không có vua nào hèn đến thế”.
(20): Trích
“Bình Ngô đại cáo”.
(21): “Binh xa hành” là bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, nói về cảnh trưng
binh đời Đường.
(22): Đỗ Phủ
được người đời sau gọi là “Thánh thi”.
4 nhận xét:
Một bài thơ đầy cảm xúc. Thế hệ trẻ đọc bài này sẽ hiểu nhiều về lịch sử nước nhà.
Thế mới biết, tinh thông Hán học, Hán sử đầu cứ phải là thân TQ.Trần Đĩnh và Đỗ Trung Lai là vị dụ
Hoan hô BL5 đăng bài thơ cảm khái này đúng lúc, ngày mai 22-11(1-10ẬL)là ngày kỷ niệm võ công lẫy lừng của đức Ngô Quyền: Chiến Thầng Bạch Đằng 938.Trong bài thơ của Đỗ tiên sinh có nói đến câu của Mã Viện"đồng trụ đài dĩ lục" âu cũng để nhắc nhở đến câu mà đức Giang Văn Minh đã đổi bằng máu tim ngài giữa Bắc Triều: Đằng Giang Tự Cổ Huyết Do Hồng!
Và khi đinh ninh với tiền nhân 7 chữ vàng ấy, bản thân tôi chẳng thấy trái lòng khi ta coi Quế Lâm là quê hương thứ hai,khi ta dâng tình đầu thơ dại cho mấy chị em họ Mã.
Ban ND noi dung!
Biết thầy trò tôi gặp nhau ở nhà riêng nhân ngày 20-11 ,anh Đỗ Trung Lai đến tặng cuốn 100 tác giả Đường Thi rất công phu mới xuất bản để cùng hưởng cái không gian của tình Sư Đệ mà anh bảo bây giờ rất hiếm .Rượu lâng lâng anh đọc nhiều bài thơ của mình ,Bài thơ này anh đọc sau cùng .Giongj anh vang ấm có nhiệt huyết lại được " tẩm " dược tửu nên truyền cảm .Tôi đùa anh vì lối đối thoại "ăn gian" với bậc đại thi nhân đã khuất núi thì làm sao Đỗ Phủ trả lời được ! Một bài thơ tâm huyết đầy tình yêu Tổ Quốc .
Thanh Trần
Đăng nhận xét